Nợ chồng nợ vì được phép Mua trước Trả sau - Buy Now Pay Later

Leanna North đã ngập trong nợ nần kể từ khi tham gia Buy Now Pay Later.

Từ hóa đơn thẻ tín dụng cao ngất ngưởng, đến số nợ từ Buy Now Pay Later, cuộc sống hàng ngày của chị luôn đầy rẫy lo lắng: “Bây giờ tôi chỉ có thể nhìn lại và nghĩ, mình đã làm gì? Nhưng vào thời điểm đó, tôi không có ý thức về giá trị của bản thân mình. Cuộc sống của tôi đi xuống vì nợ nần".

Vào cuối tháng 2 năm 2021, dân Anh nợ 1.7 tỷ bảng, tăng 286 bảng mỗi người so với một năm trước đó. Trong 4 tháng đầu năm 2021, cứ 5 phút lại có một người tuyên bố phá sản ở Anh.

Tuy nhiên, vai trò của chính sách Buy Now Pay Later trong tình huống này là gì?

no chong no vi buy now pay later
Buy Now Pay Later xuất hiện từ thế kỷ 19 

Buy Now Pay Later mang đến cho người tham gia cơ hội mua hàng theo hình thức tín dụng và thanh toán sau, thông qua trả góp thường xuyên không lãi suất hoặc sau một thời gian miễn lãi.

Chỉ với một cú chạm vào màn hình, người sử dụng có thể mua quần áo, TV màn hình phẳng hoặc thậm chí đặt một kỳ nghỉ - và cảm thấy yên tâm khi biết tiền lương trong tương lai sẽ trang trải chi phí.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi đối với nhiều người, Buy Now Pay Later là một món quà, một cách để phân bổ chi phí cho các mặt hàng họ không thể chi trả nếu không sử dụng.

Chuyên gia tài chính Kim Uzzell giải thích: “Có thể trả phí mua hàng trực tuyến trong vài tháng là điều vô cùng hấp dẫn. Buy Now Pay Later mang đến cơ hội mua thứ bạn muốn dù đã nhận lương hay chưa - và điều đó có thể mang tính tích cực về lâu dài. Việc này không nhất thiết có nghĩa là bạn tự đặt mình vào tình trạng khó khăn tài chính. Trên thực tế, nếu có kỷ luật tài chính, người sử dụng thực sự có thể hưởng lợi”.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Tư vấn Công dân, cứ 12 người thì có một người đang mua hàng thông qua hình thức Buy Now Pay Later.

Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy những người trẻ tuổi, người đang mắc nợ và người nhận trợ cấp Universal Credit thường sử dụng chương trình này cho những thứ ít cần thiết nhất, con số này gấp đôi so với trung bình.

Bà Kim cảnh báo về xu hướng đáng lo ngại này: "Nó chỉ thực sự có lợi cho người có khả năng mua hàng ngay từ đầu”.

Khái niệm Buy Now Pay Later không có gì mới. Vào giữa thế kỷ 19, máy khâu Singer được bán với giá “một đô la một tuần”. Đến những năm 1980, với sự bùng nổ của việc hàng mua theo catalogue, việc các gia đình trả các khoản mua sắm lớn chỉ với 2 bảng một tuần trở nên phổ biến.

Trong thị trường ngày nay, các công ty khởi nghiệp đang kiếm hàng triệu USD bằng cách mô phỏng lại mô hình Buy Now Pay Later cho người dùng thế kỷ 21.

Các công ty như Klarna, Clearpay và Laybuy cung cấp dịch vụ thông qua ứng dụng hoặc trang web của nhà bán lẻ. Họ thường trả cho nhà cung cấp Buy Now Pay Later một tỷ lệ nhỏ giá trị giao dịch.

Đây là điểm hấp dẫn các công ty Buy Now Pay Later, khi các chuyên gia dự báo thị trường Buy Now Pay Later có mức tăng trưởng hàng năm 13% và tổng giá trị giao dịch toàn cầu 680 tỷ đô la vào năm 2025.

31bnpl1"Công ty phát hành thẻ tín dụng tăng hạn mức của tôi vì nghĩ tôi có thể trả nợ", Leanna nhớ lại.

