Cuộc đời người phụ nữ giấu nhân tình ngay trước mũi chồng suốt 10 năm trên gác xép

Câu chuyện thực sự ly kỳ về người phụ nữ lần lượt "cắm sừng" cho 4 người đàn ông, là nguồn cơn của vụ án gây chấn động nước Mỹ vào thập niên 20 của thế kỷ trước.

Nhân vật chính của chuyện tình tay ba có một không hai này là một cô gái người Đức tên Walburga "Dolly" Oesterreich, thường được nhắc đến với biệt danh Dolly.

Sinh ra vào năm 1880 tại Đức, Dolly sau đó nhập cảnh sang Mĩ từ khi còn rất trẻ, sống cuộc đời nhàm chán trong nghèo khổ tại các nông trại ở vùng Trung Tây, cho tới khi cô gặp Fred Oesterreich – một ông chủ vô cùng giàu có.

Fred sở hữu và điều hành một nhà máy sản xuất tạp dề rất thành công tại Milwaukee, Wisconsin. Họ yêu nhau và kết hôn không lâu sau đó.

Căn gác xép nơi Dolly giấu người tình.

Cuộc hôn nhân tưởng hạnh phúc và mối tình tay ba bất ngờ đến nực cười

Cặp vợ chồng luôn tỏ ra vô cùng hạnh phúc, nhưng ít ai biết rằng đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng đó là một diễn biến hoàn toàn khác. Fred luôn bận rộn với công việc, đặc biệt thích tụ tập với bạn bè, uống rất nhiều rượu và thường xuyên trở về nhà với bộ mặt nhăn nhó cáu kỉnh.

Cô gái trẻ chẳng có ngày nào cảm thấy hài lòng – từ đời sống thường ngày cho tới chuyện giường chiếu. Những trận cãi nhau nảy lửa – đôi khi là cả bạo lực khiến cho khoảng cách giữa họ cứ thế lớn dần. Hai người không có con, cuộc hôn nhân thì rạn nứt và không ai chịu cứu vãn nó.

Tưởng như mình sẽ tiếp tục sống như vậy đến hết đời, cả Fred và Dolly có lẽ đều không thể ngờ rằng ngày định mệnh đó sẽ tới. Mùa thu năm 1913, chiếc máy khâu tại nhà của Dolly bị hỏng. Bà yêu cầu Fred sửa nó, nhưng ông đã sai một nhân viên trẻ tuổi tới để làm thay việc đó. Người nhận được "vinh dự" là chàng trai trẻ Otto Sanhuber – khi đó mới 17 tuổi.

Otto Sanhuber – người tình đầu tiên.

Rất nhanh, hai người không thể cưỡng nổi sự hấp dẫn của đối phương và họ đã yêu nhau. Ban đầu, cặp tình nhân gặp nhau rất nhiều, khi thì ở khách sạn, khi thì ở nhà trọ, hoặc thậm chí là ngay chính trong mái ấm của Dolly mỗi lúc chồng bà đi vắng.

Trước sự tò mò và nghi ngại của hàng xóm, bà nói rằng Otto chỉ là một người em họ thôi – nhưng không một ai tin vào lời giải thích này. Lời ra tiếng vào khiến cho Dolly rất không hài lòng và để đáp lại, người phụ nữ này đã tạo nên một pha xử lí đi vào lịch sử: Đưa nhân tình... lên thẳng gác xép của căn nhà mà mình và chồng đang chung sống để bao nuôi luôn và gặp nhau cho tiện. Chẳng suy nghĩ quá lâu, Otto bỏ việc tại nhà máy, chuyển đến cùng nhà Dolly và kiếm sống bằng nghề viết tiểu thuyết.

Fred là một người có tài kinh doanh, nhưng không rõ vì sao sự tỉnh táo của ông trong câu chuyện này như bị thứ gì đó che lấp. Không ít lần ông cảm nhận được trong nhà có một ai khác, những chưa lần nào đi kiểm tra. Ngay cả khi bàn luận về việc chuyển nhà đến Los Angeles với vợ, Dolly chỉ đưa ra một yêu cầu duy nhất: căn nhà phải có gác mái, Fred vẫn chẳng tỏ ra nghi ngờ.

Fred Oesterreich – người đàn ông có chiếc sừng dài nhất.

Đến vụ án gây rúng động nước Mỹ thập niên 20

Mãi đến ngày 22/8/1922, sau hơn một thập kỉ, cuối cùng Otto mới lộ mặt, nhưng cùng với đó là nỗi cay đắng rất lớn cho ông chủ nhà. Nghe thấy người yêu và chồng cãi nhau lớn tiếng rồi bắt đầu ẩu đả, lo rằng sẽ có chuyện không hay xảy ra, ông ta vội chạy xuống và bắn chết Fred bằng hai khẩu súng lục.

