Trở thành giáo sư ĐH Cambridge dù 11 tuổi mới biết nói, mù chữ tới năm 18 tuổi

Arday, 37 tuổi, một nhà xã hội học, muốn dùng câu chuyện của bản thân để truyền cảm hứng cho những người có xuất phát điểm bất lợi khác.

Nhà xã hội học 37 tuổi Jason Arday - người sắp trở thành giáo sư da đen trẻ tuổi nhất từng được bổ nhiệm tại Đại học Cambridge - không biết đọc và viết cho tới năm 18 tuổi và chưa đầy 8 năm trước, anh còn làm việc bán thời gian tại siêu thị Sainsbury’s, theo Guardian.

Jason Arday 1
Jason Arday

11 tuổi mới biết nói

Hiện là một học giả được trọng vọng về vấn đề chủng tộc, bất bình đẳng và giáo dục nhưng vào năm 3 tuổi, anh nhận chẩn đoán mắc chứng chậm phát triển toàn cầu và rối loạn phổ tự kỷ. Tới năm 11 tuổi, Arday mới có thể học nói.

Vào tháng tới, anh sẽ đảm nhận vai trò giáo sư xã hội học về giáo dục tại Đại học Cambridge, và Arday hy vọng câu chuyện phi thường của mình sẽ truyền cảm hứng cho những người có hoàn cảnh khó khăn khác tiến tới giáo dục đại học.

Arday sẽ theo đuổi điều đó dựa trên công việc trước đây của mình tại các trường đại học Durham và Glasgow, tập trung vào vấn đề ít người da đen và dân tộc thiểu số trong giáo dục đại học, sự hiện diện khiêm tốn của họ trong ngành học thuật và thách thức của việc thúc đẩy trải nghiệm và kết quả giáo dục công bằng hơn cho tất cả.

“Công việc của tôi chủ yếu tập trung vào việc làm thế nào chúng ta có thể mở rộng cánh cửa hơn cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn và thực sự dân chủ hóa giáo dục đại học”, Arday bày tỏ.

“Hy vọng rằng việc ở một nơi như Cambridge sẽ giúp tôi có đòn bẩy để thực hiện điều đó đó trên toàn quốc và toàn cầu”.

“Nói là một chuyện, làm mới là điều quan trọng. Cambridge đã và đang thay đổi đáng kể và đạt được một số thành tựu đáng chú ý trong nỗ lực đa dạng hóa, nhưng còn rất nhiều việc phải làm - ở đây và toàn lĩnh vực”, Arday nói thêm.

Jason Arday 1
Giáo sư Jason Arday muốn dùng câu chuyện của bản thân để truyền cảm hứng cho những người có xuất phát điểm bất lợi khác. Ảnh: Đại học Cambridge.

Arday chào đời và lớn lên ở Clapham, nam London, trong một gia đình có bốn người con. Cho đến năm 11 tuổi, anh đã phải giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu và phần lớn thời thơ ấu của anh gắn liền với các nhà trị liệu ngôn ngữ. Gia đình Arday được thông báo rằng có khả năng anh sẽ cần sự hỗ trợ suốt đời. Thế nhưng, anh đã vượt lên trên tất cả.

Sau khi đạt hai chứng chỉ GCSE (Chứng chỉ Giáo dục Trung học) về giáo dục thể chất và dệt may, Arday đã học BTec tại trường cao đẳng, sau đó hoàn thành bằng đại học đầu tiên về giáo dục thể chất và nghiên cứu giáo dục.

Sau đó, anh hoàn thành hai bằng cao học, trong đó có một bằng PGCE để trở thành giáo viên giáo dục thể chất và bằng tiến sĩ tại Đại học John Moores Liverpool. Trong lúc đi học, anh làm việc bán thời gian tại Sainsbury's và Boots để có thêm thu nhập.

Giấc mơ trở thành hiện thực

Mười năm trước, khi đang học tiến sĩ, Arday đã viết một loạt các mục tiêu cá nhân lên tường phòng ngủ của mẹ mình. Điều thứ ba trong danh sách có nội dung như sau: “Một ngày nào đó tôi sẽ làm việc tại Oxford hoặc Cambridge”. Vào ngày 6/3, giấc mơ đó sẽ trở thành hiện thực.

