7 quy tắc cúng dịp Tết nguyên đán với người Việt ở nước ngoài

Mến tặng bà con người Việt ở Ukraina, Nga, Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Australia và các châu lục.

Tết đến là sự kiện định kì hằng năm dành cho người phương đông nói chung và các nước có sử dụng lịch mặt trăng (âm lịch) nói riêng đều coi Tết Nguyên Đán là sự kiện tụ hợp nguồn vui của cả âm lẫn dương, tức Tết dành cho người sống thì đoàn tụ gặp mặt cùng các niềm vui chia sẻ thành quả lao động năm cũ và ao ước năm mới được phát huy tài vận mới, tiến bộ nhiều hơn về các mặt cuộc sống… đồng thời Tết cũng dành cho người đã khuất: Tổ tiên, ông bà cùng những người thân dưới âm có dịp “lại nhà” chứng kiến con cháu “ăn nên làm ra, dạy bảo lẽ phải, tích đức, tích phúc cho đời sau phát triển” để làm nguồn cho “người âm” tiếp tục có cơ hội phù độ sức khỏe và tài lộc cho cả gia quyến và dòng họ trên trần gian đạt toại nguyện như mong muốn.

Việc là thế, nhưng bấy lâu nay nghi lễ về Tết Nguyên Đán lại ít người Việt đang sinh sống ở nước ngoài nắm bắt được các nguyên tắc cúng và lễ (cúng là nghi, lễ là thức), không có nghi thức hợp thành thì không thể gọi là Tết, Tết không những đã tạo ra yếu tố linh thiêng của sự hòa hợp tâm linh trong khát vọng thể hiện hiếu đễ của con người đối với thần linh và tổ tiên, mà Tết còn chỉ dẫn cho các phép đếm, năm, mùa, tuổi của các hằng số hoa giáp chiêm đoán về con người, các việc giao tiếp chúc tụng may mắn, sở nguyện theo tâm được phát tác diệu dụng, tạm gọi tắt là “Văn hóa Tết Nguyên Đán”.

Theo để nghị của nhiều bạn đọc xa quê đang sống ở nước ngoài, chúng tôi viết bài này để các bạn tham khảo và thực hiện các nghi thức cúng, lễ ngày Tết theo thể “Có Nghi, có Thức” thì mới đạt điểm số ứng linh, chúng tôi tạm lược ra 7 yếu tố căn cứ từ nghi thức cúng lễ ngày tết truyền thống để bạn đọc tham khảo:

1. QUAN NIỆM VỀ THỜI GIAN VÀ KHÔNG GIAN THẦN LINH XỨ VIỆT HIỆU ỨNG KẾT NỐI VỚI THẦN LINH XỨ NGƯỜI

Hầu hết bà con người Việt đều tựu chung tinh thần hướng về Tết dân tộc, tức là hướng về tổ tiên và tín ngưỡng của mình để được bày tỏ niềm thành kính dâng nén hương thơm, kết tình hiếu thảo, vì thế người Việt Nam đều có ban thờ thần linh và tổ tiên với mưu cầu được ban phúc ban lộc. Bàn thờ được đặt nơi trang trọng nhất trong căn hộ của mình để tiến hành các nghi thức y tôn theo truyền thống tín ngưỡng Việt.

Nhiều bạn hỏi nơi xứ người đều khác về khí, trạch đất và thần linh, khác cả không gian và thời gian không trùng khớp với múi giờ Việt Nam, vì thế mà khác cả giờ Can, Chi (Tý, Sửu, Dần, Mão… và Giáp, Ất, Bính, Đinh…) thì theo nghi thức nào để cúng lễ cho ứng nghiệm đây?

Trả lời: Theo sách “Thọ Mai ra lễ”, “Kinh Dịch giải mã” và “Tử vi Tứ trụ”… thì có 2 quan niệm: Một là bạn đã dâng ban thờ theo truyền thống tín ngưỡng bản địa (tín ngưỡng Việt), thì đấy là bạn đã tuân thủ theo tín ngưỡng thần linh và tổ tiên Việt rồi, vì thế mọi tuân thủ, mọi nghi lễ bạn theo ngày âm lịch đều được Thần linh bản địa mở cửa cho Thần linh Việt hỗ trợ cho bạn để làm giỗ, tết, tuần, rằm… theo truyền thống VN. Nhưng do ngày, giờ khác nhau nên Khí trạch và năng lượng Tia đất cũng khác nhau theo hệ Can và Chi tính theo canh giờ 2 tiếng bằng 1 canh được gọi là các canh giờ Can, Chi được khởi canh Tí từ 23 giờ đến 01 giờ, Sửu từ 01 giờ đến 03 giờ, Dần từ 03 giờ đến 05 giờ…cứ thế mà suy cho hết vòng 12 canh giờ/ngày đêm/24 giờ vòng quay vật lý trái đất. Vì thế mà bạn phải mở sách “Bát trạch Minh cảnh” để xem giờ thuận lợi công việc ứng với giờ địa phương nơi mình đang sống để làm lễ mới đạt linh nghiệm của Khí và Tia đất vận hành. 

