Cách vượt qua “cú sốc văn hóa” khi du học Anh

Với một môi trường đa văn hóa và nguyên lý giáo dục có phần hơi khác biệt với Việt Nam, một trong những “cú sốc” trong các “cú sốc văn hóa” (culture shock) của sinh viên quốc tế tại Anh Quốc là về phương pháp học tập.

students-campus-about-panrimo

Mỗi chương trình học và chuyên ngành học sẽ có sự khác nhau nhưng về căn bản, việc dạy và học ở cấp độ ĐH và trên ĐH ở Anh Quốc thực hiện khá tốt theo nguyên tắc “lấy người học làm trung tâm”. Theo đó, quá trình dạy và học không phải là một quá trình truyền tải kiến thức một chiều từ giáo viên đến sinh viên mà khơi dậy năng lực tự học và niềm đam mê tìm hiểu kiến thức nội tại trong sinh viên.

Ba yếu tố quan trọng luôn được nhà trường nhắc đến trong các buổi trao đổi và tư vấn nhập học đầu năm với các tân sinh viên và yêu cầu sinh viên lưu tâm là ý thức và khả năng tự nghiên cứu giải quyết vấn đề, khả năng tư duy phản biện (critical thinking) và tư duy phản ánh (reflective thinking). Nắm được nguyên lý này, sinh viên sẽ hiểu cách học mình cần có là gì.

Để hòa nhập nhanh chóng và chủ động hơn trong việc học, các du học sinh mới nên dành thời gian tìm hiểu và làm quen với hệ thống các công cụ hỗ trợ kỹ thuật về tin học mà nhà trường cung cấp.

Trong môi trường học của Anh Quốc, thẻ sinh viên và tài khoản email sinh viên của nhà trường cấp chính là hai chiếc chìa khóa quan trọng để sinh viên có thể gần như “mở” được hết các “cánh cửa” và nguồn tài liệu cần thiết của sinh viên trong trường từ thư viện, các phòng máy tính, khu vực nghiên cứu, cơ sở dữ liệu dành cho sinh viên.

Các sinh viên mới bắt đầu khóa học nên tập thói quen truy cập hàng ngày vào cổng thông tin (portal) của nhà trường thông qua mã số riêng của sinh viên do trường cấp để nhận các thông tin mới, từ thông tin của việc học đến các thông tin hoạt động ngoại khóa.

Các sinh viên mới qua và bắt đầu học kỳ đầu tiên cũng đừng vội quá lo lắng hoặc hoảng hốt vì không biết sẽ phải tìm kiếm những tài liệu tham khảo căn bản cho từng môn học như thế nào? ở đâu? phải học ra sao? vv.vv… mà hãy vào tài khoản “VLE” (Virtual Learning Environment- khu vực hỗ trợ việc học trực tuyến) của cá nhân sinh viên mà trường cung cấp để tìm hiểu.

Vào đầu các học kỳ, dựa trên danh sách môn học đăng ký, bộ phận quản lý sẽ chuyển hết một lượt các tài liệu cần thiết cho các môn học của sinh viên vào đây (gồm có thời khóa biểu, khung chương trình học, các tài liệu tham khảo dành cho môn học mà giáo viên đã chuẩn bị, hướng dẫn và yêu cầu của môn học và cách làm bài kiểm tra).

Với sự quyết tâm của các sinh viên Việt Nam và các hướng dẫn chi tiết của GIÁO VIÊN, phần lớn sinh viên không gặp trở ngại gì trong quá trình học tập. Tuy nhiên, có một vài điểm về cách làm bài kiểm tra và tiêu chí chấm bài kiểm tra tại Anh Quốc khác với Việt Nam nên kết quả bài kiểm tra giữa kỳ, bài thi cuối kỳ có thể không cao như mong đợi. Sau đây là một số “lỗi kỹ thuật” mà theo kinh nghiệm của nhiều du học sinh Việt Nam tại Anh Quốc, bạn hoàn toàn có thể khắc phục để nâng điểm số của mình lên nếu lưu ý ngay từ đầu.

Một là, hãy đọc thật kỹ các hướng dẫn của giáo viên về cách làm bài và các yêu cầu của bài thi. Đa phần bài kiểm tra tại Anh, sinh viên sẽ nộp qua mạng trên VLE hoặc cách thức mà giáo viên yêu cầu. Hãy lưu ý các yêu cầu về số lượng từ tối đa trong bài viết, cách thức trình bày (font chữ, size chữ, cách dòng, canh lề) và các yêu cầu khác (như sinh viên phải tự đếm và ghi số lượng từ vào cuối bài viết). Khi chấm, các yếu tố này đều có thang điểm riêng chứ giáo viên không chỉ đọc nội dung bài và “châm chước” về hình thức trình bày cho sinh viên như đa phần các lớp học tại Việt Nam.

Hai là, hãy đúng hạn nộp. Nếu hạn nộp là 17 giờ 00 thì tất cả những bài nộp mà hệ thống ghi nhận lại là 17 giờ 01 phút trở đi đều bị trừ điểm khá nặng. Các lý do như máy tính đột nhiên hư, hệ thống internet ở nhà bị trục trặc nên đã làm xong sớm nhưng không gửi nộp được, thời hạn 17 giờ chắc là hết giờ làm việc nên để lại nộp trước 6h sáng hôm sau cũng như nhau vv..vv.. đều không được chấp nhận.

Ba là, hãy lưu ý đến cách thức trình bày viện dẫn (citation) trong bài viết. Đối với các sinh viên học các chuyên ngành xã hội thì việc trình bày đúng quy tắc về trích dẫn tài liệu trong bài kiểm tra là rất quan trọng và không được qua loa.

Hiện nay các cơ sở đào tạo tại Anh vẫn áp dụng nhiều cách trích dẫn (Harvard style, OSCOLA, Chicago style…), và việc áp dụng cách thức trình bày nào phụ thuộc vào từng trường và đôi khi tùy vào giáo viên phụ trách trực tiếp môn học cho nên sinh viên cần nắm rõ yêu cầu về cách trình bày viện dẫn và làm theo một cách chính xác để tránh bị trừ điểm này.

Và điều cuối cùng, giáo viên và mọi cán bộ trong các trường học luôn nhấn mạnh khẩu hiệu “We are here to help you” (chúng tôi ở đây để giúp bạn), nên nếu có gì chưa hiểu rõ, các bạn hãy mạnh dạn tiếp xúc với giáo viên hoặc thông qua các kênh hỗ trợ học tập của trường (được ghi rõ trong cẩm nang sinh viên từng trường) để hiểu rõ nhất điều mình cần học, cần làm vì khi hiểu rõ cần làm gì, chắc chắn bạn sẽ làm đúng.

Đặng Tất Dũng (NCS Trường ĐH Leeds, Vương quốc Anh)

 

Theo Motthegioi