Cái chết của Stephen Lawrence: Vụ án gây hổ thẹn cho cảnh sát Anh

Nước Anh, tháng 4/1993 trên đường Well Hall, Eltham thuộc phía nam London. Stephen Lawrence - 18 tuổi, một cậu học sinh loại A đã bị sát hại một cách dã man bởi một nhóm thanh niên da trắng phân biệt chủng tộc. Cái chết oan ức đã không được làm sáng tỏ trong suốt 18 năm và có lúc đã phải khép lại một cách không minh bạch biến vụ án trở thành một điểm đen đáng hổ thẹn trong lịch sử hiện đại của lực lượng cảnh sát Anh.

Tuy nhiên, tội ác cuối cùng cũng bị vạch trần trước ánh sáng công lý vào ngày 3/1/2012, khi Tòa án hình sự Anh đã thu thập đủ mọi chứng cứ để khép Gary Dobson và David Norris vào tội danh giết người, giành lại công lý cho gia đình Lawrence.

 stephen 1
Chân dung Stephen Lawrence. Ở Anh có một ngày kỷ niệm gọi là Stephen Lawrence Day.

Những tội phạm tuổi vị thành niên

Khi án mạng xảy ra, Gary Dobson, 17 tuổi và David Norris mới 16 tuổi chỉ bị tuyên mức án nhẹ hơn so với tội ác nếu vi phạm ở tuổi trưởng thành do cả hai vẫn đang ở độ tuổi vị thành niên. Tuy nhiên, yếu tố phân biệt chủng tộc của vụ án khiến chúng vẫn nằm trong danh sách bị kiểm soát của tòa án.

Cảnh sát cho biết, hai kẻ phạm tội đã rất cứng đầu không chịu khai những tên còn lại trong nhóm tham gia tấn công Stephen Lawrence. Ít nhất 5 người đã có mặt trong vụ xô xát. Sau án mạng, tờ Daily Mail đã cho đăng tải hình ảnh của 5 tên giết người lên trang nhất dưới tựa đề "Những kẻ sát nhân", cùng với lời thách thức tờ báo sẵn sàng ra hầu tòa nếu đó là sai lầm.

 stephen 1
Tờ DailyMail đăng ảnh 5 kẻ tình nghi. 

5 kẻ này là: David Norris, Jamie Acourt, Gary Dobson, Neil Acourt và Luke Knight. Stephen Lawrence đã bị đâm hai nhát và tử vong sau khi cậu cùng người bạn thân Duwayne Brooks bị tấn công bởi nhóm người này.

Lúc đó là 22h30 ngày 22/4/1993 khi Stephen và Duwayne đang đợi xe bus về nhà. Cả Dobson và Norris đã bị liệt vào danh sách tình nghi trong vòng 48 giờ khi án mạng xảy ra. Tuy nhiên cả hai đã tìm cách trì hoãn phiên tòa rất nhiều lần để được tiếp tục nghênh ngang trên đường phố Eltham.

Cuộc điều tra đã mắc phải rất nhiều tranh cãi, bế tắc và cáo buộc về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và hối lộ. Người ta cho rằng bố của Norris đã có "sự quan tâm đặc biệt" đến một người trong lực lượng cảnh sát Anh để con trai ông ta được yên thân.

Gia đình Lawrence đã tiêu tốn rất nhiều tiền trong hành trình đòi lại công lý cho con trai mình nhưng sự chậm chạp của cảnh sát London đã khiến người ta nghi ngờ rằng cảnh sát London cũng có thái độ "phân biệt chủng tộc". Ngay cả vụ truy tố cá nhân do gia đình của Lawrence tiến hành chống lại 5 nghi can chính cũng không thành công. Dư luận có lúc đã gọi đây là thái độ "phân biệt chủng tộc theo hệ thống" của cảnh sát London và cho rằng họ quá kém cỏi trong tiến trình điều tra.

stephen 5
Luke Knight, David Norris, Neil và Jamie Acourt bị ném trứng sau khi lấy tờ khai ở sở cảnh sát.

Ám ảnh kinh hoàng cản trở tiến trình điều tra

Bị chấn động tâm lý sau vụ giết người, bạn thân của Stephen, Duwayne Brooks tuy sống sót nhưng cũng phải trải qua quãng thời gian khủng khiếp sau khi tận mắt chứng kiến bạn thân của mình bị giết hại. Hiện tại Duwayne đang làm việc trong lĩnh vực chính trị ở London. Duwayne đã được chẩn đoán mắc hội chứng chấn động tâm lý sau biến cố. Điều này đã tạo ra một rào cản lớn khi Duwayne không dám nhớ lại và nhận diện những kẻ sát nhân cũng như không thể cung cấp những bằng chứng mang tính quyết định cho bên điều tra.

