Doanh nhân Nga bị bắt trong cuộc truy quét dinh thự tại London

doanh nhan nga bi bat tai anh
Cục Phòng chống Tội phạm Quốc gia (NCA) được giao nhiệm vụ truy bắt những kẻ đầu sỏ trong ngôi nhà xa hoa. Ảnh: NCA

Một người đàn ông được miêu tả là một "doanh nhân Nga giàu có" đã bị bắt tại một dinh thự ở London. Đội điều tra đặc biệt đã tiến hành càn quét một đường dây tham nhũng liên quan đến chính phủ nước ngoài. 

Những kẻ bị tình nghi đã hội họp tại một dinh thự trị giá nhiều triệu bảng tại London. NCA cho biết một người đàn ông 58 tuổi đã bị bắt vì tình nghi phạm một số tội, trong đó có rửa tiền. Người này cũng bị nghi ngờ về tội âm mưu lừa dối Bộ Nội Vụ và âm mưu khai man.

Vụ bắt giữ diễn ra vào hôm thứ Năm ngày 1/12/2022. Một người đàn ông 35 tuổi bị phát hiện khi đang cố gắng rời khỏi dinh thự với một túi chứa đầy tiền mặt. Người này bị nghi ngờ tội rửa tiền và cản trở người thi hành công vụ.

Một người đàn ông khác 39 tuổi, là bạn trai cũ của cô bạn gái hiện tại của vị doanh nhân Nga 58 tuổi kể trên. Người đàn ông này cũng bị bắt tại nhà riêng ở Pimlico (Westminster) vì nghi phạm một số tội danh, trong đó có tội rửa tiền và âm mưu làm giả. 

Tất cả 3 người đã bị NCA thẩm tra, sau đó được bảo lãnh tại ngoại. 

Hơn 50 nhân viên điều tra đã được huy động để thành lập một đội đặc biệt, nhằm điều tra các đầu mối liên quan tới hành vi lũng đoạn của chính phủ nước ngoài tại Anh.

Ông Graeme Biggar, tổng giám đốc NCA, nói: "Đội Combatting Kleptocracy Cell mới được thành lập trong năm nay, nhưng đã đạt được một số thành tựu trong công tác điều tra các hoạt động tội phạm được tổ chức bởi những ông trùm, các dịch vụ chuyên nghiệp có liên quan đến Chính phủ Nga. Chúng tôi sẽ dùng mọi quyền lực có thể để ngăn chặn mối đe dọa này".

Bài liên quan: Giới tài phiệt Nga giã từ 'Londongrad'

Suốt hàng thập kỷ, giới nhà giàu Nga đổ tiền vào thị trường bất động sản London, nhưng các lệnh cấm vận mới đây của phương Tây sẽ khiến những chủ nhân này bán đi ngôi nhà của họ.

Hai thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 là quãng thời gian mà thị trường bất động sản London phát triển cực nóng. Những quy định thoải mái về sở hữu nước ngoài đối với bất động sản khiến cho tầng lớp nhà giàu mới của thế giới đổ xô đến thủ đô nước Anh để có cho mình một biệt thự hay chí ít là một căn hộ ở đây.

Bên cạnh những hoàng thân Arab hay những tỷ phú châu Á, các nhà tài phiệt Nga cũng là một phần của làn sóng này.

londongrad
Trụ sở London của VTB Capital, ngân hàng đầu tư của Nga, nằm đối diện tòa nhà Bank of England. Ảnh: Reuters.

"Londongrad"

Có nhiều người giàu Nga sở hữu nhà ở London tới mức truyền thông từng gọi thủ đô nước Anh bằng cái tên "Londongrad" (grad nghĩa là thành phố trong tiếng Nga). Khu vực Quảng trường Eaton, nơi có giá bất động sản cao nhất nước Anh, thì được người dân địa phương gọi vui là "Quảng trường Đỏ".

Nhưng giờ đây, sau khi Tổng thống Putin mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine, cùng với các lệnh trừng phạt nhắm vào Moscow, chính phủ Anh cũng gửi đi thông điệp rằng các nhà tài phiệt Nga không còn được chào đón ở London nữa.

Động thái này có thể tác động mạnh mẽ đến thị trường bất động sản của London, vốn đang bị ảnh hưởng bởi chiến sự Ukraine và một đợt bán tháo cổ phiếu trên thị trường.

Chính phủ Anh đã đưa ra một loạt biện pháp nhắm vào giới thượng lưu Nga. Tài sản của nhiều nhà tài phiệt Nga đã bị đóng băng, trong đó có những bất động sản giá trị lớn tại thành phố. Các nhà lập pháp thì kêu gọi chính phủ tịch thu luôn những căn biệt thự này rồi bán đi.

Một chương trình thị thực giúp nhà đầu tư nước ngoài nhanh chóng có quốc tịch Anh cũng đã được tạm ngưng, cùng với đó là các quy định khiến chủ sở hữu của một bất động sản khó có thể ẩn đi danh tính của mình - điều từng là điểm hấp dẫn nhất của thị trường nhà đất London.