Các áp dụng chỉ khác khi bạn theo giờ của những ngày Tết Nguyên Đán cần tuân thủ múi giờ Việt Nam kể từ ngày 30 giao thừa năm cũ sang năm mới cho đến lúc…hết Tết (hóa vàng vào ngày 3 hoặc 4 Tết âm lịch). Hai là “Địa trạch đâu thì Thần linh đấy”, tức các Thần linh bản địa nơi bạn cư trú có toàn quyền theo dõi và phù ứng vận may tài lộc cho bạn. Việc này ít nhà nghiên cứu Việt gợi ý cho bạn có thêm cơ sở xúc tiến các “ngoại giao tâm linh theo hệ Can, Chi” dành cho ban thờ của bạn: Ví dụ: Ở đâu trên trái đất này cũng có Thần Thổ Công bản địa, Thần ấy là người bản xứ (Tây, Tàu, Phi, Mĩ) đang cai quản nơi bạn sống, vậy bạn hãy kêu Thần Thổ Công nơi quê hương mình (nơi địa chỉ có ban thờ gia tiên của gia đình gốc quê hương bạn), xin các Ngài cho kết nối giao dịch tâm linh với Thần Thổ Công bản xứ (tên Thần Thổ Công bản xứ chính là địa chỉ nơi bạn đang cư trú): Trích văn khấn sau khi ban thờ nhà bạn tại nơi cư trú đã bày lễ và lên hương: 

“Con kính lạy các vị Thần Linh Thổ công nơi Ban thờ của gia tiên chúng con tại Việt Nam là số nhà, phố…quận…tỉnh… hãy kêu xin cho tín chủ con tên là:….. được kết nối với các Thần Thổ công nơi chúng con cư trú tại chung cư (địa chỉ), ví dụ là địa chỉ: Làng Sen, thuộc đường… quận, thành phố Odessa, Ukraina được liên thông các thông tin dẫn dắt sở cầu, sở nguyện của chúng con được cầu các việc (kinh doanh, thi cử, kí kết hợp đồng, cưới hỏi, di chuyển, về nhà mới…giỗ, tết)…. Và sau lời kêu cầu này, kính xin các Ngài sẽ kết nối cho chúng con được thỏa nguyện dâng sớ, dâng lễ và kính bái các thần linh, tiền chủ, tín chủ được y theo tín ngưỡng Việt Nam”

Bạn hãy tin lời khấn này đã cho bạn được kết nối thông linh hệ thống thần linh bằng tiếng Việt và bạn chỉ viết vài lá sớ kêu cầu và nêu các sở nguyện của chính mình theo chu kì các nghi lễ nào đó có lợi cho hoàn cảnh và phát nguyện của mình (giấy viết sớ nên mua giấy màu vàng bằng khổ A 4 rồi viết các sở nguyện cần cầu vào tờ giấy vàng này là được, nếu bạn có khả năng vẽ hình như ngựa, cá chép, nhà, hình nhân nữ, nam…trên giấy màu vàng thay cho mã để dâng cúng cũng ứng nghiệm).

Bài viết này chỉ dành cho thời điểm các khóa lễ Tết Nguyên Đán tại ban thờ của bạn ở xứ người cũng nên lễ theo các giờ thiêng của Tết Việt Nam, vì cùng lúc đó các thần linh (hệ thống Thần Thánh trong Trời, Đất, Người (Thiên-Địa-Nhân) đã đồng hóa các liên kết Phúc, Thọ, Lộc, Tài ban phát cùng lúc cho mọi chúng sinh người Việt, gốc Việt (lai) ở bất cứ đâu trên hành tinh này) được hưởng các ứng nghiệm theo sở nguyện không khoảng cách không gian và thời gian đã được “đồng hóa linh diệu” trên toàn cầu ở thời điểm múi giờ VN (chú ý chỉ khắc giao thừa và thời gian của 3 ngày Tết là tụ giờ linh, không theo các phép độn quẻ hay tử vi với ngày đêm khác giờ nhau trên toàn cầu. Ví dụ : Nếu bạn sinh con ở Odessa lúc 12 giờ đêm thì phải tính lá số thời điểm đó con bạn sinh vào giờ Tí, đối chiếu giờ VN mùa hè cách 5 tiếng (Odessa), tức 3 canh là giờ Mão ắt sai vận khí của đêm và ngày tại Odessas, nếu tính lá số con bạn rơi vào giờ Mão (theo giờ VN) thì sẽ không nghiệm với bất cứ loại quẻ bấm nào.

