• Du học sinh thường chỉ được phép làm thêm 20 giờ mỗi tuần nên các bạn sẽ chọn các công việc ở nhà hàng, quán cà phê hoặc làm trợ giảng ở trường đại học.

    du hoc sinh lam them 1
    Du học sinh Việt sống ở nước ngoài thường đi làm thêm để kiếm thêm sinh hoạt phí. Ảnh: Pexels

    Trong thời gian sinh sống và học tập ở nước ngoài, du học sinh Việt thường tranh thủ thời gian rảnh để đi làm thêm. Dù đi làm sẽ khiến quỹ thời gian bị rút ngắn, các bạn trẻ vẫn muốn tranh thủ nhận việc để kiếm thêm thu nhập, phục vụ cho những mục đích cá nhân.

    Sống ở các nước có mức sống khá cao như Mỹ, Pháp, Australia và Hàn Quốc, 4 bạn trẻ nói với Tri thức - Znews rằng mức lương các bạn được trả cho mỗi giờ làm việc cũng khá phù hợp. Nhưng điều đáng giá hơn cả chính là các bạn nhận được những trải nghiệm đáng giá và học được nhiều kỹ năng xã hội mà trường lớp ít khi nhắc đến.

    Phụ bếp, dọn nhà

    Thanh Hà (25 tuổi), du học sinh Australia

    Đầu năm 2022, sau khi tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Thanh Hà đến Australia để tiếp tục học chương trình thạc sĩ ngành truyền thông.

    Đến mùa hè năm đó, nữ sinh tham khảo một số thông tin tuyển dụng rồi quyết định đi làm thêm. Thời điểm đó Australia gần như "khát" nhân lực vì vừa hết dịch Covid-19, những người nhập cư chưa trở lại, nên những du học sinh như Hà có thêm cơ hội việc làm.

    Tại Australia, sinh viên được phép đi làm khoảng 20 giờ/tuần trong kỳ học, kỳ nghỉ có thể được làm nhiều giờ hơn. Còn về mức lương, nữ sinh cho biết mức chi trả cho người lao động sẽ tùy từng vùng.

    Ví dụ như ở Sydney - nơi Hà đang sống, mức sống và chi phi đắt đỏ hơn nên lương của người lao động cũng nhỉnh hơn, trung bình là khoảng 20 AUD/giờ.

    du hoc sinh lam them 1
    Thanh Hà từng làm phụ bếp và dọn phòng để có tiền thanh toán các khoản phí sinh hoạt. Ảnh: NVCC

    Trong hơn 2 năm sống ở Australia, Thanh Hà từng làm phụ bếp tại nhà hàng và dọn dẹp phòng. Do chương trình học thạc sĩ khá nặng, nữ sinh chỉ làm việc trong thời gian ngắn (khoảng 2-3 tháng) rồi lại tạm nghỉ để tập trung cho việc học.

    Làm việc trong ngành dịch vụ, điều mà Thanh Hà cảm nhận rõ nhất chính là "guồng quay" không ngừng nghỉ ở nơi làm thêm. Giả sử một ca làm kéo dài 4 giờ, 4 giờ đó nữ sinh sẽ làm việc liên tục và phải đạt 100% công suất.

    Dù thời gian làm thêm không nhiều, cô gái sinh năm 1999 vẫn nhận được nhiều điều đáng giá ngoài tiền lương.

    Sống ở nước sử dụng tiếng Anh, nữ sinh cũng được trau dồi khả năng giao tiếp và biết cách xử lý các tình huống khẩn cấp. Ngoài ra, nhờ đi làm, Hà cũng hiểu hơn về luật lao động để bảo vệ quyền lợi cho bản thân.

    Phục vụ ở quán ăn, quán cà phê

    Phương Linh (23 tuổi), du học sinh Hàn Quốc

    Sau khoảng một năm đến Hàn Quốc theo học ngành Truyền thông, Phương Linh bắt đầu đi làm thêm ở quán gà rán, nhà hàng và hiện làm thêm ở một quán cà phê ở thành phố Seoul.

    Sau khi hết giờ học trên lớp, Linh sẽ tranh thủ đi làm vào ca chiều - tối. Do làm bán thời gian, giờ làm của nữ sinh không cố định.

    Vào những đợt "cao điểm", nữ sinh làm việc đến 50 giờ/tuần và có thể kiếm được 2 triệu won (gần 1.500 USD) tháng, còn trung bình cô nhận được mức lương khoảng 1 triệu won (tương đương 740 USD).

    du hoc sinh lam them 1
    Làm thêm giúp Phương Linh có thêm sinh hoạt phí, đồng thời phục vụ cho những sở thích cá nhân. Ảnh: NVCC

    Tại Hàn Quốc, du học sinh có chứng chỉ TOPIK 4 trở lên được phép làm thêm 20-25 giờ trong tuần, cuối tuần không bị giới hạn thời gian. Cũng do được phép làm thêm nhiều giờ, đã có lúc Phương Linh mải mê làm thêm đến mức quá tải và ảnh hưởng đến việc học.

    "Làm thêm nhiều quá nên điểm của mình cũng bị giảm. Sau lần đấy mình không dám đi làm nhiều nữa mà chỉ tập trung vào việc học", Linh nói với Tri thức - Znews.

    Sau thời gian làm thêm ở Hàn Quốc, Phương Linh nhận thấy khả năng giao tiếp và các kỹ năng xã hội của bản thân được cải thiện nhiều hơn. Gia đình nữ sinh cũng vì thế mà ủng hộ con gái đi làm, nhưng vẫn luôn nhắc cô phải giữ gìn sức khỏe để hoàn thành nốt năm cuối đại học.

    "Mình mới bắt đầu đi làm thêm trở lại sau một thời gian tạm nghỉ. Bây giờ mình không tham công tiếc việc nữa mà chỉ làm vừa đủ thôi vì mình cũng muốn tậm trung học để chuẩn bị cho việc tốt nghiệp", Phương Linh chia sẻ.

    Bán hàng ở hội chợ

    Anh Tú (21 tuổi), du học sinh Pháp

    Đến Pháp từ cuối tháng 9/2023, Anh Tú đã kịp có những trải nghiệm làm thêm đáng nhớ. Trong khi bạn cùng nhà chọn làm phục vụ nhà hàng hoặc nhân viên order, Tú lại chọn công việc linh hoạt hơn là bán hàng ở các hội chợ cuối tuần.

    Tại Pháp, nhiều đơn vị, nhãn hàng, doanh nghiệp tham gia hội chợ ở các tỉnh, thành phố trên cả nước, thậm chí là ở nước ngoài nên họ cần tuyển nhân viên bán thời gian. Nắm bắt cơ hội này, Anh Tú ứng tuyển để vừa được trả lương, vừa được đi đây đi đó.

    Do tính chất công việc, thường thì nam sinh sẽ phải theo các đơn vị đến hội chợ từ thứ 6 để bắt đầu bán hàng vào thứ 7 và chủ nhật. Một điều nam sinh thấy khá thú vị là ngoài tiền lương cơ bản 100 euro/ngày, cậu cũng được chi trả chi phí đi lại và ăn ở cho những lần đi bán hàng.

    du hoc sinh lam them 1
    Anh Tú được trả 100 euro/ngày khi bán hàng ở hội chợ. Ảnh: NVCC

    Cũng giống như nhiều nước khác, Pháp quy định sinh viên, du học sinh chỉ được phép làm thêm 20 giờ/tuần, lương trung bình là 9-10 euro/giờ. Người sử dụng lao động sẽ căn cứ giờ làm để trả lương và đóng thuế nên sẽ không thể bắt nhân viên làm việc quá số giờ quy định, cụ thể là 80 giờ/tháng.

    Chỉ làm ở hội chợ thì không có quá nhiều thu nhập nên Anh Tú làm thêm những công việc khác như lái xe thuê và chuyển nhà thuê. Mức lương cũng tương tự lúc bán hàng ở hội chợ nên nhờ đó nam sinh có thêm đồng ra đồng vào.

    Ngoài kiếm tiền, điều mà Anh Tú thấy vui nhất khi đi làm thêm là những trải nghiệm. Cậu được cải thiện khả năng tiếng Anh, tiếng Pháp, đồng thời được đến những vùng đất mới và trải nghiệm văn hóa, ẩm thực ở nơi đó.

    Trợ giảng

    Nguyệt Phi (24 tuổi), cựu du học sinh Mỹ

    Trong thời gian học ở Mount Holyoke College ở South Hadley (bang Massachusetts, Mỹ), Nguyệt Phi từng làm trợ giảng cho môn Statistics với mức thu nhập 14 USD/giờ.

    Công việc của trợ giảng như Phi thường là chấm bài tập về nhà và trả lời câu hỏi của sinh viên. Thời gian làm việc tối đa cho mỗi tuần sẽ là 5 giờ.

    "Nếu muốn trở thành trợ giảng ở trường, sinh viên phải học môn đó và đạt điểm A nên mình cũng có động lực học hơn hẳn. Vào đầu năm học, mình sẽ lên hệ thống của trường để đăng ký công việc trợ giảng phù hợp và liệt kê 2 giáo sư đã từng dạy mình vào danh sách người tham chiếu", Nguyệt Phi chia sẻ.

    du hoc sinh lam them 1
    Nguyệt Phi được tuyển làm trợ giảng với mức lương 14 USD/giờ. Ảnh: NVCC

    Mỹ cũng quy định du học sinh chỉ được làm thêm 20 giờ/tuần và phải đăng ký lên trường để trường đăng ký lại với bang. Như vậy, sinh viên đi làm sẽ được trả lương đầy đủ theo quy định và được đóng thuế.