Dolly lập tức chui vào tủ quần áo, nhờ Otto khóa lại từ bên ngoài và giấu hung khí cùng chiếc đồng hồ đắt tiền của chồng để tạo hiện trường giả. Hàng xóm và cảnh sát ập đến không lâu sau khi nghe thấy tiếng nổ súng.

Tuy bị nghi ngờ có liên quan đến tai nạn của Fred, Dolly vẫn được thả tự do sau vài ngày thẩm vấn vì không có đủ chứng cứ để kết tội. Vụ án mạng này sau đó được coi là vụ giết người cướp của. Tên trộm khi bị phát hiện kịp cuỗm mất một chiếc đồng hồ rồi bỏ trốn. Không chỉ thoát tội ngoạn mục, Dolly còn được thừa kế toàn bộ tài sản của chồng.

Dolly bán căn nhà cũ và tậu một nơi ở mới từ tiền của Fred. Những tưởng đôi tình nhân giờ đây có thể yêu đương thật tự do – vậy mà Otto vẫn... tiếp tục lên gác xép để sống. Chưa dừng lại ở đây, chi tiết tiếp theo còn đặc sắc hơn cả: Dolly đã thuê một luật sư tên Herman Shapiro để quản lí tiền bạc cho mình, sau đó yêu luôn ông này và còn tặng cho ông chiếc đồng hồ đính kim cương của người chồng quá cố năm xưa làm kỉ vật.

Đáng tiếc, Herman lại tiếp tục đi vào vết xe đổ của Fred, chìm đắm trong công việc và bỏ rơi Dolly. Nhưng cũng chẳng sao, vì Dolly chỉ cần yêu thêm một người nữa. Lần này, cái tên được chọn là Roy Klumb.

Chân dung Herman Shapiro.

Mỗi khi câu chuyện này được nhắc lại, người ta đều đoán chắc rằng Dolly có một sức hấp dẫn kì lạ nào đó, chính vì thế mới lừa được hết người này đến người khác như vậy. Hết Fred, Herman rồi lại tới Roy Klumb. Klumb cũng chính là người đã giúp cho ả đàn bà này tẩu tán một khẩu súng lục hung khí, khẩu còn lại do một người hàng xóm chôn giúp vườn nhà ông này khi được Dolly ngỏ lời nhờ vả!

Tuy nhiên, không bí ẩn nào mãi mãi là bí ẩn. Khi Dolly và hai tình nhân đường ai nấy đi, họ đã lần lượt đem hai tang vật tới tố cáo với cảnh sát. Sau cuộc chia tay đầu tiên, Roy đem khẩu súng đi trình báo và Dolly bị bắt giam.

Otto lúc này vẫn đang sống trên gác mái. Lo lắng rằng sẽ không ai chăm sóc cho tình nhân, bà ta nhờ Herman tới để đưa đồ ăn. Khi hai người đàn ông gặp mặt, Otto thú nhận mọi thứ với Herman rồi bay tới Canada để trốn. Còn về Dolly, bà ta vẫn được trả tự do – lại một lần nữa do thiếu bằng chứng.

Dolly khi bị bắt giữ năm 1915.

7 năm sau, mối tình duy nhất còn lại cũng chia tay với Dolly và ngay lập tức khai sạch mọi thứ cho cảnh sát – từ chuyện chiếc đồng hồ cho tới sự tồn tại của Otto. Câu chuyện giờ đây rất hợp lí, không điều gì ngăn cản được Otto và Dolly trả giá cho tội lỗi của mình, trừ một thứ không ai ngờ đến: pháp luật.

Thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự cho vụ án mạng đã chấm dứt, Otto chẳng phải nhận một hình phạt nào và được trả tự do. Ông ta rời Los Angeles, đổi tên và bắt đầu cuộc sống mới. Về phần Dolly, không ai rõ bằng cách nào – đã được tha bổng sau nhiều năm vụ án bị bỏ ngỏ. Bản cáo trạng bị hủy bỏ năm 1939 và thế là sau tất cả, bà ta vẫn là một công dân trong sáng.

Dolly và đội ngũ luật sư hùng hậu của mình.

Đọc tới đây, có lẽ bạn đã bắt đầu đoán xem cuộc đời của người phụ nữ này những năm sau đó sẽ ra sao rồi nhỉ? Chắc bà ấy sẽ tự tử hoặc sống một cuộc đời cô độc cho đến chết, hoặc một kết cục nào đó tương tự, một cái kết mà bà ta xứng đáng. Nhưng sai bét. Dolly tiếp tục cùng một người đàn ông tên Ray Hedrick yêu nhau hơn 30 năm. Hôn lễ của họ được cử hành mùng 5 tháng 4 năm 1961.

Đáng tiếc thay chỉ 3 ngày sau Dolly qua đời ở tuổi 81, để lại cho đời một huyền thoại mà mỗi khi ai nhắc đến cũng phải rùng mình: chỉ 5 người đàn ông nhưng lại tận 4 "cặp sừng".

Viethome (theo Helino)