Tuy nhiên, sự đơn giản của mô hình này cũng khiến nhiều người dùng không thể trả lại các khoản vay.

Theo chuyên gia Kim - người điều hành My Money Movement, mắc nợ dài hạn thường không bắt đầu bằng một khoản mua lớn: “Nguyên nhân thường là các giao dịch hàng ngày, có giá trị nhỏ mà chúng ta tự thuyết phục rằng mình cần. Những khoản thanh toán đó trải dài trong một vài tháng, tăng lên nhiều hơn họ nghĩ và bởi vì họ không quan tâm đến chúng giống như một khoản vay mua ô tô, nên bộ não khuyến khích họ tiếp tục vay để mua. Vì không thanh toán bằng tiền mặt, chúng ta cũng chủ quan hơn”.

Theo kinh nghiệm của mình, Kim cho biết không có gì lạ khi người dùng sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán Buy Now Pay Later, khiến họ mắc thêm khoản nợ thứ hai: "Thẻ tín dụng hiếm khi được miễn lãi, vì vậy món hàng giá rẻ bạn tìm thấy trên mạng, rốt cuộc có giá không hề rẻ”.

Leanna North cảm thấy rất rõ tác động của các khoản vay tín dụng. Trước đây, khi mới bắt đầu vào tuổi trưởng thành, chị đã phải sử dụng Universal Credit và đôi khi trôi dạt trên đường phố. Vào năm 30 tuổi, Leanna may mắn không phải ở ngoài đường nữa và được chấp thuận cấp thẻ tín dụng ngân hàng. Chị đã sử dụng thẻ để mua quần áo và các nhu yếu phẩm chung.

Nhờ nhận trợ cấp thường xuyên, ban đầu Leanna có thể trả nợ hàng tháng. Nhưng khi hạn mức tín dụng tăng lên, Leanna thừa nhận việc tiếp cận với chiếc thẻ - thứ giống như máy bơm tiền không bao giờ cạn, đã khiến chi tiêu nhanh chóng tăng vọt.

Ngoài việc mua những thứ thật sự cần, Leanna bắt đầu mua đồ trang sức, điện thoại di động mới nhất, một chiếc máy tính xách tay…“Về cơ bản, bất cứ thứ gì mà bất kỳ ai cũng muốn”, Leanna nhớ lại.

Chị nhanh chóng nợ hàng nghìn bảng và một lần nữa không đủ khả năng chi trả tiền ăn ở. Ở tuổi 31, Leanna phải sống trong một nhà trọ.

Đến tháng 4 năm 2020 - sức khỏe tâm lý của Leanna đã được cải thiện, và chị bắt đầu trả nợ. Mặc dù được trợ cấp, Leanna đã chuyển đến nhà riêng với người yêu và có đủ tiền để mua các mặt hàng thiết yếu cho gia đình bằng cách sử dụng phương tiện thanh toán trực tuyến tương đối mới khi đó: Buy Now Pay Later.

Đối với Leanna, kế hoạch này giúp chị mua đồ mới và đem lại cảm giác về giá trị bản thân.

Leanna giải thích: “Tôi đã sử dụng Buy Now Pay Later để biến ngôi nhà của mình thành tổ ấm. Tôi đến Home Essentials, Ambrose Wilson và Simply Be vì họ cung cấp Buy Now Pay Later. Điều này rất hữu ích bởi vì nếu nhận trợ cấp, quy trình cấp tín dụng sẽ khó khăn hơn. Nhưng ngay cả với gói phúc lợi hàng tuần, tôi vẫn có thể đủ thanh toán. Tôi mua quần áo cho người yêu. Cả hai chúng tôi đều đi lên từ sống trong nhà nghỉ đến có được nhà riêng, và chúng tôi có thể mua nhiều hơn một bộ quần áo mỗi tuần".

31bnpl2Huấn luyện viên tài chính Kim Uzell (Trái) và Giám đốc điều hành nhóm hỗ trợ nợ PayPlan Rachel Duffy (Phải) 

Tuy nhiên, với vô vàn cơ hội mua sắm, Leanna sớm đối mặt với thói quen chi tiêu cũ: mua sắm bốc đồng và mua những thứ không cần thiết. Tất cả chỉ vì cô ấy có thể.