    Ngoài làm trợ giảng, Nguyệt Phi làm song song công việc khác là chuyên viên hỗ trợ ở thư viện với mức lương 13 USD/giờ, mỗi tuần chỉ làm 4-10 giờ.

    Vì làm ở bộ phận help desk, Phi phải làm việc với rất nhiều người và trả lời điện thoại liên tục. Tất cả câu hỏi đều liên quan phần mềm nhà trường cung cấp nên nữ sinh buộc phải tìm hiểu rất kỹ về cách vận hành của phần mềm này.

    Ngoài ra, công việc này cũng giúp Phi mở rộng các mối quan hệ vì cô phải làm việc với các bộ phận trong trường như viện nghiên cứu, cảnh sát trường học và bộ phận đào tạo. Do đó, đối với nữ sinh, làm thêm cũng là một cách để tăng trải nghiệm và phát triển những kỹ năng cần thiết cho công việc sau này.

    Theo ZNews

  • sieu thi tuyen dung
    Hầu hết các siêu thị đều thông báo tuyển nhân viên mùa Giáng sinh. Ảnh: AFP via Getty Images

    Giáng sinh là mùa các siêu thị bận rộn nhất trong năm, vì thế rất nhiều nhân viên thời vụ được tuyển dụng. Năm nay, thị trường tuyển dụng có vẻ căng thẳng hơn, khi Wilko đóng cửa tất cả các cửa hàng và sa thải nhân viên. Đừng khinh thường những công việc mùa vụ thế này, vì nhờ nó bạn có thể xin làm nhân viên chính thức.

    1. Aldi

    Aldi đang tuyển dụng 3,000 nhân viên cửa hàng cho Christmas năm nay, cả thời vụ và lâu dài. Vai trò bao gồm nhân viên trợ lý trong siêu thị, các vị trí quản lý và lao công. 

    Aldi cũng tuyển dụng nhân viên tại các trung tâm phân phối theo vùng ở UK, với khoảng 1,500 vị trí đang cần người. Chẳng hạn như nhân viên kho hàng, trợ lý logistics và lao công kho bãi.

    Theo website của Aldi, nhân viên tại kho hàng được trả lương từ £10.90 - 15.27 tùy thuộc vào vị trí và khu vực. Lương khởi điểm của nhân viên tại cửa hàng là £11.40/h trên toàn quốc, và mức lương £12.85/h đối với siêu thị gần đường M25. Aldi cũng là siêu thị duy nhất trả lương giờ nghỉ giải lao trong khi làm việc.

    Bạn có thể nộp hồ sơ xin việc tại đây.

    2. Sainsbury's

    Sainsbury's đang tuyển dụng 22,000 nhân viên mùa vụ. Trong đó hệ thống siêu thị sẽ chấp nhận 20,000 người, còn Argos tuyển 2,000 người. Năm ngoái, tập đoàn Sainsbury's đã tuyển 18,000 vị trí.

    Các vị trí sẽ làm việc tại siêu thị, kho hàng, trạm cung ứng. Hợp đồng cố định kéo dài từ 3 tuần đến 12 tuần. 

    Mức lương đối với nhân viên ở cửa hàng và kho hàng khởi điểm từ £11/h, đối với nhân viên làm việc trong vành đai đường M25 thì mức lương là £11.95/h. Lương tài xế từ £12/h, đối với tài xế làm việc trong khu vực vành đai M25 thì mức lương khởi điểm từ £13.45.

    Sainsbury's cho biết nhân viên được thuê trong năm nay sẽ nhận được 15% giảm giá tại siêu thị vào các thứ Sáu và thứ Bảy. Năm ngoái con số này chỉ là 10%. 

    Nhân viên cũng được giảm giá 15% tại Argos vào các ngày thứ Sáu phát lương. Các nhân viên thời vụ sẽ nhận được một thẻ giảm giá thứ 2 dành cho người thân hoặc bạn bè sống cùng địa chỉ với họ. Ngoài ra họ còn được miễn phí thức ăn trong ca trực. 

    Bạn có thể nộp đơn xin việc tại đây.

    3. Morrisons

    Morrisons đang tuyển dụng 3,500 vị trí đến làm việc tại cửa hàng, các địa điểm sản xuất thực phẩm, bộ phận logistics. Các vị trí khá đa dạng, có thể làm không cố định hoặc làm tạm thời, không cần kinh nghiệm.

    Nhân viên sẽ nhận được thẻ giảm giá 15% và 1 thẻ giảm giá khác 10% cho 1 thành viên gia đình hoặc bạn bè. 

    Vào năm 2022, Morrisons đã trở thành siêu thị trả lương cao nhất ở UK đối với nhân viên cửa hàng, mức lương khởi điểm từ £10.20/h. Tuy nhiên, kể từ tháng 4/2023, mức lương ở Morrisons đã bằng với mức lương tối thiểu là £10.42/h đối với người trên 23 tuổi. 

    Bạn có thể nộp đơn xin việc tại đây.

    4. Tesco

    Tesco đang tuyển dụng 30,000 nhân viên cho mùa Giáng sinh năm nay. Các vị trí đều là thời vụ, bạn sẽ làm việc tại các cửa hàng Tesco Superstore và cửa hàng Extra. Có nhiều ca làm việc, chỉ làm vào sáng sớm, làm ban ngày hoặc ca đêm.

    Tesco đã xác nhận khi mùa Giáng sinh kết thúc, các nhân viên thời vụ có thể nộp đơn xin vị trí chính thức. 

    Hồi tháng 4, Tesco thông báo sẽ đầu tư 230 triệu bảng để để tăng tiền lương cho các nhân viên trên toàn quốc. Nhân viên làm việc ở ngoại thành London được trả lương £11.75/h, trong khi nhân viên làm việc trong nội thành London được trả £11.95/h.

    Bạn có thể nộp đơn xin việc tại đây.

    4. Waitrose and John Lewis

    John Lewis và Waitrose đang tuyển dụng hơn 10,000 nhân viên cho Giáng sinh năm nay. Tập đoàn sẽ thuê hơn 2,900 nhân viên tạm thời cho vị trí bán hàng và quản lý bán hàng tại 34 cửa hàng John Lewis.

    Với Waitrose, siêu thị sẽ tuyển hơn 2,800 nhân viên tại 329 cửa hàng, bao gồm các vị trí trợ lý siêu thị, nhân viên ca đêm, tài xế giao hàng. 

    Tập đoàn cũng tuyển dụng 2,700 nhân viên thông qua các công ty tuyển dụng, để làm việc trong các kho hàng, lái xe giao hàng cho khách và nhân viên xử lý các đơn hàng click-and-collect.

    Vào tháng 4 năm nay, Waitrose đã tăng mức lương cơ bản lên £10.50/h, và mức lương tối thiểu dành cho nhân viên làm việc trong vành đai M25 là £11.72/h.

    Bạn có thể nộp đơn xin việc tại đây.

    Viethome (theo Mirror)

  • Cảnh sát địa phương cho rằng nam sinh viên này kiếm được hàng chục nghìn USD nhờ việc cắt tóc nhưng anh phủ nhận các cáo buộc.

    du hoc sinh cat toc
    Nam sinh viên người Việt bị bắt vì tình nghi cắt tóc "lậu" cho 3.000 người. Ảnh: Pexels

    Nguyen Van Thang (24 tuổi), sinh viên một trường dạy nghề ở Nhật Bản, bị bắt hôm 6/6 vì tình nghi cắt tóc cho khoảng 3.000 khách hàng tại nhà riêng ở Tokyo, theo Mainichi Shimbun.

    Thông tin này được cảnh sát thành phố cung cấp hôm 12/6. Nguyen Van Thang đã cung cấp dịch vụ cắt tóc không giấy phép kể từ tháng 4/2021.

    Thang bị giam giữ vì cáo buộc đề nghị cắt tóc và cạo râu cho một đồng hương với giá 1.500 yên (tương đương 10,71 USD) tại nhà riêng ở Fussa, phía tây Tokyo.

    Cảnh sát địa phương cho rằng Thang quảng cáo dịch vụ và thu hút khách hàng thông qua mạng xã hội và kiếm được tổng cộng 4,5 triệu yên (32.200 USD). Tuy nhiên, Thang phủ nhận các cáo buộc.

    Từ năm 2020, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh của Nhật Bản tuyên bố tăng cường kiểm tra việc sử dụng lao động nước ngoài bất hợp pháp tại nước này.

    Theo đó, Cơ quan Dịch vụ Nhập cư Nhật Bản yêu cầu công dân nước ngoài khi vào Nhật Bản phải nộp các tài liệu quan trọng như hợp đồng lao động, thư nhập học để được xác minh là họ có thể làm việc và tham gia các hoạt động phù hợp với tình trạng thị thực, theo Asahi Shimbun.

    Theo Zing

  • Sinh viên tới Australia du học có thể kiếm được khoảng 600.000 đồng mỗi giờ làm việc ở trang trại. Công việc thường là thu hoạch, đóng gói rau củ, trái cây, vận hành máy móc...

    Nếu bạn đi du học ở Australia và có kế hoạch làm thêm để có tiền trang trải cho cuộc sống thì công việc đồng áng có thể là một lựa chọn tuyệt vời.

    Theo thông báo chung của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Australia và Bộ trưởng Bộ Nhập cư, sinh viên làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp có thể làm việc vượt giới hạn thời gian làm việc thông thường là 40 giờ mỗi hai tuần trong thời gian học của họ.