Rủi ro lớn hơn đối với thị trường bất động sản cao cấp London là thị trường tài chính bắt đầu có ác cảm với các giao dịch liên quan đến tiền từ Nga. Các công ty thuộc nhiều lĩnh vực - từ năng lượng đến kiểm toán - đã siết chặt việc làm ăn của mình để tránh vi phạm vào các lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga.

Ông Mark Pollack, đồng sáng lập công ty môi giới bất động sản Ashton Chase, chia sẻ rằng một thương vụ bán nhà gần đây với khách hàng người Nga đã đổ bể, và ông biết ít nhất hai vụ việc tương tự sau khi chiến sự nổ ra ở Ukraine.

Ông Pollack cho biết vị khách rất háo hức sở hữu căn nhà vào đầu năm nay, nhưng rồi người này đột ngột rút khỏi thương vụ.

Rõ ràng là có một sự đứt đoạn đối với thị trường nói chung, theo ông Pollack. Cả người mua lẫn người bán đều không thể biết điều gì sẽ xảy đến trong tương lai.

Các biện pháp của chính phủ Anh đã bắt đầu đi vào thực tiễn, dù theo cách này hay cách khác. Mới đây, tòa án đã phong tỏa các tài khoản ngân hàng của Graham Bonham-Carter, một doanh nhân người Anh bị cáo buộc thực hiện các hoạt động rửa tiền cho tài phiệt Nga Oleg Deripaska.

Một người bạn lâu năm của Oleg Deripaska là Roman Abramovich cũng đang bị đóng băng toàn bộ tài sản của mình ở Anh, trong đó có cả câu lạc bộ bóng đá Chelsea.

Thị trường bất động sản cao cấp ở London tăng trưởng nóng trong vòng hai thập kỷ qua, khi giới siêu giàu toàn cầu tìm cách tích trữ tài sản bằng cách sở hữu các căn hộ hay biệt thự hạng sang tại thủ đô nước Anh.

Không được chào đón

Các thống kê cho thấy người Nga chưa bao giờ thống trị thị trường như niềm tin thường thấy, vì họ chỉ nắm giữ dưới 10% phân khúc cao cấp. Thế nhưng, họ là biểu tượng của dòng tiền chảy vào London từ khắp nơi trên thế giới.

Giá các căn hộ cao cấp và căn hộ áp mái ở London đã tăng đến mức không thể tưởng tượng nổi, trong khi các công ty môi giới nhà đất trong phân khúc này gần như chắc có nhân viên biết tiếng Nga.

Tỷ phú Abramovich hồi năm 2011 đã bỏ 140 triệu USD để mua một tòa nhà với 15 phòng ngủ ở Kensington Palace Garden. Trong khi đó vào năm 2016, Mikhail Fridman, một trong những người giàu nhất nước Nga với tư cách nhà sáng lập tập đoàn Alfa Group, đã trả khoảng 100 triệu USD để mua một dinh thự thời Victoria tại khu Hampstead Heath của London.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế, được thành lập bởi một số cựu quan chức Ngân hàng Thế giới, cho biết tính từ năm 2016 đã có khoảng 9 tỷ USD được đổ vào thị trường bất động sản London từ những nguồn thiếu minh bạch. Những tỷ phú Nga có liên hệ với Tổng thống Putin được cho là chiếm ít nhất 2 tỷ USD trong số này.

Các công ty môi giới bất động sản trong phân khúc cao cấp ở London đã quen với những thương vụ trị giá hàng triệu USD tiền mặt được người thân của các nhà tài phiệt thực hiện thông qua các công ty vỏ bọc có trụ sở ở Cyprus hay quần đảo British Virgin.

Chính phủ Anh cũng có một chương trình cung cấp thị thực cho các khoản đầu tư vào bất động sản, và chương trình này đã chào đón khoảng 2.000 công dân Nga đến xứ sở sương mù kể từ năm 2008.

Chương trình này bị siết chặt sau vụ đầu độc cựu điệp viên Nga ở thành phố Salisbury vào năm 2008, và nó chính thức kết thúc vào tháng 2 vừa qua.

Các lệnh trừng phạt của chính phủ Anh sẽ gần như đóng băng mọi hoạt động mua bán nhà đất của giới nhà giàu Nga ở London trong thời gian tới. Không thể bán là một chuyện, ngay cả việc bảo dưỡng những bất động sản này cũng trở nên vô cùng khó khăn.

Ông Michael O'Kane, đối tác cấp cao tại công ty luật Peters & Peters cho biết việc đóng băng tài sản bao gồm cả việc cấm mua bán lẫn hoạt động bảo bảo trì những ngôi nhà này.

Ngay cả những việc đơn giản như sửa ống nước hay cắt cỏ cũng phải có giấy phép từ chính phủ.

"Bạn có thể có một ngôi nhà trị giá 15 triệu bảng ở Hampstead nhưng bạn sẽ không thể trả tiền để cắt cỏ, lau dọn phòng hay lau cửa sổ", ông O'Kane nói.

Viethome (theo Metro)