Luật cấm đánh trẻ em chính thức có hiệu lực ở Wales

Đánh trẻ em sẽ trở thành vi phạm pháp luật ở Wales kể từ đầu tuần này.

Tất cả các hình thức trừng phạt thân thể đều bị coi là bất hợp pháp theo Đạo luật Trẻ em - Children Act (Wales). Như vậy, quy định về "hình phạt hợp lý - reasonable punishment" đã bị bãi bỏ.

Trẻ em sẽ được bảo vệ khỏi bị đánh đập như người lớn - và luật sẽ áp dụng cho bất kỳ ai đến Wales. 60 quốc gia cũng ban hành luật tương tự.

25childLuật mới có hiệu lực từ ngày 20/3

Thủ hiến Mark Drakeford nói: “Không còn những vùng xám. Tất cả đã là quá khứ. Wales sẽ không chấp nhận hình phạt thể xác”. Scotland đã đưa ra lệnh cấm tương tự vào tháng 11 năm 2020.

Trước đây, ở xứ Wales, England và Bắc Ireland, hành hung trẻ em là trái pháp luật, nhưng ‘hình phạt hợp lý’ về thể chất vẫn được cho phép.

Việc hình phạt có được chấp nhận hay không tùy thuộc vào từng trường hợp, có tính đến các yếu tố như tuổi của trẻ và tính chất của hình phạt, bao gồm dấu đỏ trên cơ thể trẻ hay hình phạt được thực hiện bằng nắm đấm hoặc dụng cụ như gậy hoặc thắt lưng.

Thứ trưởng Bộ Dịch vụ Xã hội Julie Morgan gọi đây là "thời khắc lịch sử đối với trẻ em và quyền của các em ở xứ Wales".

Tại sao ngày càng nhiều quốc gia cấm bố mẹ đánh con?

Theo một báo cáo của UNICEF công bố hồi tháng 11/2017, trên thế giới, gần 300 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 2 – 4 tuổi từng phải nhận một hình thức trừng phạt thể xác nào đó từ bố mẹ và người chăm sóc.

Bà Claudia Cappa, chuyên gia thống kê và giám sát của UNICEF và là tác giả của báo cáo trên cho biết, các loạt hình thức trừng phạt thể xác bao gồm phát vào mông, rung lắc hoặc đánh vào tay hay một bộ phận trên cơ thể bằng một dụng cụ như roi, gậy…

Nhìn chung, “giải thích nguyên nhân tại sao một hành vi sai trái, là hình thức trừng phạt phổ biến nhất tại các nước,” bà Cappa nói. “Điều tôi thấy thú vị là, các bậc phụ huynh thường kết hợp các biện pháp trừng phạt, chứ không chỉ một. Họ sử dụng cả hình thức bạo lực và không bạo lực, kết hợp giữa phạt về thể chất và tâm lý như mắng mỏ, khiển trách”.

UNICEF và Sáng kiến toàn cầu nhằm chấm dứt trừng phạt thể xác đối với trẻ em thống kê, có 60 quốc gia và vùng lãnh thổ đã thông qua các điều luật trong đó, cấm hoàn toàn việc trừng phạt thể xác đối với trẻ em tại gia đình.

Trên thế giới, khoảng 1,1 tỷ người chăm sóc trẻ em cho rằng, trừng phạt thể xác là điều cần thiết trong quá trình nuôi dưỡng và giáo dục một đứa trẻ.

Một số quốc gia và lãnh thổ đã cấm đánh phạt trẻ em như: Argentina, Áo, Brazil, Croatia, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Hy Lạp, Hungary, Ai-len, Israel, New Zealand. Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Ukraine, Venezuela…

Tại Mỹ, trừng phạt thể xác tại gia đình vẫn được luật pháp chấp nhận ở tất cả các bang.  Theo Sáng kiến toàn cầu nhằm chấm dứt trừng phạt thể xác đối với trẻ em, các điều luật chống bạo lực và lạm dụng của Mỹ, không được hiểu là cấm đoán mọi hình phạt thể xác như phát vào mông…

“Chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây, ngày càng có nhiều quốc gia quyết định cấm việc trừng phạt thể xác,” bà Cappa cho biết. “Tại hầu hết các nước có tư liệu, trẻ em từ các gia đình giàu có cũng chịu các hình phạt bạo lực giống như trẻ em đến từ các gia đình nghèo hơn”.

Đã có nhiều động thái nhằm kêu gọi các bậc phụ huynh trên thế giới dừng việc phạt đánh con cái mình. “Phần lớn các nước không thực sự cấm việc trừng phạt thể xác, và chỉ có 9% trẻ em dưới 5 tuổi đang sống ở các quốc gia mà việc trừng phạt thể xác tại gia đình bị cấm hoàn toàn”, bà Cappa chỉ ra. Điều này tương ứng với việc, có hơn 600 triệu trẻ em dưới 5 tuổi đang lớn lên tại các quốc gia nơi những điều luật trên không tồn tại.

Tất nhiên, không phải tất cả các chuyên gia đều đồng tình với việc luật pháp được sử dụng để kiểm soát việc các bậc cha mẹ trừng phạt con mình như thế nào.

Ông Ashley Frawley, giảng viên cấp cao về xã hội học và chính sách xã hội tại Đại học Swansea, Anh quốc cho rằng, những điều luật liên quan tới trừng phạt thể xác trẻ em có những ảnh hưởng thiếu công bằng tới một số nhóm người thường bị cách ly với xã hội - như các cộng đồng người lao động nghèo hoặc các cộng đồng thiểu số. “Tại Canada, những năm 1960, từng có phong trào Sixties Scoop, khiến một số lượng lớn trẻ em bản địa bị tách khỏi ra đình và cho người khác nhận nuôi, do nhận thức sai lầm rằng, phụ nữ bản địa không phải là những bậc phụ huynh tốt,” ông Frawley kể lại.

Viethome (Theo Sun)