62 quốc gia hợp lực thu giữ 1.400 tấn ma túy

Colombia dẫn đầu chiến dịch triệt phá phối hợp với 62 quốc gia, thu giữ 1.400 tấn ma túy, trong đó có 225 tấn cocaine, mức cao nhất lịch sử.

Chiến dịch Orion, kéo dài từ 1/10 đến 14/11 thu giữ hơn 1.400 tấn ma túy, trong đó có 1.000 tấn cần sa, 225 tấn cocaine. Đây là lượng cocaine bị thu giữ nhiều hơn bất cứ chiến dịch nào trong lịch sử, Tham mưu trưởng hải quân Colombia Orlando Enrique Grisales thông báo ngày 27/11. Chiến dịch có sự tham gia của Colombia, Mỹ, các nước EU, Australia...

Chiến dịch có bước tiến đột phá khi chặn được 6 tàu ngầm chở ma túy, từ đó phát hiện tuyến đường vận chuyển mới mà các băng đảng sử dụng để đưa hàng đến Australia. Australia đang là thị trường béo bở cho các băng đảng, khi giá cocaine tại đây lên đến 240.000 USD một kg, cao hơn giá ở Mỹ 3-6 lần.

Một trong hai con tàu khởi hành từ Tumaco, Colombia, đang trong hành trình vượt 6.500 km. "Các băng đảng đã cải tiến thiết kế, tăng sức chứa nhiên liệu cho những tàu ngầm này", Manuel Rodriguez, lãnh đạo đơn vị chống ma túy của hải quân Colombia, nói.

Tàu ngầm ma túy là những tàu dài 10-25 m, di chuyển thấp dưới mặt nước nên khó bị phát hiện.

Giới chức chặn một tàu ngầm chở ma túy trong chiến dịch Orion. Ảnh: Hải quân Colombia

Chiến dịch cũng bắt hơn 400 người, ngăn nhiều chuyến hàng vũ khí. "Thành quả này sẽ ngăn hàng nghìn ca tử vong do sốc ma túy, và ngăn khoảng 8,5 tỷ USD đến tay các băng đảng", Rodriguez nói.

Các nước đã dùng máy bay, trực thăng, tàu hộ vệ để chặn các lô hàng. Rodriguez cho biết yếu tố quan trọng nhất là chia sẻ thông tin tình báo.

Liên Hợp Quốc ước tính 2.700 tấn cocaine được sản xuất trên toàn cầu mỗi năm. Kỷ lục thu giữ cocaine theo năm của Colombia là 671 tấn, vào năm 2022.

Thành công của chiến dịch Orion được xem là bước ngoặt cho hoạt động chống ma túy quốc tế, cho thấy các chính phủ có thể theo kịp trong "trò đuổi bắt" này, ông Rodriguez nhận xét. Các quan chức kỳ vọng có thể áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện nhiều ma túy được giấu kín hơn.

VnExpress (theo Guaridan, CNN, Reuters)