Cất trữ thực phẩm an toàn

SKĐS - Mỗi lần nhà tôi có việc phải làm cỗ thức ăn và các loại thực phẩm dư thừa nhiều. Tôi nghe nói nếu không biết cất trữ thì dễ bị ngộ độc.

Mỗi lần nhà tôi có việc phải làm cỗ thức ăn và các loại thực phẩm dư thừa nhiều. Tôi nghe nói nếu không biết cất trữ thì dễ bị ngộ độc. Xin hỏi có cách nào cất trữ thực phẩm an toàn, không bị ôi thiu, thưa bác sĩ?

Minh Hà (Lai Châu)

Thực phẩm lưu trữ càng lâu giá trị dinh dưỡng càng giảm, dù chúng ta có bảo quản đúng cách. Để dự trữ thực phẩm an toàn và giữ được giá trị dinh dưỡng, cần bảo quản trong tủ lạnh theo một số nguyên tắc chính như sau:

Thực phẩm sống sau khi sơ chế, làm sạch, nên chia thành từng phần đủ dùng trong các lần ăn để vào các hộp, bao bảo quản thực phẩm và cất vào ngăn lạnh tủ lạnh (phần làm đông đá).

Rau củ sau khi rửa sạch bọc kín trong bao nilon dành bảo quản thực phẩm và cất vào ngăn mát tủ lạnh.  Thực phẩm chế biến sẵn bảo quản trong ngăn mát hoặc ngăn đá tùy theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Trong mỗi bữa ăn, nên nấu lượng vừa đủ để sử dụng hết. Trong trường hợp không ăn hết, thức ăn thừa cần được đựng trong những hộp có nắp kín. Trước khi sử dụng lại, thức ăn cần được đun sôi, kiểm tra mùi vị. Nếu phát hiện đã ôi thiu hoặc có mùi vị bất thường thì tuyệt đối không sử dụng. Tốt nhất không để thức ăn đã chế biến còn dư thừa qua 2 ngày trong tủ lạnh.

Trong trường hợp không có tủ lạnh, thực phẩm sau khi nấu chín, ăn không hết phải đun nấu lại. Trước khi ăn cần phải đun kỹ lại nếu để trên 5 giờ ở nhiệt độ phòng. Các loại thực phẩm không cần bảo quản lạnh cũng phải tránh để gần bếp lửa, gần cửa sổ, nơi ánh nắng chiếu vào vì sẽ làm mất nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là các vitamin.

Bác sĩ Ngọc Diệp