2. NGUYÊN TẮC CHỈNH SỬA, BIỆN LỄ VÀ CÚNG GIAO THỪA

Trong gia đình người Việt thường có một bàn thờ thần linh và tổ tiên, tuỳ theo từng nhà có điều kiện lập các ban thờ riêng với quy hoạch các cung (phân gian hoặc tòa nhà), chật thì phân ban thờ trên, dưới hoặc các gian (thờ Phật, gian thờ Thần linh, gian thờ Gia tiên) với cách trang trí và sắp đặt cung và ban thờ khác nhau. Chúng tôi chỉ nói đến một loại Ban Thờ chung là Thần linh và Gia tiên – Thần linh là các vị Quan thiên đình cai quản năm, Thần thổ công và các Thánh khu vực… được thờ chung gọi là bát hương Thần linh. Còn thờ Gia tiên thì bạn biết càng có tổ tiên xa nhiều đời, nhiều vị có công với đất nước thì khấn danh hiệu các Ngài càng dài (theo gia phả) thì con cháu càng được ứng linh. Hai bát hương này cũng được gọi là “Bát hương công đồng Thần linh” và “Bát hương công đồng Gia tiên” – Nhân đây nói thêm, theo nguyên tắc này đối với người mới chết chỉ được lập bát hương riêng để thờ thời gian là 3 năm, khi hết đoạn tang thì bỏ bát hương ấy đi, sáp nhập: Vong nam là 7 chân hương, vong nữ là 9 chân hương vào “Bát hương Công đồng Gia tiên”, vì thế mà các vị Phật, Thánh, Thần, Tiên chỉ có 1 bát hương chung gọi là Công Đồng mà thôi, ta thử kiểm xem nếu mỗi vị thần, thánh, người được thờ 01 bát hương vĩnh viễn thì các di tích, nhà thờ sẽ không đủ chỗ dành cho bát hương và có thể phải đặt ra cả ngoài đường, ngoãi bãi mới hết danh số bát hương thờ người âm từ xưa đến nay, cho nên người xưa đã quy định tất cả hệ thống thờ nào đó đều có cái chung đều gọi là bát hương công đồng.

Biện lễ Giao thừa rất khoát phải có mâm ngũ quả phối 5 màu bởi các loại quả tượng trưng cho ngũ hành (tuỳ mỗi loại màu của quả đều có ý nghĩa riêng của nó như quả màu vàng bày đặt ở giữa, trắng ở phía tây, xanh ở phía đông, đỏ ở phía nam và tím, mận, sẫm đen ở phía bắc). Đồ cúng phải có 3 loại thịt gà, lợn hoặc cá để cung kính thần linh (lễ tam sinh ngày xưa có gà, thịt lợn, thịt bò hoặc dê), hai cây đèn tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, hương là tinh tú. Hai bát hương (một thờ thần linh, một thờ gia tiên) để trên, dưới thẳng hàng, phía sau 2 cây đèn thường có hai cành hoa cúc giấy, với nhiều bông nhỏ bao quanh bông lớn. Cũng có nhà cắm "cành vàng lá ngọc" (một thứ hàng mã) với cầu mong làm ăn được quả vàng, quả bạc, buôn bán lãi gấp 5 hoặc gấp 10 lần năm trước, lễ này mang ý nghĩa tưởng nhớ tổ tiên, nên hiểu ban thờ tại gia là thế giới thu nhỏ của thần linh và người đã khuất. Với các quy định trên, chúng ta không nhất thiết phải y trang như vậy, điều quan trọng là mọi đồ vật trên ban thờ có được bao sái (vệ sinh) sạch sẽ hay không? Nhưng bạn chớ thường ngày đụng đến bát hương bằng hình thức xê, dịch, nếu có lau chùi, tỉa chân hương thì phải tĩnh tâm làm không được lay động bát hương – người ta rất kiêng “Bát hương bị động”. Cả năm chỉ có 1 ngày bạn được động đến bát hương thoải mái lau, chùi, tỉa hoặc thay mới, đó là ngày 23 tháng Chạp âm lịch mà thôi.