Leanna giải thích: “Tôi trả khoảng 15 bảng cho 4 món hàng tháng. Tôi có thể chi trả bằng trợ cấp - cho đến khi số tiền tăng lên. Công ty phát hành thẻ tín dụng tăng hạn mức vì nghĩ tôi có thể thanh toán, mặc dù tôi chưa trả hết nợ ban đầu. Sau đó, mức thanh toán tối thiểu tăng lên. Vì phải trả nợ Buy Now Pay Later, tôi không còn gì để mua sắm mỗi tháng".

Trong khi các công ty Buy Now Pay Later thu hút những người chi tiêu dễ bị tổn thương, Leanna cho rằng các công ty tín dụng cũng phải chịu trách nhiệm: “Rất nhiều người trải qua điều tương tự như tôi. Thật không may, các công ty rất vui khi tiếp tục cung cấp tín dụng, nhưng không nhận ra việc này không mang lại lợi ích tốt nhất”.

Rachel Duffy - Giám đốc điều hành của nhóm hỗ trợ nợ PayPlan, có cùng ý kiến.

Bà Duffy nói: “Cần có sự giao tiếp tốt hơn giữa các công ty thẻ tín dụng và các tổ chức Buy Now Pay Later. Vấn đề lớn nhất là họ không có cùng tiêu chí cho vay như các sản phẩm cho vay tiêu dùng. Không có đánh giá khả năng chi trả để kiểm tra xem liệu người sử dụng có thực sự có thể trả nợ hay không. Thật dễ dàng để mua một món đồ, bạn không nghĩ ngợi gì cả. Thực tế là người mua không phải nói chuyện với bất kỳ ai về xếp hạng tín dụng - họ không có cùng cách tiếp cận ra quyết định để mua hàng".

Thật vậy, trong khi quá trình mua hàng trở nên quá dễ dàng đối với Leanna - người đã phải vật lộn với tài chính suốt cuộc đời trưởng thành của mình - hậu quả sau đó rất nặng nề: “Tôi và người yêu chia tay vì quá căng thẳng. Chúng tôi lúc nào cũng cãi nhau. Tôi không thể thanh toán bất kỳ hóa đơn nào khác của mình. Tôi tự làm hại bản thân và được đưa đến bệnh viện".

Chỉ đến khi Leanna - lúc đó đang mắc nợ hơn 20,000 bảng - liên hệ với một nhóm hỗ trợ nợ được ngân hàng, mọi chuyện mới dần tiến triển. 

Chị Leena nói: "Tôi rất biết ơn, bây giờ tôi sẽ chỉ phải trả một khoản hợp lý mỗi tháng. Tôi không cảm thấy mình vô dụng nữa, hoặc rằng mình không đủ giỏi".

Với sự nhận thức muộn màng về việc tăng cường an toàn tài chính, Leanna cho biết về những hỗ trợ đang thiếu: “Họ yêu cầu các biểu mẫu thu nhập và chi tiêu để lên kế hoạch nợ - từ đó cho thấy những gì bạn có thể chi trả. Các công ty cung cấp tín dụng cần phải cẩn thận hơn khi làm điều tương tự, để đảm bảo số tiền họ cung cấp có thể được thu hồi. Sau đó, họ cần liên lạc với các công ty Buy Now Pay Later, để đảm bảo bạn có đủ khả năng chi trả. Trong tương lai, tôi sẽ không mua qua Buy Now Pay Later. Mọi việc có thể sẽ quay về vạch xuất phát”.

Sự thiếu nhạy bén của các công ty Buy Now Pay Later là điều mà nhiều người khác như Leanna đã phải trải qua. Anh Aaron Paice đã sử dụng Buy Now Pay Later để mua quần áo cho sinh nhật lần thứ hai của con trai cùng các linh kiện cho chiếc máy tính của anh.

