Cảnh sát bắt giữ 84 người ăn xin ở Manchester kể từ tháng Tám

Trong vòng vài tháng qua, cảnh sát đã bắt giữ 84 người ăn xin – và cho biết hầu hết đều nghiện rượu hoặc chất cấm.

Số người ăn xin bị bắt giữ ở Manchester đã tăng mạnh trong nửa cuối năm nay. Và cảnh sát cho biết dân chúng thường nghĩ rằng họ chưa ‘hành động đủ’ để giải quyết vấn nạn này.

Cảnh sát xác nhận số liệu thống kê chính thức này sau khi bị chỉ trích vì công bố chi tiết ba cuộc bắt giữ trên các phương tiện truyền thông vào dịp cuối tuần trước.

Cảnh sát thuộc đơn vị trung tâm thành phố của GMP cho biết một người ăn xin đã di chuyển từ Rochdale đến Chợ Giáng sinh để kiếm ‘gần 50 bảng mỗi giờ’.

Một tin nhắn đăng sau đó nhấn mạnh ‘99%’ số người bị bắt nghiện rượu hoặc ma túy.

Giờ đây, GMP xác nhận đã bắt được 84 người vì tội ăn xin ở khu vực trung tâm thành phố kể từ đầu tháng Tám và 95% trong số đó mắc nghiện. Tám mươi người bị bắt dương tính với ma túy nhóm A, Spice, chất có cồn và một trường hợp nghiện cần sa.

Ba người ăn xin bị bắt ở trung tâm thành phố vào hôm thứ Bảy (24/11), trong đó một người có đeo tấm biển đề: “xin tiền không phải để mua rượu hay ma túy’ nhưng sau đó lại có phản ứng dương tính với cocaine.

Số liệu mới nhất đã đưa con số người ăn xin bị bắt trong năm 2018 lên 94 người, chủ yếu tập trung vào nửa cuối năm.

Trong năm 2017, chỉ có 28 người ăn xin bị bắt trong suốt cả năm.

Con số của năm 2016 là chín người  và 15 người  bị bắt trong năm 2015.

Cảnh sát đang nỗ lực đập tan nạn ăn xin ở Greater Manchester, đặc biệt là tại khu vực trung tâm thành phố.

Họ đã cố gắng phân biệt rõ nhóm người thực sự cần giúp đỡ và những người phạm pháp.

Cảnh sát và hội đồng thành phố Manchester thường nhận được những lời phàn nàn của công chúng, cho rằng họ chưa ‘hành động đủ’ để giải quyết vấn đề ăn xin.

Phát ngôn viên của GMP nói: “Để đáp lại thắc mắc xoay quanh số người bị bắt giữ vì phạm tội ăn xin ở khu vực trung tâm thành phố - trong số 84 người bị bắt kể từ đầu tháng Tám, 80 người mắc nghiện ma túy nhóm A, Spice, hoặc chất có cồn và một trường hợp nghiện cần sa, tương đương 95% số người bị bắt.

“Hành động đầu tiên của chúng tôi luôn là trợ giúp, và chúng tôi cam kết sẽ làm việc cùng các cộng sự để giúp đỡ những người thực sự cần đến hỗ trợ.”

VietHome (Theo Manchester Evening News)