Có nhiều cách bày lễ đan xen giữa đèn và hương, nếu đồ lễ có hai cây nến, hai cây đèn (tất cả những thứ có đôi) thì bày đối xứng, còn trục giữa là một cái đĩa lớn hoặc đĩa mâm bồng để đặt ngũ quả, còn gọi là mâm ngũ quả phía trước bát hương và cũng để một bát nước trong, coi như nước thiêng. Hai cây mía đặt ở hai bên bàn thờ là để các cụ chống gậy về với con cháu, dẫn linh hồn tổ tiên từ dưới âm hoặc thiên đình về hạ giới phù độ cho con cháu...

3. NGUYÊN TẮC BIỆN LỄ CÚNG GIAO THỪA NGOÀI TRỜI

Theo tục lệ cổ truyền thì Giao thừa được tổ chức nhằm đón các Thiên binh (12 vị quan Hành khiển nhà Trời). Lúc đó họ đi thị sát dưới hạ giới và bàn giao việc luân phiên cai quản trần gian theo vòng 12 vị trong 12 năm.Việc bàn giao của quan Hành Khiển Việt Vương cai quản năm Mậu Tuất sẽ sang Lưu Vương, cai quản năm Kỷ Hợi trong khắc Giao thừa nên họ rất vội không kịp vào trong nhà của từng gia đình trần gian, nên cách đón tiếp và dâng lễ cúng thường được đặt ở ngoài sân, trước cửa chính mỗi ngôi nhà, ở phố thì trước hè cửa, ở chung cư thì đặt mâm cúng tại ban công. Lễ này được cúng giữa khắc giao thừa (cũng là lễ cúng hết năm và chuyển vận may của gia đình sang năm mới). Lễ gồm 1 thủ lợn hoặc 1 con gà, hai bánh chưng, mứt kẹo, trầu cau, hoa quả, rượu nước và vàng mã gồm 2 bộ mũ, áo, hia, tiền vàng dành cho các quan, 1 bộ dâng Quan Hành Khiển năm cũ, một bộ dâng Quan Hành Khiển năm mới. Lễ cũng được coi là Lễ Trừ tịch (trừ kẻ vong lạ ngạ quỷ vào nhà), cũng còn là lễ "khu trừ ma quỷ", do nhờ các Quan Hành Khiển thừa lệnh Ngọc Hoàng Thượng Đế tập hợp ma vong, ngạ quỷ đưa về âm giới quản thúc. Đây là một trong các lý giải quan trọng của Lễ Giao Thừa, vì trách nhiệm của Trời Đất là làm “sạch” các giới ma chướng để giữ bình an cho 3 ngày Tết của chúng sinh được vô sự.

Văn Khấn Giao Thừa Ngoài Trời:

- Nam mô A-di-đà Phật (3 lần, 5 lạy)

- Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương

- Nam mô Ngọc Hoàng Thượng Đế Vô Cực Đại Thiên Tôn

- Nam mô Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật

- Nam mô Đông Phương Giáo Chủ Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật

- Nam mô Đức Bồ-tát Quán Thế Âm cứu nạn cứu khổ chúng sinh

- Nam mô Đức Việt Vương Hành khiển, Thiên Bá hành binh chi thần, Thành Tào phán quan năm cũ Mậu Tuất đã tác phúc, trừ tịch cho gia đình chúng con trong năm cũ.

- Nam mô Đức Lưu Vương Hành khiển, Ngũ Ôn hành binh chi thần, Nguyễn Tào phán quan kế nhiệm cai quản năm nay Kỷ Hợi tiếp tục tác phúc, trừ tịch cho thổ trạch âm và độ ấm dương phúc cho gia đình chúng con.

- Con kính lạy các Ngài Hoàng Thiên, Hậu Thổ, Long Mạch, Táo Phủ Thần Quân, chư vị tôn thần cùng các cụ tổ tiên nội ngoại chư vị tiên linh họ (đọc danh hai họ nội, ngoại) của gia tộc chúng con.

Nay phút Giao thừa năm cũ Mậu Tuất đã đi, năm mới Kỷ Hợi đã đến.

Tín chủ chúng con là:....................................

Sinh năm:......................................................

Hành canh:..........tuổi (ví dụ: Mậu Tuất 62 tuổi)

(Địa chỉ ở nước ngoài): Ngụ tại số nhà..........., khu phố........., xã/phường............., quận/huyện/thành phố ..................., tỉnh/thành phố.....................

