Những công việc lương cao dành cho du học sinh Việt ở nước ngoài

Du học sinh thường chỉ được phép làm thêm 20 giờ mỗi tuần nên các bạn sẽ chọn các công việc ở nhà hàng, quán cà phê hoặc làm trợ giảng ở trường đại học.

du hoc sinh lam them 1
Du học sinh Việt sống ở nước ngoài thường đi làm thêm để kiếm thêm sinh hoạt phí. Ảnh: Pexels

Trong thời gian sinh sống và học tập ở nước ngoài, du học sinh Việt thường tranh thủ thời gian rảnh để đi làm thêm. Dù đi làm sẽ khiến quỹ thời gian bị rút ngắn, các bạn trẻ vẫn muốn tranh thủ nhận việc để kiếm thêm thu nhập, phục vụ cho những mục đích cá nhân.

Sống ở các nước có mức sống khá cao như Mỹ, Pháp, Australia và Hàn Quốc, 4 bạn trẻ nói với Tri thức - Znews rằng mức lương các bạn được trả cho mỗi giờ làm việc cũng khá phù hợp. Nhưng điều đáng giá hơn cả chính là các bạn nhận được những trải nghiệm đáng giá và học được nhiều kỹ năng xã hội mà trường lớp ít khi nhắc đến.

Phụ bếp, dọn nhà

Thanh Hà (25 tuổi), du học sinh Australia

Đầu năm 2022, sau khi tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Thanh Hà đến Australia để tiếp tục học chương trình thạc sĩ ngành truyền thông.

Đến mùa hè năm đó, nữ sinh tham khảo một số thông tin tuyển dụng rồi quyết định đi làm thêm. Thời điểm đó Australia gần như "khát" nhân lực vì vừa hết dịch Covid-19, những người nhập cư chưa trở lại, nên những du học sinh như Hà có thêm cơ hội việc làm.

Tại Australia, sinh viên được phép đi làm khoảng 20 giờ/tuần trong kỳ học, kỳ nghỉ có thể được làm nhiều giờ hơn. Còn về mức lương, nữ sinh cho biết mức chi trả cho người lao động sẽ tùy từng vùng.

Ví dụ như ở Sydney - nơi Hà đang sống, mức sống và chi phi đắt đỏ hơn nên lương của người lao động cũng nhỉnh hơn, trung bình là khoảng 20 AUD/giờ.

du hoc sinh lam them 1
Thanh Hà từng làm phụ bếp và dọn phòng để có tiền thanh toán các khoản phí sinh hoạt. Ảnh: NVCC

Trong hơn 2 năm sống ở Australia, Thanh Hà từng làm phụ bếp tại nhà hàng và dọn dẹp phòng. Do chương trình học thạc sĩ khá nặng, nữ sinh chỉ làm việc trong thời gian ngắn (khoảng 2-3 tháng) rồi lại tạm nghỉ để tập trung cho việc học.

Làm việc trong ngành dịch vụ, điều mà Thanh Hà cảm nhận rõ nhất chính là "guồng quay" không ngừng nghỉ ở nơi làm thêm. Giả sử một ca làm kéo dài 4 giờ, 4 giờ đó nữ sinh sẽ làm việc liên tục và phải đạt 100% công suất.

Dù thời gian làm thêm không nhiều, cô gái sinh năm 1999 vẫn nhận được nhiều điều đáng giá ngoài tiền lương.

Sống ở nước sử dụng tiếng Anh, nữ sinh cũng được trau dồi khả năng giao tiếp và biết cách xử lý các tình huống khẩn cấp. Ngoài ra, nhờ đi làm, Hà cũng hiểu hơn về luật lao động để bảo vệ quyền lợi cho bản thân.

Phục vụ ở quán ăn, quán cà phê

Phương Linh (23 tuổi), du học sinh Hàn Quốc

Sau khoảng một năm đến Hàn Quốc theo học ngành Truyền thông, Phương Linh bắt đầu đi làm thêm ở quán gà rán, nhà hàng và hiện làm thêm ở một quán cà phê ở thành phố Seoul.

Sau khi hết giờ học trên lớp, Linh sẽ tranh thủ đi làm vào ca chiều - tối. Do làm bán thời gian, giờ làm của nữ sinh không cố định.

Vào những đợt "cao điểm", nữ sinh làm việc đến 50 giờ/tuần và có thể kiếm được 2 triệu won (gần 1.500 USD) tháng, còn trung bình cô nhận được mức lương khoảng 1 triệu won (tương đương 740 USD).

du hoc sinh lam them 1
Làm thêm giúp Phương Linh có thêm sinh hoạt phí, đồng thời phục vụ cho những sở thích cá nhân. Ảnh: NVCC

Tại Hàn Quốc, du học sinh có chứng chỉ TOPIK 4 trở lên được phép làm thêm 20-25 giờ trong tuần, cuối tuần không bị giới hạn thời gian. Cũng do được phép làm thêm nhiều giờ, đã có lúc Phương Linh mải mê làm thêm đến mức quá tải và ảnh hưởng đến việc học.

"Làm thêm nhiều quá nên điểm của mình cũng bị giảm. Sau lần đấy mình không dám đi làm nhiều nữa mà chỉ tập trung vào việc học", Linh nói với Tri thức - Znews.

