Cô gái lừa đảo khắp 3 châu lục nhưng không vì tiền

Tới nay, nhà chức trách các nước vẫn chưa thể lý giải mục đích phía sau hành động của Samantha Azzopardi, người đã thực hành nhiều vụ lừa đảo ở 3 châu lục.

Emily Peet, Lindsay Coughlin, Dakota Johnson, Georgia McAuliffe, Harper Hernandez, Harper Hart. Phía sau những cái tên này, và nhiều cái tên giả khác, là Samantha Azzopardi.

Năm nay mới chỉ 32 tuổi, người phụ nữ nằm trong danh sách đen của nhà chức trách nhiều quốc gia, từ quê nhà Australia cho tới Ireland và Canada, bởi hành vi lừa đảo, theo BBC.

Động cơ khó hiểu

Hôm 28/5, Azzopardi bị kết án 2 năm tù giam với cáo buộc dùng thân phận giả để xin việc làm bảo mẫu và sau đó đưa hai con của chủ nhà đi khắp bang Victoria, Australia mà không có sự cho phép của cha mẹ.

Thẩm phán Johanna Metcalf cho biết động cơ khiến Azzopardi thực hiện "vụ phạm tội kỳ quặc" hiện vẫn là câu hỏi.

Trong quá khứ, Azzopardi vẽ ra câu chuyện bản thân là nạn nhân của nạn mua bán tình dục. Người phụ nữ từng tự nhận là thành viên Hoàng gia Thụy Điển. Rồi một thời điểm khác, Azzopardi lại nói mình là vận động viên thể dục dụng cụ người Nga và cả gia đình chết trong một vụ giết người.

Samantha Azzopardi
Samantha Azzopardi. Ảnh: BBC

Khi ở độ tuổi ngoài 20, thậm chí đầu 30, Azzopardi vẫn giả làm thiếu nữ. Với dáng người thấp bé, giọng nói ngọt ngào, cùng điệu bộ cắn móng tay với vẻ đầy lo âu, không ít lần người phụ nữ này đã đánh lừa đối phương về độ tuổi thật.

Azzopardi từng nhiều lần gặp rắc rối với nhà chức trách các nước. Một số quốc gia đã giam giữ Azzopardi trong thời gian ngắn hoặc trục xuất người phụ nữ này.

Trong phiên tòa ở thành phố Melbourne, Thẩm phán Metcalf cho biết không có động cơ tiền bạc sau hành động của Azzopardi. Người phụ nữ dường như cũng không định gây sự chú ý để nổi tiếng.

Luật sư bào chữa cho biết Azzopardi bị rối loạn nhân cách trầm trọng, một chứng bệnh hiếm gặp có tên pseudologia fantastica, biểu hiện là người mắc sẽ thường xuyên nói dối.

Giả làm bảo mẫu

Bản án hôm 28/5 được tuyên đối với Azzopardi liên quan tới vụ việc xảy ra năm 2019 ở thành phố Geelong, bang Victoria, Australia.

Khi đó, Azzopardi nói dối một cặp vợ chồng người Pháp rằng mình là du học sinh theo diện trao đổi văn hóa để được thuê làm bảo mẫu. Trong thời gian làm bảo mẫu, cặp vợ chồng chủ nhà nhờ Azzopardi đưa hai con đi cắm trại.

Nhưng thay vì chỉ cắm trại ở Geelong, Azzopardi đưa hai đứa trẻ tới tận Bendigo, cách đó hơn 200 km. Cảnh sát sau đó phát hiện ra Azzopardi và hai đứa trẻ.

Trước khi bị bắt, Azzopardi đã kịp tìm tới dịch vụ tư vấn, nói rằng bản thân là một thiếu nữ đang mang thai. Azzopardi mặc đồng phục trung học, thậm chí còn nhờ người gọi điện thoại tới dịch vụ tư vấn giả làm cha của mình.

Trước vụ việc liên quan tới cặp vợ chồng người Pháp, Azzoparda đã có gần một năm làm bảo mẫu cho gia đình Tom Jervis - vận động viên bóng rổ chuyên nghiệp ở Australia.