Kính xin các Ngài chắp nối thần linh nơi quê hương bản quán chúng con được Trời Phật và các đấng Thần linh đang phù hộ hồng phúc gia đình và dòng họ chúng con tại (địa chỉ, nơi có ban thờ thần linh và gia tiên) là:..............

Kính xin được Thần linh kết nối thông linh trong phút Giao thừa vừa điểm, nay theo vận luật, tống cựu nghênh tân, giờ Tý đầu xuân khởi sắc, đón mừng Nguyên Đán, tín chủ chúng con thành tâm, tu biện hương hoa phẩm vật, nghi lễ cung thần, dâng lên trước án, cúng Dàng Phật-Thánh-Thần-Tiên, đồng nguyện đốt nén tâm hương, dốc lòng bái thỉnh từ Ngọc Hoàng Thượng Đế, đến các quan Thiên-Địa-Nhân cùng về đây nhận sự thành tâm của chúng con, đồng phối hưởng hương hoa, phẩm vật đàn lễ để phù độ sức khỏe, tài lộc và nhân sinh mở rộng phúc đức cho chúng con được cả năm bình an vô sự.

Tín chủ chúng con lại kính mời các vị vong linh tiền chủ, hậu chủ, y thảo phụ mộc ở trong đất này, nhân tiết giao thừa, giáng lâm trước án, chiêm ngưỡng tân xuân, thụ hưởng lễ vật.

Nguyện cho tín chủ, minh niên khang thái, vạn sự cát tường, bốn mùa được bình an, gia đạo hưng tài xanh lộc đón dài thịnh vượng.

Tâm thành cầu nguyện, lễ bạc tiến dâng, cúi xin chứng giám.

Nam mô A-di-đà Phật ( đọc 3 lần và 5 lạy)

(Chú ý khi hạ lễ thụ lộc cũng đọc lại bài khấn này lần nữa).

4. NGUYÊN TẮC CÚNG GIAO THỪA TRONG NHÀ

Sau lễ cúng Giao Thừa ngoài sân, làm ngay Lễ cúng Giao Thừa trong nhà là lễ cúng tổ tiên vào chính thời khắc Giao Thừa đang diễn biến, Lễ này nhằm kính mời Tổ tiên về hưởng tâm linh, tình cảm của con cháu để phù hộ độ trì cho gia đình mình được hưởng những điều tốt lành trong năm mới vừa chuyển sang. Mâm lễ bao gồm các món ăn mặn ngày Tết được chế biến tinh khiết, trang nghiêm, bao gồm:

Cỗ mặn: Bánh chưng; Giò - chả; Xôi gấc; Thịt gà; Xôi đậu xanh; Các món ăn mặn khác tùy theo ý thức, điều kiện của gia đình (cách bày biện theo truyền thống).

Cỗ ngọt và chay: Hương, hoa, đèn nến; Bánh kẹo; Mứt Tết; Rượu/bia và các loại đồ uống khác.

Khi cúng Giao thừa trong nhà, tất cả các thành viên trong gia đình đứng trang nghiêm trước bàn thờ, khấn tổ tiên để xin được các cụ phù hộ độ trì cho cả năm mới được an khang thịnh vượng, sức khỏe tươi tốt. Nếu khấn Tổ tiên về ăn Tết mà đọc được danh sách các vị tiền nhân về phù hộ con cháu đương thời hiện diện thì quả phúc đức và tài lộc mở mang rất tốt. 

Sau đây là bài Văn khấn tại Ban thờ trong nhà:

Văn khấn Giao thừa trong nhà sau Lễ ngoài sân

- Nam mô A-di-đà Phật (3 lần, 5 lạy)

- Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương

- Nam mô Ngọc Hoàng Thượng Đế Vô Cực Đại Thiên Tôn

- Nam mô Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật

- Nam mô Đông Phương Giáo Chủ Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật

- Nam mô Đức Bồ-tát Quán Thế Âm cứu nạn cứu khổ chúng sinh

- Nam mô Đức Việt Vương Hành khiển, Thiên Bá hành binh chi thần, Thành Tào phán quan năm cũ Mậu Tuất đã tác phúc, trừ tịch cho gia đình chúng con trong năm cũ.

- Nam mô Đức Lưu Vương Hành khiển, Ngũ Ôn hành binh chi thần, Nguyễn Tào phán quan kế nhiệm cai quản năm nay Kỷ Hợi tiếp tục tác phúc, trừ tịch cho thổ trạch âm và độ ấm dương phúc cho gia đình chúng con.

