Thiết bị mới giúp dò ra trại cần sa từ rác thải bị vứt trộm ven đường

rac thai can sa
Rác thải cần sa vứt ven rừng sau khi một trại cần sa bị dở bỏ.

Bradford sắp trở thành khu vực đầu tiên ở UK thử nghiệm một thiết bị mới giúp chống lại nạn đổ trộm rác thải cần sa. Một báo cáo của hội đồng địa phương cho biết các vụ vứt trộm rác thải cần sa ngày càng gia tăng tăng, bao gồm các cây chết, phân bón và thiết bị chiếu sáng

Sắp tới đây, những cảnh sát đi càn quét các trại cần sa có thể xịt Smart Water (SmartWater) lên các thiết bị và vật dụng bị bỏ lại trong trại. SmartWater là một chất lỏng vô hình nhưng lại phát ra ánh sáng xanh dưới đèn tia cực tím. Bất cứ rác thải gì bị vứt đi sẽ dễ dàng bị truy ngược trở lại vị trí trại cần sa. SmartWater không mùi, có khả năng bám dính tốt suốt nhiều tháng trên vật thể và không bị giặt sạch hay rửa trôi.

Báo cáo này có đoạn: ''Đây là một phương pháp tiếp cận mới mà chúng tôi cho rằng chưa từng được sử dụng tại UK''. Từ năm 2019, đội bảo vệ môi trường của thành phố đã báo cáo 9,000 vụ đổ trộm rác tại Bradford. Nhưng rác thải cần sa chỉ mới xuất hiện gần đây. 

Theo báo cáo vào hôm 11/1/2022: ''Khi mở các túi rác, chúng tôi phát hiện trong túi là cây cần sa đã chết, đèn chiếu, dây điện và các thùng phân bón''.

Thậm chí họ còn phát hiện dụng cụ tiêm chích ma túy bị vứt ven một con suối dùng để cung cấp nguồn nước cho thành phố, và rất nhiều rác thải làm vườn vứt dọc trên các con đường quê.

Có thể những người vứt rác không phải đều là những kẻ trồng cần sa, mà là chủ cho thuê các căn nhà này. Sau khi tội phạm trồng cần sa trả lại nhà với một đống rác thải thủy canh, chủ nhà phải tự dọn dẹp hết. Dưới luật mới, chủ nhà được yêu cầu phải đổ rác đúng nơi quy định, nếu không họ sẽ bị phạt.

Bài liên quan: SmartWater: Thiết bị chống trộm độc đáo của cảnh sát Anh

Nội dung này được đăng tải lần đầu tiên vào năm 2013: Cảnh sát Anh vừa bắt quả tang một tên trộm chuyên khoắng đồ trong ô-tô bằng cách thiết lập một chiếc bẫy công nghệ cao khiến tên trộm “tỏa sáng” dưới đèn cực tím.

Cảnh sát hạt Brent đang thử nghiệm một loại thiết bị chống trộm mới mang tên SmartWater có khả năng tự động xịt lên người kẻ trộm một luồng chất lỏng không mùi, không màu nhưng lại phát ra ánh sáng xanh dưới đèn cực tím, và tên trộm đầu tiên dính bẫy này là Yafet Askale.

smartwater 1
Tên trộm dính bẫy của cảnh sát Anh

Tên Askale đột nhập vào một chiếc xe đậu ở khu Harlesden phía tây bắc thủ đô London để trộm đồ đạc ở bên trong mà không biết rằng cảnh sát đã bí mật bố trí thiết bị chống trộm này bên trong.

Sau khi nhận được tín hiệu báo động phát ra từ thiết bị này, cảnh sát đã ập tới và bắt quả tang Askale với tang vật là một số đồ đạc bị trộm, trong đó có một chiếc laptop.

Sau khi tóm được Askale, cảnh sát ngay lập tức chụp ảnh hắn bằng máy ảnh thường và máy ảnh tia cực tím. Dưới ánh đèn cực tím, toàn bộ khuôn mặt và chiếc áo khoác của tên trộm này phát ra ánh sáng xanh không lẫn vào đâu được.

Ban đầu tên Askale chối bay chối biến tội trạng của mình, tuy nhiên hắn đã phải cúi đầu nhận tội sau khi cảnh sát đưa ra những bức ảnh này. Tuy không bị kết án trộm cắp ô-tô song Askale vẫn bị phạt lao động công ích 49 giờ và 400 bảng Anh vì tội trộm đồ trong ô-tô.

smartwater 1
Askale đã không thể chối cãi được khi nhìn bức ảnh này

Thiết bị chống trộm SmartWater có thể phát hiện được kẻ xâm nhập và tự đông xịt chất lỏng gồm những hóa chất đặc biệt này lên người kẻ trộm để cảnh sát có thể dễ dàng phát hiện ra những người liên quan đến vụ việc.

Chất lỏng không màu không mùi này gần như không thể tẩy sạch khỏi quần áo và có thể lưu lại trên da trong nhiều tuần.

Cảnh sát đã phát miễn phí những thiết bị chống trộm này cho nhiều gia đình ở khu Harlesden với hy vọng sẽ giảm được 40% nạn trấn cướp trên đường phố và 80% số vụ trộm cắp.

Thám tử Madeline Ryder cho biết: “Đây là một ví dụ nữa về năng lực toàn diện của cảnh sát hạt Brent. Công nghệ chống trộm này là một thứ vũ khí hiệu quả mà chúng tôi thường sử dụng. Chúng tôi sẽ tiếp tục gài bẫy những kẻ vẫn cố tình thực hiện các hành vi trộm cắp.”

Viethome (theo ITV)