Gia đình Jervis cho biết họ tìm thấy Azzopardi thông qua một website về sinh viên trao đổi văn hóa. Azzopardi chiếm được lòng tin của gia đình này. Người phụ nữ đi theo gia đình Jervis từ Brisbane chuyển tới Melbourne.

Nhưng sơ hở đã lộ ra khi chủ nhà phát hiện Azzopardi sử dụng danh tính của bà Jervis để giả làm nhân viên công ty tuyển diễn viên. Azzopardi kết bạn với một bé gái 12 tuổi, hứa hẹn có thể giúp cô bé kiếm được công việc lồng tiếng trong phim hoạt hình của hãng Pixar.

"Tôi đối xử với cô ấy như con gái mình. Sau đó tôi phát hiện cô ấy nói dối chúng tôi. Điều đó thật vô lý", bà Jervis nói với MamaMia.

Giả câm ở Dublin

Tháng 10/2013, thanh tra cảnh sát David Gallagher chạm trán với Azzopardi ở thủ đô Dublin, Cộng hòa Ireland.

Lúc này, không ai ở Ireland biết danh tính của người phụ nữ Australia. Cảnh sát Ireland phát hiện Azzopardi đi đi lại lại bên ngoài bưu điện thành phố, với bộ dạng căng thẳng, và không hề thốt ra một lời.

Hai sĩ quan cảnh sát hộ tống Azzopardi tới bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Trong hai tuần kế tiếp, Azzopardi không hề nói chuyện. Điều này khiến nhà chức trách Ireland nghi ngờ người phụ nữ là nạn nhân của tội phạm buôn người.

Dù không nói chuyện bằng ngôn từ, Azzopardi lại dùng tay để ra ký hiệu ám chỉ mình mới 14 tuổi.

Cảnh sát Ireland sau đó đã phải kiểm tra từng đoạn camera an ninh, điều tra nhiều địa điểm ở Dublin để tìm cách xác định danh tính của người phụ nữ.

Một chiến dịch quy mô lớn đã được khởi động, với sự tham gia của cơ quan phúc lợi trẻ em, cơ quan tìm kiếm người mất tích, cơ quan di trú, đơn vị chống bạo lực gia đình, giám định pháp y, thậm chí cả INTERPOL.

Thám tử Gallagher nói bản thân ông luôn hoài nghi về tuổi của người phụ nữ, nhưng không thể ngờ Azzopardi hoàn toàn nói dối về thân phận của mình.

"Chúng tôi không tìm ra gì hết. Cô ấy sau đó được đưa vào bệnh viện nhi, không ăn uống, không nói chuyện. Đó không phải là chuyện đùa vui", ông Gallagher nói.

Cảnh sát Ireland sau đó được tòa án tối cao cho phép chia sẻ hình ảnh của Azzopardi với người dân để xác định danh tính người phụ nữ.

Cuối cùng, một gia đình đã nhận ra Azzopardi. Đây là gia đình nơi Azzopardi ở trọ khi người phụ nữ vừa đặt chân tới Ireland.

Sau khi chân tướng vụ việc phơi bày, Azzopardi bị trục xuất về Australia dưới sự giám sát của cảnh sát.

"Một số người đề nghị điều tra hình sự với cô ấy bởi đã lãng phí thời gian của cảnh sát. Một số khác, trong đó có bản thân tôi, cho rằng cô ấy chưa bao giờ cung cấp lời khai sai sự thật, bởi thực tế cô ấy chưa hề nói một lời. Vụ việc nên được coi là vấn đề về sức khỏe tâm thần và phúc lợi", thám tử Gallagher cho biết.

Sau vụ việc ở Ireland, Azzopardi đã được kiểm tra sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, các chuyên gia kết luận tình trạng của người phụ nữ chưa đến mức cần có sự can thiệp.

Dàn dựng vụ bắt cóc ở Canada

Một năm sau khi trở về từ Ireland, Azzopardi tới Calgary, Canada. Chuyện tương tự ở Dublin tái diễn, nhưng lần này người phụ nữ không còn giả câm. Azzopardi nói mình tên Aurora Hepburn, 14 tuổi, nạn nhân bị bạo hành, và vừa trốn thoát khỏi tay bọn bắt cóc. Lúc này, Azzopardi đã 26 tuổi.