Trong cuốn sách "Stephen và tôi" xuất bản năm 2003 của Duwayne, anh miêu tả cái chết của Stephen đã ảnh hưởng sâu sắc đến anh như thế nào. Anh vẫn không thể đối diện với cách họ lấy đi mạng sống của Stephen. Nó giống như cách người ta hành hình những nô lệ da đen ở các thế kỷ trước. Duwayne từng vẽ một bức tranh về chính mình, một người thanh niên trẻ, sợ hãi, không thể nhận diện những kẻ giết người và sự hợp tác nhạt nhòa với cảnh sát đã giày vò tâm trí anh ta.

Duwayne đã viết "Những rối loạn sau vụ án dường như giết chết tôi, nó khiến tôi nói những điều mà tôi biết là không đúng". Đây cũng chính là quãng thời gian mà mối quan hệ của anh với gia đình Lawrence gặp trục trặc.

Trong quá trình chất vấn và lấy lời khai, Duwayne xuất hiện với bộ dạng mệt mỏi, lo lắng và nhiều khi tự mình mâu thuẫn với chính lời khai của mình. Duwayne muốn chôn chặt tất cả. Anh cảm thấy không chịu nổi bởi những phiền phức từ phía cảnh sát. Các tình tiết trở nên bế tắc, thông tin về vụ án ngày càng chìm xuống.

Trong cuốn sách của mình, anh cũng đã viết về giai đoạn mà anh tìm lại được ý nghĩa của cuộc sống. Duwayne đã tìm đến những hội từ thiện ở London để giúp đỡ mọi người, quản lý các khu an dưỡng và đội bóng đá Clapton. Năm 2009, anh trở thành người cố vấn ở Hội đồng tư vấn việc làm Lewisham. Từ đó, Duwayne thực hiện các dự án bảo vệ cộng đồng, ngăn chặn bạo lực giữa các băng nhóm đường phố.

Tháng 11/2011, tại tòa án hình sự Anh ở Old Bailey, Duwayne dũng cảm đứng trên bục với tư cách là nhân chứng để kể trước tòa về chuyện đã xảy ra. Duwayne đã giữ một tâm lý rất vững vàng trước các câu hỏi của tòa án nhưng khi anh miêu tả lại tư thế nằm của Stephen, ướt sũng trong vũng máu trong khi hai tên giết người bỏ trốn, anh đã khóc nức nở trên bục nhân chứng và phải rất cố gắng mới lấy lại được bình tĩnh. Luật sư Mark Ellison ngỏ ý diễn tả lại chi tiết lời khai nhưng Duwayne xua tay và nói anh muốn tự mình nói chuyện gì đã xảy ra.

Bằng chứng thép tuyên án hai kẻ sát nhân

Phát hiện tưởng như khó xảy ra nhất sau 14 năm đã mở ra hy vọng giành lại công lý cho gia đình Lawrence. Các chuyên gia pháp y đã phát hiện tóc, máu và sợi vải quần áo của Stephen dính trên quần áo của hai bị cáo.

Dựa vào bằng chứng mang tính quyết định này, tòa phúc thẩm đã bác bỏ tuyên bố trắng án đối với Gary Dobson và công nhận rằng hắn ta cùng với David Norris đã có chủ ý sát hại Stephen Lawrence. Dựa vào lời khai của nhân chứng và manh mối trong các vụ điều tra trước đó, cảnh sát đã tái dựng hiện trường một lần nữa.

Tội ác của Dobson, một kẻ buôn ma túy và Norris, con trai của một tên găngxtơ đã bị vạch trần. Trong nhiều tuần, các phản biện đưa lên bồi thẩm đoàn cho rằng, quá trình điều tra đã xuất hiện một vài sơ hở và phương pháp lạc hậu trong việc thu thập và lưu trữ bằng chứng ở thập niên 90 có thể làm sai lệch sự thực.

Chuyên gia pháp y đã sử dụng phương pháp tiên tiến nhất lúc bấy giờ để tìm kiếm ADN của Stephen ngay sau khi cậu bị sát hại nhưng vì cuộc tấn công diễn ra quá nhanh chóng và bởi vì có rất ít vết máu ban đầu dính trên người hung thủ nên họ nghĩ rằng cơ hội tìm thấy ADN của nạn nhân trên hai kẻ tình nghi là rất khó.

Tiến trình của cuộc điều tra tưởng như chìm vào bế tắc, chứng cứ đã được gửi đến LGC - cơ quan giám định pháp y cho các vụ án phức tạp nhưng cũng không hé lộ được điều gì. Mãi đến năm 2006, với tiến bộ của công nghệ giám định pháp y, trong lúc kiểm tra lại mẫu băng dính lấy sợi vải bám trên áo khoác của Stephen, các chuyên gia đã tìm thấy sợi của chiếc áo sơ mi cậu mặc bên trong. Vì Stephen mặc chiếc áo này bên trong áo khoác nên không ai nghĩ rằng chúng vẫn ở lại trên đó lâu như vậy.