    Ngoài ra, những người có thị thực tạm thời có thể gia hạn thời gian lưu trú bằng cách làm việc trong ngành nông nghiệp.

    Nông nghiệp là một ngành nghề đa dạng bao gồm trồng trọt (ví dụ trái cây, rau và thực vật), chăn nuôi (gia cầm và gia súc) và trồng trọt trên diện rộng (nghĩa là các loại cây trồng và ngũ cốc quy mô lớn).

    lam farm o uc
    Sinh viên quốc tế có thể kiếm tiền nhờ công việc đồng áng ở Australia (Ảnh minh họa: Go Study Australia).

    Hiện tại, loại hình công việc nông trại đang được nhiều chủ trang trại tìm kiếm nhân lực là công việc thu hoạch theo mùa vụ. Vào mùa hè, các loại trái cây như lê, táo, nho, quả mọng sẽ chín và chủ trang trại cần thuê nhân viên thu hoạch hoa quả. Ngoài việc hái trái cây hoặc rau củ, nhân viên cũng có thể làm thêm công việc đóng gói, cắt tỉa và gieo trồng, vận hành máy móc.

    Cần lưu ý rằng loại công việc này thường mang tính thời vụ, có thể đòi hỏi nhiều về thể chất và thường liên quan đến việc người làm công phải liên tục di chuyển trong khu vực rộng lớn.

    Sinh viên quốc tế hoàn toàn có thể kiếm tiền bằng cách làm việc tại các trang trại ở Australia. Sau dịch Covid-19, ngành nông nghiệp Australia đang phải vật lộn để lấp đầy sự thiếu hụt lao động. Ước chừng, số trái cây và rau củ không được thu hoạch tại Australia trong thời gian dịch bệnh hoành hành có giá trị lên tới 22 triệu USD. 

    Chính phủ Australia đã đưa ra một số biện pháp để hỗ trợ những người có thị thực tạm thời tiếp cận các cơ hội làm việc tại nông trại bao gồm việc nâng giới hạn hơn 40 giờ làm việc mỗi hai tuần cho sinh viên quốc tế, hỗ trợ tái định cư... Một số bang còn thưởng thêm hơn 2.000 USD (gần 50 triệu đồng) cho người làm công việc thu hoạch theo mùa khi người đó hoàn thành công việc trong vòng tám tuần tại một trang trại.

    Công việc tại các nông trại ở Australia đòi hỏi những sinh viên làm thêm phải có sức khỏe tốt bởi công việc thường bắt đầu rất sớm vào buổi sáng. Người làm việc phải đứng ở ngoài trời nắng nóng của Australia trong một thời gian dài, mang theo những thiết bị nặng hoặc bao tải đựng sản phẩm và làm việc trên cao (ví dụ, leo lên thang để hái những cây ăn quả).

    Hầu hết công việc thu hoạch đều nằm ở các thị trấn nông thôn và vùng sâu vùng xa, cần phải di chuyển nhiều. Vì thế, trước khi lựa chọn một công việc, bạn nên tìm hiểu xem liệu bạn có cần phải tự thu xếp chỗ ở và phương tiện đi lại hay người tuyển dụng sẽ sắp xếp cho bạn.  

    Công việc đồng áng có thể mang lại kinh nghiệm làm việc quý giá và sau này khi đi xin việc, bạn có thể có thêm các kỹ năng để nâng cao khả năng được tuyển dụng của mình. Đồng thời, đây cũng là một cách khá hay để khám phá thêm về xứ sở chuột túi. Thung lũng Hunter, bán đảo Mornington và thung lũng Barossa ở Australia đều là những vùng đất nổi tiếng với cảnh đẹp mê hồn.

    Mặc dù việc đồng áng có thể là một công việc rất nặng nhọc nhưng nó mang lại lợi nhuận tài chính khá tốt. Mức lương cho nhân viên làm việc trong ngành nông nghiệp ở Australia hiện ở mức tối thiểu là 25 USD/giờ (600.000 đồng). Australia rất coi trọng quyền của người lao động. Sinh viên quốc tế được khuyến khích báo cáo bất kỳ khoản thanh toán thấp nào cho tổ chức Giám sát viên việc làm công bằng - Fair Work Ombudsman.

    Như với bất kỳ loại công việc nào, điều quan trọng là bạn phải tìm được một nhà tuyển dụng đáng tin cậy. Chính phủ Australia đã thiết lập dịch vụ Harvest Trail giúp kết nối các trang trại cần công nhân thu hoạch theo mùa và các cá nhân đang tìm kiếm công việc này.  

    Ngoài ra còn có các trang web theo từng khu vực ví như Help Harvest NSW, Big Victorian Harvest, Pick Queensland và Real Work Real Experience (Nam Australia).

    Nếu bạn quan tâm đến công việc đồng áng, hãy sử dụng một trong những trang web của chính phủ để có thông tin cần thiết và tìm "ông bà chủ" bảo vệ quyền của người lao động ở Australia.

    Bạn có thể thực hiện các biện pháp để giữ an toàn cho bản thân khi làm việc tại các trang trại. Đầu tiên hãy tìm kiếm các nhà tuyển dụng đáng tin cậy, nghiên cứu kỹ về nơi làm việc và trang bị chu đáo cho bản thân trước khi đi làm. Các vật dụng bạn nên mang theo bao gồm mũ, kính râm, áo sơ mi dài tay, giày, kem chống nắng, nước lọc và những loại thuốc cần thiết.

    Điều quan trọng là phải có được thông tin chính xác về nơi làm việc và hiểu về quyền khi làm việc của bạn, bao gồm mức lương tối thiểu, an toàn tại nơi làm việc và làm việc không bị phân biệt đối xử. Khi làm việc ở nông trại, bạn có thể bị cháy nắng vì ở ngoài trời quá lâu, phải sử dụng thiết bị nặng và làm việc ở những địa điểm xa xôi. Vì thế hãy tìm đủ các cách để giảm thiểu rủi ro cho bản thân.

    Bạn có thể tìm thêm thông tin về quyền của mình tại nơi làm việc, an toàn tại nơi làm việc và an toàn sinh học (ngăn chặn mầm bệnh tránh khỏi con người) trên trang web Harvest Trail và Fair Work Ombudsman. Hãy nhớ rằng các tổ chức này luôn quan tâm, chăm sóc các quyền và sự an toàn của bạn, vì vậy đừng ngần ngại liên hệ nếu bạn cần sự trợ giúp.

    Dân Trí (theo insiderguides.com.au)

  • Sinh viên du học tại xứ sương mù có thể làm nhân viên dọn phòng, gia sư, nhân viên kho hàng... và nhận mức lương xấp xỉ 300.000 đồng/giờ trở lên.

    Gần đây Vương quốc Anh đã nới lỏng các quy định về thị thực làm việc sau khi học tập. Thị thực làm việc dành cho sinh viên quốc tế có nguyện vọng ở lại Anh để tìm kiếm việc làm sau tốt nghiệp. Điều này cho phép sinh viên quốc tế ở lại Vương quốc Anh để làm việc sau khi học xong.

    Tuy nhiên, luôn có một số quy định nghiêm ngặt về việc làm thêm tại Vương quốc Anh đối với sinh viên quốc tế đi theo thị thực du học. Trong trường hợp bất kỳ sinh viên quốc tế nào không tuân thủ các quy tắc do Cơ quan bảo vệ biên giới Anh quốc đưa ra, họ có nguy cơ bị trục xuất.

    Sinh viên quốc tế tới Anh du học có thể làm việc trong khuôn viên trường học của họ hoặc bên ngoài trường với bất kỳ cơ hội công việc nào mà họ tìm được.

    Những sinh viên quốc tế làm việc bán thời gian sẽ được làm việc tối đa 20 giờ mỗi tuần. Điều này có nghĩa là bạn không thể làm việc hơn 4 giờ mỗi ngày, trừ hai ngày nghỉ cuối tuần.

    lam them o anh
    Nhân viên kho hàng (Ảnh: Courtesy of Gov.UK).

    Với những sinh viên còn đang là học viên của trung tâm ngoại ngữ, họ chỉ có thể làm việc tối đa 10 giờ mỗi tuần.

    Thị thực sinh viên phải hợp lệ và được cấp cho một chương trình học toàn thời gian. Sinh viên quốc tế được phép làm việc toàn thời gian trong các kỳ nghỉ.

    Trước khi nhận bất kỳ công việc bán thời gian nào, hãy kiểm tra xem tình trạng thị thực của bạn có cho phép bạn làm việc tại Vương quốc Anh hay không.

    Lưu ý rằng, làm thêm quá nhiều giờ mỗi ngày sẽ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc học tập của bạn. Đó là lý do tại sao nhiều trường đại học và cao đẳng khuyến nghị sinh viên quốc tế chỉ nên làm thêm tối đa 15 giờ mỗi tuần.

    Lý do đằng sau điều này là để duy trì sự cân bằng giữa học tập và cuộc sống. Bạn cần suy nghĩ kỹ rằng, công việc làm thêm sẽ ảnh hưởng như thế nào đến khả năng học tập và cuộc sống hàng ngày của bạn.

    Một số công việc phù hợp với sinh viên quốc tế tại trường học bao gồm: Nhân viên thư viện, nhân viên cửa hàng sách, nhân viên trung tâm y tế trường đại học, gia sư... Một số công việc ngoài khuôn viên trường mà sinh viên có thể làm bao gồm: Nhập dữ liệu, dịch vụ sức khỏe, dịch vụ giao hàng, nhân viên bán hàng, công việc lễ tân...