31bnpl3Chị Leanna (Trái) và anh Aaron (Phải)

Tuy nhiên, anh chưa bao giờ tưởng tượng số tiền 700 bảng qua Buy Now Pay Later sẽ tăng lên thành khoản nợ 10,000 bảng. Giống như Leanna, Aaron đã phải vật lộn với tài chính từ lâu; thiếu ý chí tiết kiệm và khả năng kiềm chế để ngừng mua sắm bốc đồng.

Anh Aaron - 23 tuổi, nói: “Cuối cùng tôi nhận ra rằng cha mẹ mình không phải lúc nào cũng có thể giúp đỡ. Thực tế, những người trẻ tuổi nên được dạy cách tiết kiệm và chi tiêu có trách nhiệm”.

Aaron bắt đầu mua thông qua các trang web như Very và Klarna, vì lý do giống như bất kỳ ai khác: sự hấp dẫn của các mặt hàng khi họ bỗng nhiên có thể chi trả ngay lập tức.

"Tôi ảo tưởng mình đang có lợi", Aaron thừa nhận, “Thời gian trôi qua, và số lượng khoản vay Buy Now Pay Later tiếp tục chồng chất lên. Cuộc sống, công việc và sức khỏe tinh thần của tôi bắt đầu giảm sút. Chỉ sau một vài năm, tôi sử dụng hết một thẻ tín dụng và một vài khoản vay, tôi rất hoảng sợ về việc cần phải trả mọi thứ. Điểm tín dụng của tôi giảm mạnh, tâm trạng của tôi trong cuộc sống hàng ngày cũng vậy”.

Vào cuối năm 2020, Aaron cảm thấy lo lắng vì bị chủ nợ Buy Now Pay Later yêu cầu trả nợ - câu chuyện đã trở nên quá quen thuộc với Rachel tại PayPlan.

Chị Rachel nói: “Chúng tôi nhận thấy khách hàng đến với Payplan khi nợ một lúc nhiều công ty Buy Now Pay Later. Bạn có thể thấy khá nhanh chóng, việc sử dụng thêm một khoản vay trở nên rất hấp dẫn”.

Trong khi tất cả các công ty Buy Now Pay Later hoạt động theo cách khác nhau, nhiều công ty (ngoại trừ Klarna) tính lãi khi thanh toán chậm. Vì vậy, mặc dù Aaron đã cố gắng hết sức để trả hết phần gốc, anh ấy cũng chật vật để trả lãi.

Aaron cảm thấy xấu hổ khi những lá thư yêu cầu trả nợ tiếp tục chất đầy hộp thư của mình.

Cuối cùng, anh phải vay tiền để nuôi con, mua nhiên liệu và thức ăn, đồng thời thường xuyên lo sợ về việc công ty nợ gõ cửa nhà mình.

Aaron nói: “Tôi sống trong lo sợ. Tình hình tài chính của tôi là nguyên nhân dẫn đến suy nghĩ trầm cảm và tự tử, cùng với cảm giác thất bại. Tôi cảm thấy mình không thể nuôi sống gia đình".

Cuối cùng, vào cuối năm 2021, Aaron biết rằng mình cần được giúp đỡ. Khi tìm thấy nhóm hỗ trợ nợ trực tuyến, Aaron hiện đăng ký kế hoạch quản lý nợ.

Với nhận thức muộn màng, Aaron hối tiếc vì đã không hiểu biết nhiều hơn về Buy Now Pay Later: “Tôi ước mình biết mọi thứ về cách các công ty này kiếm tiền và chỉ mua sắm nếu đó là món đồ tôi thực sự muốn. Tôi có thể tiết kiệm và bảo vệ sức khỏe tinh thần về lâu dài".

Với sự tăng trưởng của thị trường Buy Now Pay Later - quy mô đã tăng hơn ba lần vào năm 2020, người tiêu dùng đang gặp rủi ro rất lớn.

Người phát ngôn của FCA cho biết: “Điều quan trọng là luật cần được cập nhật khi thị trường đổi mới, để các sản phẩm và dịch vụ phát triển theo hướng có lợi cho người tiêu dùng và có hành động để ngăn ngừa tác hại. Chúng tôi đang làm việc về mặt quy định đối với các công ty và cân nhắc những biện pháp bảo vệ người tiêu dùng".

