Từng được mệnh danh là “Đảo thiên đường”, giờ đây nơi này lại ngập trong nợ nần và rác thải.
Quốc đảo biệt lập chỉ nhỏ ngang một ngôi làng
Ở Châu Đại Dương có một quốc gia đặc biệt với diện tích chỉ vỏn vẹn 21,1km2 - tương đương một ngôi làng nhỏ. Cũng vì vậy, nơi đây được coi là đảo quốc nhỏ nhất thế giới, dân số chỉ khoảng 13.000 người. Ở đây không có sông, chỉ có tuyến đường sắt dài 5km và 30km đường.
Trước kia, người dân ở hòn đảo này từng vô cùng giàu có nhưng giờ đây, họ lại phải sống trong cảnh nghèo khó, nợ nần, thậm chí khắp đảo đều tràn ngập rác thải.
Quốc đảo này là Cộng hòa Nauru, trước kia, nơi đây còn có tên gọi mỹ miều là “Đảo thiên đường”.
Tính đến nay, hòn đảo này vẫn rất khó tiếp cận nên không có nhiều khách du lịch ghé thăm. Vì vậy, đây là một trong những hòn đảo cô đơn nhất thế giới.
Từng một thời giàu sang nhờ “chất thải động vật”
Thuở xưa, người dân trên đảo chủ yếu mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá. Nhưng sau đó, khi người châu Âu đặt chân lên đảo, họ phát hiện ra tại Nauru rất giàu tài nguyên phosphat có trong “phân chim”. Người dân trên đảo cũng bắt đầu phất lên nhờ khai thác nguồn tài nguyên dồi dào này.
Trên đảo Nauru, lượng phân chim tích tụ nhiều năm và bao phủ 80% diện tích đảo, dày hơn 10 mét, chứa quặng phosphat cực kỳ khan hiếm. Bên cạnh đó, đây là một đảo san hô giàu canxi cacbonat. Dưới tác dụng của nhiệt độ cao và sự bào mòn của mưa, hai chất phản ứng hóa học tạo thành nhiều loại apatit khác nhau. Cùng với hàm lượng phốt pho cao trong phân chim, đá phosphat ở Nauru tương đối tinh khiết và có hàm lượng phốt pho rất cao.
Với người dân bản địa, “phân chim” được coi là “mỏ vàng” - thứ từng giúp họ một thời giàu hơn cả nước Mỹ. Người dân Nauru dựa vào các mỏ phốt phát để ngay lập tức vươn lên dẫn đầu danh sách những người giàu nhất thế giới. Không quá lời khi nói rằng số tiền Nauru kiếm được trong những năm 1980 là một kỷ lục mà hiếm có quốc gia nào trong thế kỷ 21 đạt được. Từng một thời, GDP bình quân đầu người ở Nauru đạt gần 40.000 USD.
Trong thời điểm thịnh vượng, Nauru là một “đảo thiên đường” đúng nghĩa khi cung cấp rất nhiều phúc lợi cho người dân như miễn phí giáo dục, chăm sóc y tế, sinh con và cả… thưởng thức bia.
Tuy nhiên, trữ lượng phosphat không phải là vô hạn. Kể từ những năm 1990, sản lượng khai thác đá phosphat ở Nauru giảm dần theo từng năm. Đến năm 2000, lượng xuất khẩu chỉ còn dưới 500.000 tấn, sau đó ngày càng ít đi.
Cú “ngã ngựa” khi khai thác tài nguyên không kiểm soát
Bên cạnh đó, việc khai thác quặng phosphat không được kiểm soát đã làm nhiễm mặn một lượng lớn diện tích đất, dẫn đến tình trạng khó trồng hoa màu. Dần dần, tình trạng thiếu hụt kinh phí, sụt giảm vốn đầu tư trở nên nghiêm trọng hơn.
Thói quen chi tiêu “bạt mạng” cũng gây ảnh hưởng xấu tới chất lượng đời sống của người Nauru. Việc chi tiêu không giới hạn trước đây vào việc ăn uống, mua xe sang, đầu tư vào tài chính, khách sạn và bất động sản khiến túi tiền của họ giờ đây trống rỗng.
Đài truyền hình ngừng hoạt động, máy bay bị bán, nhiều món hàng xa xỉ cũng được “thanh lý” vào tay người khác. Và quan trọng nhất, núi rác trên đảo từ lâu đã không có ai dọn dẹp vì chính phủ không thể trả lương cho người lao động.
Chưa kể, người Nauru còn gánh trên vai những món nợ nước ngoài “khổng lồ”. Vì vậy, bất kỳ phương thức nào có thể kiếm ra tiền cũng đều được họ áp dụng triệt để. Thậm chí khi không còn gì để bán, họ bắt đầu dựa vào danh nghĩa một quốc gia độc lập để bán hộ chiếu và danh tính nhằm giúp người khác trốn thuế ở nước ngoài và “rửa tiền”.
Theo Nguoiduatin