Xử vụ 5 người Việt bị ép trồng cần sa trong trang trại 2 triệu bảng

Vừa có 5 người quốc tịch Anh bị xử tù sau các đợt cảnh sát truy bắt hồi năm 2019 và 2020 ở London và Essex, phá bốn điểm trồng cần sa trị giá 2 triệu bảng.

Khoảng 2,000 cụm cần sa đã bị cảnh sát triệt phá ở 4 điểm thuộc thủ đô London và hạt Essex về phía Đông. Tại phiên xử ở tòa án Basildon Crown Court hôm 16/11/2021, công tố viên cho biết các bị cáo dùng luôn cả khu vực xử lý rác, London Recycling ở Barking làm điểm trồng cần sa.

Các cơ sở khác được biến thành nơi trồng cần sa lậu gồm Rawreth Industrial Estate ở Rayleigh, Bromfords Farm ở Wickford, và một điểm nữa ở Melbourne Road, Clacton. 

Cảnh sát cũng phát hiện ra 5 công dân Việt Nam bị "ép chăm trại cần sa". Khác với nhiều vụ trồng cần sa có nhóm chủ mưu là người Việt hoặc các sắc dân nhập cư, trong vụ việc này, cả năm bị cáo là người Anh.

Các bị cáo bao gồm James Jacobs, Danny Hicks, Gary Calder và David Hall. Cả bốn bị xử án tù giam. Trong đó, David Hall, 37 tuổi, nhà ở Caspian Walk, Newham nhận bốn năm và bốn tháng tù.

Người thứ năm, Terrence Green, 34 tuổi, bị xử hai năm rưỡi án treo và phải thực hiện 100 giờ lao động công ích. Các nạn nhân người Việt bị ép trồng cần sa được chuyển cho hội từ thiện Justice & Care để trợ giúp.

xu 5 nguoi viet trong can sa o vuong quoc anh
Hiện trường một vụ 'đàn ông Việt đâm chém nhau giành nguồn cần sa' tại phố Pensnett Road, Dudley, vùng West Midlands, Anh Quốc, tháng 2/2020

Vấn đề người Việt nhập cư lậu và nghề trồng cần sa ở Anh

Từ 2014 tới nay, hai chính phủ Anh Quốc và Việt Nam đã quan tâm đến chuyện phòng chống buôn bán người và nhìn nhận đây là vấn đề lớn.

Hai chính phủ đã phối hợp với nhau và tăng cường hợp tác sau vụ án 39 người Việt vào Anh bằng xe container đông lạnh được phát hiện ở Essex tháng 10/2019.

Kể từ đó, làn sóng người Việt vào Anh không dừng, và có thể không giảm, với một con số không nhỏ nay đi thuyền cùng các nhóm di dân trái phép và người xin tỵ nạn đổ bộ vào bờ biển Anh.

Về lâu dài, để ngăn làn sóng di dân bất hợp pháp từ Việt Nam vào Anh, thì cần giáo dục tại chỗ, ở VN.

Theo ông Georges Blanchard, người sáng lập Liên minh Phòng chống Mua bán người (Alliance Anti Traffic - AAT) nói với BBC News Tiếng Việt hôm 31/10/2019, thì "không có gì có thể tốt hơn là giáo dục cộng đồng, giáo dục phòng ngừa ở cộng đồng."

Tổ chức AAT từ 2014 đã xin Anh có hỗ trợ đặc biệt để có các lớp tập huấn tại cộng đồng về buôn bán người, di cư không an toàn, nói về các chiêu lừa gạt để dạy cho cộng đồng có khả năng biết tự bảo vệ.

Việc dòng người vào Anh xin cứu trợ nhân đạo, làm giấy tờ hôn nhân giả hoặc nhận con giả cho phụ nữ Việt có thai được ở lại đang ngày càng làm nhức nhối dư luận Anh.

Vì không có việc làm, không biết tiếng Anh, một số không nhỏ tới Anh Quốc đã ngay lập tức gia nhập đội quân trồng cần sa lậu để có thu nhập cao, dù có rủi ro là vi phạm pháp luật và bị trục xuất.

Theo BBC Tiếng Việt