Ước mơ tị nạn của cậu bé nô lệ Việt trong trại cần sa Anh

Ba hơi nhỏ con so với tuổi 18. Cậu khép chặt thân người khi nhớ lại những trải nghiệm đau thương của mình.

Chúng tôi đang ngồi trong một căn bếp sáng sủa, một chú chó giống Jack Russell quanh quẩn bên chân chúng tôi dưới bàn. Mẹ nuôi của Ba đang bận rộn đằng sau, làm bữa trưa và thỉnh thoảng xen vào để làm rõ hoặc thêm một số chi tiết trong câu chuyện về hành trình từ Việt Nam tới UK của Ba. Bà muốn chắc chắn rằng mọi người đều có thể hiểu rõ câu chuyện của cậu thiếu niên.

Ba đã sống ở đây được gần một năm. Cậu được ghép với cha mẹ nuôi sau khi được tìm thấy trong tình trạng lang thang, bối rối và sợ hãi tại một nhà ga xe lửa ở miền Bắc nước Anh, chỉ với duy nhất một bộ quần áo trên người. "Nhưng giờ con cảm thấy an toàn rồi, phải không?" mẹ nuôi của cậu hỏi như muốn biết liệu những vết sẹo tinh thần và thể xác của Ba có thể lành lại nhờ sự chăm sóc đầy đủ hay không.

Câu chuyện của cậu vừa phi thường lại vừa là điển hình cho số lượng ngày càng nhiều những công dân Việt Nam được công nhận là nạn nhân tiềm năng của nạn buôn người ở Anh. Trong nhiều năm, người Việt Nam là một trong ba quốc tịch chiếm số lượng đông đảo nhất trong các vụ án nô lệ hiện đại được chuyển đến Cơ quan tội phạm quốc gia, với 702 trường hợp vào năm 2018.

Salvation Army, nơi hỗ trợ tất cả các nạn nhân trưởng thành của chế độ nô lệ hiện đại ở Anh, cho biết số người quốc tịch Việt Nam được giới thiệu đến họ trong 5 năm qua đã tăng hơn gấp đôi. Ước tính 18.000 người di chuyển từ Việt Nam đến Châu Âu mỗi năm.

Ba tin rằng một băng đảng Trung Quốc đã buôn bán cậu đến Vương quốc Anh. Cậu bị bắt cóc ở Thành phố Hồ Chí Minh, nơi cậu là một đứa trẻ đường phố, một đứa trẻ mồ côi ngủ chui rúc trong ống cống. Cậu bán vé số để kiếm tiền, mặc dù những người đàn ông lớn tuổi đôi khi đánh đập và cướp tiền của cậu.

Một báo cáo của Unicef ​​năm 2017 đã mô tả Thành phố Hồ Chí Minh là “điểm nguồn, nơi chuyển tiếp và là đích đến của các đường dây buôn bán trẻ em". Và báo cáo năm 2018 của các tổ chức từ thiện chống buôn người cho biết nhiều trẻ em Việt Nam bị bắt cóc khi sống lang thang trên đường phố.

Đó là những gì đã xảy ra với Ba. "Một người đàn ông lớn tuổi nói với em rằng nếu em đi cùng ông ta, ông ta có thể giúp em kiếm được rất nhiều tiền. Nhưng khi em nói không, ông ta trùm một chiếc túi lên đầu em. Em không thể tin được những gì đang xảy ra", cậu nói. Sau đó cậu bị tống vào một chiếc xe tải nhỏ, bị trói, bịt mắt và không thể la hét.

Đâu đó trên đường, Ba được sang tay cho những kẻ bắt giữ khác, và giờ cậu không thể hiểu ngôn ngữ họ nói. Khi cuối cùng họ dừng lại và chiếc túi trùm được gỡ ra, Ba thấy mình đang ở trong một nhà kho lớn, trống rỗng, không có cửa sổ ở Trung Quốc, và bị bắt phải chờ. "Em biết họ đang chuẩn bị gửi em đi làm việc," cậu nói.

Trong những ngày tháng Ba bị giữ ở đó, một kẻ canh gác thường xuyên đánh đập cậu. "Em không biết tại sao," Ba nói với một cái nhún vai, "Không có lý do." Khi cậu cố gắng trốn thoát và bị bắt lại, hình phạt cậu nhận được còn tồi tệ hơn nhiều so với những trận đấm đá - kẻ canh gác đổ nước sôi lên ngực và cánh tay cậu.

"Đau lắm. Em đã xin hắn ta dừng lại nhưng hắn ta không nghe", cậu nói. Ba ngất đi vì quá đau. "Em nằm vạ vật trong nhiều ngày. Em không thể đi nổi. Em đã rất đau đớn trong một thời gian rất dài."

