Anh muốn các trường đại học 'giảm số môn học vô bổ, không giúp kiếm việc làm'

giam mon hoc
Hiện 3 trên 10 sinh viên ở Anh không học lên tiếp và cũng không kiếm được việc làm trong 15 tháng sau khi tốt nghiệp

Chính phủ Anh muốn các trường đại học ở nước này bỏ hoặc giảm bớt các khóa học "vô bổ", "chất lượng thấp", không đem lại kỹ năng tốt và việc làm cho sinh viên.

Bộ trưởng Giáo dục Robert Halfon cho biết ông sẽ yêu cầu Cơ quan Quyền lợi Sinh viên (OfS) hạn chế số bộ môn và khóa học.

Kế hoạch của chính phủ Anh, hiện do đảng Bảo thủ nắm, là buộc các đại học phải bỏ bớt các môn dạy hoặc hạn chế số sinh viên đăng ký môn học để họ chỉ học những môn đem lại kỹ năng tốt trên thị trường lao động.

Từ mấy năm nay, chính phủ Anh khuyến khích thanh thiếu niên đừng lên đại học mà nên vào các trường dạy nghề, để "tránh nợ nần, học được điều thiết thực trong cuộc sống".

Gần đây, thủ tướng Rishi Sunak còn lên án "các khóa học giá cắt cổ" và đề xuất cho sinh viên học những thứ hữu ích hơn cho họ và cho nền kinh tế.

Tháng 3 vừa qua, ông Sunak công bố một kế hoạch đầu tư 20 tỷ bảng vào các ngành "sáng chế, sáng tạo" cho nền kinh tế số.

Bộ trưởng Robert Halfon nói kế hoạch bắt cắt giảm các khóa học "thiếu thực tiễn" sẽ giúp tăng chất lượng giảng dạy đại học.

Tuy thế, nhiều giáo sư, quan chức các đại học Anh đã lên tiếng phản đối kế hoạch này.

Họ cho rằng việc ép buộc các trường giảm khóa học là "quyết định chính trị của đảng cầm quyền", không giúp gì cho sinh viên gốc gác nghèo, sắc tộc thiểu số tiến thân.

Ý kiến phản đối chính phủ cũng nói rằng không nên đổ cho thị trường lao động khi mà việc cắt giảm chi tiêu công ảnh hưởng xấu đến việc tuyển người.

Suốt đời mắc nợ vì học đại học?

Học phí trung bình một năm cho sinh viên tại Anh là trên 9 nghìn bảng. Tiền học phí sinh viên nước ngoài phải đóng thường cao gấp hai hoặc hơn nữa.

Thông thường, sau ba năm đại học, sinh viên Anh tốt nghiệp có bằng bachelor với khoản nợ chừng 45-48 nghìn bảng, gồm học phí và tiền ăn ở.

Chính phủ Anh cho phép công dân của họ vay tiền học phí (tuition fees) và đảm bảo không thu lãi suất từ khoản tiền này để "phổ cập đại học". Thế nhưng sau khi ra trường, người đi làm phải trả dần khoản tiền đó nếu có thu nhập từ 25 nghìn bảng/năm trở lên.

Từ 2021 chính phủ Anh đã khuyến khích thanh niên đừng lên đại học vội mà xem các giải pháp giáo dục thay thế.

Viện nghiên cứu tài chính (Institute of Fiscal Studies) còn nêu con số rằng 1/5 học sinh hết phổ thông ở Anh tốt nhất là đừng lên đại học.

Luật ngân sách của chính phủ Anh (tháng 5/2021) có phần nói về đầu tư vào trường nghề, và trích số liệu thống kê của nhà nước nói kỹ thuật viên có tay nghề cao thu nhập trung bình năm 5.100 bảng nhiều hơn người chỉ có bằng đại học.

Cần 'kỹ năng mềm' và cơ hội việc làm

Hiệp hội 'Universities UK' nói bằng đại học là "sự đầu tư lớn cho đa số sinh viên". Họ muốn kế hoạch của chính phủ phải "được thực hiện cân bằng, phù hợp, không phải như dùng búa tạ đập hạt dẻ".

Tuy thế, OfS nói họ có quyền điều tra xem vì sao một số bộ môn "không đạt kết quả tốt", ảnh hưởng quyền lợi của sinh viên.

Hiện nay tiêu chuẩn cho đại học tốt ở Anh phải là:

  • Giúp 80% sinh viên học lên tiếp.
  • 75% sinh viên hoàn tất khóa học.
  • 60% sinh viênhọclên cao hơn hoặc có việc làm trong 15 tháng sau khi tốt nghiệp.

Hiện 3 trên 10 sinh viên ở Anh không học lên tiếp và cũng không kiếm được việc làm trong 15 tháng sau khi tốt nghiệp, theo OfS.

Tỷ lệ "lạm phát bằng cấp" và thất nghiệp trong giới trẻ ở Anh không phải quá cao so với châu Âu.

Tính đến tháng 5/2023,thất nghiệp trong thanh thiếu niên Anh là 11,4%, có tăng một chút so với tháng 4 (10,9%).

Tuy đây là con số thấp hơn ở Pháp (17,2%) nhưng cao gấp đôi Đức (5,75%) và khiến các nhà hoạch định chính sách ở Anh lo lắng.

Vì Đức nổi tiếng có lực lượng lao động tay nghề cao, thợ giỏi, tốt nghiệp các trường nghề trong nhiều ngành sản xuất, cơ khí, điện máy, còn Anh vẫn nặng về học triết, kinh tế học, marketing, nghệ thuật.

Tuy chính phủ không nói thẳng ra nhưng một số tờ báo tin rằng nhà nước muốn giảm các môn nghệ thuật và xã hội (arts & humanities), thường khó kiếm việc hơn toán, lý, hóa, sinh, dược và IT.

Điều nghịch lý là Anh có hệ thống giáo dục hàng đầu thế giới, thu hút sinh viên nước ngoài, nhưng lại đang thiếu trầm trọng người làm các nghề như y tá, hộ lý, lái xe, công nhân chế biến thực phẩm.

Cùng lúc, có nghiên cứu nói không phải ngành học xã hội hay tự nhiên mà các kỹ năng xã hội (soft skills) chứ không phải là kiến thức cơ bản (hard knowledge) mới là chìa khóa cho sự nghiệp của giới trẻ.

Hồi 2019, một điều tra ở Anh cho thấy 56% chủ lao động phàn nàn rằng nhân viên mới tuyển thiếu các kỹ năng như "teamworking skills' vốn cần thiết trong thương mại, tài chính, quản trị nhân sự. Tuy thế, các số liệu từ Hoa Kỳ cho thấy 15% người tốt nghiệp các ngành xã hội tiến thân tốt ở vị trí quản lý, lãnh đạo.

Theo BBC Tiếng Việt