Cách chi tiêu hiệu quả tại Anh quốc cho sinh viên

Một trong những thông tin luôn được đưa vào diện “quan tâm đặc biệt” đối với bất kỳ sinh viên nào dự định lựa chọn du học tại Vương Quốc Anh là chi phí sinh hoạt tại Anh Quốc rất đắt đỏ. Tuy nhiên, nếu biết cách chi tiêu, mua sắm thì việc có được một cuộc sống tương đối thoải mái, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng trong một khoản chi phí vừa phải là điều hoàn toàn có thể.

student in class

Điều đầu tiên cần được nhắc đến là gần như toàn bộ những gì ở Việt Nam có thì ở Anh Quốc cũng đều có. Đặc biệt là các gia vị cơ bản như nước mắm, nước tương, mắm ruốc đều có bán tại các siêu thị hoặc khu chợ của người Việt hoặc người Hoa (mà thành phố nào cũng có, rất thuận tiện để mua) với giá không đắt hơn Việt Nam bao nhiêu (do có công ty chuyên nhập các mặt hàng gia vị từ Việt Nam sang Anh).

Do vậy, với mức trọng lượng hành lý cho chuyến bay đầu tiên sang Anh khá hạn chế, bạn hãy mạnh dạn loại bỏ những chai lọ gia vị cồng kềnh ra khỏi hành lý của mình.

Tương tự như vậy, điểm khá thuận lợi tại Anh so với Việt Nam là hệ thống cửa hàng, siêu thị bán vật dụng hàng ngày của Anh rất phát triển và gần sát bên các trường học, các khu nhà trọ sinh viên ở các thành phố luôn có sẵn các siêu thị tiện dụng.

Do đó, bạn có thể bỏ khỏi hành lý của mình những loại vật dụng hàng ngày có thể chiếm nhiều cân nặng như dầu gội đầu, dầu tắm, chén dĩa vv..vv.. vì ngay khi sang Anh, bạn có thể mua được rất dễ dàng chỉ bằng vài phút đi bộ.

Điều thứ hai là nơi mua sắm. Với các thực phẩm và vật dụng cơ bản hàng ngày, hệ thống các siêu thị lớn ở khắp các thành phố là nơi thuận tiện nhất cho các sinh viên.

Thực phẩm luôn được kiểm soát chất lượng chặt chẽ. Hàng ngày hoặc vào một số ngày trong tuần, các mặt hàng thực phẩm gần đến sát hạn sử dụng in trên bao bì sẽ được siêu thị để riêng ra một quầy hàng ở góc ngoài và giảm giá có khi đến 50% hoặc hơn nữa.

Nếu bạn có thể dùng ngay và quỹ chi tiêu cũng hạn hẹp thì các mặt hàng giảm giá (thường dán nhãn “value”) này cũng có thể là lựa chọn hợp lý. Ngoài ra, với quỹ chi tiêu hạn chế, sinh viên cũng nên làm quen với việc đi đến các “city market” (dạng như chợ truyền thống Việt Nam, nơi các mặt hàng được bày bán theo quầy, sạp).

Tại các chợ thì ngoài việc các mặt hàng phong phú thì giá cả cũng khá mềm. Đặc biệt là với các quầy bán thịt ở ngoài chợ, bạn có thể mua được hoặc đặt hàng hẹn ngày để các người bán để lấy cho bạn các xương ống, xương đuôi, đầu heo, lưỡi heo, tim, gan heo, bò với giá khá rẻ.

Tuy nhiên, chợ thì thường vị trí không được đắc địa và đôi khi chất lượng các mặt hàng rau củ quả không được tươi ngon như siêu thị, sinh viên cần xem kỹ từng món hàng một.

Với các mặt hàng thông dụng khác thì bên cạnh các cửa hàng và nhãn hiệu cao cấp, tại các thành phố luôn có các nhãn hàng trung bình-khá dành cho giới sinh viên. Đặc biệt là vào mùa giáng sinh trong năm thì các cửa hàng đồng loạt giảm giá nên sinh viên có thể “tranh thủ” mua sắm vào giai đoạn này.

Ngoài ra, các sinh viên còn có thể làm các thẻ Railcard, Coachcard, Oystercard để được giảm giá vé tàu xe khi đi lại. Nói chung, sinh viên sẽ luôn có nhiều ưu đãi giảm giá.

Điều cuối cùng và cần thiết với sinh viên tại Anh Quốc là việc làm quen với việc mua sắm qua hệ thống bán hàng trên mạng rất thuận tiện (trên các website của các nhãn hàng hoặc các website chuyên về mua bán trực tuyến như Amazon, eBay). Việc này sẽ giúp sinh viên tiết kiệm thời gian và có cơ hội so sánh giá cả cũng như theo dõi các đợt giảm giá lớn để mua được những mặt hàng giá cả phải chăng nhất.

Với kinh phí hạn chế, nếu muốn mua (hoặc bán) các mặt hàng đã qua sử dụng (chủ yếu là xe đạp) thì phần nhiều sinh viên tìm kiếm trên mạng rao vặt www.gumtree.com.

Tuy nhiên, vì đây là mạng rao vặt mở nên đôi khi rủi ro lớn, có khi là cả hàng ăn trộm hoặc kém chất lượng, sinh viên cần xem xét trao đổi kỹ lưỡng với bên bán hàng trước khi hoàn tất giao dịch. Mua hàng trên các trang mạng mua bán chính thống thì chất lượng đảm bảo hơn.

Tuy nhiên, yếu tố cần lưu ý khi xem giá là giá đã bao gồm phí giao hàng hay chưa. Phần lớn những mặt hàng đưa ra giá rẻ hơn trang mạng khác là vì đã được tách phí giao hàng ra riêng, khi bạn chọn mua và chuẩn bị thanh toán thì mới cộng phí giao hàng vào nên giá thành chỉ bằng hoặc thậm chí cao hơn giá của nơi khác đã gồm cả phí này trong giá.

Ngoài ra, khác với truyền thống “mua đứt bán đoạn” ở Việt Nam, trong vòng 30 ngày kể từ ngày mua hàng (mua trực tiếp tại cửa hàng hoặc mua qua mạng), đối với các mặt hàng ngoài thực phẩm, người mua nếu không hài lòng về món hàng có thể đem lại hoặc gửi lại cho nơi bán để đổi mặt hàng khác hoặc nhận lại toàn bộ số tiền.

Do vậy, việc cẩn thận lưu giữ lại các hóa đơn bán hàng, giấy tờ thanh toán và nhãn mác của hàng hóa sau khi mua cũng là một thói quen rất cần được tập luyện khi mua sắm tại Vương quốc Anh.

Đặng Tất Dũng (NCS Trường ĐH Leeds, Vương quốc Anh)

 

Theo Motthegioi