Tất tần tật những lý do ngân hàng đóng tài khoản của bạn

huy tai khoan ngan hang
Ngân hàng không nhất thiết phải nêu lý do họ đóng tài khoản của bạn. 

Sẽ vô cùng rắc rối nếu ngân hàng tuyên bố muốn đóng tài khoản của bạn mà bạn không được giải thích lý do vì sao. Dưới đây là hướng dẫn của chuyên gia tài chính Martyn James về những gì bạn có thể làm.

Trong vài tuần qua đã rộ lên nhiều thông tin cáo buộc các ngân hàng liên tục hủy tài khoản của khách hàng vì liên quan đến vấn đề giả mạo. 

Một vài chính trị gia đã bày tỏ sự tức giận khi họ nằm trong danh sách "nguy cơ cao" do tính chất nghề nghiệp hoặc quan điểm của họ. Một số khác thì cho rằng họ bị bức ép vì đã không "thức thời" hoặc có tư tưởng cánh phải. 

Những cáo buộc này cũng có một số chi tiết đúng. Cụ thể như:

- Ngân hàng là các thực thể thương mại, nghĩa là họ không cần phải bận tâm tới doanh nghiệp của bạn hoặc giữ lại một khách hàng như bạn nếu họ không muốn. Vì ngân hàng không có nghĩa vụ phải giải thích cho bạn biết vì sao họ không muốn giữ chân bạn nữa, nên thái độ này của ngân hàng bị cho là thiếu công bằng. 

Vì sao ngân hàng được phép hủy tài khoản của tôi?

Không có 1 luật riêng biệt nào điều chỉnh hành vi này của ngân hàng. Thẩm quyền đóng tài khoản của khách hàng là sự kết hợp của nhiều luật và biện pháp điều chỉnh. Thẩm quyền này cho phép ngân hàng hủy tài khoản của bạn mà không cần nêu lý do, nhưng bạn sẽ được thông báo trước 30 ngày, để bạn có thời gian sắp xếp chuyển qua sử dụng tài khoản khác. Nếu là tài khoản doanh nghiệp thì bạn sẽ được thông báo sớm hơn.

Tuy nhiên, khoảng thời gian thông báo trước này có thể bị rút ngắn nếu có tình huống phát sinh dẫn đến việc đóng tài khoản (chẳng hạn bạn đe dọa nhân viên ngân hàng).

Vấn đề rửa tiền

Nếu một khách hàng bị nghi ngờ tội rửa tiền (hoặc các tội tài chính khác), nhân viên ngân hàng sẽ không được phép bàn vấn đề đó với khách hàng. Nếu nhân viên ngân hàng tiết lộ chuyện rửa tiền, thì họ sẽ bị xem là phạm tội và bị truy tố. 

Thực tế, việc điều tra rửa tiền là rất hiếm xảy ra, và hầu hết nhân viên ngân hàng sẽ không chứng kiến một vụ điều tra rửa tiền nào trong suốt sự nghiệp của họ. Tuy nhiên, "tránh voi chẳng xấu mặt nào", các ngân hàng quyết định sẽ không tiết lộ lý do họ đóng tài khoản của bạn để đề phòng bị truy tố. 

Trong suốt đại dịch, có rất nhiều người bị đóng tài khoản ngân hàng. Nguyên nhân có thể do những giao dịch bất thường dẫn tới tài khoản bị đóng băng. Nhưng thay vì nói rõ lý do với khách hàng, ngân hàng chỉ luôn chọn cách im lặng. 

Những lý do ngân hàng đóng tài khoản của bạn

- Có những giao dịch đáng ngờ bên cạnh các giao dịch bình thường

- Ít sử dụng tài khoản

- Đụng độ với nhân viên ngân hàng (chẳng hạn bạn nhiều lần thô lỗ với nhân viên ngân hàng)

- Hỗ trợ các hoạt động trái pháp luật, như khủng bố...

- Bạn được biết đến có những hành vi rủi ro cho ngân hàng.

Ngoài ra, người ta còn đồn đoán lý do khiến ngân hàng hủy tài khoản của bạn là vì:

- Bạn không tạo ra lợi nhuận cho họ.

- Lỗi hệ thống.

- Lỗi con người.

Tôi có thể làm gì?

Dù ngân hàng không giải thích lý do họ hủy tài khoản của bạn, nhưng bạn có thể khiếu nại nếu bạn nghĩ ngân hàng nhầm lẫn. Bạn có thể hỏi họ, chẳng hạn như: "Có phải tài khoản của tôi bị đóng vì xuất hiện những giao dịch này không? Tôi có thể giải thích".

Bạn cũng có thể yêu cầu được nói chuyện với Đội điều tra hành vi giả mạo của ngân hàng (fraud investigation team). Những người này sẽ có phương pháp tiếp cận thực tế hơn đối với lý do tài khoản của bạn bị đóng băng hoặc bị hủy. 

Nhầm lẫn luôn xảy ra, đôi khi bạn bị nhầm với một người trùng tên hoặc trùng số tài khoản, và người này đã bị kết tội lừa đảo. Hoặc cũng có thể nhân viên ngân hàng đã bấm nhầm 1 phím nào đó trên bàn phím. 

Thay vì chờ ngân hàng giải thích cho bạn, hãy tự mình giải thích cho ngân hàng những khả năng khiến tài khoản của bạn bị đóng, bao gồm những thông tin sai lệch ảnh hưởng đến điểm tín dụng và uy tín của bạn trong mắt ngân hàng. 

Hãy kiên trì với quá trình tìm câu trả lời, và hãy khiếu nại bằng văn bản (email) thay vì chỉ nói miệng với nhân viên ngân hàng. Bạn càng kiên trì, sẽ có người nghiêm chỉnh xem xét trường hợp của bạn. 

Bạn có thể mang trường hợp của mình đến khiếu nại tại Cơ quan Financial Ombudsman, tổ chức này sẽ làm việc với ngân hàng để thẩm định lại những vấn đề bạn nêu. 

Khi bị đóng tài khoản, hầu hết khách hàng đều lo lắng phải chăng họ có một điểm đen nào đó trong hồ sơ. Thực tế, nguyên nhân đóng tài khoản đôi khi chỉ là một nhầm lẫn rất nhỏ, và chẳng có lý do gì mà ngân hàng lại không nói rõ về chuyện đó. 

Sau vụ việc Ngân hàng Coutts đóng tài khoản của cựu chính trị gia kiêm phát thanh viên BBC Nigel Farage, Bộ Tài chính sắp tới sẽ công bố luật bắt buộc các ngân hàng phải giải thích rõ lý do đóng tài khoản của khách hàng, đồng thời phải thông báo trước 3 tháng cho khách hàng về quyết định hủy tài khoản.

Ông Nigel Farage bị Ngân hàng Coutts đánh giá là "bài ngoại và nuông chiều những kẻ phân biệt chủng tộc" và "không trung thực".

chinh tri gia nigel farage
Ông Nigel Farage.

Viethome (theo Mirror)