Trong khi FCA muốn các công ty Buy Now Pay Later phải giải thích các điều khoản rõ ràng hơn cho khách hàng, một số biện pháp đã được thực hiện để cải thiện thị trường. Clearpay, Laybuy và Openpay đồng ý tự nguyện hoàn tiền cho những khách hàng đã bị tính phí thanh toán chậm trong một số trường hợp.

Mặc dù quy định này có thể bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn, Leanna vẫn thận trọng: "Tôi muốn nói với bất kỳ ai muốn mua thông qua Buy Now Pay Later, hãy đảm bảo bạn có đủ khả năng trả nợ. Không cho phép các công ty tăng tín dụng mà không tìm hiểu bạn có thể trả được không".

Chuyên gia tài chính Kim Uzzell có cùng nhận định: “Nhiều khách hàng Buy Now Pay Later là người trẻ và có thu nhập thấp. Giáo dục về hình thức vay này và nợ nói chung cần được cung cấp tại các trường học để họ không bị cuốn vào những thứ mình không hiểu. Chúng ta cũng cần giải quyết mọi vấn đề liên quan đến việc vay nợ một cách dễ dàng và không được xấu hổ. Đáng buồn thay, tiền và nợ vẫn là chủ đề cấm kỵ, vì vậy chúng ta phải tìm cách để giúp người vay nói về nó một cách thoải mái”.

Ông Alex Marsh - Giám đốc Klarna Vương quốc Anh, cho biết: "Nợ dài hạn và chi phí cao có thể gây ra hậu quả không chỉ về mặt tài chính mà còn về tâm lý, đó là lý do chúng tôi phát triển các lựa chọn tín dụng miễn lãi và phí với kế hoạch trả nợ rõ ràng trong thời gian ngắn. Các biện pháp bảo vệ của chúng tôi dành cho người tiêu dùng bao gồm kiểm tra khả năng chi trả, giới hạn chi tiêu và đóng băng các dịch vụ sau khi chậm thanh toán. Đây là cách sử dụng tín dụng công bằng và bền vững hơn so với thẻ tín dụng có hạn mức cao ngất ngưởng, lãi suất và phí quá cao. Nếu đang gặp khó khăn trong việc thanh toán, chúng tôi khuyến khích người vay liên hệ với Klarna để được giúp đỡ”.

Các công ty Buy Now Pay Later nói gì?

Người phát ngôn của Clearpay cho biết: “Không phải tất cả các nhà cung cấp Buy Now Pay Later đều đưa ra các biện pháp bảo vệ và mức độ hỗ trợ giống nhau. Clearpay luôn đặt khách hàng lên hàng đầu. Nhiều biện pháp bảo vệ người tiêu dùng của chúng tôi đã vượt lên trên những gì luật pháp yêu cầu. Chúng tôi không tính lãi suất và minh bạch về các khoản phí trả nợ chậm và chúng tôi sẽ tự động đóng băng tài khoản sau một lần thanh toán trễ. Trên toàn cầu, 96% khách hàng của chúng tôi thanh toán đúng hạn”.

Người phát ngôn của Laybuy cho biết: “Buy Now Pay Later là hình thức tín dụng và chúng tôi không muốn bất kỳ ai nhận một khoản nợ họ không thể chi trả. Đó là lý do Laybuy kiểm tra tín dụng của mọi khách hàng mới để đảm bảo không mở rộng tín dụng cho người không đủ khả năng chi trả".

"Chúng tôi cũng đặt giới hạn tín dụng nghiêm ngặt từ 120 bảng đến 1,500 bảng và nếu khách hàng lỡ một lần thanh toán, chúng tôi sẽ tạm khóa tài khoản của họ, gửi lời nhắc và cung cấp thời gian gia hạn 24 giờ trước khi tính phí trễ hạn. Laybuy không tính lãi suất và giới hạn phí trả chậm để ngăn nợ tích lũy. Nếu khách hàng gặp khó khăn bất ngờ về tài chính, chúng tôi cam kết phối hợp với họ để tìm ra giải pháp”.

Viethome (Theo Metro)