- Con kính lạy các Ngài Hoàng Thiên, Hậu Thổ, Long Mạch, Táo Phủ Thần Quân, chư vị tôn thần cùng các cụ tổ tiên nội ngoại chư vị tiên linh họ (đọc danh hai họ nội, ngoại) của gia tộc chúng con.

Nay phút Giao thừa năm cũ Mậu Tuất đã đi, năm mới Kỷ Hợi đã đến.

Tín chủ chúng con là: ....................................

Sinh năm: ......................................................

Hành canh: ..........tuổi (ví dụ: Mậu Tuất 62 tuổi)

(Địa chỉ ở nước ngoài): Ngụ tại số nhà..........., khu phố............, xã/phường..........., quận/huyện/thành phố......

Kính xin các Ngài chắp nối thần linh nơi quê hương bản quán chúng con được Trời Phật và các đấng Thần linh đang phù hộ hồng phúc gia đình và dòng họ chúng con tại (địa chỉ, nơi có ban thờ thần linh và gia tiên) là:..............................

Kính xin được Thần linh kết nối thông linh trong phút Giao thừa vừa điểm, nay theo vận luật, tống cựu nghênh tân, giờ Tý đầu xuân khởi sắc, đón mừng Nguyên Đán.

Tín chủ chúng con thành tâm kính cẩn xin các Ngài Thần Linh cả Ba cõi giới độ trì và ban lệnh giáng ứng cho tổ tiên hai họ nội, ngoại nhà chúng con là (ghi danh 2 họ).......................

Từ cụ Thủy tổ, các đấng viễn tổ cả hai bên nội, ngoại nhà chúng con dù ở cảnh giới nào cũng được về đây vui hưởng cùng con cháu trong ba ngày tết với tinh thần vị tha, khoan dung, độ trì đoàn kết, oán trách bỏ qua, giận dỗi chẳng xét, một lòng hiệu ứng phù cho sức khỏe, tài lộc để con cháu được nhân rộng phúc thiện, tránh khỏi nghiệp chướng, đồng tác nguyện học tập đạo đức, xây quả thảo hiền và mong sao hậu duệ càng ngày càng phúc quả bền vững…

Chúng con lại kính mời các vị vong linh tiền chủ, hậu chủ, y thảo phụ mộc ở trong đất này, nhân tiết giao thừa, giáng lâm trước án, chiêm ngưỡng tân xuân, thụ hưởng lễ vật cùng tổ tiên chúng con cho Tết được thênh thang, tình được ấm cúng, phúc cao một trượng, đức rộng đường xa, chân tâm kính ái tổ tông toại phúc vô thường.

Tâm thành cầu nguyện, lễ bạc tiến dâng, cúi xin Thần linh và Tổ tiên chứng giám.

Nam mô A-di-đà Phật ( đọc 3 lần 5 lạy)

(Chú ý khi hạ lễ thụ lộc cũng đọc lại bài khấn này lần nữa).

5. NGUYÊN TẮC GIỮ LỄ VÀ LÀM LỄ SÁNG MỒNG MỘT TẾT

Theo phong tục truyền thống của người Việt, sau lễ cúng đêm giao thừa, sáng ngày hôm sau các gia đình thường làm mâm cúng thần linh và tổ tiên vào ngày mùng 1 Tết. Tết Nguyên Đán thường tổ chức 4 ngày và lễ cúng gia tiên cũng được trình tự cúng trong 4 ngày với những ý nghĩa khác nhau. Sáng mùng 1 Tết là cúng Nguyên Đán, nghĩa là cúng sáng sớm của một ngày đầu năm mới. Ngày này, tính văn hóa trong sinh hoạt và giao tiếp của các thành viên trong gia đình được đề cao, người ta kiêng nói tục, nói bậy, gây sự căng thẳng trong nhà. Mọi cử chỉ và lời nói trong ngày mồng Một Tết của toàn gia đình đều “nắn nót” qua lễ nghi tôn kính thần linh và tổ tiên đang về ngự trong nhà mình như các vị khách quý, các thành viên trong nhà phải luôn luôn trân trọng. Mọi sinh hoạt chúc tụng, mời chào và ứng xử lành mạnh, vui vẻ, cảm thông hơn ngày thường rất nhiều bởi nếu vi phạm thì “khách” sẽ buồn, hiệu ứng cả năm trong nhà sẽ buồn thêm. Ngày này, người trong nhà cần tránh các lao động như quét nhà là quét tài lộc ra khỏi túi, làm vỡ đồ dùng, không cho lửa cho nước người ngoài đến xin đầu năm, không động đến kéo cắt và kim chỉ, không giặt quần áo trong 3 ngày tết, không mặc quần áo hai màu trắng đen, không ăn cháo buổi sáng, không ngủ ngày, không đóng cửa nhà, không nói lời xui xẻo và cãi vã đôi co, không ăn các loại như: thịt vịt, thịt chó, cá mè, mực, ốc,… vì theo quan niệm dân gian, những món ăn này sẽ mang tới điềm xấu. 