    Dưới đây là những công việc làm thêm có thu nhập khá tốt dành cho sinh viên du học Anh:

    Quản trị viên (280.000 đồng/giờ)

    Nếu bạn đang muốn phát triển kinh nghiệm trong môi trường văn phòng thì hãy xem xét một công việc bán thời gian với tư cách là quản trị viên của một công ty. Với vai trò này, bạn sẽ chịu trách nhiệm: Nhận cuộc gọi; Chào đón khách; Gửi Email; Nộp tài liệu; Quản lý nhật ký công ty.

    Vai trò quản trị viên sẽ cho phép bạn xây dựng các kỹ năng quản lý thời gian, tổ chức công việc, viết văn bản và giao tiếp bằng lời nói. Những kỹ năng này sẽ giúp bạn thành công trong nhiều ngành nghề nếu bạn tiếp tục theo đuổi lĩnh vực này.

    Tổng đài viên (310.000 đồng/giờ)

    Các nhân viên tổng đài sử dụng những kỹ năng dịch vụ khách hàng của họ để xử lý các cuộc gọi đến và đi.

    Bản chất của các tin nhắn và cuộc gọi mà họ nhận được bao gồm thanh toán hóa đơn, khiếu nại hỗ trợ, giải đáp câu hỏi, thắc mắc... Là một điện thoại viên, bạn sẽ phụ trách những công việc như: Nghiên cứu giải pháp; Xử lý đơn đặt hàng, đơn đăng ký và biểu mẫu do khách hàng yêu cầu; Xác định và báo cáo các vấn đề ưu tiên; Ghi lại chi tiết các thắc mắc, khiếu nại, nhận xét và các công việc đã thực hiện; Hoàn thành ghi chú cuộc gọi và báo cáo cuộc gọi.

    Công việc này có giờ làm việc linh hoạt, vì thế nó khá lý tưởng cho những sinh viên quốc tế cần sự cân bằng giữa lịch học và công việc của mình.

    Nhân viên dọn phòng (260.000 đồng/giờ)

    Nếu bạn không muốn ngồi bên bàn làm việc cả ngày mà muốn được vận động tay chân thì một công việc quản gia hoặc dọn phòng khách sạn bán thời gian có thể là lựa chọn hoàn hảo cho bạn.

    Với vai trò này, bạn sẽ: Quét, hút bụi và lau các khu vực sinh hoạt; Lau sạch các quầy, cửa tủ, thiết bị và bồn rửa trong nhà bếp; Lau nhà vệ sinh, bồn tắm, gương và vòi hoa sen trong phòng tắm; Giặt, gấp và là quần áo; Làm sạch cửa sổ; Thay ga trải giường.

    Nếu việc dọn dẹp và sắp xếp luôn là một trong những điểm mạnh của bạn, hãy tìm kiếm công việc tại các công ty dọn dẹp và vệ sinh trong thành phố của bạn.

    Gia sư riêng (595.000 đồng/giờ)

    Một trong những công việc bán thời gian được trả lương cao nhất cho sinh viên quốc tế là dạy kèm riêng.

    Nếu bạn có kiến thức chuyên môn về một môn học cụ thể và biết sắp xếp công việc, đáng tin cậy và có kỹ năng sư phạm, bạn nên làm gia sư. Là một gia sư, bạn sẽ có trách nhiệm: Nhận biết nhu cầu học tập cá nhân của học sinh; Dạy học sinh để nâng cao kỹ năng của họ trong các môn học cụ thể; Chuẩn bị bài và giao, sửa bài ở nhà; Đánh giá sự tiến bộ của học sinh; Thảo luận về kết quả học tập với học sinh hoặc phụ huynh của họ; Chuẩn bị và sửa chữa các bài kiểm tra.

    Nếu bạn có ước mơ trở thành một giáo viên hoặc thích truyền thụ kiến thức mà bạn đã có cho người khác thì trở thành một gia sư riêng là công việc tuyệt vời dành cho bạn.

    Nhân viên vận hành kho hàng (300.000 đồng/giờ)

    Nếu bạn là người sẵn sàng làm việc chân tay nặng nhọc thì công việc bán thời gian của một nhân viên kho hàng sẽ nằm trong tầm ngắm của bạn.

    Với vai trò này, bạn sẽ chịu trách nhiệm về các nhiệm vụ sau: Chọn và đóng gói hàng hóa để giao hàng; Bốc vác sản phẩm lên xe; Kiểm tra số lượng hàng tồn kho.

    Các nhân viên kho hàng không chỉ có cơ hội làm việc theo giờ giấc linh hoạt mà họ còn có thể bỏ qua phòng tập thể dục do công việc này đòi hỏi người làm phải có sức khỏe, làm việc "luôn chân luôn tay".

    Nhân viên pha chế đồ uống (300.000đồng/giờ)

    Làm việc trong một quán cà phê hẳn là sự yêu thích của nhiều sinh viên bởi môi trường làm việc khá dễ chịu.

    Các quán cà phê có xu hướng thuê sinh viên làm việc do lịch làm việc linh hoạt. Là một nhân viên pha chế, bạn sẽ phụ trách: Pha chế và phục vụ đồ uống nóng và lạnh; Vệ sinh và làm sạch các dụng cụ, khu vực và thiết bị làm việc; Lau chùi bàn ghế; Đề xuất sản phẩm cho khách hàng; Mô tả các món đồ ăn/uống trong thực đơn; Phục vụ khách hàng và nhận đơn đặt hàng.

    Ngoài môi trường thú vị, một lợi ích khác khi làm việc trong quán cà phê là nhiều chủ quán cung cấp cà phê và đồ ăn miễn phí hoặc giảm giá cho nhân viên của họ.

    Theo studyabroad.shiksha.com

  • Nguyễn Hoàng Phúc cho rằng không nên chọn công việc part-time chỉ vì thu nhập và dù có học bổng toàn phần vẫn nên sắp xếp đi làm.

    Nguyễn Hoàng Phúc, 26 tuổi, từng học 3 năm dự bị đại học, 5 năm đại học và thạc sĩ tại Đại học Bath, Anh. Anh chia sẻ một số kinh nghiệm nhận công việc part-time phù hợp. Những điều này được anh chỉ ra khi làm cố vấn cho học sinh Việt Nam mong muốn du học Anh, trong khuôn khổ dự án "Pay It Forward by Du học sinh Việt Nam":

    1. Đừng chọn công việc chỉ vì thu nhập

    Mình sang Anh từ năm lớp 9, khi giành được học bổng toàn phần học phí cho 3 năm dự bị đại học (một năm GCSE và hai năm A-Level, tương đương như cấp 3 ở Việt Nam). Khi lên đại học, mình học tập theo dạng tự túc. Vì vậy, mình làm thêm nhiều công việc để trang trải cuộc sống.

    Trong khi nhiều bạn sang Anh du học sẽ làm những công việc như rửa bát, phụ bàn ở quán ăn, quán cà phê thì mình chọn hướng đi khác. Mình hay nộp hồ sơ xin việc vào những vị trí cần kỹ năng giao tiếp và học thuật, chuyên ngành, chẳng hạn trợ giảng, gia sư hướng dẫn các bạn lớp dưới, dẫn tour tham quan trường, thành phố. Đến năm thứ ba, mình cố gắng giành suất thực tập một năm do các công ty ngoài tuyển chọn ứng viên trong trường, để vừa học tập, vừa có thu nhập.

    tim viec lam them o anh vuong nhat bac
    Nguyễn Hoàng Phúc là cựu sinh viên Đại học Bath (Anh). Ảnh: Nhân vật cung cấp.

    Lựa chọn của mình không phải do những công việc như phụ bàn không xứng đáng để làm. Nó vẫn khai thác được nhiều kỹ năng như tính kiên trì, sự chủ động trong công việc. Tuy nhiên theo mình, kỹ năng giao tiếp, tiếp xúc và kết nối mọi người, đặc biệt liên quan đến chuyên ngành đang học sẽ quan trọng hơn. Và mình lựa chọn những công việc xoay quanh kỹ năng mình muốn phát triển.

    Như những công việc mình chọn, ngoài phát triển kỹ năng, nó còn giúp CV đẹp hơn. Vì vậy, các bạn nên suy nghĩ về công việc part-time để lựa chọn cho phù hợp, cố gắng tìm việc có thể hỗ trợ nâng cao kiến thức, kỹ năng của bản thân chứ đừng chỉ nhìn vào một khía cạnh như dễ làm, nhàn hạ hay thu nhập cao.

    2Tìm kiếm việc làm part-time từ nhiều luồng

    Có nhiều cách để tìm việc part-time, có thể thông qua trường, bạn bè hay đọc thông tin trên mạng. Mình thường tìm kiếm thông qua hai luồng. Thứ nhất là ở trong khoa mình học. Khoa hay tuyển sinh viên năm thứ hai và thứ ba có kinh nghiệm học tập các môn ở năm nhất để làm trợ giảng, giúp đỡ sinh viên năm nhất học tập, giải bài liên quan đến kiến thức chuyên môn.

    Số lượng sinh viên năm hai, năm ba khá nhiều. Tuy nhiên, khối lượng học tập rất lớn, đặc biệt với chương trình học lấy bằng master (thạc sĩ) như mình. Vì vậy, nhiều sinh viên không muốn tham gia làm trợ giảng để tập trung vào việc học. Mình thì nghĩ công việc này cũng hỗ trợ việc học, ôn luyện kiến thức chuyên môn nên chỉ cần quản lý thời gian tốt là có thể nhận.

