Thực chất về thuốc “giảm đau” trong chuyển dạ

(SKDS) - Sử dụng Prostaglandin (thuốc thường dùng hiện nay là misoprostol) là một trong những phương pháp gây chuyển dạ để chấm dứt thai kỳ trong những trường hợp buộc phải đình chỉ thai non tháng (chết lưu, dị tật…). Tuy nhiên, thuốc cũng có thể gây nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. Thực chất về tác dụng của thuốc “giảm đau” trong chuyển dạ là thế nào? Xin giới thiệu bài viết dưới đây để bạn đọc tham khảo.

Dùng dự phòng loét dạ dày tá tràng

Misoprostol là chất tổng hợp tương tự prostaglandin E1, có tác dụng ức chế tiết acid dạ dày và bảo vệ niêm mạc dạ dày. Vì vậy thuốc được chỉ định dùng để dự phòng loét dạ dày - tá tràng (do thuốc chống viêm không steroid, kể cả aspirin, ở những người bệnh có nguy cơ cao có biến chứng loét dạ dày như người cao tuổi, người có bệnh gây suy nhược, người có tiền sử loét dạ dày…). Cần phải dùng misoprostol trong suốt thời gian điều trị thuốc chống viêm không steroid. Do có tác dụng dự phòng nên misoprostol không có tác dụng đối với đau hoặc khó chịu dạ dày - ruột do sử dụng thuốc chống viêm không steroid.

Khi dùng với liều ngăn chặn tiết acid dạ dày, misoprostol có tác dụng làm lành vết loét dạ dày có hiệu quả như những thuốc đối kháng H2.  Tuy nhiên, tác dụng giảm đau do loét và lành loét tá tràng của misoprostol không được chắc chắn. Hiện nay thuốc này được dùng chủ yếu để dự phòng loét thường xảy ra trong khi điều trị dài hạn thuốc chống viêm không steroid.
 
image
 Cấu trúc hóa học của misoprostol.
Thuốc chống viêm không steroid ức chế tổng hợp prostaglandin, và sự thiếu hụt prostaglandin trong niêm mạc dạ dày có thể dẫn đến giảm tiết bicarbonat và dịch nhầy, có thể góp phần vào thương tổn niêm mạc do những thuốc này gây nên. Misoprostol có thể làm tăng sản xuất bicarbonat và dịch nhầy, nhưng ở người dùng liều 200microgam và cao hơn, cũng có tác dụng chống tiết. Do đó không rõ khả năng dự phòng loét dạ dày của misoprostol là kết quả của tác dụng chống tiết hay tác dụng bảo vệ niêm mạc, hoặc của cả hai tác dụng này.

Không được dùng misoprostol cho những người bệnh có tiền sử dị ứng với prostaglandin. Misoprostol có thể gây tiêu chảy tới 30% người bệnh ở liều điều trị uống. Ngoài ra, người bệnh khi dùng thuốc này có thể gây co cứng bụng, kích thích tử cung, chảy máu âm đạo… đây cũng là tác dụng phụ không mong muốn của thuốc và là nguyên nhân gây hạn chế sử dụng thuốc này.

Ở phần lớn người bệnh, những tác dụng phụ này phát triển trong vài tuần đầu điều trị và ngừng sau khoảng một tuần. Có thể làm giảm khả năng tiêu chảy bằng cách uống misoprostol cùng với thức ăn, vào lúc đi ngủ và tránh dùng cùng một lúc với các thuốc chống acid chứa magnesi. Vì những tác dụng không mong muốn này thường từ nhẹ đến vừa và hết sau ít ngày, đa số người bệnh có thể tiếp tục dùng misoprostol. Trong trường hợp những tác dụng đó kéo dài (quá 8 ngày) hoặc tiêu chảy nặng, co cứng cơ và/hoặc buồn nôn, cần phải mời bác sĩ.

Không dùng cho phụ nữ có thai

Misoprostol chống chỉ định đối với người mang thai bởi trong thời kỳ mang thai, dùng misoprostol có thể gây nguy hiểm cho thai nghén (có thể gây sảy thai) và do đó gây tổn hại cho thai. Misoprostol có thể gây co bóp tử cung, chảy máu tử cung và sảy thai. Sảy thai do misoprostol gây nên có thể không hoàn toàn. Trong những nghiên cứu ở phụ nữ được gây sảy thai theo ý muốn trong 3 tháng đầu, misoprostol gây sảy thai một phần hoặc toàn bộ ở 11% đối tượng và làm tăng chảy máu tử cung ở 41% đối tượng. Những tư liệu hiện có cho thấy misoprostol có khả năng sinh quái thai (nếu không sảy thai), bằng cơ chế có thể có liên quan với sự phá vỡ hệ mạch ở thai. Nếu một người mang thai trong khi uống misoprostol, cần phải ngừng dùng thuốc này và báo cho người bệnh biết về mối nguy hiểm có thể có đối với thai.

Ngoài ra, không được dùng đối với người có khả năng mang thai, trừ khi người bệnh cần phải được điều trị với thuốc chống viêm không steroid và có nguy cơ cao trong biến chứng loét dạ dày do sử dụng thuốc chống viêm không steroid, hoặc có nguy cơ cao phát triển loét dạ dày. Khi bắt đầu điều trị với misoprostol họ phải dùng một biện pháp tránh thụ thai hữu hiệu trong thời gian dùng misoprostol. Chưa xác định sự an toàn và hiệu lực của misoprostol ở trẻ em dưới 18 tuổi.

image  Tư vấn sức khỏe sinh sản cho trẻ vị thành niên ở Trung tâm CSSKSS Hải Dương.   Ảnh: H. Hoa Không sử dụng gây chuyển dạ cho thai phụ đủ tháng

Sử dụng misoprostol là một trong những phương pháp gây chuyển dạ. Thuốc có tác dụng rất tốt trong việc làm mềm, mở cổ tử cung và gây chuyển dạ, ngoài ra còn có tác dụng kéo dài tới giai đoạn 3 của quá trình chuyển dạ, có ảnh hưởng trực tiếp tới sự cầm máu sau đẻ. Tuy nhiên, khi dùng thuốc này có thể thấy nhức đầu, đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, táo bón; buồn nôn, nôn; có nguy cơ gây vỡ tử cung và suy thai…

Đối với thời kỳ cho con bú, misoprostol không chắc được bài tiết vào sữa mẹ vì thuốc này chuyển hóa nhanh trong cơ thể. Tuy nhiên, không biết chất chuyển hóa có hoạt tính (misoprostol acid) có vào sữa hay không. Do đó, không được dùng misoprostol cho người mẹ cho con bú vì misoprostol acid gây tiêu chảy ở trẻ nhỏ.

Mới đây, Bộ Y tế đã có công văn số 5443/BYT - BMTE đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở sản khoa trên địa bàn không sử dụng misoprostol gây chuyển dạ trên thai phụ đủ tháng và thai sống vì nguy cơ vỡ tử cung và suy thai. Tuyệt đối không lạm dụng các thuốc tăng co tử cung để gây chuyển dạ. Đối với các trường hợp khác, ngoài việc tuân thủ các điều kiện, chỉ định, chống chỉ định, đánh giá trước khi gây chuyển dạ, cần phải theo dõi sát cơn co tử cung, tim thai, các tác dụng phụ, tiến triển của cuộc chuyển dạ để đánh giá, tiên lược và xử trí kịp thời…           

  Dược sĩ Hoàng Thu Thủy