Bệnh nhân đầu tiên ở Anh được tiêm thử nghiệm vaccine

tiem vaccine o anh 1
Elisa Granato là một trong hai tình nguyện viên đầu tiên thử nghiệm vaccine.

Thử nghiệm vaccine virus corona đầu tiên trên người tại châu Âu đã bắt đầu tại Oxford.

Hai tình nguyện viên đã được tiêm, là những người đầu tiên trong số 800 người được chọn cho nghiên cứu này.

Một nửa trong số đó sẽ được tiêmvaccine Covid-19, số còn lại sẽ được tiêm vaccine phòng viêm màng não chứ không phòng virus corona.

Những tình nguyện viên tham gia sẽ không biết họ được tiêm loại vaccine nào, chỉ có bác sĩ mới biết điều này.

Elisa Granato, một trong hai người đầu tiên được tiêm thử nghiệm, nói với BBC: "Tôi là một nhà khoa học, do đó tôi luôn muốn hỗ trợ các thử nghiệm khoa học bất cứ nơi đâu."

Vaccine này được một nhóm nghiên cứu ở Đại học Oxford phát triển trong chưa đầy ba tháng. Sarah Gilbert, giáo sư vaccine học tại Viện Jenner, dẫn đầu cuộc nghiên cứu tiền lâm sàng.

"Cá nhân tôi có niềm tin sâu sắc vào loại vaccine này," bà cho biết.

"Tất nhiên là chúng ta phải thử nghiệm và thu thập dữ liệu trên người. Chúng ta buộc phải chứng minh vaccine hiệu nghiệm và có thể giúp con người tránh bị nhiễm virus trước khi có thể sử dụng rộng rãi."

Giáo sư Gilbert trước đây từng nói là bà "tin tưởng 80%" rằng vaccine sẽ phát huy tác dụng, nhưng giờ đây bà đã không đưa con số cụ thể nào mà chỉ nói đơn giản là "rất lạc quan".

Vaccine hoạt động như thế nào?

Vaccine thử nghiệm trên được làm từ một loại virus cúm mùa đã bị làm yếu (gọi là adenovirus) lấy từ tinh tinh và đã được can thiệp để không thể phát triển ở người.

tiem vaccine o anh 1

Trước đây, nhóm khoa học gia của Oxford từng phát triển vaccine ngừa MERS, một loại virus corona khác, với phương pháp tiếp cận tương tự và đã cho thấy kết quả khả quan trong các thử nghiệm lâm sàng.

tiem vaccine o anh 1
Phóng viên Fergus đang cầm lọ đựng vắc xin thử nghiệm của nhóm Oxford.

Làm sao để biết vaccine hiệu nghiệm?

Cách duy nhất để nhóm nghiên cứu biết được loại vaccine Covid-19 này phát huy hiệu quả là so sánh số người bị nhiễm trong các tháng tới từ hai nhóm tham gia thử nghiệm.

Trong trường hợp các ca nhiễm ở Anh giảm nhanh thì có thể khiến cuộc thử nghiệm gặp rắc rối do không đủ dữ liệu.

Giáo sư Andrew Pollard, Giám đốc Nhóm Vaccine Oxford và là người dẫn đầu cuộc thử nghiệm, cho biết: "Chúng tôi đang đuổi bắt giai đoạn cuối của đợt dịch hiện tại. Nếu không bắt kịp, trong vài tháng tới chúng tôi sẽ không thể khẳng định được vaccine có hiệu nghiệm hay không. Nhưng chúng tôi cũng nhận định là sẽ có thêm nhiều ca bệnh trong tương lai bởi vì con virus này không biến mất."

Các nhà nghiên cứu vaccine thường ưu tiên tuyển chọn các nhân viên y tế địa phương cho các cuộc thử nghiệm vì những người này dễ phơi nhiễm virus.

Trong các tháng tới, một cuộc thử nghiệm lớn hơn sẽ được tiến hành với số tình nguyện viên tham gia khoảng 5.000 người không giới hạn độ tuổi.

Người lớn tuổi thường có phản ứng miễn dịch yếu hơn khi được tiêm vaccine. Các nhà nghiên cứu đang cân nhắc liệu có nên tiêm cho họ hai liều.

Nhóm nghiên cứu Oxford cũng đang tìm hiểu khả năng tiến hành thử nghiệm ở châu Phi, có thể là Kenya, nơi tỉ lệ lây nhiễm đang tăng nhanh.

Nếu số lượng người nhiễm là vấn đề, tại sao không cân nhắc việc tiêm thử nghiệm vaccine cho các tình nguyện viên nhiễm virus corona?

Đó có thể là phương cách nhanh chóng và rõ ràng để có thể xác định được vaccine có hiệu nghiệm hay không, nhưng làm vậy sẽ đối mặt với vấn đề đạo đức trong bối cảnh chưa có biện pháp chữa trị hữu hiệu đối với bệnh nhân Covid-19.

Nhưng điều đó có thể trở nên khả thi trong tương lai. Giáo sư Pollard chia sẻ: "Nếu một lúc nào đó chúng ta tìm được vài biện pháp điều trị cho căn bệnh này, và có thể đảm bảo an toàn cho các tình nguyện viên, thì đó sẽ là cách rất tốt để thử vaccine."

Vaccine có an toàn?

Các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm sẽ được giám sát kỹ trong thời gian tới. Họ được cảnh báo là một vài người có thể bị nhức tay, đau đầu hoặc sốt trong vài ngày đầu tiên sau khi tiêm.

Họ cũng được cảnh báo là về lý thuyết thì có thể xảy ra nguy cơ virus thử nghiệm kích hoạt các phản ứng nghiêm trọng từ virus corona, vốn trước đây từng xảy ra trong các cuộc thử nghiệm vaccine SARS trên động vật.

tiem vaccine o anh 1
Việc nghiên cứu vắc xin bắt đầu từ tháng 1/2020. Ảnh: SEAN ELIAS - OXFORD VACCINE TRIAL

Nhưng nhóm nghiên cứu Oxford nói rằng các dữ liệu thu thập được cho thấy nguy cơ vaccine thử nghiệm khiến cho bệnh tình nặng thêm là rất thấp.

Các nhà khoa học hy vọng vào tháng 9 có thể có được 1 triệu liều vaccine, sau đó có thể tăng quy mô sản xuất, nếu vaccine cho thấy hiệu quả phòng bệnh.

Ai sẽ được tiêm vaccine trước?

Giáo sư Gilbert nói chưa có quyết định về việc này: "Chúng tôi không có bổn phận tuyên bố điều gì sẽ đến, chúng tôi chỉ cố gắng để có được một vaccine hiệu nghiệm và có đủ số lượng vaccine đó. Sau đấy thì là chuyện của người khác."

Giáo sư Pollard nói thêm: "Chúng tôi sẽ đảm bảo có đủ liều dùng để cung cấp cho những người cần kíp nhất, không chỉ tại Anh mà còn tại các nước đang phát triển."

Một nhóm khác tại Đại học Imperial London cũng đang hy vọng tiến hành các cuộc thử nghiệm vaccine trên người vào tháng 6.

Các nhóm nghiên cứu của Oxford và Imperial đã nhận hơn 40 triệu bảng từ quỹ của chính phủ.

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock đã biểu dương hai nhóm nghiên cứu và nói rằng Anh quốc sẽ "dốc toàn lực" để phát triển vaccine.

Cố vấn y tế trưởng của Vương quốc Anh, Giáo sư Chris Whitty, trước đây từng nói là khó có khả năng vaccine và thuốc điều trị sẽ sẵn sàng vào năm tới.

Theo BBC Tiếng Việt