    Luồng thứ hai là website của trường. Trường mình có đăng tin tuyển dụng nội bộ với nguồn tin rất rõ ràng. Các vị trí công việc rất đa dạng, từ trông trẻ, phụ bàn đến làm hướng dẫn viên cho khách tham quan trường, thành phố. Các tin tuyển dụng cũng mô tả rõ bạn cần bao nhiêu năm kinh nghiệm, cần có kỹ năng gì. Vì vậy, các bạn sẽ không khó để tìm kiếm một công việc. Quan trọng là phải lựa chọn phù hợp với mong muốn của bản thân và có thể quản lý thời gian để đảm bảo hoàn thành công việc đó song song với việc học.

    3. Chú ý kỹ năng giải quyết tình huống khi đi phỏng vấn

    Với một số công việc part-time, không đơn giản chỉ nộp hồ sơ là được nhận. Đơn vị tuyển dụng có thể đặt ra những cuộc phỏng vấn nhỏ với những câu hỏi không khó nhưng cũng đòi hỏi bạn phải có sự tìm hiểu một chút trước đó và có kỹ năng giải quyết vấn đề.

    Chẳng hạn, khi mình xin làm hướng dẫn viên của trường, họ sẽ hỏi các câu dạng "Nếu khách tham quan gặp vấn đề sức khỏe, bạn sẽ xử lý như nào", "Bạn cần tìm sự hỗ trợ từ bộ phận nào khi gặp vấn đề phát sinh"?

    4. Đừng ngại hỏi

    Như đã nói ở trên, làm part-time cũng là cách để học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng cho bản thân chứ không đơn thuần để có thêm thu nhập. Vì vậy, bạn hãy cố gắng học hỏi từ các anh chị đi trước, những người đã làm công việc tương tự. Họ sẽ cho bạn nhiều bài học, kinh nghiệm hữu ích.

    Nếu công việc có lượng người Việt Nam làm quá ít, bạn vẫn có thể hỏi các bạn nước ngoài. Với đa số người mình gặp, họ nhiệt tình chia sẻ. Với một số công việc nhất định như dẫn tour tham quan hay trợ giảng, bạn có thể đề nghị họ cho theo cùng để học hỏi, quan sát cách họ tương tác với người khác.

    Ngoài học hỏi những người có kinh nghiệm, bạn cũng đừng ngại hỏi khi gặp bất kỳ vấn đề gì trong công việc hoặc khi chưa thành thạo kỹ năng nào đó. Chỉ khi hỏi, bạn mới biết mình đang thiếu gì và cần bổ sung kỹ năng nào.

    5. Nhất định quản lý tốt thời gian

    Như mình đã nhắc rất nhiều ở trên, để có thể làm part-time khi học đại học, bạn cần nhất là kỹ năng quản lý thời gian. Nếu không có kỹ năng này, rất có thể bạn lơ là việc học, dẫn đến không hoàn thành môn đúng kỳ hạn mong đợi, hoặc ngược lại không hoàn thành tốt công việc part-time và bỏ dở giữa chừng.

    Không ít bạn rơi vào trường hợp này, đặc biệt khi tới năm thứ tư, khối lượng học tập lớn. Khi đó, mình đã cắt giảm thời gian đi làm thêm để tập trung việc học, ra trường và lấy bằng tốt nghiệp như rất nhiều sinh viên khác cùng khóa.

    Ở Anh, visa dành cho sinh viên nước ngoài cho phép bạn làm tối đa 20 tiếng mỗi tuần. Với mình, lượng thời gian này là khá vừa vặn. Nhiều bạn không thể tận dụng hết 20 tiếng. Có những bạn không áp lực về mặt chi phí thậm chí không sử dụng quỹ thời gian này.

    Tuy nhiên, với rất nhiều lợi ích từ việc làm thêm, mình khuyên các bạn nên đi làm, ngay cả khi nhận được học bổng toàn phần. Chắc chắn nó sẽ đem lại cho bạn những trải nghiệm mới lạ ngoài vùng an toàn và những kỹ năng cần thiết cho công việc sau khi ra trường.

    Theo VnExpress

  • Nối tiếp "Phần 1: Cuộc chơi hay cuộc đầu tư?" khi suy nghĩ về việc "Nhà ít tiền vẫn cố đi du học có được không?", cựu du học sinh Anh tại London - anh Hoàng Huy tiếp tục chia sẻ những khó khăn đã trải qua để đưa tới độc giả góc nhìn thực tế nhất về cuộc sống của một sinh viên Việt Nam tại phương trời Tây.

    Phần 2: Cuộc vạn lý trường chinh

    Ba ngày sau khi đến London, đợi cho hết Jet-lag, và tìm hiểu được cách đi lại di chuyển phương tiện công cộng, tôi quyết định đi tìm cái gì đó để làm tranh thủ thời gian còn chưa vào học chính thức. Thực ra với một vốn ngôn ngữ tốt và sự bạo dạn sẵn có - dễ thích nghi với cái mới, tôi chẳng có cảm giác bỡ ngỡ, lạ lẫm gì mấy, từ Việt Nam sang London thì cũng chỉ giống như từ Hải Phòng lên Hà Nội. Đấy là tôi, còn các bạn khác, tôi không biết.

    Với một kinh nghiệm đi làm thêm từ rất rất sớm, dù đúng là không phải con nhà khó khăn, tôi thấy cái sự đi làm thêm là hết sức thú vị. Nó giúp tuổi trẻ được tận hưởng sự thô ráp của cuộc sống một cách trọn vẹn nhất. Tuy nhiên, chuyện bạn có "chịu nổi nhiệt" khi đi làm ở trời Tây không thì lại là khác. Tiền đúng là dễ kiếm, đấy là với người khác; còn bạn có kiếm nổi hay không, thì cũng lại là chuyện khác.

    tuyet o london 1
    Anh Hoàng Huy đã trải qua nhiều mùa tuyết rơi ở London. Ảnh: FB Hoàng Huy

    Ở Anh, sẽ có hai sự lựa chọn cho sinh viên quốc tế như Việt Nam. Một, làm cho Tây, mức lương tối thiểu, 20 tiếng/tuần, lương tối thiểu 6 bảng/giờ, tổng cộng kiếm được khoảng 120 bảng và phải đóng thuế, bù lại bạn được pháp luật bảo vệ. 120 bảng là chỉ đủ đi xe bus 1 tuần và đi TESCO mua đồ về tự nấu ăn thôi. Tiền nhà, tiền sách vở, tiền ăn chơi nhảy múa, tiền ăn hàng và các loại tiền lặt vặt khác là không đủ đâu. Hai là, làm cho người Việt, muốn làm bao nhiêu thì làm, lương thấp hơn nhiều, tuy nhiên chẳng ai bảo vệ nổi bạn vì chính bạn cũng đang làm sai luật. Tất nhiên là tôi, như đại đa số sinh viên Việt Nam, đã chọn cách kiếm nhiều tiền hơn: làm cho một nhà hàng Việt Nam đông nhất nhì khu Kingsland người Việt ở London.

    Lúc đó tôi gầy nhẳng chứ chẳng to lớn như bây giờ; trong khi cái nhà hàng mấy chục bàn đông nườm nượp khách mà một ca chỉ có vỏn vẹn 5 người làm. Mỗi đứa phục vụ cả hai chục cái bàn khách. Mỗi bàn lại cả chục món ăn khác nhau. Một buổi tối một bàn lại có cả vài ba lượt khách. Bạn order nhầm một món thôi thì coi như tối đó bạn đi làm không công luôn. Một môi trường cực kì hỗn loạn, tiếng bước chân chạy, tiếng cười nói, tiếng chửi thề của nhà bếp, tiếng quát tháo, hò hét của bà chủ... nhưng công việc vẫn buộc phải trôi chảy, vì nếu bạn chỉ cần tỏ ra một nét mệt mỏi hay phản ứng, luôn có sẵn vài chục số điện thoại chờ sẵn ngoài kia để thế chân bạn. 

    Tôi nghĩ cái nhà hàng này mà có thuê robot thì nó cũng lăn vật ra chập điện mà chết. Quả thực là trong vòng có một tuần, những ông anh to lớn gấp đôi tôi xin cùng vào làm đã biến mất sạch sẽ sau tuần lương đầu tiên. Tôi hiểu họ đã đầu hàng, đã gọi điện về nhà cầu cứu hoặc an phận lên thư viện học đợi tiền nhà gửi sang. Tuy nhiên, robot có thể chết, nhưng tôi thì không, tôi cần phải sống. Trừ khi tôi muốn chết, ngoài ra tôi không chịu để bất kỳ cái hoàn cảnh nào giết tôi cả.

    Học ở trường từ 8h đến 5h chiều. Bay như một cơn gió khỏi giảng đường để có mặt ở chỗ làm lúc 5h30, và cày dập mặt đến 11h30. Có những lúc mệt đến mức độ mắt nhìn thấy đầy trăng và sao giữa ban ngày luôn, tôi đành vào nhà vệ sinh ngồi nghỉ 5 phút để kiểm tra xem chân nó còn nằm ở dưới đầu gối không rồi chiến tiếp. Tôi chấp tất cả các thể loại vất vả, gian khổ nhưng tôi không thể sống chung với sự bất công.

