Chi 15 tỷ USD/năm và tuyển dụng 30.000 giáo viên tiếng Anh bản ngữ với mức lương và phúc lợi cạnh tranh, trình độ tiếng Anh của người dân Hàn Quốc được cải thiện không đáng kể.
Năm 2023, Hàn Quốc đứng ở vị trí thứ 49 trên bảng xếp hạng “Chỉ số năng lực tiếng Anh” (EPI) do công ty giáo dục tiếng Anh của Thụy Sĩ Education First (EF) công bố.
Thứ hạng về mức độ thông thạo tiếng Anh của Hàn Quốc dao động qua các năm, với vị trí cao nhất vào năm 2020. Tựu chung, năng lực ngoại ngữ này của Hàn Quốc đã được cải thiện trong hơn một thập kỷ qua khi quốc gia này rất nỗ lực trong việc nâng cao trình độ tiếng Anh của người dân.
Giáo dục tiếng Anh bắt buộc
Tại Hàn Quốc, chính phủ đã tích cực thúc đẩy việc nâng cao trình độ tiếng Anh như một công cụ không thể thiếu trong việc khẳng định năng lực cạnh tranh của cá nhân và đất nước.
Tại quốc gia này, tiếng Anh được dạy như một môn học bắt buộc từ tiểu học, thường là từ lớp 3. Tuy vậy, trên thực tế, nhiều trường mẫu giáo đã cung cấp các chương trình tiếng Anh khi phụ huynh có nhu cầu cho con tiếp xúc với ngoại ngữ sớm.
Bất chấp những nỗ lực của chính phủ và cả xã hội, năng lực tiếng Anh của Hàn Quốc vẫn không có nhiều biến chuyển đáng kể.
Tiếng Anh là môn học bắt buộc đến bậc trung học phổ thông tại Hàn Quốc. Chương trình giảng dạy được xây dựng bao gồm 4 kỹ năng ngôn ngữ chính: đọc, viết, nghe và nói.
Tuy nhiên, trọng tâm trong các trường công lập trước đây chủ yếu là đọc hiểu và ngữ pháp, do các phần này chiếm tỷ trọng lớn trong các bài kiểm tra chuẩn hóa như Bài kiểm tra năng lực học tập của trường đại học (CSAT).
Tầm quan trọng của trình độ tiếng Anh được nhấn mạnh rất nhiều trong các lĩnh vực giáo dục đại học và việc làm của Hàn Quốc. Các kỳ thi như TOEIC (Kiểm tra tiếng Anh giao tiếp quốc tế) và TOEFL (Kiểm tra tiếng Anh như một ngoại ngữ) được sử dụng rộng rãi làm chuẩn mực đánh giá khả năng tiếng Anh. Điểm cao trong các kỳ thi này thường là yêu cầu để xét tuyển vào trường đại học, xin việc và cơ hội thăng tiến.
Thanh niên Hàn Quốc ngày nay khó xin việc nếu không có bằng TOEIC trên 900 điểm. Điều này đã dẫn đến một nền văn hóa coi trọng điểm thi, trong đó thành công trong tiếng Anh được đánh giá bằng kết quả kiểm tra chứ không phải năng lực giao tiếp.
Bất chấp những nỗ lực của chính phủ nhằm cải thiện giáo dục tiếng Anh tại các trường công, nhiều học sinh Hàn Quốc vẫn theo học tại các học viện tư nhân sau giờ học, được gọi là Hagwon, để được gia sư thêm về tiếng Anh. Các học viện này cung cấp chương trình giáo dục tiếng Anh chuyên sâu, được cá nhân hóa hơn và tập trung vào việc cải thiện điểm thi.
Theo The Diplomat, người Hàn Quốc chi 17 tỷ USD mỗi năm và thuê 30.000 giáo viên Anh ngữ bản địa để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh. Những gia đình giàu sẽ gửi con tới trường học ở những nước nói tiếng Anh.
