Nước Anh đã đưa ra nhiều biện pháp cứng rắn để giải quyết tình trạng người dân thất nghiệp nhận trợ cấp đầy đủ nhưng không tìm việc làm.
Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt - Ảnh: REUTERS
Trưa ngày 16-11, Chính phủ Anh công bố đợt cải tổ chính sách phúc lợi lớn nhất trong vòng 10 năm qua. Trong đó đáng chú ý là quy định hủy bỏ hỗ trợ đối với các cá nhân thất nghiệp không chủ động tìm kiếm việc làm dù nhận được trợ cấp từ chính phủ.
Theo tờ Telegraph, người dân Anh nhận trợ cấp nếu không nỗ lực tìm việc sẽ bị tước bỏ toàn bộ quyền lợi hỗ trợ sau 6 tháng. Người đang tìm việc nhưng thất nghiệp 18 tháng liên tiếp cũng bị buộc phải từ bỏ phúc lợi này.
Điều luật nói trên nằm trong “kế hoạch quay lại làm việc” do Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt đề xuất nhằm giải quyết tỉ lệ người tham gia lao động giảm sút đáng kể từ sau đại dịch COVID-19. Kế hoạch bao gồm gói đầu tư trị giá 2,5 tỉ bảng Anh (3,1 tỉ USD) kéo dài trong vòng 5 năm.
Ông Hunt bày tỏ quyết tâm của chính phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ông cho biết “sự thay đổi rất lớn trong khế ước xã hội” sẽ cân bằng lại hệ thống “có lợi cho người nộp thuế”.
“Những thay đổi này có nghĩa là mọi người đều được giúp đỡ và hỗ trợ - nhưng đối với những người từ chối (kiếm việc làm) thì họ cũng phải chịu hậu quả. Bất cứ ai chọn cách sống dựa dẫm vào sự chăm chỉ của người nộp thuế sẽ đánh mất quyền lợi của họ”, vị bộ trưởng nhấn mạnh.
Các nhà tuyển dụng ở Vương quốc Anh đang phải vật lộn với gần 1 triệu vị trí việc làm trống để vượt qua giai đoạn phục hồi thị trường yếu nhất kể từ sau dịch COVID-19 ở các nước phát triển.
Theo báo The Guardian, trước đó số liệu chính thức từ tháng 4-2023 đến tháng 5-2023 ghi nhận 300.000 người thất nghiệp hơn một năm. Hơn 8,7 triệu người trưởng thành trong độ tuổi lao động được phân loại là “không hoạt động kinh tế” - nghĩa là họ không có việc làm hoặc đang tìm việc làm. Trong đó có đến 2,6 triệu người rơi vào hoàn cảnh này vì bệnh tật kéo dài, con số cao nhất từng được ghi nhận.
Ông Stride nhận định những cải cách nên được coi là một “khoản đầu tư khổng lồ” vào việc làm chứ không phải là một “bài tập tiết kiệm”.
Theo Tuổi Trẻ