    Thực tế là người ta sẽ trả lương cho bạn từ 5h30 đến 11h30 tối, nhưng thỉnh thoảng nếu 11h29 khách vẫn vào và họ ngồi đến 2h sáng thì yên tâm là bạn cứ việc ngồi chờ đợi đến mòn mỏi mà không được thêm một xu nào từ chủ. Đấy là lý do vì sao bây giờ tôi không bao giờ đi ăn vào cái giờ người ta sắp đóng cửa, tôi nhìn thấy bóng hình của chính mình ngày xưa trong những bạn phục vụ, tiền có thể mua được một bữa ăn, nhưng chưa chắc mua được sự cảm thông cho đồng loại.

    2h sáng, đóng cửa lau dọn xong, trời thì mưa tuyết, hết tàu điện ngầm, hết xe buýt, vừa lạnh vừa vắng, tôi vừa đi vừa khóc, vừa phải hát thật to cho đỡ sợ trên con đường đi bộ về nhà. 4h sáng về đến nhà, xúc một chậu tuyết hoặc một chậu nước đá, cắm cái mặt vào đó cho tỉnh ngủ rồi học bài cho ngày hôm sau. Và vì có rất ít thời gian để học nên tôi buộc phải suy nghĩ cách học thế nào tốn ít thời gian nhất mà hiệu quả, bởi nếu không sẽ bị tụt lại ngay lập tức trên lớp. 

    Sách coursebook các loại thì dày như đại từ điển. Đại học của nước ngoài ngược hoàn toàn với Việt Nam: vào thì dễ nhưng ra cực khó; chứ không phải bạn đóng một đống tiền thì bạn có bằng luôn đâu. Ở Anh, thời gian học nhìn thì có vẻ ngắn hơn nhưng thực ra là họ nén cường độ học tập lại rất cao. Học một năm ở Anh áp lực còn hơn bốn năm ở Việt Nam, có khi hơn. Ngủ được vài tiếng, 8h sáng dậy đi học, ngồi trên tàu ngủ bù, tàu cứ giật giật 3-4 cái thì tôi hiểu là đã đến ga cần chuyển tàu, mở mắt lao ngay vào dòng người hối hả. Đó là lý do vì sao bây giờ tôi thường bị phàn nàn là đi bộ quá nhanh so với người khác.

    Chưa kể đến chuyện ma mới bắt nạt ma cũ ở chỗ làm. Tôi nhớ tôi không biết đã phải ấn đầu bao nhiêu đứa làm trước vào cái thùng rác trong hẻm đằng sau nhà bếp và trang điểm gấu trúc cho bao nhiêu thằng để chúng nó hiểu là không phải ai cũng chấp nhận im lặng để bị bắt nạt vô cớ. Tôi luôn cố gắng để sống tử tế và không bắt nạt ai, nhưng nếu ai thích gây chuyện, tôi sẽ cho họ phải hối hận không kịp.

    Nhưng tôi thấy không ổn, tình trạng này dài lâu tôi sẽ kiệt sức và thành "liệt sỹ" trước khi trở thành Thạc sỹ. Tôi chuyển chỗ làm đến những nơi dễ thở hơn, chấp nhận đi làm xa hơn. Nhưng áp lực học ngày một gia tăng, tôi cần nhiều thời gian hơn để hoàn thành các đề tài một cách có chất lượng. Học teamwork với các bạn nước ngoài, bạn được phân công phần việc mà không làm cho xong, chúng nó sẽ cười vào mặt bạn thậm chí tẩy chay; và ở môi trường quốc tế, thì hãy hiểu là nó cười vào dân tộc - đất nước của bạn. 

    6 tháng liền kể từ ngày đặt chân đến nước Anh, tôi chẳng nhìn thấy cái Big Ben ở đâu cả dù nó cách chỗ tôi làm 5 trạm xe bus; và tôi chết thèm chết khát một ngày được nghỉ, được ngủ mà không phải cài báo thức. Để giải quyết bài toán đó, tôi quyết định chấp nhận làm cái công việc mà mình ghét nhất: đi làm nails. Vì chỉ cần làm 3 ngày/tuần là đủ sống khoẻ và có thời gian học hành tử tế, và tận hưởng cuộc sống xung quanh.

    Muốn làm được thì buộc phải bỏ tiền ra học. Nhờ một người bạn cũ giới thiệu, tôi cũng kiếm được một chỗ tử tế để học. Học mấy tháng cũng làm được, nhưng chỉ ở mức hết sức bình thường. Tôi cũng chẳng cần biến nó thành một nghề chuyên nghiệp, tôi chỉ cần sống sót qua giai đoạn học hành áp lực này rồi kiếm việc gì đó thú vị hơn để làm. 

    Không nhớ là để cầm được cái bằng trên tay thì tôi đã phải làm mấy ngàn bộ bàn tay, bàn chân của đủ loại khách hàng, đủ màu da quốc tịch. Tôi thực sự không thích công việc đó, tôi thề là tôi không thích, và đến khi nhận được thứ mình muốn, tôi đã đáp hết đồ nghề xuống sông Thames và thề không bao giờ làm nữa. Ở giai đoạn này của cuộc đời, tôi đã học được một câu tiếng Anh ý nghĩa nhất: "We do what we have to do".

    Sau đó thì tôi kiếm được một công việc khá hay ho là viết bài thuê cho bọn lười học. Nhờ thế mà tôi vô tình được học thêm bao nhiêu chuyên ngành không phải chính của mình và kiếm khá nhiều tiền vì muốn viết bài cho bọn chúng là mình phải đọc sách thì mới hiểu mà viết. Những năm sau này, thông thạo cuộc sống hơn, tôi cũng kiếm được nhiều trò để kiếm tiền hơn; làm vài công việc văn phòng cho Tây, biết mua cái gì siêu rẻ ở Việt Nam để mang qua Anh bán, lời vài chục lần; biết Việt Nam cần cái gì ở Anh, và chỉ những người hiểu Anh như lòng bàn tay thì mới biết mua ở đâu để gửi về Việt Nam bán, bán chỗ nào lời nhiều nhất; thậm chí còn vươn tay về mở kinh doanh ở Việt Nam.

    Và sau đấy, trong một mùa hè đẹp trời, tôi chuyển sang làm hướng dẫn viên địa phương tiếng Việt cho các hãng du lịch của Anh; đây là công việc tôi thích vì nó thoả niềm đam mê đi lại khám phá và sử dụng đến vốn hiểu biết sâu rộng về văn hoá, lịch sử về nước Anh của tôi tích luỹ cả chục năm; và đặc biệt là kiếm được cực kỳ nhiều tiền. Một ngày đi làm cho hãng lương bằng cả tuần đi làm các công việc khác full-time.

    Mùa hè được nghỉ học đồng thời cũng là cao điểm du lịch; đắt show còn hơn ca sỹ vì cả nước Anh chỉ có vài người Việt làm được việc này một cách có uy tín. Tôi có thể vào lâu đài Windsor một tháng vài lần và kể sự tích về từng viên gạch, từng món đồ trong đó; có đủ vốn để mê hoặc mọi du khách về nền văn hoá lịch sử đầy màu sắc của Anh Quốc. Tuy vậy, không để hết trứng vào một giỏ, tôi vẫn có một công việc chính là làm quản lý cho một nhà hàng Việt Nam có tiếng ở London và tại đó tôi được tha hồ thực hành mọi kiến thức về quản trị và marketing hiện đại mà mình đã học.

    Tuy nhiên, đừng nghĩ quản lý là giống ở Việt Nam, đứng chỉ tay năm ngón và thu tiền. Bạn sẽ cần biết làm tốt mọi công việc trong chuỗi dịch vụ: thiếu người rửa bát bay vào rửa bát, thiếu người nướng thịt bay vào nướng thịt, thiếu người bartender bay vào pha nước, thiếu người dọn vệ sinh thì bay vào thông cống...; không biết làm hết thì quản lý nổi ai. Tôi đã lăn lê bò toài bầm dập qua bảy cái nhà hàng để tự tin làm tốt những việc đó, mồ hôi và nước mắt không dễ gì đo được.

    Nhưng làm gì thì làm, tôi vẫn luôn tự răn mình: Mình sang đây nhiệm vụ hàng đầu là để học; kiếm được gì thì kiếm, trải nghiệm gì thì trải nghiệm, nhưng học cho có thực chất vẫn là quan trọng nhất. Đừng bao giờ để tiền cám dỗ bạn ra khỏi đường băng của cuộc đời.

    Nói tóm lại, khi bạn đã định đi du học thì hơn bao giờ hết hãy trung thực với chính mình, chính tương lai của mình. Và phải trả lời dứt khoát: bạn muốn học để có bằng cấp cống hiến nhiều hơn cho xã hội hay đơn giản là đi xuất khẩu lao động núp bóng dưới hình thức du học để kiếm tiền? Bạn muốn trở về hay bạn muốn nhập cư? Và quan trọng, bạn có đủ bản lĩnh để đi xuyên qua tất cả những điều tương tự như câu chuyện bên trên của tôi không, tất nhiên đó chỉ là một phần rất nhỏ? Không dễ chịu lắm đâu!

    Các ông bố bà mẹ có tin là con mình sẽ đủ sức chống chọi ở một nơi bốn bề xa lạ mà không có tiền, hoặc rất ít tiền không? Nếu con bạn là củi, ném vào lửa, chúng sẽ thành than hoa hồng rực; còn nếu là lá, chúng sẽ thành tro bụi. Tất cả những câu hỏi đấy phải được trả lời với tất cả lý trí và sự tỉnh táo của chính bạn, chứ không phải bố mẹ bạn.

