Nick Norwitz, sinh viên y khoa tại Harvard, đã ăn 24 quả trứng mỗi ngày trong suốt một tháng như một thí nghiệm về chuyển hóa.
Chàng sinh viên y khoa 25 tuổi Nick Norwitz đã ăn 720 quả trứng trong một tháng - Ảnh: iStock
Tổng cộng chàng sinh viên y khoa 25 tuổi đã ăn 720 quả trứng trong một tháng, với mong muốn quan sát tác động của lượng trứng này lên mức cholesterol của mình ra sao. Vào cuối tháng, anh phát hiện mức cholesterol của mình đã giảm 20%.
Ăn nhiều trứng nhưng không ảnh hưởng mức cholesterol?
Norwitz, tự miêu tả mình là một "nhà học thuật", có bằng tiến sĩ về sức khỏe chuyển hóa. Anh hiện đang hoàn thành bằng y khoa tại Đại học Harvard danh tiếng và cho biết mình luôn có niềm đam mê chia sẻ "niềm vui và sự quan tâm" đối với khoa học.
"Đồng nghiệp và tôi thường nghĩ ra những cách sáng tạo để truyền tải sự ngưỡng mộ và tình yêu đối với sinh lý học và sinh học, biến chúng thành những điều thú vị và dễ hiểu cho công chúng", anh chia sẻ với Fox News Digital.
"Mục tiêu là khơi dậy các cuộc thảo luận và đưa mọi người đến nơi mà chúng ta có thể nói về sự chuyển hóa của con người - chủ đề mà tôi thấy hoàn toàn hấp dẫn".
Trong suốt một tháng ăn trứng, Norwitz đã tiêu thụ 24 quả trứng mỗi ngày.
Anh ăn chúng theo "mọi cách", từ trứng khuấy, trứng chiên, trứng ốp lết... Trứng là một thực phẩm khá đa năng, vì vậy làm theo nhiều cách khác nhau đã giúp Norwitz tạo nên một thí nghiệm khá dễ chịu, không quá khó khăn.
"Mục đích của toàn bộ thí nghiệm là để minh họa về chuyển hóa nhằm thảo luận về các 'điểm điều chỉnh' có thể ảnh hưởng đến mức cholesterol ở từng cá nhân khác nhau. Tôi đã dự đoán mức cholesterol của mình sẽ không thay đổi chỉ bằng việc thêm trứng, và điều đó đã thực sự xảy ra", anh nói.
Chỉ khi Norwitz thêm carbohydrate thì mức cholesterol của anh mới giảm, do sự thay đổi chuyển hóa sau khi cơ thể đã thích nghi với chế độ ăn ít carbohydrate. Hiện tượng này được Norwitz giải thích trong một video về thí nghiệm.
Không có chế độ ăn nào là tốt nhất
Một điều quan trọng mà Norwitz đã học được từ thí nghiệm này và các thí nghiệm khác mà anh đã thực hiện là không có một "chế độ ăn tốt nhất" cho con người. "Khi đánh giá xem chế độ ăn nào tốt cho một người, bạn cần xem xét tình trạng chuyển hóa và mục tiêu của họ là gì", anh nói.
Ví dụ một số người có thể đang tối ưu hóa cho tuổi thọ, trong khi người khác tập trung vào sức khỏe tim mạch.
Norwitz cho biết anh còn rất nhiều thí nghiệm khác được lên kế hoạch để khơi dậy sự nhận thức và kiến thức về cách thực phẩm ảnh hưởng đến chức năng của cơ thể và sức khỏe tổng thể.
"Tôi đam mê việc đưa sức khỏe trao đổi chất trở thành chủ đề phổ biến. Đây chỉ mới là phần nổi của tảng băng chìm" - anh nói.
Ăn quá nhiều trứng có thể dẫn đến tăng mức cholesterol, bệnh tim
Mặc dù trứng là một thực phẩm bổ dưỡng và đa dụng, nhưng việc tiêu thụ vừa phải, tức tối đa bảy quả trứng mỗi tuần, là chìa khóa để tránh những rủi ro sức khỏe tiềm ẩn.
Theo trang Eat This Not That, ăn quá nhiều trứng có thể dẫn đến tăng mức cholesterol, bệnh tim, tăng cân, tiểu đường và thói quen ăn uống không lành mạnh.
Điều quan trọng là bạn cần chú ý đến lượng trứng tiêu thụ và cân nhắc đến chế độ ăn uống cũng như tình trạng sức khỏe tổng thể của mình.
Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi muốn bổ sung quá nhiều trứng vào chế độ ăn hằng ngày.
Theo Tuổi Trẻ