Mạng lưới trồng cần sa, mại dâm và buôn chất cấm ở Liverpool

Nhiều người nhập cư có hoàn cảnh khó khăn đang được chuyển lậu tới Merseyside để thu hoạch ma túy hay bán dâm.

Đàn ông đến từ Việt Nam và phụ nữ từ các nước Đông Âu là những nạn nhân phổ biến nhất của mạng lưới buôn người với điểm đến cuối cùng là Liverpool.

Trẻ em cũng là nạn nhân ở thành phố này. Các em bị dụ dỗ và lợi dụng vào việc bán chất cấm và giấu vũ khí cho những kể tội phạm. Bọn chúng thường đưa ra nhiều lời hứa hẹn sẽ làm bạn, bảo vệ hay cho các em tiền.

Các cuộc đột kích của cảnh sát, các phiên tòa và điều tra của các tổ chức từ thiện đã chỉ ra những người có hoàn cảnh khó khăn ở Liverpool và cách thức họ bị lợi dụng.

Quỹ từ thiện Unseen đã ghi nhận 18 trường hợp nô lệ hiện đại – với tổng cộng 59 nạn nhân - ở Merseyside trong năm 2017.

Cơ quan tội phạm Quốc gia cũng nhận được thông tin về nhiều trường hợp ở khu vực này trong những năm gần đây.

Đặc biệt, kẻ bị tình nghi đứng đầu một đường dây buôn người quy mô lớn đưa hàng trăm người tị nạn Syria đến các nước châu Âu mỗi ngày – với giá khoảng 1,000 bảng mỗi người – thậm chí đã bị bắt ngay khi có mặt tại một trung tâm dành cho người xin tị nạn ở Greenbank Drive, gần công viên Sefton.

Tên Jamal Owda đã bị dẫn độ về Hy Lạp và bị kết án 13 năm tù vì vai trò của mình trong các hoạt động băng nhóm.

Và một cuộc điều tra về hành vi ép buộc lao động hồi đầu năm nay đã phát hiện ra 41 người lao động Romania sau cuộc đột kích lúc bình minh ở Liverpool.

Nam giới quốc tịch Việt Nam bị lạm dụng trồng cần sa

ở Merseyside, một vài trường hợp nam giới, phụ nữ và trẻ em Việt Nam đã được chuyển đến dữ liệu của Cơ quan Tội phạm Quốc gia vì là nạn nhân của hành vi ép buộc lao động.

Tháng trước, bốn người đàn ông đến từ Đông Nam Á đã bị bỏ tù sau khi bị phát hiện có liên quan đến một xưởng sản xuất chất cấm lớn ở St Helens.

1,233 cây cần sa đặt trong một cơ sở tập gym trá hình có thể mang lại lượng thu hoạch 49kg thành phẩm ma túy nhóm B.

Nhiều phụ nữ Tây Âu bị lừa đến Liverpool để làm gái mại dâm. (Ảnh minh họa)

Một người trong số này đã đến Anh trong một chiếc xe tải đi qua Pháp và làm việc như nô lệ trong một gia đình trước khi có liên quan đến trang trại này. Những người khác không thể giải thích họ đã đến Merseyside bằng cách nào.

Trước đó, thợ xây Robert Zielinski đã bị kết án tám năm tù sau khi kho cần sa trị giá 7 triệu bảng của anh ta bị phát hiện. Trong cơ sở này, phụ nữ và đàn ông Việt Nam bị lợi dụng để trồng và thu hoạch cần sa.

Bình luận về vụ án này, quan tòa Anil Murray phát biểu: “Đây thực sự là một tội ác có tổ chức vô cùng nguy hiểm. Người quốc tịch Việt Nam được tìm thấy trong rất nhiều trang trại cần sa.

“Ít nhất một trong số đó đã từng là nạn nhân của nạn buôn người và trong một vụ án khác, người tham gia trồng cần sa là phụ nữ có con nhỏ.”

Phụ nữ Đông Âu bị lạm dụng tình dục sau khi bị dụ dỗ trốn khỏi nhà

Một dạng nô lệ hiện đại khác được đưa ra trước tòa án Liverpool là các trường hợp bị lạm dụng tình dục.

Nhiều phụ nữ, bao gồm những người đến từ Romania, đã bị dụ dỗ tới Merseyside với những lời hứa hẹn viển vông.

Trong một vụ việc gần đây, những kẻ tội phạm nói với các nạn nhân của chúng – bao gồm cả một thiếu nữ mới 17 tuổi – rằng họ sẽ có công việc trong một nhà hàng của thành phố nếu chịu tới Liverpool.

Alexandru Dorobantu và hai phụ nữ bán dâm là Anda Berki và Loredana Timos đã đưa ba phụ nữ Romania tới sân bay John Lennon. Tại đây, họ mới phát hiện ra họ đã bị dụ dỗ vào một đường dây bán dâm nhưng không còn cơ hội trốn thoát.

May mắn, cảnh sát đã phát hiện ra căn nhà nơi các nạn nhân bị giam giữ và cứu thoát họ khỏi chuỗi ngày bán dâm tồi tệ.

