Giả làm cảnh sát để lừa đảo hàng chục người ở Hampshire

Cảnh sát đang kêu gọi người dân ở Hampshire và Isle of Wight cần hết sức cảnh giác sau khi nhận được 17 báo cáo về các vụ lừa đảo giống nhau kể từ đầu tháng 8/2023. Trong đó, một cặp đôi đã bị lừa tới £70,000.

Vào ngày 27/8/2023, cảnh sát đã nhận được báo cáo về một cặp đôi ngoài 70 tuổi ở Gosport, họ bị một người đàn ông giả làm cảnh sát London lừa tới £70,000.

Ban đầu họ nhận được một cuộc gọi thông báo rằng các thẻ ngân hàng của họ đã bị sử dụng cho một hoạt động giả mạo, liên quan tới những tờ tiền giả. Họ được yêu cầu rút một lượng tiền mặt lớn để hỗ trợ điều tra. Sau đó một người đàn ông đến nhà họ nhiều lần để lấy tiền. Người đàn ông này nói với đôi vợ chồng đây là tiền giả. 

Trong một vụ khác, một phụ nữ ngoài 80 tuổi ở New Forest đã nhận được cuộc gọi từ một người giả làm cảnh sát từ London. Người này nói rằng mình đang điều tra một vụ án tiền giả và yêu cầu bà đến nhiều ngân hàng và cửa hàng khác nhau ở Southampton để rút tiền. Sau đó có một nhân viên chuyển phát đã đến lấy tiền. 

lua dao chuyen tien

Hình thức lừa đảo courier fraud là gì?

Đối với hình thức lừa đảo này, nạn nhân sẽ nhận được một cuộc gọi bất ngờ từ một người giả làm nhân viên cảnh sát, nhân viên ngân hàng hoặc nhân viên viễn thông.  

Bọn lừa đảo sẽ nói rằng tài khoản của nạn nhân có liên quan đến hoạt động giả mạo và yêu cầu nạn nhân hỗ trợ điều tra. Cụ thể:

- Nạn nhân được yêu cầu cung cấp thông tin thẻ ngân hàng và tài khoản tài chính.

- Được yêu cầu đi tới ngân hàng để rút tiền, hoặc được yêu cầu thực hiện việc mua hàng có giá trị cao. 

- Được yêu cầu tải một ứng dụng để bọn lừa đảo có thể xâm nhập vào máy tính và điện thoại của bạn. 

Sau đó nạn nhân được yêu cầu giao tiền hoặc hàng hóa đắt tiền cho kẻ lừa đảo. Tên này thường đến thẳng nhà họ để lấy hàng. Nạn nhân cũng được yêu cầu không tiết lộ chuyện này với bạn bè, gia đình hay nhân viên ngân hàng. Nạn nhân có thể thuộc mọi lứa tuổi, nhưng thường là người từ 70-89 tuổi. 

Nên làm gì nếu bạn tin rằng đó là cuộc gọi giả mạo?

- Cảnh sát, nhân viên ngân hàng và các tổ chức khác (như HMRC) sẽ không bao giờ gọi cho người dân như vậy, cũng sẽ không yêu cầu bạn rút tiền hay tiết lộ thông tin cá nhân, thông tin tài chính cá nhân. 

- Nếu ai đó gọi điện cho bạn nói rằng họ là cảnh sát, vậy bạn hãy yêu cầu họ cung cấp số ID và đơn vị mà họ đang làm việc. Chờ ít nhất 5 phút trước khi xác nhận thông tin với lực lượng cảnh sát thật bằng cách gọi 101. Đừng bao giờ gọi bất cứ số nào mà kẻ lừa đảo cung cấp trừ khi bạn biết rằng số đó là đúng. Một cảnh sát thực sự sẽ không phiền chờ bạn kiểm tra danh tính của họ. (Sẽ là dấu hiệu của scam nếu người đó tỏ ra hối thúc hay nhấn mạnh sự khẩn cấp).

- Hãy dành thời gian để suy nghĩ. Nói chuyện với một người quen đáng tin cậy trước khi làm theo lời kẻ lừa đảo. Chiến lược của bọn lừa đảo là khiến nạn nhân rối rắm không kịp suy nghĩ. Bọn chúng thường dọa nạn nhân không được kể với ai về cuộc gọi lừa đảo. 

- Ngân hàng và cảnh sát thực sự sẽ không bao giờ gửi người tới nhà bạn để thu tiền mặt, thẻ ngân hàng, số PIN hay mặt hàng có giá trị. 

Nếu bạn là nạn nhân của lừa đảo, hãy gọi báo cảnh sát ở số 101. Nếu kẻ lừa đảo đang trong quá trình tiếp cận bạn, hãy gọi 999.

Viethome (theo ITV News)