Mẹ nuôi của cậu cho biết thêm, làn da chằng chịt sẹo siết chặt khắp cơ thể cậu và là lời nhắc nhở thường trực về những gì đã xảy ra.

Ba sau đó được chuyển đến Anh trong rất nhiều chuyến xe tải nối tiếp. Cậu nhớ lại không gian tĩnh lặng trong chiếc container cuối cùng, nơi những người nhập cư lậu được trà trộn giữa những thùng hàng. Sự yên tĩnh chỉ bị phá vỡ khi những chiếc hộp các tông bị xé toạc để làm vật sưởi ấm giữa cái lạnh cắt da cắt thịt. Chiếc áo dài tay của cậu dường như chẳng giúp ích được gì.

"Em luôn sợ hãi trong suốt cả hành trình, và rất mệt mỏi. Em không thể ngủ được vì quá lo lắng. Em không biết chuyện gì đang xảy ra với mình. Không ai nói cho em biết em đang đi tới đâu."

Trên thực tế, Ba đã được định sẵn trở thành "người làm vườn" trong hệ thống buôn bán cần sa bất hợp pháp ở Vương quốc Anh – ngành công nghiệp mang lại 2,6 tỷ bảng mỗi năm. Trong một ngôi nhà hai tầng bị bỏ hoang bao quanh bởi rừng cây, cậu bị nhốt và bị buộc phải chăm sóc những cây cần sa trồng trên mọi bề mặt có thể. Toàn bộ cuộc sống hàng ngày của cậu chỉ xoay quanh việc bật và tắt đèn vào thời gian quy định và tưới nước cho chúng vài giờ một lần.

Nhưng nó cũng ẩn chứa cả bạo lực. Khi một cái cây chết, Ba bị một ông chủ người Trung Quốc bỏ đói và đấm đá vào đúng những vết bỏng trên ngực.

Ba không bao giờ nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào cho công việc của mình và chẳng ai giải thích là cậu đang phải kiếm tiền để trả tiền vé sang Anh. Cậu là một nô lệ.

"Làm thế nào em sống tiếp được? Em liên tục tự nhủ rằng mình phải tiếp tục ăn, tiếp tục làm việc và chờ cơ hội để chạy trốn," cậu nói.

Cuối cùng cậu đã trốn thoát bằng cách đập vỡ một ô cửa sổ trên lầu rồi nhảy xuống đất. Sau đó, cậu chạy xa hết sức có thể.

"Em đã sợ hãi, chán nản và hoảng loạn. Nếu bị bắt, em sẽ bị đánh thậm chí còn tệ hơn", Ba nói. Nhưng cậu phải chấp nhận rủi ro đó, vì cuộc sống của cậu trong trang trại cần sa là "không thể chịu đựng được".

Không biết phải đi về hướng nào, cậu quyết định men theo một đường ray. Cậu chỉ có một gói bánh quy để bỏ bụng. "Em thậm chí còn không biết mình đang ở Anh."

Theo dự đoán, đường ray đã dẫn cậu đến một nhà ga xe lửa - và dẫn cậu đến một cuộc gặp gỡ tràn đầy hạnh phúc với Cảnh sát Giao thông Anh. "Đã rất lâu rồi mới có người đối xử tốt với em," cậu nói.

Ba đã ổn định cuộc sống ở Anh. Gần đây cậu giành được một giải thưởng tại trường vì có điểm số tốt và vừa đón lễ Giáng sinh đầu tiên trong đời. Cậu chưa từng được mở một món quà trước đây. Cậu đã có sự chuyển biến rất lớn so với cậu bé gầy gò và sợ hãi trước đây. "Giống như một con thỏ nhỏ trong ánh đèn pha," người cha nuôi của cậu nói thêm.

Ba không biết liệu cậu có được phép ở lại Anh không. Cuộc hẹn gần đây nhất của cậu tại Bộ Nội vụ để thảo luận về đơn xin tị nạn của cậu đã không diễn ra tốt đẹp. Các quan chức cố gắng thuyết phục cậu rằng nếu trở về Việt Nam, cậu sẽ được chính quyền giúp đỡ, nhưng Ba không dám chắc về điều này.

Cậu sợ rằng nếu được gửi trở lại, cậu sẽ lại bị bán đi. Đó là nỗi lo ngại được chuyên gia nghiên cứu vấn đề buôn người ở Việt Nam, bà Mimi Vu, chia sẻ. Bà nói rằng những người bị buôn bán rồi trở về đều phải đối mặt với nguy cơ bị buôn bán một lần nữa, đặc biệt là nếu những kẻ buôn người nói rằng họ đang nợ chúng tiền.

