Vụ đánh bom ở Liverpool: Yêu cầu tị nạn của hung thủ 2 lần bị từ chối

Đơn xin tị nạn của Swealmeen đã bị bác bỏ hai lần trong vòng sáu năm trước khi hắn cố gắng kích hoạt chất nổ tự chế bên ngoài bệnh viện.

Emad al-Swealmeen - 32 tuổi, đã thiệt mạng khi quả bom phát nổ bên trong chiếc taxi bên ngoài Bệnh viện Phụ nữ Liverpool vào ngày Chủ nhật tưởng niệm năm ngoái.

Bộ Nội vụ đã hai lần từ chối yêu cầu tị nạn của Swealmeen - vào năm 2014 và năm 2020. Các tình tiết mới đặt ra câu hỏi về lý do hung thủ không bị trục xuất từ năm 2015.

Tài liệu của tòa án cho thấy Swealmeen tuyên bố có gốc Syria và lo sợ cho tính mạng của mình, nhưng không thể cung cấp thông tin cơ bản về nơi gia đình mình sống hoặc lý do họ gặp nguy hiểm.

Phân tích ngôn ngữ do Bộ Nội vụ thực hiện kết luận nhiều khả năng Swealmeen là người Iraq và “rất khó có khả năng” là người Syria.

30liverEmad al-Swealmeen

Swealmeen đến Vương quốc Anh vào năm 2014 bằng hộ chiếu Jordan hợp lệ, nơi sinh của hung thủ là Iraq và ngày sinh là 11 tháng 10 năm 1989.

Một thẩm phán đã bác bỏ kháng cáo xin tị nạn của Swealmeen vào tháng 4 năm 2015. Văn bản quyết định có đoạn: “Lời kể của anh Swealmeen về thời gian ở Syria giống y như một người đang trích dẫn thông tin mọi người đều biết, không phải trải nghiệm trực tiếp. Người kháng cáo không xác định mình thuộc phe cụ thể nào hoặc chỉ ra anh ta sẽ gặp rủi ro ngoài lời khai chung chung”.

Sau phán quyết, Bộ Nội vụ đáng lẽ phải quyết định trục xuất Swealmeen trở lại Iraq hoặc Jordan, như trước đó đã thông báo với y. Tuy nhiên, thay vào đó, Swealmeen vẫn ở lại Anh quốc và được cho là đã chuyển đến khu vực Fazakerley, Liverpool vào cuối năm 2016.

Năm 2017, Swealmeen nộp yêu cầu xin tị nạn mới bằng một cái tên khác nhưng đã bị từ chối vào cuối năm 2020, sau đó tiếp tục kháng cáo vào tháng 1/2021.

Cảnh sát tin Swealmeen có âm mưu tấn công khủng bố ít nhất là vào tháng 4 năm 2021, khi tên này thuê nhà và bắt đầu mua các bộ phận cần thiết để chế tạo bom.

Các thám tử tin rất có thể Swealmeen hành động một mình. Tuy nhiên, các chuyên gia chống khủng bố cho biết rất hiếm khi một người lên kế hoạch tấn công trong 7 tháng mà không tiết lộ cho người khác.

Vụ việc đặt ra câu hỏi về lý do Swealmeen không bị trục xuất vào năm 2015 khi đơn xin tị nạn đầu tiên bị từ chối, và hung thủ có thể đã được đánh giá là mối nguy hiểm cho bản thân và những người khác.

Bộ Nội vụ từ chối bình luận về trường hợp của Swealmeen nhưng cho biết: “Chúng tôi đang sửa chữa hệ thống tị nạn...”

Bài liên quan: Liverpool: Tài xế nhanh trí khóa trái kẻ đánh bom trong xe... 2.000 người thoát chết

Clip ghi lại giây phút tài xế thoát khỏi chiếc taxi phát nổ ở Liverpool

Viethome (Theo Guardian)