Nước có vua thì được lợi gì không?

Tuần này, châu Á có hai sự kiện nổi bật đều liên quan đến hai vương triều nổi tiếng, ở Nhật Bản và Thái Lan.

Tân Nhật hoàng Naruhito vừa đăng quang với niên hiệu Lệnh Hòa, và tân vương Thái Lan, Maha Vajiralongkorn, sẽ chính thức lên ngôi vào dịp cuối tuần.

Một số báo quốc tế đã tìm hiểu câu chuyện các vương triều "sống sót" ra sao trên thế giới, và quan điểm chung là định chế cổ xưa này "phải thay đổi, trẻ hóa" thì mới không bị thời gian đào thải.

Sau thế kỷ 20 đầy các cuộc cách mạng xóa sổ vua chúa - tất cả các quốc gia xã hội chủ nghĩa đều bỏ vua - nay trên thế giới chỉ còn trên 50 nước có vua. Trên thực tế, con số này còn ít hơn, chỉ gần 30 nước thực sự có vua của mình.

Có tới 16 nước thuộc khối Thịnh vượng chung (Commonwealth) nhận vị quốc vương chung là Nữ hoàng Elizabeth II: Liên hiệp Vương quốc Anh, Canada, Australia, New Zealand, Papua New Guinea, Đảo Solomon, Tuvalu, Antigua và Barbuda, Bahamas, Barbados, Belize, Grenada, Jamaica, St. Kitts và Nevis, St. Vincent và Grenadines, cùng St. Lucia.

Nếu như Canada, Úc và New Zealand có liên hệ sắc tộc, văn hóa mật thiết với đế quốc Anh, và do con cháu người Anh, Scotland, Ireland sang định cư thì nhiều đảo quốc nhỏ xíu từng có vua hoặc vị tù trưởng đứng đầu trước khi thực dân Anh sang xâm chiếm.

Hoàng gia Đan Mạch, thành viên Hoàng tộc Hy Lạp (không còn được công nhận) và Hoàng gia Na Uy tại Oslo.

Nay độc lập rồi họ vẫn coi Nữ hoàng Anh là nguyên thủ quốc gia, chứng tỏ duy trì mối liên hệ biểu tượng đó cũng có lợi cho họ.

Trong số các nước có vua, nữ hoàng là người của chính họ, thì châu Phi lại "tiến bộ đi đầu" chỉ còn ba quốc gia có vương triều: Lesotho, Morocco và Swaziland. 

Nam Mỹ không có nước nào còn vua.

Châu Á và châu Âu hóa ra lại "bảo hoàng" hơn cả, với mỗi châu có 13 vương quốc.

Tại châu Âu, ngoài Anh và Tây Ban Nha vẫn có vương triều liên tục hàng trăm năm qua, các nước lớn như Nga, Đức, Pháp, hoặc tầm trung về dân số như Ý, Ba Lan, Romania đều đã lật đổ vua chúa.

Trong các nước còn lại, Andorra, Bỉ, Đan Mạch, Liechtenstein, Luxembourg, Malta, Monaco, Hà Lan, Na Uy vẫn giữ nền quân chủ.

Bạn có thể đếm qua và thấy chưa đủ 13 nước.

Đúng thế, còn một quốc gia nữa, về nguyên tắc cũng là vương quốc: Nhà nước Vatican.

Giáo hoàng La Mã cũng vua nhưng người lên ngôi không phải cha truyền con nối mà do Giáo hội bầu

Vatican là biệt lệ vì theo thần quyền, còn Liechtenstein và Luxembourg thực ra không có vua (king) mà chỉ do đại công tước làm chủ.

Cảnh đẹp Chùa Xieng Thong ở Luang Prabang, Lào. Lịch sử chính thống nước này nay không nhắc đến cái chết trong trại cải tạo của Vị vua cuối cùng, Savang Vatthana.

Châu Á, gồm Trung Đông, Nam Á và Đông Á, còn 13 vương triều, với quyền lực của vua đôi khi mạnh hơn nhiều so với vua châu Âu.

Các nước này là Bahrain, Bhutan, Brunei, Campuchia, Nhật Bản, Jordan, Kuwait, Malaysia, Oman, Qatar, Saudi Arabia, UAE và Thái Lan.

Trong thế kỷ 21, một nước châu Á là Nepal đã bỏ vua, chấm dứt triều đại Gorkhaki.

Vào thế kỷ trước, các nước Việt Nam, Lào, Trung Quốc...đều xóa hoàng gia.

Vị vua cuối cùng của Lào, Savang Vatthana, chết trong trại cải tạo sau cuộc cách mạng.

Nhưng các nước khác thì không hề có dấu hiệu muốn bỏ vua.