Sau thời gian làm thêm ở Hàn Quốc, Phương Linh nhận thấy khả năng giao tiếp và các kỹ năng xã hội của bản thân được cải thiện nhiều hơn. Gia đình nữ sinh cũng vì thế mà ủng hộ con gái đi làm, nhưng vẫn luôn nhắc cô phải giữ gìn sức khỏe để hoàn thành nốt năm cuối đại học.

"Mình mới bắt đầu đi làm thêm trở lại sau một thời gian tạm nghỉ. Bây giờ mình không tham công tiếc việc nữa mà chỉ làm vừa đủ thôi vì mình cũng muốn tậm trung học để chuẩn bị cho việc tốt nghiệp", Phương Linh chia sẻ.

Bán hàng ở hội chợ

Anh Tú (21 tuổi), du học sinh Pháp

Đến Pháp từ cuối tháng 9/2023, Anh Tú đã kịp có những trải nghiệm làm thêm đáng nhớ. Trong khi bạn cùng nhà chọn làm phục vụ nhà hàng hoặc nhân viên order, Tú lại chọn công việc linh hoạt hơn là bán hàng ở các hội chợ cuối tuần.

Tại Pháp, nhiều đơn vị, nhãn hàng, doanh nghiệp tham gia hội chợ ở các tỉnh, thành phố trên cả nước, thậm chí là ở nước ngoài nên họ cần tuyển nhân viên bán thời gian. Nắm bắt cơ hội này, Anh Tú ứng tuyển để vừa được trả lương, vừa được đi đây đi đó.

Do tính chất công việc, thường thì nam sinh sẽ phải theo các đơn vị đến hội chợ từ thứ 6 để bắt đầu bán hàng vào thứ 7 và chủ nhật. Một điều nam sinh thấy khá thú vị là ngoài tiền lương cơ bản 100 euro/ngày, cậu cũng được chi trả chi phí đi lại và ăn ở cho những lần đi bán hàng.

du hoc sinh lam them 1
Anh Tú được trả 100 euro/ngày khi bán hàng ở hội chợ. Ảnh: NVCC

Cũng giống như nhiều nước khác, Pháp quy định sinh viên, du học sinh chỉ được phép làm thêm 20 giờ/tuần, lương trung bình là 9-10 euro/giờ. Người sử dụng lao động sẽ căn cứ giờ làm để trả lương và đóng thuế nên sẽ không thể bắt nhân viên làm việc quá số giờ quy định, cụ thể là 80 giờ/tháng.

Chỉ làm ở hội chợ thì không có quá nhiều thu nhập nên Anh Tú làm thêm những công việc khác như lái xe thuê và chuyển nhà thuê. Mức lương cũng tương tự lúc bán hàng ở hội chợ nên nhờ đó nam sinh có thêm đồng ra đồng vào.

Ngoài kiếm tiền, điều mà Anh Tú thấy vui nhất khi đi làm thêm là những trải nghiệm. Cậu được cải thiện khả năng tiếng Anh, tiếng Pháp, đồng thời được đến những vùng đất mới và trải nghiệm văn hóa, ẩm thực ở nơi đó.

Trợ giảng

Nguyệt Phi (24 tuổi), cựu du học sinh Mỹ

Trong thời gian học ở Mount Holyoke College ở South Hadley (bang Massachusetts, Mỹ), Nguyệt Phi từng làm trợ giảng cho môn Statistics với mức thu nhập 14 USD/giờ.

Công việc của trợ giảng như Phi thường là chấm bài tập về nhà và trả lời câu hỏi của sinh viên. Thời gian làm việc tối đa cho mỗi tuần sẽ là 5 giờ.

"Nếu muốn trở thành trợ giảng ở trường, sinh viên phải học môn đó và đạt điểm A nên mình cũng có động lực học hơn hẳn. Vào đầu năm học, mình sẽ lên hệ thống của trường để đăng ký công việc trợ giảng phù hợp và liệt kê 2 giáo sư đã từng dạy mình vào danh sách người tham chiếu", Nguyệt Phi chia sẻ.

du hoc sinh lam them 1
Nguyệt Phi được tuyển làm trợ giảng với mức lương 14 USD/giờ. Ảnh: NVCC

Mỹ cũng quy định du học sinh chỉ được làm thêm 20 giờ/tuần và phải đăng ký lên trường để trường đăng ký lại với bang. Như vậy, sinh viên đi làm sẽ được trả lương đầy đủ theo quy định và được đóng thuế.

Ngoài làm trợ giảng, Nguyệt Phi làm song song công việc khác là chuyên viên hỗ trợ ở thư viện với mức lương 13 USD/giờ, mỗi tuần chỉ làm 4-10 giờ.

Vì làm ở bộ phận help desk, Phi phải làm việc với rất nhiều người và trả lời điện thoại liên tục. Tất cả câu hỏi đều liên quan phần mềm nhà trường cung cấp nên nữ sinh buộc phải tìm hiểu rất kỹ về cách vận hành của phần mềm này.

Ngoài ra, công việc này cũng giúp Phi mở rộng các mối quan hệ vì cô phải làm việc với các bộ phận trong trường như viện nghiên cứu, cảnh sát trường học và bộ phận đào tạo. Do đó, đối với nữ sinh, làm thêm cũng là một cách để tăng trải nghiệm và phát triển những kỹ năng cần thiết cho công việc sau này.

Theo ZNews