Biện lễ cúng sáng mồng 1 Tết bắt buộc phải có bánh chưng, cơm gạo thơm, canh măng, giò, chả, nem rán, xôi, chè, rượu, trà, thuốc lá… nói chung là các món ăn truyền thống dân tộc được con cháu thành tâm dâng cúng. 

Bài văn khấn Thần linh và Gia tiên ngày mùng 1 Tết

- Nam mô A-di-đà Phật (3 lần)

- Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương

- Nam mô Ngọc Hoàng Thượng Đế Vô Cực Đại Thiên Tôn

- Nam mô Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật

- Nam mô Đông Phương Giáo Chủ Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật

- Nam mô Đức Bồ-tát Quán Thế Âm cứu nạn cứu khổ chúng sinh

- Nam mô Đức Lưu Vương Hành khiển, Ngũ Ôn hành binh chi thần, Nguyễn Tào phán quan kế nhiệm cai quản năm nay Kỷ Hợi tiếp tục tác phúc, trừ tịch cho thổ trạch âm và độ ấm dương phúc cho gia đình chúng con.

- Con kính lạy các Ngài Hoàng Thiên, Hậu Thổ, Long Mạch, Táo Phủ Thần Quân, chư vị tôn thần cùng các cụ tổ tiên nội, ngoại chư vị tiên linh họ tộc nhà chúng con là: (đọc danh hai họ nội, ngoại)..................................................

Hôm nay là ngày mồng 1 tháng Giêng, là ngày Tết Nguyên Đán đầu xuân, hung nghiệt đã được thiên khí tiêu tan, gió đông lạnh lẽo đã được giải trừ, xuân thiên đón mừng Nguyên Đán, mưa móc thấm nhuần đất Mẹ bao la, muôn vật tưng bừng đổi mới.

Tín chủ con tên là:.......................................................................

Ngụ tại (địa chỉ nơi cứ trú ở nước ngoài):........................................

Nhân tiết minh niên sắm sửa hương hoa, cơm canh lễ vật bày ra trước án, dâng cúng Thiên Địa Tôn Thần và kính xin các thần linh tại đây kết nối chân linh cho các vị thần linh VN và gia tiên nhà chúng con tại địa chỉ: (quê nhà):...............

Thiết nghĩ tôn thần hào khí sáng lòa, ân đức rộng lớn. Ngôi cao vạn trượng uy nghi, vị chính mười phương biến hiện. Lòng thành vừa khởi, tôn đức cảm thông.

Cho nên âm dương vận hành tới tuần Nguyên Đán, mồng Một đầu xuân, mưa móc thấm nhuần, đón mừng năm mới. Vậy kính xin các Thần linh cho phép chúng con được đón rước tổ tiên của chúng con về đây phối hưởng hương, hoa, lễ vật, để chúng con được  tưởng niệm ân đức Tổ tiên như trời cao biển rộng, khôn đem tấc cỏ báo đáp ba xuân. Do đó, chúng con cùng toàn thể con cháu trong nhà sửa sang lễ vật, oản quả hương hoa kính dâng trước án.

Con lại kính mời, các cụ tiên linh Thủy tổ, Viễn tổ cho đến Cao tằng Tổ khảo, Cao tằng Tổ tỷ, Bá thúc đệ huynh, Cô di tỷ muội, nội tộc, ngoại tộc, chư vị hương linh, cúi xin giáng phó linh sàng hâm hưởng lễ vật. Tín chủ lại kính mời các vị vong linh tiền chủ, hậu chủ, y thảo thụ mộc ở trong đất này, nhân tiết giao thừa, giáng lâm trước án, chiêm ngưỡng tân xuân, thụ hưởng lễ vật.

Nguyện cho chúng con, tân niên khang thái, ngày đêm tốt lành, thời thời được chữ bình an, gia đạo hưng long, thịnh vượng.

Giải tấm lòng thành cúi xin chứng giám.

Phục duy cẩn cáo! – Vái 5 lần.

(Chú ý khi hạ lễ thụ lộc cũng đọc lại bài khấn này lần nữa).

