Coi chừng trẻ bị ong đốt, rắn cắn

Nguy cơ trẻ gặp phải những tai nạn, thương tích mùa hè như: ong đốt, rắn cắn, té ao... là rất lớn nếu cha mẹ không dặn dò, trông chừng trẻ.

Mùa hè đã đến, các trẻ không phải đến trường, không phải đi học mà được vui chơi nhiều hơn, nhất là tại các vùng nông thôn, khu vực ngoại thành... Do vậy, nguy cơ trẻ gặp phải những tai nạn, thương tích mùa hè như: ong đốt, rắn cắn, té ao... là rất lớn nếu cha mẹ không dặn dò, trông chừng trẻ kỹ lưỡng. 

Coi chừng trẻ bị ong đốt, rắn cắn

Đầu hè năm nay, các bệnh viện Nhi Đồng 1 và 2 TP.HCM đã tiếp nhận nhiều trẻ bị những tai nạn như trên. Mới đây nhất, ngày 2/6, khoa Cấp cứu - Hồi sức BV. Nhi Đồng tiếp nhận em L. G. B. (10 tuổi nam, ngụ tại Cà Mau), được chuyển viện với chẩn đoán ong vò vẽ đốt biến chứng suy gan, suy thận, tiểu huyết sắc tố. Theo BS. Nguyễn Minh Tiến, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực, tại đây, qua thăm khám, em lơ mơ,  mê, khó thở tím tái, vàng da vàng mắt, tiểu ít, tiểu đỏ, với 60 vết ong đốt ở đầu cổ, tay, lưng gây sưng phù, xét nghiệm cấp cứu với kết quả cho thấy tổn thương phổi nặng, suy gan, suy thận rối loạn đông máu, toan chuyển hóa, tăng kali máu. Em được nhanh chóng chuyển khoa Hồi sức, thở oxy và được lọc máu liên tục. Sau 48 giờ lọc máu, tình trạng em cải thiện hơn tỉnh táo, bớt vàng da, vàng mắt, tình trạng suy hô hấp cải thiện, tiểu khá hơn, bớt đỏ. Em được tiếp tục theo dõi và điều trị tại khoa thận.

Trước đó, BV. Nhi Đồng 1 tiếp nhận em L.T.T.D 8  tuổi, nữ, ngụ ở Đồng Nai bị rắn cắn khi được nghỉ cuối tuần đi chơi vườn hoa cùng mẹ. Khi lại gần một bụi cây để hái hoa thì bị 1 con rắn lục đuôi đỏ nấp ở cành hoa cắn ở cẳng chân phải. Em được đưa đến bệnh viện địa phương sơ cứu ban đầu, sau đó chuyển BV. Nhi Đồng 1 và được truyền huyết thanh kháng nọc rắn lục cùng với điều trị hỗ trợ khác như: thở oxy, kháng sinh, dịch truyền. Sau một tuần điều trị em mới tỉnh táo, ăn uống được trở lại.

Qua các trường hợp này, các bác sĩ lưu ý đến quý phụ huynh, mùa hè tới trẻ đi chơi ngoài vườn, đi chơi đến vùng quê hay chọc phá tổ ong dễ bị ong bay ra tấn công hay rắn “núp lùm” cắn. Do vậy, cần phòng ngừa bằng cách phát quang xung quanh nhà, giáo dục trẻ không chọc phá tổ ong, không cho trẻ leo trèo, mang giày ống cao và mặc quần dài phủ ra ngoài giày khi đi trên cỏ rậm hoặc vườn cây có nhiều lá khô. Khi bị rắn độc cắn hoặc nghi ngờ rắn độc cắn, cần cho nạn nhân nằm bất động, vệ sinh vết thương bằng nước và xà phòng sau đó chuyển ngay tới cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Tuân Nguyễn

SKĐS cuối tuần