Tương tự, các chuyên gia cũng kiểm tra lại với mẫu băng dính sợi vải trên áo khoác của Dobson và Norris. Kết quả cho thấy, sợi vải áo của hai bị cáo có xuất hiện sợi vải áo của Stephen. Lần kiểm tra lại này còn phát hiện thêm hai sợi tóc rất nhỏ trên chiếc quần jeans mà Norris đã mặc hôm xảy ra án mạng. Một trong hai sợi mang ADN trùng với ADN của Stephen, sợi kia là ADN của mẹ hắn ta. Thêm vào đó, vết máu khô rơi ra từ túi đựng chiếc áo của Dobson cũng mang ADN của Stephen.

Điều này đã thôi thúc các bác sĩ pháp y mở một cuộc tìm kiếm hiển vi khá tốn kém thời gian và tiền bạc để tìm kiếm vết máu trên chiếc áo của Dobson. Cuối cùng, hai vệt máu có kích thước 0,5 và 0,25 mm, ngấm vào sợi vải trên cổ áo khoác đã được phát hiện. Các xét nghiệm ADN cho thấy nó chính là của Stephen.

Luật sư biện hộ của các bị cáo đưa ra luận điểm cho rằng, vệt máu trên cổ áo đã bị các cảnh sát sơ xuất làm dính vào trong khi thu thập chứng cứ. Bên nguyên cho rằng, vết máu bị dính vào các sợi vải một ngày sau khi các chuyên gia pháp y làm xét nghiệm Phadebas (xét nghiệm kiểm tra dấu vết nước bọt đòi hỏi phải dùng nước tưới ướt áo).

Tuy nhiên, chuyên gia pháp y Edward Jarman của phòng thí nghiệm LGC đã tiến hành các xét nghiệm kiểm tra giả thuyết này và kết quả cuối cùng cho biết điều luật sư biện hộ đưa ra là hoàn toàn không thể xảy ra. Cuộc giám định ADN đã tiêu tốn 3,8 triệu bảng và các chuyên gia ở LGC tin rằng nhờ có sự tiến bộ của khoa học, họ còn có thể tìm thấy nhiều thứ trên chiếc áo.

 stephen 1
Gary Dobson

 stephen 1
David Norris

Niềm vui xen lẫn sự tức giận của gia đình Lawrence

"Tôi cảm thấy khuây khỏa nhưng vẫn oán giận" đó là phát biểu của bà Doreen Lawrence, mẹ của Stephen trong ngày tòa án ra phán quyết buộc tội Dobson và Norris. Bà cho rằng công lý cho con trai bà đã được giành lại nhưng gia đình bà không thể lấy đó làm lý do để tổ chức ăn mừng. Cuối cùng thì những tên giết người cũng phải trả giá.

Bà cảm thấy an lòng vì những kẻ phân biệt chủng tộc phải nhận ra rằng, họ không có quyền giết những người da đen mà vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, nhưng tức giận vì gia đình bà đã phải trải qua 18 năm đằng đẵng đấu tranh trong đau buồn, đe dọa và tuyệt vọng, không biết đến bao giờ mới giành lại được công lý.

Tức giận bởi vì cảnh sát luôn nói rằng, vụ án này rất quan trọng đối với họ nhưng sự vụng về của họ thể hiện trong cách họ xử lý với bằng chứng thu thập được tệ đến mức mà bên bị đơn chớp lấy sơ hở, đề xuất tình tiết vết máu dính trên áo có sau khi án mạng xảy ra. Điều này khiến người ta nghĩ rằng, cảnh sát có thể làm tốt công việc của họ nhưng chỉ khi họ muốn làm mà thôi.

Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và những cuộc tấn công của những kẻ phân biệt vẫn còn tồn tại trong lòng đất nước này nhưng bà Lawrence không muốn cảnh sát nhắc đến tên con trai bà rồi lại bảo họ phải tiếp tục vượt lên. Bố của Stephen, ông Lawrence, hiện không còn sống ở London cũng cho biết ông rất phấn khởi vì công bằng đã được trả lại. Ông đã không thể yên lòng trong suốt 18 năm qua nhưng họ không tổ chức ăn mừng vì dù thế nào thì phán quyết cũng không thể trả lại con trai cho ông.

Vụ án của Stephen đã mang đến hai sự thay đổi lớn đối với lực lượng bảo vệ công lý ở nước Anh. Thứ nhất, là bước tiến nhảy vọt trong khoa học pháp y, đặc biệt là sự xử lý với bằng chứng ADN, kể từ thập niên 90 thế kỷ trước. Thứ hai là sự hủy bỏ đạo luật đã 800 năm tuổi về việc tiếp tục truy tố đối với một tội đã qua xét xử, trong đó quy định một người được tuyên bố trắng án sẽ không bị xét xử lần thứ hai đối với cùng một tội danh. Phán quyết cuối cùng đã khẳng định rằng công lý sẽ luôn chiến thắng và con người ở tất cả các màu da đều phải được đối xử bình đẳng như nhau.

Nhờ đeo bám vụ án này mà Tờ Daily Mail đã được vinh danh là tờ báo của năm tại Giải thưởng báo chí Anh cùng với trang web Mail Online cũng nhận được giải thưởng trang web của năm (2011-2012).

cand (theo Dailymail)