“Tôi là một người lạc quan nhưng vẫn không thể nào nghĩ rằng điều đó lại xảy ra”, Arday chia sẻ.

Thông điệp trong câu chuyện của tôi dành cho những người trẻ tuổi khác có xuất phát điểm bất lợi là “mọi thứ đều có thể xảy ra”, anh nói.

“Tôi biết mình không nhất thiết phải có nhiều tài năng, nhưng tôi biết mình khao khát điều đó đến mức nào và tôi biết mình muốn làm việc chăm chỉ như thế nào”.

Jason Arday 1
Arday mong muốn có thể mở rộng cánh cửa hơn cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: BBC.

Tuy nhiên, điều này không nên chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của từng cá nhân - hệ thống cũng phải thay đổi, Arday nêu rõ. “Tại Cambridge, đã có những tiến bộ thực sự lớn và hữu ích. Thế nhưng, vẫn còn rất nhiều điều cần làm trong lĩnh vực phát triển, cũng như trong toàn ngành”, anh chỉ ra.

“Một trong những vấn đề lớn của lĩnh vực này đó là nó hoạt động theo cách rất không bền vững. Công việc thường dựa vào sức lao động của các chuyên gia và học giả da đen và dân tộc thiểu số mà không được trả công và không được công nhận”, Arday cho hay.

Thay vào đó, cần phải có trách nhiệm tập thể - Arday nói - và những người làm việc để thúc đẩy bình đẳng, đa dạng và hòa nhập nên được hỗ trợ và trả công xứng đáng.

Anh cũng nhấn mạnh nghiên cứu của BBC từ năm 2018 cho thấy các học giả da đen và dân tộc thiểu số được trả ít hơn so với các đồng nghiệp da trắng. Theo đó, các học giả da trắng nhận mức lương trung bình là 52.000 bảng Anh trong khi các học giả da đen là 38.000 bảng Anh.

Arday nói thêm: “Điều cuối cùng là nhận ra mức độ bạo lực ở một số không gian này và những người quản lý nhận ra rằng đó là một thách thức nghiêm trọng đối với sức khỏe tinh thần và tâm lý của người da đen và dân tộc thiểu số, đặc biệt là phụ nữ da màu, và cụ thể hơn là phụ nữ da đen trong lĩnh vực này, những người bị đối xử phân biệt. Tôi nghĩ đó là một vết nhơ trong lĩnh vực này, và đó là điều mà chúng ta cần cùng nhau suy nghĩ để làm tốt hơn”.

Arday cho biết phụ nữ da đen nằm trong số những người được trả lương thấp nhất trong ngành học thuật và trong số 24.000 giáo sư ở Anh, chỉ hơn 160 là người da đen và chỉ hơn 50 người là phụ nữ da đen.

Jason Arday 1
Vào ngày 6/3/2023, Arday bắt đầu đảm nhận vai trò giáo sư xã hội học về giáo dục tại Đại học Cambridge. Ảnh: Đại học Cambridge.

Giáo sư Bhaskar Vira, Phó hiệu trưởng phụ trách giáo dục tại Đại học Cambridge, cho biết: “Jason Arday là một học giả đặc biệt về chủng tộc, bất bình đẳng và giáo dục. Anh ấy sẽ đóng góp đáng kể cho nghiên cứu của Cambridge trong lĩnh vực này và giải quyết vấn đề về sự thiếu vắng của những người có hoàn cảnh kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt là những người da đen, châu Á và các cộng đồng dân tộc thiểu số khác.

“Trải nghiệm của anh ấy làm nổi bật những rào cản mà nhiều nhóm ít được đại diện phải đối mặt trong giáo dục đại học và đặc biệt là tại các trường đại học hàng đầu. Cambridge có trách nhiệm làm mọi thứ có thể để giải quyết vấn đề này bằng cách tạo ra những không gian học thuật nơi mọi người cảm thấy mình thuộc về”.

Zing (theo Guardian)