    Các ông bố bà mẹ nếu mà nhận được chút tiền con cái gửi từ nước ngoài về thì khoan vội mừng, khoan vội khoe làng khoe xóm... chậm lại một chút, sẽ ngửi thấy mùi mồ hôi mặn chát, mùi tủi cực, và cả mùi của những giọt nước mắt đã bị nuốt vào trong của những câu chuyện không bao giờ được kể ra. Tôi, cũng như hàng ngàn đứa con Việt Nam khác xa nhà, đã luôn chỉ nói "Con ổn. Con tự lo được" vì không một ai muốn bố mẹ mình phải lo lắng, thương xót và rất nhiều chuyện, rất nhiều điều sẽ mãi mãi nằm ở bên kia biên giới như những kỷ niệm của những ngày thanh xuân đã qua. 

    Câu chuyện của tôi, chưa bao giờ được kể với gia đình, chỉ là một phần rất nhỏ; tôi tự hào vì nó, những tháng ngày tôi hay nói là cực khổ nhất đời nhưng cũng là giá trị nhất đời. Nhưng có sao đâu, tôi tự chọn thế, và tôi hạnh phúc với sự lựa chọn của mình; để thắng được chính mình, để bay và tiếp đất trên chính đôi cánh của mình chứ chưa một lần phải "bung dù". Nếu được làm lại, tôi sẽ vẫn chọn như thế, chẳng sao cả, vui mà.

    Gian khó, cám dỗ, áp lực, và cô đơn, là tất cả những người bạn đồng hành sẽ đợi bạn trên con đường du học, nhất là khi bạn có ít tiền. Bạn có dám mơ ước mơ của đời mình không? Cứ mơ đi, tuy nhiên, đừng bao giờ mạo hiểm một cách vô căn cứ, hãy mơ trong sự tính toán và tỉnh táo để không phải ân hận vì quyết định của mình; bằng cách ấy du học sẽ thực sự là một cuộc vạn lý trường chinh để đời của tuổi trẻ.

    Phần 1: Cựu du học sinh Anh: "Nhà ít tiền vẫn cố đi du học có được không?"

    Tác giả Hoàng Huy / theo Trí Thức Trẻ

  • Kiếm tiền 1 tháng bằng cả năm làm quần quật của một số người Việt Nam, liệu sự thật có dễ dàng như vậy?

    Nhắc đến du học sinh là nhắc đến chuyện học hành cho đàng hoàng tử tế để có tấm bằng "xịn" và ra trường đúng hạn. Nhưng đa số các bạn du học sinh, bên cạnh việc lao đầu vào học, còn muốn đi làm thêm vừa là để "va vấp" vừa để kiếm đồng ra đồng vào trang trải chi phí học tập, sinh hoạt vốn vô cùng đắt đỏ ở nơi xứ người.

    Vì là làm thêm nên chẳng ai nghĩ rằng sẽ kiếm được vài chục triệu hay thậm chí cả trăm triệu, vậy mà mới đây, nữ hot TikToker Dương Phạm (tài khoản @duongph.m) đã gây xôn xao trên mạng khi khẳng định du học sinh có thể kiếm 100 triệu đồng ở nước Úc nhưng, phải vào mùa lễ Tết, Giáng sinh này. Công việc cũng không đòi hỏi trình độ, kỹ năng phức tạp, chỉ là làm nail, phục vụ bàn, bán hàng... nhưng lại có thu nhập "khủng".

    du hoc sinh lam them o australia
    Ảnh minh họa: Unsplash

    Cụ thể, Dương cho biết: "Nghe đồn du học sinh kiếm 100 triệu/tháng phải không? Đúng, nhưng chỉ là mùa này thôi. Vì các bạn du học sinh được nghỉ hè nữa nên có nhiều thời gian làm. Ai cũng có nhu cầu làm đẹp cả, các tiệm làm nail siêu đông khách, từ 9h sáng tới 10h tối, y hệt như mùa Tết ở Việt Nam.

    Và thực ra mình thấy, móng thì không phải ai cũng làm nhưng mua quà cáp, shopping thì ai cũng mua ít nhất một món. Bởi vậy, mấy ngành dịch vụ bán hàng toàn là tăng ca ầm ầm. Mọi năm mọi người mua đồ cũng nhiều, nhưng từ ngày Covid-19 xuất hiện, mọi người toàn mua đồ online, thế là mấy anh shipper đầu tắt mặt tối luôn. Đã vậy, ở bên này còn thiếu người trầm trọng nữa.

    Mấy bạn đoán xem mua quà và quần áo để trưng diện đi đâu? Đi ăn tiệc! Tiệc Giáng sinh, tiệc tất niên này... Bởi vậy, các nhà hàng đồ ăn, đồ uống lúc nào cũng tấp nập khách. Chạy bàn bở hơi tai. Kiếm tiền thì cũng nhiều nhưng mệt mỏi lắm mọi người, hao tâm tổn sức lắm".

    Trong đoạn video tiếp theo, Dương cũng khẳng định việc kiếm được nhiều tiền như vậy chỉ có thể là trong mùa lễ, khi du học sinh được nghỉ học. Còn nếu vừa học vừa làm mà kiếm nhiều tiền như vậy, e rằng họ sẽ kiệt sức, dễ bị suy nhược cơ thể, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần.

    Quả thực, kiếm tiền ở đâu cũng sẽ có những vất vả riêng, và các bạn du học sinh dù có muốn kiếm tiền trang trải cuộc sống cũng nên chú ý đến sức khỏe của bản thân!

    Nguồn: Afamily

  • Không thể chi trả khoản sinh hoạt phí lên tới gần 60.000 USD cho 4 năm học, Hoa đành chuyển hướng sang du học Canada.

    Từng mang trong mình “giấc mơ Mỹ”, Quỳnh Hoa (20 tuổi) thừa nhận, ngay cả khi được trường hỗ trợ 100% học phí thì chi phí sinh hoạt tại các nước như Anh, Úc, Mỹ, vẫn là một gánh nặng với những gia đình không mấy điều kiện.

    Hoa đành gác bỏ giấc mơ này để chuyển hướng sang Canada - nơi mức sống phần nào “dễ thở” hơn. Dù vậy, áp lực tài chính vẫn khiến cô “ngoài thời gian học chỉ lo đi làm thêm, về đến nhà là ngủ”.

    “Tại Canada, công việc part-time không thiếu, thậm chí khá dễ tìm. Nhưng vừa phải giữ điểm GPA tốt, vừa đi làm thêm là điều không hề dễ dàng. Mình từng bị một chủ cửa hàng ăn cho nghỉ việc sau 3 buổi chỉ vì không quen việc, tay chân lóng ngóng”.

    Từng được cha mẹ bao bọc, “ít phải đụng tay làm gì” khi còn ở Việt Nam, thời gian đầu đi làm, Hoa chỉ biết ôm mặt khóc vì quá mệt mỏi và áp lực. Cô thừa nhận, “cuộc sống du học đã khiến mình ‘tỉnh ngộ’ rất nhiều”.

    'Làm chui' kiếm sống

    Áp lực tài chính khiến không ít du học sinh chọn cách đi “làm chui” để có đủ tiền trang trải chi phí khi học tập nơi xứ người.

    Theo bà Hoàng Thu Trang, giáo sư dự khuyết tại Đại học bang Nebraska (Mỹ), với những gia đình mong muốn cho con theo học từ bậc phổ thông hay đại học tại một số nước như Mỹ, Anh, Úc, Hà Lan… nhưng tài chính chưa đủ, nên cân nhắc du học sau đại học hoặc chọn các nước có học bổng chính phủ cũng như điều kiện vừa học vừa làm tốt hơn.

    du hoc sinh lam them o canada
    Ngọc Trâm vừa tốt nghiệp chương trình cử nhân Điều dưỡng tại Canada.

    “Sinh viên tuyệt đối không nên đi làm chui. Nếu có khả năng nhưng vì tài chính khó khăn, người học hoàn toàn có thể tìm kiếm những công việc phù hợp với chuyên ngành, ví dụ như chủ động gửi thư cho các giáo sư xin làm trợ lý nghiên cứu. Các giáo sư luôn cần và mong muốn giúp đỡ sinh viên, nên đừng ngại viết những bức thư như thế”.

    Nên chọn việc đúng ngành học

    Còn với Ngọc Trâm (24 tuổi, hiện công tác tại một bệnh viện ở Toronto, Canada), việc lựa chọn đi làm thêm là để “giúp bản thân trưởng thành và độc lập hơn trong cuộc sống”.

    Sang Canada du học tự túc từ năm 2018, mặc dù được gia đình hỗ trợ, nhưng Trâm vẫn quyết định đi làm thêm để tự trang trải chi phí sinh hoạt mỗi tháng và một phần học phí từng năm.

    Hai tháng sau khi nhập học chương trình cử nhân Điều dưỡng tại Canada, Trâm xin đi làm thêm bán thời gian tại siêu thị và một cửa hiệu đồ uống với mức lương tối thiểu của bang Ontario là 14,5 CAD/giờ.

    Chương trình học vốn có lượng kiến thức khá nặng cùng việc liên tục có bài kiểm tra hàng tuần khiến Trâm phải học cách tự cân bằng để duy trì công việc và điểm số trên lớp.

    Sau đó, cô quyết định chuyển việc, nộp đơn ứng tuyển và trở thành nhân viên part-time (khoảng 20 giờ/tuần) trong đội kiểm soát Covid với mức lương 16 CAD/giờ và chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện với mức lương 16,75 CAD/giờ… Những công việc này mặc dù vất vả nhưng giúp Trâm có cơ hội “tiến gần hơn với nghề” và được trở thành cộng sự trong đội ngũ chăm sóc y tế.