Ba thích sự yên tĩnh của ngôi làng nhỏ bé nơi cậu đang sống, với những ngôi nhà lát đá và nhà gỗ cũ kỹ. Đám đông khiến cậu lo lắng; cậu sợ sẽ lại nhìn thấy người đàn ông đã giam cậu trong trang trại cần sa và đá vào bờ ngực bị thương của cậu.

Khi xác của 39 người Việt Nam được tìm thấy ở Essex vào năm ngoái, có thông tin cho rằng đây là những người di cư đến từ một số khu vực nghèo nhất ở Việt Nam, những người đã phải vay số tiền lên tới 30.000 bảng để đến được đây. Nhà ở của gia đình đã được sử dụng làm vật thế chấp và họ có nghĩa vụ phải trả hết tiền một lần ở đây, bằng cách làm việc bất hợp pháp trong các trang trại cần sa, tiệm nail và nhà hàng.

Chúng ta có thể không bao giờ biết 39 người được tìm thấy ở Essex đã được hứa hẹn những gì, nhưng có khả năng một số người trong số họ sẽ trở thành nô lệ.

Jakub Sobik từ tổ chức Anti Slavery International nói rằng những người Việt Nam đã vay tiền để trả cho hành trình của họ và do đó, ở đây họ dễ bị lợi dụng hơn.

"Họ bắt đầu hành trình với niềm tin rằng họ đã trả tiền để tìm đến một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng cuối cùng lại trở thành nạn nhân của nạn buôn người.

"Việc họ phải lẩn trốn khỏi chính quyền càng tạo điều kiện thuận lợi cho những kẻ buôn người. Đó là một hành vi phạm tội và họ không thể mạo hiểm để bị trục xuất về Việt Nam với số nợ khổng lồ trên vai."

Trong khi nam giới thường bị đẩy vào các trang trại cần sa, phụ nữ Việt Nam có nguy cơ bị lạm dụng tình dục. Tôi đã đọc lời khai được cung cấp bởi một cậu bé 15 tuổi, người nói rằng khi làm việc trong một xưởng cần sa, cậu có thể nghe thấy tiếng la hét của phụ nữ ở tầng dưới. Cậu tin rằng họ đang bị lạm dụng tình dục.

Một bà mẹ trẻ đơn thân, Amy, đã bị hãm hiếp nhiều lần trong suốt hành trình đến Vương quốc Anh và một lần nữa sau khi cô đến, cho đến khi một nhân viên y tế xác định cô là nạn nhân tiềm năng của nạn buôn người.

Cô đã rất hào hứng khi cùng chị gái rời khỏi trang trại của gia đình vào năm 2013, cô cho biết.

Hai người đàn ông đã thuyết phục gia đình gửi các cô gái ra nước ngoài để kiếm tiền. Không có phí trả trước, vì vậy họ sẽ cần phải làm việc để trả tiền vé. Amy để lại đứa con trai nhỏ cho một người chú.

Cô bị buôn bán lần đầu tiên tại một nhà máy quần áo ở Nga, nơi cô làm việc 10 đến 12 giờ mỗi ngày mà không được trả lương. Cô ngủ trong một căn phòng nhỏ với khoảng 10 người khác, nơi cô bị các công nhân nam cưỡng hiếp nhiều lần.

Sau hai năm, cô và tám người khác đã được đưa đến Vương quốc Anh và nói rằng nếu họ làm việc chăm chỉ, họ sẽ được trả tiền. Thay vào đó, sau khi thức dậy một mình trong chiếc xe tải đưa họ qua Eo biển Anh (những kẻ buôn người đã bỏ cô lại phía sau vì những lý do không rõ ràng), cô bị đẩy vào một vòng xoáy bóc lột mới. Cuối cùng, cô bị ép làm gái mại dâm tại nhà của một cặp vợ chồng người Việt, địa điểm đồng thời được sử dụng làm trang trại cần sa.

Chỉ sau khi cô mang thai và bị bắt trong một cuộc đột kích, một nữ hộ sinh mới nhận thấy có điều gì đó không ổn và chuyển trường hợp của Amy đến Cơ quan tội phạm quốc gia với tư cách một nạn nhân rõ ràng của chế độ nô lệ hiện đại. Sau đó, Salvation Army đã tìm cho cô một nơi ẩn náu.

Bây giờ cô lại là một bà mẹ, chỉ muốn đem đến những điều tốt nhất cho con mình.

Ba vẫn bị dày vò bởi những cơn ác mộng và ký ức về thời gian nằm trong tay những kẻ buôn người. Cậu đang hồi hộp chờ đợi một quyết định cho đơn xin tị nạn của mình. Nhưng gần đây, cậu bắt đầu nhận tư vấn, và ngày qua ngày, với sự chăm sóc yêu thương của cha mẹ nuôi, cậu bắt đầu cảm thấy an toàn hơn.

VietHome (Theo Joy Online)