50 tỷ bảng tiền mặt đang ở đâu, người dân trữ tiền mặt để làm gì?

Không ai biết chắc số tiền giấy tương đương 50 tỷ bảng Anh đang ở đâu khi việc dùng tiền mặt tại đây đã giảm nhiều trong các năm qua.

Cách đây vài năm, một nhóm các nhà lập pháp tại Anh khẳng định có tới 50 tỷ bảng Anh (67,4 tỷ USD) tiền mặt đang "bị mất tích" và thúc giục Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) điều tra.

Số tiền "được cất giấu ở đâu đó nhưng Ngân hàng Trung ương Anh không biết chúng ở đâu, thuộc về ai hoặc để làm gì - và dường như họ cũng không mấy tò mò", Meg Hillier, Chủ tịch Ủy ban Tài khoản Công của Hạ viện (PAC), cơ quan giám sát tài chính của chính phủ, cho biết trong một tuyên bố, "Cần phải quan tâm hơn đến việc số tiền 50 tỷ bảng còn thiếu đang ở đâu".

Dù vậy, Ngân hàng Trung ương Anh ngay lập tức phản bác. "Người dân không cần phải giải thích cho BoE lý do họ muốn giữ tiền giấy. Điều này có nghĩa là tiền giấy không bị mất", một người phát ngôn cho biết và nói thêm rằng ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục đáp ứng nhu cầu về tiền giấy của công chúng.

50 ty bang tien mat

Theo báo cáo năm 2018 của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), dù thanh toán điện tử ngày càng phổ biến, nhu cầu tiền mặt vẫn tăng ở hầu hết các nền kinh tế tiên tiến kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Báo cáo cho biết điều này một phần được thúc đẩy bởi lãi suất giảm.

"Chúng tôi nhận thấy người dân ngày càng giữ tiền mặt cho nhu cầu tích trữ thay vì thanh toán", Sarah John - người đứng đầu bộ phận phát hành tiền giấy của Ngân hàng Trung ương Anh cho biết vào tháng 10/2020. Bà nói thêm rằng nỗi lo về sức mạnh của các tổ chức tài chính kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008 cũng góp phần vào điều này.

Nhu cầu về tiền giấy và tiền xu giảm mạnh trong thời gian cao điểm của đợt phong tỏa Covid-19. Nhưng nó đã phục hồi sau đó, khi mọi người dự trữ nhiều tiền mặt hơn ở nhà do hậu quả của đại dịch.

Tuy nhiên, số giao dịch thanh toán bằng tiền mặt lại giảm. Một thập kỷ trước, tiền mặt được sử dụng trong 6 trên 10 giao dịch. Năm 2019, tỷ lệ này xuống dưới 3. BoE ước tính rằng 20% - 24% giá trị tiền giấy đang lưu hành được sử dụng cho các giao dịch tiền mặt, và 5% được các hộ gia đình dùng để tích trữ.

"Chúng ta biết rất ít về phần còn lại, trị giá khoảng 50 tỷ bảng Anh. Nó có thể là các khoản nắm giữ để giao dịch ở nước ngoài, các khoản tiết kiệm trong nước chưa được báo cáo, hoặc được sử dụng trong nền kinh tế ngầm", Tổng cục Thống kê Quốc gia (NAO) cho biết.

Cơ quan này khuyến nghị Ngân hàng Trung ương Anh làm việc với các cơ quan công quyền khác, nâng cao hiểu biết về điều gì đang thúc đẩy sự gia tăng nhu cầu về tiền giấy và ai đang nắm giữ 50 tỷ bảng Anh. "Việc này có thể giúp cung cấp thông tin về chính sách rộng rãi hơn, ví dụ về trốn thuế", NAO nhận định.

Hiện có 5 cơ quan chịu trách nhiệm quản lý hoặc giám sát hệ thống tiền mặt của Anh, bao gồm Ngân hàng Trung ương Anh, Kho bạc, Sở đúc tiền Hoàng gia, Cơ quan quản lý tài chính và Cơ quan quản lý hệ thống thanh toán.

Anh cũng vạch ra các kế hoạch để đảm bảo mọi người tiếp cận dễ dàng với tiền mặt.

Viethome (theo CNN)