Bác sĩ Rachel Gibson, 47 tuổi, ngừng tim sau ca phẫu thuật thay khớp háng tại Bệnh viện Spire Lea do bị tiêm quá liều thuốc gây tê cục bộ.
Phẫu thuật thay khớp háng (Hip Replacement Surgery) là quy trình cắt bỏ khớp háng bị đau do tổn thương bệnh lý và thay thế bằng khớp nhân tạo. Sự việc xảy ra vào tháng 7, song đến tháng 9/2024 mới được truyền thông đưa tin. Theo cơ quan chức năng, bác sĩ Gibson được phát hiện bị tổn thương não không phục hồi do thiếu oxy. Điều tra cho thấy nguyên nhân tử vong là người thực hiện ca mổ đã tiêm quá liều lượng thuốc gây tê cục bộ cho bệnh nhân.
Gây tê cục bộ là phương pháp sử dụng thuốc tê để tạm thời làm tê một vùng nhỏ trên cơ thể trước khi thực hiện một phẫu thuật nhỏ. Khác với gây mê toàn thân, gây tê cục bộ không gây buồn ngủ.
Trong báo cáo gửi đến Đại học Gây mê Hoàng gia (RCOA), nhân viên điều tra Philip Barlow, đã cảnh báo đây là "lỗi phổ biến" trên toàn nước Anh. Trong tương lai, có thể nhiều bệnh nhân sẽ tử vong vì dạng sự cố này.
Theo báo cáo, bác sĩ gây mê thường hướng dẫn y tá về loại và liều lượng thuốc sử dụng với bệnh nhân. Y tá sau đó chuẩn bị thuốc và chuyển đến bác sĩ phẫu thuật. Tất cả thủ tục cần có giấy tờ đi kèm. Tuy nhiên, các báo cáo cho thấy quy trình kiểm tra, quản lý tại nơi Gibson phẫu thuật "không rõ ràng". Cơ quan điều tra chỉ ra rằng bác sĩ gây mê chỉ thông báo liều lượng cho y tá bằng miệng, thay vì kê đơn ra giấy. Ông này cũng không kiểm tra lại những gì y tá đã ghi chú. Những ghi chú này sau đó được chuyển trực tiếp đến bác sĩ phẫu thuật.
Ngoài ra, quy ước sử dụng mililit và miligam trong các thủ tục liên quan đến phẫu thuật tại bệnh viện cũng có sự mâu thuẫn. Điều này có thể dẫn đến những sai sót tiềm ẩn. "Đây là điều rất quan trọng trong trường hợp y tá cần pha loãng thuốc tê, thuốc mê. Nếu các loại thuốc được thống nhất đo lường bằng miligam, tỷ lệ gặp sự cố y tế sẽ giảm đi", báo cáo của Barlow nêu rõ.
Bác sĩ Rachel Gibson, 47 tuổi, bị ngừng tim sau ca phẫu thuật thay khớp háng. Ảnh: Daily Mail
Trong cuộc điều tra trên, một nhà nghiên cứu y học đã phát hiện y tá có ý định pha loãng dung dịch Ropivacain 2% (thuốc gây tê tại chỗ) với nước muối sinh lý trước khi sử dụng. Tuy nhiên, bằng chứng cho thấy cuối cùng y tá đã không làm điều này. Việc sử dụng liều thuốc tê quá cao dẫn đến cái chết của bệnh nhân.
Ông Barlow nhận định đây là bài học cho những thủ thuật y khoa trong tương lai. Đến nay, bệnh viện trong vụ việc đã cập nhật hệ thống dán nhãn và bổ sung quy trình ký xác nhận loại thuốc được sử dụng trong quá trình phẫu thuật.
"Tuy nhiên, ở nhiều cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc, cách kê đơn, kiểm tra và thực hiện tiêm thuốc gây tê cục bộ có sự khác biệt lớn", ông Barlow nói.
Thực tế, tình trạng tử vong do gây mê ở Anh là rất hiếm. RCOA cho biết tỷ lệ tử vong do gây mê là khoảng một trên 100.000 lần sử dụng. Tuy nhiên, tình trạng sức khỏe và thể lực của bệnh nhân là yếu tố lớn ảnh hưởng đến kết quả. Trước đó, Anh báo cáo một số ca tử vong do sử dụng lượng thuốc mê, thuốc tê ở mức độ không phù hợp.
Năm 2020, Tòa Án Manchester xét xử sự cố y tế gây ra cái chết của bệnh nhân Christopher Hales, 56 tuổi. Người này tử vong tại bệnh viện sau khi bị bác sĩ tiêm quá liều thuốc mê.
VnExpress (theo DailyMail)