    “Em thường phải tranh thủ những khoảng thời gian trống như khi ngồi trên xe buýt hoặc trên tàu điện ngầm đến chỗ làm để ôn bài, hoặc nếu cảm thấy quá mệt thì chợp mắt một chút. Có những hôm đi làm về khuya, 3 giờ sáng em đã thức dậy ôn bài, chuẩn bị đồ ăn, sau đó tham gia buổi học lâm sàng ở bệnh viện”.

    Dù vất vả, Trâm vẫn cảm thấy “biết ơn” những công việc đã giúp mình tự trang trải tài chính cá nhân suốt thời gian học tại Canada, giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình, định hình cho công việc tương lai.

    Theo bà Cấn Lan Anh, Giám đốc một công ty tư vấn và du học, trong trường hợp cần đi làm thêm, sinh viên nên lựa chọn những việc đúng chuyên ngành hoặc những ngành nghề tốn ít thời gian và không quá nặng nhọc. 

    “Nếu học ngành Du lịch và khách sạn, sinh viên có thể làm part-time tại các công ty tổ chức sự kiện trong thành phố với mức lương khoảng 200 bảng/ tuần. Mức chi tiêu tiết kiệm của sinh viên du học Anh khoảng 600 bảng/tháng nên vẫn dôi dư.

    Ngoài ra, các bạn có thể tham gia giảng dạy cho các sinh viên quốc tế tại trường và được trường trả phí hoặc làm tại văn phòng chăm sóc sinh viên quốc tế với các nhiệm vụ như tổ chức các hoạt động giao lưu, viết bài đăng website, đưa đón sinh viên quốc tế tại sân bay, dẫn sinh viên quốc tế đi tham quan trường, phục vụ tại thư viện”.

    Ở Úc, sinh viên được làm thêm không giới hạn đến 30/6/2023; ở Canada, sinh viên được làm thêm không giới hạn đến cuối năm 2023; ở Anh hay Mỹ, sinh viên được làm tối đa 20 giờ/tuần… Do vậy, tùy chính sách của từng quốc gia, sinh viên có thể lựa chọn công việc làm thêm và sắp xếp thời gian phù hợp”.

    Theo Vietnamnet

  • “Mình kiếm 5000$/tháng ở tuổi 18 như thế nào?”, bài chia sẻ với tiêu đề ấn tượng của nữ du học sinh 18 tuổi đang gây tranh cãi gay gắt trong cộng đồng mạng. Bởi, mức lương xấp xỉ 85 triệu đồng/tháng đối với một cô gái đang tuổi ăn học, có được từ công việc làm thêm khiến người nghe quá bất ngờ.

    Chủ nhân của bài viết này là cô gái có nick name Clara Dao – du học sinh tại Canada. Từ dòng đầu tiên, Clara Dao đã giới thiệu mình là một người cực lười, không nghiện công việc, không phải ngôi sao có hàng ngàn lượt theo dõi để kiếm tiền dễ dàng từ việc quảng cáo hay làm mẫu ảnh… Cô cũng không kinh doanh online, đơn giản chỉ là một nữ sinh năm nhất, chưa bằng cấp, chỉ có kinh nghiệm làm thực tập sinh.

    Thế nhưng, cô lại kiếm được gần 85 triệu đồng/tháng nhờ 4 công việc làm thêm như sau:

    – Làm phiên dịch cho công ty tổ chức nói tiếng Anh và khách hàng Việt Nam, 40 tiếng/tháng, thu về 2000$.

    – Làm tiếp thị sản phẩm cho một công ty truyền thông và media nổi tiếng tại Canada, 24 tiếng/tháng, kiếm được ít nhất 600$/tháng.

    – Làm nhân viên tư vấn năng lượng cho công ty dịch vụ nhà ở, kinh doanh các loại máy nóng lạnh, điều hòa… làm vào cuối tuần, khoảng 32 tiếng/tháng, kiếm được 1300 đến 1400$/tháng.

    – Làm phục vụ bàn, 10 tiếng/tuần, bỏ túi 800$/tháng.

    Làm 4 công việc cùng lúc, ẵm gọn 5000$ Canada nhưng Clara Dao vẫn có thời gian đi chơi với bạn bè, học ngoại ngữ, tập yoga… Cô gái 18 tuổi lưu ý thêm, bốn công việc trên cô làm trong thời gian nghỉ hè, không vướng bận học hành. Với số tiền này, Clara Dao có thể tự chi cả các khoản sinh hoạt phí cho bản thân. Cô biết mình đang học tại ngôi trường đắt đỏ hàng đầu Canada nên luôn có ý thức tìm việc làm thêm để giúp đỡ gia đình.

    Chia sẻ của Clara Dao nhận được nhiều ý kiến trái nhiều. Một số người cho rằng, cô “nổ”, “chém gió” và những thông tin trên có nhiều điểm đáng ngờ.

    “Phiên dịch bệnh viện là phiên dịch cộng đồng không thể có lương cao như thế. Chưa kể, muốn được dịch tại bệnh viện thì phải học ngôn ngữ y khoa, mình đã học và biết rất khó và cần nhiều thời gian. 18 tuổi, nếu bạn sinh ra và lớn lên tại Canada có thể được tham gia dịch cộng đồng nhưng ít khả năng được dịch ở bệnh viện. Làm phục vụ bàn thì được trả lương tối thiểu, cộng tiền khách cho thêm. Khoản cho thêm đó thì vô cùng nhưng 800$/tuần thì hơi quá”, nick name Hai Anh viết.

    “Thẳng thắn mà nói, mình thấy chia sẻ của bạn hơi đáng ngờ. Con số mà bạn đưa ra rất thiếu thực tế với những người đã đi làm và biết giá trị lao động của loại công việc bạn đang nói tới. Chẳng hạn, bạn nói được trả 20$/tiếng làm bồi bàn, con số này phi thực tế bất chấp bạn nói trên đơn vị đô la Mỹ hay Canada. Chưa kể, du học sinh còn bị giới hạn số giờ làm thêm”, một nick name khác viết.

    Tuy nhiên, cũng có một số người cho rằng, với bốn công việc như trên, kiếm được 5000$/tháng là hoàn toàn đáng tin.

    Clara Dao tên thật là Đào Thị Hương Giang (sinh năm 1998, Hà Nội), là sinh viên ngành Truyền thông của trường Đại học Toronto – trường đại học top đầu tại Canada. Cô đã sống và học tập tại đây được gần hai năm. Hương Giang không bất ngờ khi bài viết của mình được chú ý nhưng lại quá ngỡ ngàng khi thông tin mình chia sẻ bị lên án dữ dội.

    “Tranh cãi thì ở đâu cũng có, nhất là ở những câu chuyện khó tin như thế này. Kể cả họ bảo mình nói xạo, nổ… cũng được, hoàn cảnh sống khác nhau thì suy nghĩ khác nhau nhưng họ bảo mình đi làm chui, cố tình tô màu hồng cho Canada là nơi màu mỡ, thậm chí nói mình làm “dịch vụ khác” để kiếm tiền thì mình quá buồn và thất vọng, thậm chí thấy bị xúc phạm”, Hương Giang bức xúc.

    Nữ du học sinh cho rằng, mọi người thắc mắc chủ yếu về giờ làm và tiền lương ở công việc bồi bàn. Cô giải thích, ở nhà hàng cô chỉ nhận làm việc vào cuối tuần và vì là người quen, lại thường xuyên giới thiệu khách cho quán nên cô được trả 20$/giờ (cộng cả tiền khách cho thêm người phục vụ). Theo Hương Giang, do mọi người quá quen với việc du học sinh làm việc lại nhà hàng Việt, chỉ nhận được mức lương cơ bản nên cho rằng mức lương này khó tin. “Có nhiều yếu tố để làm nên cái kết cuối cùng nên mọi người đừng vội kết luận và lên án”, Giang nói.

    Việc vừa “chân ướt chân ráo” sang Canada, chưa bằng cấp, non kinh nghiệm, đã tìm được việc “ngon” với mức lương “hời” của Hương Giang cũng khiến nhiều người hoài nghi.

    Hương Giang giải thích, cô là một người lì lợm trong chuyện tìm việc. Cô xin việc tại hàng trăm công ty nhưng số nơi liên hệ lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bị từ chối vô cùng nhiều nhưng ngay cả khi may mắn nhận được một công việc lương thấp hơn công sức bỏ ra, cô cũng không nhận. Cô luôn kiên trì và tin tưởng vào bản thân rằng, công việc phù hợp sẽ đến nếu cố gắng.

    “Nắm bắt cơ hội đúng lúc và biết đối nhân xử thế rất quan trọng. Mình tôn trọng và yêu quý người khác, họ sẽ đối xử lại như thế và đem đến nhiều cơ hội về sau”, Giang chia sẻ.

    Dù luôn “sục sôi” kiếm tiền giúp đỡ gia đình nhưng Hương Giang vẫn ý thức được, việc học là quan trọng nhất. Vào kỳ học, cô chỉ giữ lại hai công việc chính là phiên dịch viên và tư vấn năng lượng cho công ty dịch vụ nhà ở. Hương Giang vẫn giữ vững phong độ học tập với thành tích tốt như: điểm trung bình đạt 3,9/4, riêng môn chuyên ngành đạt điểm tuyệt đối 4.0/40.

    “Mẹ mình mất sớm, một mình bố bươn chải nuôi mình nên mình không muốn bố lo lắng, việc học phải đặt lên đầu. Tuy nhiên, mình cũng muốn tự lập, tự lo cho bản thân để bố tự hào”, Giang giải bày.

    Theo tincanada24h