Thay vì bỏ 800 triệu đồng học Thạc sĩ ở Anh trong 1,5 năm, tôi thà dùng 400 triệu đồng đi du lịch, tiền còn lại để học ngoại ngữ.
Tôi là người học ở Việt Nam nhưng đã làm việc ở nước ngoài một thời gian, tiếp xúc với nhiều chuyên gia phương Tây và cả các du học sinh về nước làm việc. Từ những kinh nghiệm có được, tôi xin phép đánh giá một cách công bằng về chuyện du học (không có chuyện chỉ ngồi ở Việt Nam mà phán xét theo kiểu một chiều).
Tôi gặp rất nhiều bạn du học sinh ở Anh, Mỹ về nhưng toàn nói lý thuyết suông, không có kinh nghiệm thực chiến ở môi trường khác biệt như Việt Nam. Chưa kể, các bạn cứ thích chêm các từ tiếng Anh vào để trông có vẻ chuyên sâu, hiểu biết rộng, nhưng hiệu quả công việc thực tế lại không mấy đặc biệt. Thậm chí, kỹ năng ngôn ngữ của các bạn đó cũng không hơn gì người ở trong nước vì họ chỉ học một thời gian ngắn ở nước ngoài. Về nước một thời gian mà không chịu khó trau dồi tiếp thì các bạn sẽ tụt lại rất nhanh.
Với tôi, du học chỉ quyết định được khoảng 50% thành công của một người mà thôi. Chỉ những bạn có tính cách chịu khó, đam mê với lĩnh vực nào đó mà ở Việt Nam không có môi trường đủ tốt để phát triển, cũng như mong muốn sau này ở lại trời Tây làm việc thì mới nên đi du học nước ngoài. Chứ thực tế, dù có bằng Tiến sĩ ở nước ngoài thì ra nghề cũng chỉ đi làm thuê, làm lâu năm mới mong có lương cao, còn lại chỉ gọi là bình dân trong xã hội phương Tây.
Mức lương dành cho người tốt nghiệp đại học, Thạc sĩ ở Việt Nam sẽ chẳng phân biệt việc bạn học ở trong nước hay từ trời Tây trở về. Thế nên nếu bỏ mấy trăm triệu đồng đi Anh học Thạc sĩ rồi về nước đi làm lương tháng không nổi 20 triệu đồng ở thành phố thì bao giờ bạn mới gỡ lại được vốn đầu tư?
Chưa kể, kiến thức học tập được ở nước ngoài mà không có chỗ vận dụng ở trong nước thì chỉ hai, ba năm là mai một hết. Thế nên, các bạn trẻ đừng quá kỳ vọng vào việc du học là liều thuốc thần kỳ, nó chỉ là có một cơ hội mới cho các bạn thử sức mà thôi. Còn nắm bắt được cơ hội để phát triển hay không là tùy vào mỗi người.
Nếu không đi du học, bạn có thể dùng số tiền đó để đi nước ngoài và vẫn trải nghiệm được nhiều thứ hay ho, hoặc tham gia các khóa học ngôn ngữ ở trong nước với chi phí thấp hơn nhiều cũng mang lại cho bạn vốn ngoại ngữ đủ dùng. Ví dụ, thay vì bỏ 800 triệu đồng học Thạc sĩ ở Anh (trong 1,5 năm), bạn có thể dùng 400 triệu đồng để đi du lịch được cả châu Âu lẫn Mỹ (trong khoảng 2-3 tháng), số tiền còn lại dùng để đi học ngoại ngữ ở Việt Nam (do giáo viên nước ngoài dạy).
Nếu sắp xếp được thời gian giữa làm và học thì bạn còn được tính thêm 1,5 năm kinh nghiệm làm việc full-time ở Việt Nam. Như vậy, tính ra còn hơn cả đi du học nhiều mà lại tiết kiệm hơn. Chỗ tôi làm cũng là công ty nước ngoài, nhiều Giám đốc đại diện ở Việt Nam toàn học trong nước tại các trường như Bách Khoa, Ngoại Thương, Kinh Tế, Ngân Hàng mà thôi.
Tôi đi công tác nước ngoài suốt và thú thực là sống ở Việt Nam thích hơn nhiều vì còn có cơ hội thành công. Chứ ra nước ngoài, làm việc cật lực cũng giỏi lắm chỉ mua được một căn nhà, sống đời của một "phó thường dân". Những bạn trẻ ở Việt Nam nghe kể về cuộc sống ở trời Tây có vẻ hay ho và muốn được trải nghiệm, nhưng cứ chứ sang đó rồi mới thấm.
Chú của tôi cũng làm Tiến sĩ ở Mỹ, mua nhà ở New York, làm việc cho IBM. Hai vợ chồng đều là người Việt, sang đó sống đã 15 năm rồi, nhưng chỉ dám đẻ một đứa con, mua một cái nhà nho nhỏ. Nhà này mua bằng hình thức trả góp và khả năng phải mất tới 30 năm mới trả hết nợ. Lâu lắm vợ chồng chú mới về Việt Nam một lần vì mỗi lần về là một lần khó khăn đủ thứ: ngồi máy bay cả chục tiếng, chi phí đi lại đắt đỏ...
Sống ở thành phố bên Mỹ cảm giác lúc nào cũng cô đơn. Tất nhiên, ở đó vẫn có cộng đồng người Việt, nhưng thực chất thì bạn đâu thể chuyển chỗ ở, chuyển việc dễ dàng như vậy được. Công việc ở đâu thì người ta buộc phải sống ở gần đó. Dì tôi còn bảo, sau này già sẽ trở lại Việt Nam vì đứa con lớn chắc cũng lấy vợ Tây rồi có cuộc sống riêng. Nếu chỉ còn lại hai vợ chồng ở lại đó thì rất cô đơn.
Theo VnExpress