Không may mắn như các nạn nhân kể trên, những phụ nữ bị kiểm soát bởi Gajaweera Perera có số phận đau đớn hơn rất nhiều.

Người đàn ông này sử dụng một bức hình của con gái mình để dụ dỗ hai cô gái tới nước Anh để làm bảo mẫu cho con ông ta.

Thực tế, đứa con gái nhỏ này sống cùng vợ cũ của ông ta và không hề cần đến bảo mẫu.

Perera lạm dụng người phụ nữ đầu tiên từ năm 2015 và cưỡng hiếp người thứ hai vào năm 2016 sau khi chuốc say họ.

Trẻ em của chính Liverpool cũng bị cưỡng ép lao động?

Một hình thức nô lệ hiện đại khác cũng đang ngày càng phổ biến ở Merseyside chính là trẻ em trở thành đối tượng khai thác của các băng nhóm ma túy.

Dù phương thức những kẻ tội phạm sử dụng có thể không có gì mới mẻ, chính quyền giờ đây mới dần nhận ra sự nguy hiểm của hoạt động buôn bán ma túy liên tỉnh, thường được biết đến với cái tên County Lines.

Các băng nhóm thường đóng đô ở các thành phố lớn, đồng thời mở rộng sức ảnh hưởng của chúng ra các thành phố và thị trấn nhỏ để tìm kiếm thêm lợi nhuận.

Những tay chân mà bọn chúng cắt cử làm công việc xấu xa lại chính là những thiếu niên còn nhỏ tuổi bị chúng dụ dỗ bằng những lời hứa hẹn ngọt ngào.

Trong một vụ án nghiêm trọng nhất gần đây, các em nhỏ đã được yêu cầu ‘trông coi’ các gói ma túy và vũ khí cho những người bạn mới của mình, và những người bạn này sau đó sẽ dàn cảnh đánh cắp chính những món đồ cấm đó.

Điều này khiến các nạn nhân trở thành con nợ của những kẻ xa lạ mới quen để rồi bị bọn chúng dẫn dụ vào con đường phạm tội.

Năm ngoái, thành viên của một băng nhóm County Lines có sào huyệt ở Anfield đã bị bỏ tù sau khi quan tòa được biết có ít nhất hai người chưa đầy 16 tuổi buôn bán ma túy trên đường phố Lancashire dưới sự sai bảo của băng nhóm này.

Một ví dụ đáng sợ cho thấy mối nguy hiểm bọn tội phạm gây ra cho các em nhỏ chính là việc một trong hai nạn nhân trong vụ việc nói trên đã buộc phải lần trốn tại một khách sạn ở Darwen sau khi bị một chiếc xe hơi truy đuổi trên phố. Nguyên do là bởi các thành viên trong băng nhóm nghi ngờ thiếu niên này tiết lộ với cảnh sát về hoạt động của chúng.

Cuộc chiến chống lại nạn bóc lột

Đối với các băng nhóm County Lines, từ đầu năm nay, tổ chức từ thiện chống tội phạm Crimestoppers đã khởi động chiến dịch tìm kiếm phương pháp giải quyết vấn đề.

Các cảnh sát điều tra thậm chí còn dõi theo các vụ xét xử để xem những kẻ thủ lĩnh băng nhóm có thể bị truy tố ra sao với tội danh ép buộc trẻ em, người nghiện và người khuyết tật bán ma túy cũng như cất giấu vũ khí.

Việc thay đổi cách tiếp cận có thể đập tan thế lực chìm của những kẻ làm giàu bằng cách đẩy người khác vào vòng nguy hiểm, bởi lẽ việc kết án chúng với tội danh nô lệ hiện đại hay xâm hại sẽ khiến cuộc sống đằng sau chấn song của chúng trở nên khó khăn hơn nhiều so với tội phạm ma túy đơn thuần.

Đối với các mạng lưới nô lệ hiện đại có yếu tố quốc tế, các tổ chức như Chữ thập đỏ, Cơ quan chống Lạm dụng Lao động và Băng nhóm đang kết hợp cùng cảnh sát Merseyside và các hội đồng địa phương để xác định danh tính các nạn nhân và truy tố những kẻ bóc lột.

Trong đầu năm nay, các đội Di trú và chống nạn buôn người được huấn luyện đặc biệt đã tổ chức một tuần hoạt động với nhiều cuộc thăm viếng tới các cửa hàng và cơ sở kinh doanh nhằm tìm kiếm các nạn nhân. Chỉ trong tháng trước, cảnh sát vừa mới tổ chức một buổi triển lãm lớn ở trung tâm thành phố Liverpool với mục đích nâng cao nhận thức của người dân về nạn nô lệ hiện đại.

Nếu người dân nghi ngờ các hình thức tội phạm kể trên đang diễn ra ở nơi mình sinh sống, hãy liên hệ Sở cảnh sát Merseyside theo số 101, hoặc 999 trong trường hợp khẩn cấp, hoặc gọi ẩn danh tới Crimestoppers theo số 0800 555 111.

Đường dây nóng Modern Slavery luôn hoạt động 24/7 trên số 08000 121 700.

VietHome (Theo Liverpool Echo)