Nguyên tắc trong 3 ngày Tết, bạn buộc phải thay các đồ cúng mới là đồ mặn trong ngày phải hạ hết sau 3 tuần hương vào buổi trưa và cả gia đình hoặc khách sẽ thụ lộc một bữa ăn đầu năm đoàn kết và vui vẻ. Buổi chiều chỉ dâng lễ cơm canh, bánh chưng…tùy theo điều kiện vật chất dâng cúng. Các lễ buổi chiều cũng phải đọc bài khấn, rồi đủ 3 tuần hương lại xin hạ lễ liên hoan con cháu.

Cả 3 ngày Tết (có nơi làm 2 ngày thì xin làm lễ hóa vàng – tức lễ tiễn thần linh và tổ tiên “đâu lại về đấy”) bạn bày lễ theo nghi thức “bữa ăn” để mời thần linh và tổ tiên, tất nhiên bạn đọc bài khấn như mồng 1 (chỉ thay đổi ngày) mỗi lễ cúng đọc văn khấn hai lần trước và sau lễ hạ.

6. LỄ TIỄN THẦN LINH, TỔ TIÊN VÀ HÓA VÀNG

Lễ hoá vàng tiễn Thần linh và Tổ tiên là một trong những lễ nghi quan trọng kết thúc 3 ngày Tết để sang mồng 4 mới tiễn và hóa vàng (theo nghi thức truyền thống). Lễ tiễn bao gồm những lễ vật, mâm cỗ thịnh soạn hơn, vàng mã theo tâm thành của tín chủ đã dâng trong 3 ngày Tết được kết thúc bằng lễ hoá vàng (còn gọi là lễ tạ năm mới).

Bài văn khấn tiễn Thần linh và Gia tiên ngày hóa vàng mã

Nam mô A-di-đà Phật (3 lần, 5 lạy)

Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương

Con kính lạy Hoàng Thiên, Hậu Thổ, Long Mạch, Táo Quân, chư vị tôn thần

Con kính lạy Hoàng thiên Hậu thổ. Chư vị Tôn thần

Con kính lạy Ngài Đương niên Lưu Vương Hành khiển, Ngũ Ôn hành binh chi thần, Nguyễn Tào phán quan cùng các ngài Bản cảnh Thành Hoàng, các ngài Thổ địa, Táo quân, Long mạch Tôn thần.

Hôm nay ngày... tháng... năm... (âm lịch)

Tại địa chỉ: Khu........, đường phố........, Bang........, tỉnh......., quốc gia...... (ở nước ngoài thì theo địa chỉ nơi sinh sống).

Tín chủ con tên là:...............................cùng toàn gia kính bái.

Nay nhân ngày lễ tạ Tết Nguyên Đán, thỉnh lộc mùa xuân.

Chúng con kính cẩn sắm một lễ gồm.................................................

Gọi là lễ mọn lòng thành, kính dâng lên: Các chư Phật, Thánh, Thần, Tiên cùng các vị thần bản xứ và các quan thần linh Thiên-Địa-Nhân và các Ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ thần quân, bản gia tiên sư, bản viên thổ công, liệt vị tôn thần...tại Việt Nam

Trước linh vị của các bậc gia tiên: Con kính lạy các vị tổ bá, tổ thúc, tổ cô, cùng các vong linh phụng thờ theo tiên tổ. Các cụ nội, ngoại tiên linh họ.................. (đọc họ nội, ngoại của mình).

Kính cẩn thưa rằng:

Tiệc xuân đã mãn

Lễ tạ kính trình

Rước tiễn tiên linh

Lại về âm giới

Buổi đầu năm mới

Toàn gia mong đợi

Lưu phúc lưu ân

Kính cáo tôn thần

Phù trì phù hộ

Dương cơ âm mộ

Mọi chỗ tốt lành

Con cháu an ninh

Vận hành khang thái.

Cẩn cáo!

Nam mô A-di-đà Phật (3 lần, 5 lạy)

Trên đây chỉ là những tóm lược các nghi thức lễ trong dịp tết tuy chưa đầy đủ nhưng không thể tóm tắt ngắn hơn. Bạn đọc có thể vận dụng thêm theo nghi thức truyền thống và có thể bạn muốn hỏi rộng về việc này, chúng tôi sẽ lĩnh hội và có câu trả lời, giải thích cho năm sau. Chúc bạn năm mới vui vẻ và hạnh phúc.

Họa sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa tâm linh: Trịnh Yên

Viethome (theo Người Việt Odessa)