Bản năng làm mẹ đã cứu hai mạng người

SKĐS - Nhiều phụ nữ sau sinh bị rối loạn trầm cảm nhưng bản thân người phụ nữ và gia đình của họ không nhận biết được,

Nhiều phụ nữ sau sinh bị rối loạn trầm cảm nhưng bản thân người phụ nữ và gia đình của họ không nhận biết được, hậu quả là bệnh nặng dần, ảnh hưởng tới sức khỏe của cả mẹ và con, thậm chí còn gây nguy hiểm đến cả tính mạng.

Bản năng làm mẹ đã cứu hai mạng người

Cần phát hiện sớm chứng trầm cảm sau sinh. (Ảnh chỉ có tính minh họa)

Một ca lâm sàng

Chị M. quê ở Yên Bái, 28 tuổi, sau sinh con được gần 1 tuần thì lâm vào tình trạng buồn rầu, chán nản, rối loạn giấc ngủ, ăn kém. Tình trạng này ngày một nặng lên, gia đình cho rằng chị bị suy nhược, hậu sản… Chị đã uống thuốc bồi bổ sức khỏe nhưng mãi không cải thiện mà ngày càng nặng lên, chị lo lắng, mất quan tâm thích thú, ngại tiếp xúc, thu mình, cảm thấy bất lực, vô dụng xen lẫn lo âu, sợ hãi, sợ mình không có khả năng chăm sóc con, sợ mất con, người gầy sút mệt mỏi. Ngày tháng cứ trôi đi, nỗi buồn cứ bám theo chị, chị chẳng muốn tâm sự với ai và chẳng ai hiểu được chị. Nỗi buồn đã đạt đến tột độ, chị tuyệt vọng và đã nghĩ đến chuyện từ bỏ cuộc sống này để khỏi phải đau khổ, phiền muộn kéo dài nữa, chị không đủ sức chịu đựng nổi, suốt ngày đêm chị nghĩ đến cách tự hủy hoại bản thân, tự tử cùng đứa con của mình. Rồi một hôm, chị quyết định bế con ra sông tự tử, lúc này con chị đã được 5 tháng. Khi bước xuống nước, chị ngắm nhìn con lần cuối, bỗng nhiên đứa trẻ giơ tay lên và nhoẻn miệng cười. Chính nụ cười hồn nhiên ngây thơ của đứa trẻ đã thức tỉnh bản năng làm mẹ trong con người chị, chị tự nhủ mình tại sao con mình đáng thương thế, không tội lỗi gì mà phải chết theo mình, chị quay vào bờ và lững thững bế con về nhà. Gia đình thấy vậy đưa chị đến phòng khám của chúng tôi. Tại đây, chị đã được chẩn đoán rối loạn trầm cảm nặng sau sinh. Chị đã được các nhà tâm lý kết hợp với bác sĩ tâm thần điều trị bằng liệu pháp tâm lý, tư vấn gia đình giúp họ nhận thức được tình trạng bệnh lý của chị để có được sự cảm thông thấu hiểu, chia sẻ và nâng đỡ chị. Chị đã được sử dụng thuốc men thích hợp. Sau một thời gian điều trị, chị đã thoát ra khỏi tình trạng trầm cảm, bệnh thuyên giảm dần rồi ổn định, chị trở lại hòa nhập gia đình và xã hội, tiếp tục công việc kế toán của mình một cách bình thường. Con chị được chăm sóc đầy đủ, lớn lên dần theo năm tháng, tuy nhiên, phát triển tâm vận động có phần chậm hơn so với lứa tuổi và những trẻ cùng trang lứa. Về các mốc vận động và tâm lý, phát triển ngôn ngữ, khả năng tương tác, nhận thức… cũng chậm hơn.

Lời khuyên của thầy thuốc

Thực ra, chị đã và đang bị chứng rối loạn liên quan đến sức khỏe tâm thần, đó là trầm cảm sau sinh. Qua trường hợp này, điều tôi muốn gửi tới các bà mẹ trong thời kỳ mang thai và sinh em bé, đây là thời kỳ phụ nữ cảm thấy hạnh phúc, viên mãn, tuy nhiên, nó cũng là thời kỳ mệt mỏi, vất vả và có nhiều biến đổi về tâm sinh lý, đặc biệt là sự căng thẳng, lo lắng, với trách nhiệm vai trò làm mẹ dẫn đến rối loạn giấc ngủ, rối loạn cảm xúc và dễ lâm vào tình trạng trầm cảm sau sinh.

Xin các bạn hãy lưu ý, cần được thăm khám thai theo quy định và không chỉ về mặt sức khỏe thể chất của mẹ, của thai mà phải lưu ý các phần sức khỏe tâm thần, nếu có dấu hiệu gì bất thường như tôi đã mô tả ở trên, các bạn đừng chịu đựng và để nó trôi đi theo năm tháng, điều đấy sẽ làm ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, chất lượng sống của người mẹ và ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tâm lý của thai nhi và con nhỏ. Các bạn hãy tìm đến các bác sĩ chuyên khoa tâm thần, các trung tâm tâm lý để được tư vấn giúp đỡ, ngăn chặn những cái chết không đáng phải xảy ra.

TS.BSCKII. Lã Thị Bưởi