Cảnh sát cũng như cơ quan y tế Canada đã mất nhiều tuần lễ điều tra các thông tin mà Azzopardi cung cấp. Sự việc chỉ bị lật tẩy khi có người phát hiện những điểm tương đồng với vụ việc ở Dublin một năm trước.

Nhưng lần này, thay vì chỉ đơn giản là trục xuất, nhà chức trách Canada truy tố Azzopardi vì lừa dối cảnh sát.

"Cô ấy đã gây ra tác động lớn tới rất nhiều cảnh sát tham gia cuộc điều tra, bởi khi đó chúng tôi tin rằng vụ bắt cóc thực sự xảy ra, và rằng ở ngoài kia còn có nhiều nạn nhân khác", Kelly Campbell, cảnh sát Calgary, nói.

Tờ Calgary Herald đưa tin, tài liệu nộp tới tòa án cho thấy, chỉ 6 tháng sau khi bị trục xuất khỏi Ireland, Azzopardi đã được nhà chức trách Australia cấp hộ chiếu mới và quay trở lại quốc gia châu Âu với tư cách sinh viên trao đổi văn hóa.

Sau thời gian ngồi tù, Azzopardi bị Canada trục xuất thẳng về Australia.

Nhiều nhân chứng sau này cung cấp thêm thông tin về những cái tên giả của Azzorpadi và hành vi lừa đảo của người phụ nữ.

Công dân người Mỹ Emily Bamberge cho biết đã bị Azzopardi lừa rằng mình là thành viên Hoàng gia Thụy Điển có tên Annika Dekker, và rằng bản thân đã bị bắt cóc khi còn nhỏ. Vụ việc xảy ra tại Sydney năm 2014.

Trong một vụ việc khác, Azzopardi nói dối một gia đình ở Perth rằng bản thân là vận động viện thể dục dụng cụ người Nga. Azzopardi bịa ra câu chuyện cả gia đình mình đã chết trong một vụ giết người ở Pháp.

Thậm chí nhà chức trách Australia cũng bị Azzopardi qua mặt. Người phụ nữ từng nói dối cơ quan phúc lợi xã hội Sydney rằng bản thân là nạn nhân của bạo hành trẻ em. Nhà chức trách sau đó bố trí Azzopardi tới một gia đình nuôi dưỡng và đăng ký cho người phụ nữ này tới trường học.

Nhận tội

Trong phiên tòa ở Melbourne hôm 28/5, Azzopardi đã nhận tội. Luật sư bào chữa cho biết Azzopardi không lên kế hoạch bắt cóc hai đứa trẻ hay có ý định làm hại chúng.

Thẩm phán đồng ý rằng hai nạn nhân nhỏ tuổi không bị tổn thương về thể chất, nhưng cho rằng những tổn thương về tinh thần của gia đình là điều không thể bỏ qua.

Thẩm phán cũng thể hiện sự lo ngại trước sức khỏe tâm thần của Azzopardi, bởi có thông tin người phụ nữ từng bị chấn thương tâm lý trong quá khứ.

Bác sĩ tâm lý Jacqueline Rakov đề nghị trả tự do cho Azzopardi nếu người phụ nữ tình nguyện tiếp nhận điều trị và được quản lý đặc biệt. Tuy nhiên, nhà chức trách đã từ chối đề nghị này.

Trước phiên xét xử, Azzopardi đã ngồi tù hơn 1 năm rưỡi, đồng nghĩa người phụ nữ đủ điều kiện được ân xá. Dù vậy, cơ quan công tố nói có nguy cơ cao Azzopardi sẽ tái phạm.

Thám tử Gallagher, người từng phụ trách cuộc điều tra ở Ireland, cho rằng nhà tù chưa chắc đã là nơi phù hợp với Azzopardi.

"Nhà tù có phù hợp không? Hay nên là cơ sở sức khỏe tâm thần? Cô ấy là mối đe dọa cho người khác hay tự gây nguy hiểm cho bản thân? Ở Ireland, cô ấy không gây nguy hiểm cho ai cả, dù rằng cô ấy đã gây ra phiền toái lớn", thám tử Gallagher cho biết.

Theo Zing