Nước Anh nhiều khả năng sẽ phát hành đồng bảng kỹ thuật số

dong bang ky thuat so

Bộ trưởng Tài chính Anh, ông Jeremy Hunt cho biết đồng tiền do ngân hàng trung ương phát hành dạng kỹ thuật số (digital pound) sẽ là loại tiền tệ khả tín, dễ sử dụng trong lưu thông.

Hai cơ quan tài chính-tiền tệ của Vương quốc Anh là Kho bạc (Treasury) và Ngân hàng Anh quốc (Bank of England) đang lên kế hoạch tham vấn công chúng từ thứ Ba tuần này, 07/02/2023 về đồng tiền kỹ thuật số.

Nhà nước Anh tin rằng đồng ‘digital pound’ sẽ dùng công nghệ tương tự như của các đồng tiền mã hóa (cryptocurrencies) như Bitcoin và Ethereum, nhưng sẽ “ít biến động và rủi ro hơn”.

Theo BBC News, việc nghiên cứu, phát triển tiền kỹ thuật số của Anh, do Ngân hàng Anh quốc phát hành, sẽ chưa thể hoàn tất sớm. Người ta dự kiến nó sẽ được đưa vào sử dụng sớm nhất là năm 2025.

Từ năm 2021, Anh Quốc nói sang năm 2022 sẽ mở tham vấn về đồng tiền mã hóa. Báo chí Anh khi đó đã gọi nó là đồng 'Britcoin'.

Tuy thế, Ngân hàng Anh Quốc vào thời điểm đó cho hay đây sẽ không phải là dạng tiền mã hóa như 'cryptocurrency' đã được buôn bán nhiều tại Anh.

Ý tưởng này bị tạm gác trong năm 2022 và nay ̣được chính phủ của thủ tướng Rishi Sunak đem trở lại.

Cách đây vài tuần quan chức Kho bạc Anh nhắc lại ý tưởng về tiền mã hóa và nói họ muốn London "trở thành một trung tâm quốc tế về tiền crypto".

Chính phủ muốn A, người tiêu tiền muốn B thì sao?

Vì sức ép từ các đại gia công nghệ -Big Tech, đưa vào thị trường vô số các giải pháp xuyên biên giới, nhiều chính phủ muốn chạy đua hiện đại hóa phương thức chi trả, đồng thời bảo vệ tiền nội tệ của họ.

Không chỉ Anh mà cả EU, khối có Ngân hàng Trung ương châu Âu phát hành đồng euro, và Bộ Ngân khố Hoa Kỳ, nơi phát hành đồng USD, cũng như chính phủ Trung Quốc, đều đang muốn có đồng tiền kỹ thuật số của mình.

Thế nhưng, như biên tập viên kinh tế Faisal Islam của BBC News nhận định, vấn đề cơ bản nhất của các chính phủ và ngân hàng trung ương của họ là “làm sao kiểm soát dòng tiền”.

Một mặt, vì các chính phủ trên thực tế đã “không kiểm soát được cơ sở dữ liệu” của các công ty Big Tech, và hệ thống blockchain dùng để vận hành tiền mã hóa.

Mặt khác, người dân nay không còn cứ phải dùng một loại dịch vụ chi tiêu như xưa.

“Đây là một thế giới mà người ta chọn một ngân hàng quốc tế, tư nhân nào đó, thay vì chọn nhà nước, để gửi gắm đồng tiền. Hãy nghĩ tới Amazon, Facebook, hoặc có thể là Alibaba của Trung Quốc, hay một dạng tiền sterling nào đó của Tiktok.”

“Các công ty kiểm soát dữ liệu đang ngồi trên một đống vàng vì nắm được toàn bộ việc ai chi tiền ở đâu, bao nhiêu. Các đồng tiền digital không tuân theo quy định nhà nước còn là động cơ cho những công ty này tạo ra rào cản, chia nhỏ sân chơi tiền mà đồng bảng Anh gia nhập. Điều đó khiến việc kiểm soát nền kinh tế ngày càng khó hơn, vì một bảng Anh ở đây chưa chắc đã có giá đúng một bảng Anh ở nơi khác...”

Việc tìm ra giải pháp trung dung cho nhiều nhu cầu khác nhau có thể khiếm đồng bảng ‘digital’ không nhanh chóng được phát hành, vẫn ông Islam đánh giá về các mâu thuẫn:

“Ngân hàng Anh quốc và chính phủ có thể tiếp cận được mọi giao dịch điện tử của đồng bảng, nhưng người tiêu dùng có thể chọn bất cứ nhà cung cấp dịch vụ nào, không nhất thiết phải là ngân hàng, để giữ tiền trong ví điện tử, với chế độ bảo vệ thông tin cá nhân khác nhau. Có người sẽ hoàn toàn thoải mái để công ty dịch vụ biết mọi giao dịch của họ, miễn là được khuyến mãi, được giảm giá khi mua bán. Có người khác lại bảo vệ sự riêng tư đến cùng. Còn Kho bạc Anh lại muốn tăng tính sáng tạo của thị trường...”

Nhìn chung, thách thức đến từ thị trường tài chính quốc tế và việc giao dịch mã hóa các loại tiền là phổ biến và giống nhau cho mọi chính quyền.

Một số quan chức Việt Nam từng ngộ nghĩnh kêu gọi "kéo đám mây điện tử về nước", thể hiện cái nhìn cũ, rằng chính phủ có thể kiểm soát cơ sở dữ liệu quốc tế, phi biên giới.

Vì "chủ quyền quốc gia về tiền tệ" ở mọi nơi đang bị bào mòn bởi các loại công nghệ mới mà crypto hay 'tiền ảo' chỉ là một.

Theo BBC Vietnamese