Chính sách tuyển dụng gây tranh cãi
Một trong những sáng kiến quan trọng nhất trong chính sách tiếng Anh của Hàn Quốc là tuyển dụng giáo viên bản ngữ nói tiếng Anh. Các chương trình như Chương trình tiếng Anh tại Hàn Quốc (EPIK) nhằm đưa những người bản ngữ nói tiếng Anh vào các trường công lập. Đây là một phần trong nỗ lực chung nhằm cải thiện kỹ năng nói và nghe của học sinh - vốn thường kém phát triển trong môi trường lớp học truyền thống.
Tuy nhiên, đất nước này cũng đặt ra quy định nghiêm ngặt về việc ai có thể giảng dạy, chủ yếu dựa trên quốc tịch thay vì năng lực giảng dạy.
Các giáo viên đến từ các quốc gia đang phát triển, dù có trình độ tiếng Anh hay bằng cấp xuất sắc đến đâu, đều không được phép giảng dạy trong các chương trình uy tín như EPIK hay Chương trình Học và Giảng dạy tại Hàn Quốc (TaLK). Các chương trình này chỉ chấp nhận công dân của nhóm 7 quốc gia phát triển - nơi chủ yếu nói tiếng Anh đơn ngữ như: Australia, New Zealand, Vương quốc Anh, Ireland, Nam Phi, Mỹ và Canada.
Trong khi các giáo viên trong chương trình EPIK được khuyến khích gia hạn hợp đồng bao lâu tùy ý thì các chương trình giảng dạy khác lại hạn chế hơn.
Ví dụ, theo Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA), các giáo viên Ấn Độ chỉ được phép ở lại Hàn Quốc một năm và họ được trả lương thấp hơn so với các đồng nghiệp đến từ nhóm 7 quốc gia nêu trên. Giáo viên trong Chương trình Giảng dạy Tiếng Trung tại Hàn Quốc (CPIK) cũng đối mặt với hạn chế tương tự, chỉ được phép ở lại 2 năm.
Các giáo viên đến từ các quốc gia khác thuộc Khối Thịnh vượng chung nói tiếng Anh, chẳng hạn như Philippines, Ấn Độ, Malaysia, Singapore không được phép giảng dạy tiếng Anh tại các trường công lập bởi tiếng Anh của họ được coi là “không chính thống”.
Mặc dù có một kẽ hở trong luật cho phép các trường tư thục thuê giáo viên không yêu cầu quốc tịch cụ thể nhưng hầu hết các trường này vẫn tuân theo mô hình tương tự, ưu tiên các ứng viên đến từ nhóm 7 quốc gia.
Quan điểm có phần khắt khe của Hàn Quốc về quốc tịch này đi ngược với nghiên cứu cho thấy rằng giáo viên song ngữ có thể mang lại những lợi thế đáng kể trong lớp học. Các nghiên cứu chỉ ra rằng những người dạy song ngữ thường nhạy bén hơn với những phức tạp của ngôn ngữ, bao gồm ngữ pháp, sắc thái ngữ nghĩa và bối cảnh văn hóa.
Mặc dù vậy, nhiều người Hàn Quốc tin rằng việc nói 2 ngôn ngữ làm giảm khả năng thông thạo cả hai. Điều này giải thích tại sao nhiều bậc cha mẹ Hàn Quốc khi gửi con ra nước ngoài học thường cố gắng để con mình có rất ít hoặc không có sự tương tác với những người bạn Hàn Quốc khác.
Theo thống kê, có hơn 500.000 gia đình Hàn Quốc sống trong tình cảnh mẹ theo con ra nước ngoài trong khi cha ở lại để kiếm tiền.
Bất chấp những nỗ lực của chính phủ và cả xã hội, năng lực tiếng Anh của Hàn Quốc không có nhiều biến chuyển đáng kể. Các chuyên gia giáo dục cho rằng việc học tiếng Anh tập trung quá nhiều vào điểm số có thể là nguyên nhân khiến khả năng tiếng Anh cải thiện chậm.
"Mọi người học tiếng Anh chủ yếu để đạt điểm cao hơn trong các kỳ thi, thay vì để nâng cao khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh. Đây là lý do chính khiến năng lực tiếng Anh của người học ít tiến bộ, dù chi phí dành cho việc học rất cao", một chuyên gia nhận định trên Korea Times.
Theo Vietnamnet