Nền quân chủ, đôi khi chỉ hình thức, hoặc luân phiên như các vị sultan của Malaysia, nhưng được cho là tạo sự ổn định.

Trong một thế giới nhiều thay đổi, việc duy trì một sợi dây tinh thần với truyền thống văn hóa dân tộc cũng có ý nghĩa tốt.

Sau khi khối Đông Âu xã hội chủ nghĩa tan rã, có các nhóm bảo hoàng vận động để phục hồi vua cho Bulgaria, Serbia, Romania...

Họ lập luận rằng lịch sử là rất quan trọng, và chế độ cộng sản đã bắn súng vào quá khứ nhưng không xây dựng được tương lai tốt hơn.

Phục hồi vai trò quốc vương sẽ giúp kết nối quá khứ với hiện tại, làm khởi sắc các giá trị cũ tốt đẹp.

Vị quốc vương còn có thể đứng trên chính trị đảng phái, làm điểm tựa cho quốc gia khi gặp thiên tai, nguy biến.

Giới bảo hoàng cũng tin rằng khác tổng thống, thủ tướng, vua vì trị vị suốt đời nên không tham nhũng bởi chẳng cần tăng sự giàu có và kiếm chác theo nhiệm kỳ.

Bulgaria có vẻ hào hứng nhất với ý tưởng gần như là phục hồi vương triều, và năm 2001, cựu vương Simeon II đã được bầu làm thủ tướng.

Quốc vương 16 của Malaysia, vị Sultan của bang Pahang, Al-Sultan Abdullah Ri'ayatuddin Al-Musta'in Billah, cùng Hoàng hậu Hajah Azizah Alallah Sultan Iskandar Al-Haj trong lễ hồi tháng 1/2019. Các sultan của Malaysia luân phiên nhau làm vua.

Nhưng sau một nhiệm kỳ không mấy ấn tượng, vị cựu vương cao tuổi, đã mất chức.

Sang năm 2018, ông còn dính vào việc kiện cáo đòi lại lâu đài Vrana ở Sofia và bị chính quyền Bulgaria đuổi khỏi tòa nhà mà dòng ông làm chủ từ 1892.

Việc phục hồi hoàng gia như vậy không phải chuyện dễ.

Tồn tại trong khiêm tốn

Chưa kể phái chống vua chúa luôn nói rằng nền quân chủ không còn lý do tồn tại ở thời hiện đại, và tốn kém.

Nepal hồi 2008 đã phế truất vua và lập ra nước cộng hòa.

Các hoàng gia đều biết họ thuộc về quá khứ nên phải tự hiện đại hóa, phải không gây tốn kém, phiền toái cho quốc dân và giới chính khách cầm quyền.

Hoàng tử Bỉ hồi cuối 2017 đã bị chính phủ dọa cắt trợ cấp 308.000 euro vì dự sự kiện do Trung Quốc tổ chức, ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia.

Trên thực tế, ai xem lễ thoái vị của Nhật hoàng Akihito đều thấy nó quá giản dị, chỉ gồm vài động tác chào hỏi, cảm ơn, chúc tụng và trao 'báu vật', trong 10 phút.

Vua George VI và Hoàng hậu Elizabeth, cùng hai công chúa Elizabeth và Margaret.

Vì cả niên hiệu Bình Thành của Nhật hoàng Akihito là thời gian chuộc lỗi cho quá khứ Thế Chiến 2, nên sự tồn tại của họ càng ít xa hoa càng tốt.

Riêng tại Anh, việc cắt giảm chi tiêu tối đa và để chứng tỏ mình không gây tốn kém cho quốc gia đã khiến Hoàng gia vẫn được nhiều ủng hộ.

Trong các năm 1996 và 2012, Nữ hoàng Elizabeth II hai lần cắt số con cháu có tư cách 'thành viên hoàng tộc', xuống còn chưa đến 20 người hiện nay.

Anh có Crown Estate, một dạng Hoàng triều Cương thổ mà nhà Nguyễn ở Việt Nam từng có, gồm điền sản, địa ốc của vương triều.

Crown Estate đem lại một năm trên 300 triệu bảng tiền lãi từ kinh doanh.

Mỗi năm, Nữ hoàng Elizabeth II chỉ nhận 43 triệu bảng để chi cho các hoạt động của bà và Hoàng gia, và số tiền còn lại nộp vào ngân sách nhà nước Anh.

Crown Estate, hiện trị giá 12 tỷ bảng, cũng không phải tài sản riêng của Hoàng gia hiện hành mà thuộc về vương triều Anh, tức là quốc gia, không ai được quyền chuyển nhượng, bán đi cho bất cứ ai khác.

Việc duy trì Hoàng gia hóa ra không tốn gì mà còn đem lại lợi nhuận lớn cho Anh Quốc.

Viethome (theo BBC)