Cảnh báo nhiều trẻ nhập viện do say nóng

SKĐS - Nắng nóng như thiêu như đốt trên 40 độ C khiến nhiều trẻ nhỏ lũ lượt được đưa đi khám với biểu hiện sốt do say nóng, trẻ sốt cao nhưng mũi họng không có biểu hiện viêm...

Nắng nóng như thiêu như đốt trên 40 độ C khiến nhiều trẻ nhỏ lũ lượt được đưa đi khám với biểu hiện sốt do say nóng, trẻ sốt cao nhưng mũi họng không có biểu hiện viêm nhiễm, chảy nước.

Với những trẻ sốt do say nóng, bác sĩ khuyến cáo tốt nhất là cách ly trẻ khỏi môi trường nắng nóng thì trẻ sẽ hết sốt.

BS. Nguyễn Đông Hải, Phó trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, những ngày nắng nóng vừa qua trẻ em bị các bệnh lý viêm đường hô hấp vào khoa khám vẫn đông, duy trì ở mức trên 40% trong tổng số trẻ đến khám. Đáng nói, trong đó nhiều trường hợp ốm sốt, cảm nhiệt, cảm lạnh (do ngấm mồ hôi) vì không chịu nổi thời tiết nóng bức găy gắt.

Nhiều trẻ sốt cao vì môi trường không thuận lợi, sáng đi nhà trẻ vẫn bình thường nhưng chiều lại sốt hầm hập 39-40 độ C do nơi giữ trẻ chật chột nóng bức, không có điều hòa. Những trẻ này khi đến viện chỉ có duy nhất biểu hiện của sốt nên thường chỉ cần cách ly khỏi môi trường nắng nóng là hết sốt.

Theo các bác sĩ, say nóng là hiện tượng rất thường gặp trong mùa hè. Biểu hiện lâm sàng cũng tương đối dễ nhận biết: Trẻ đột nhiên khóc, vật vã rồi sốt li bì... Những trẻ đã lớn thì tự nhiên thấy tối tăm mặt mũi, chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn… Việc xử lý say nóng nên làm ngay lập tức là đưa trẻ ra chỗ mát, thoáng khí, cởi bỏ bớt quần áo, bù nước, điện giải và đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất.

Bác sĩ khám cho bệnh nhi tại khoa Nhi, BV Bạch Mai. Ảnh: D.Hải
Bác sĩ khám cho bệnh nhi tại khoa Nhi, BV Bạch Mai. Ảnh: D.Hải

Một số trẻ khác mắc các bệnh lý viêm đường hô hấp, ho, viêm phổi vì nhiễm lạnh do trẻ chơi đùa ra nhiều mồ hôi mà không được thay quần áo kịp thời, dễ thấm vào cơ thể. Ngoài ra, phụ huynh cũng nên lưu ý không nên để điều hòa quá lạnh hoặc cho quạt thốc thẳng vào mặt trẻ. Không cho trẻ tắm ngay khi vừa chạy nhảy, không cho trẻ ngâm nước quá lâu…

BS. Tống Quang Hưng, khoa Nhi khuyến cáo, việc chống nắng nóng cho trẻ quan trọng nhất là làm mát cho các cháu, chẳng hạn như sử dụng điều hòa, quạt mát, mặc quần áo thoáng mát. Tuy nhiên cần lưu ý cần kiểm soát tốt nhiệt độ phòng không quá chênh lệch so với bên ngoài.

Về chế độ ăn uống, do nóng bức trẻ ra nhiều mồ hôi, phụ huynh lưu ý trong chế biến các món dễ ăn, cung cấp đủ nước cho trẻ tránh mất nước .

Đặc biệt phụ huynh tuyệt đối không được chườm đá lạnh cho trẻ bởi nguyên tắc của việc làm mát là phải từ từ, tránh làm mát đột ngột, thay đổi nhiệt độ đột ngột dễ gây nguy hiểm cho trẻ.

Nếu trẻ đi du lịch xa trong kỳ nghỉ hè cần được chuẩn bị kỹ lưỡng về sức khỏe, mũ áo chống nắng đầy đủ để bảo vệ trẻ khỏi ánh nắng mặt trời gay gắt…

 

D.Hải