Bị sa thải vì về sớm đón con ốm, bà mẹ được đền bù 13,000 bảng

Scotland - Cô nhân viên kế toán học việc bị sa thải sau khi về sớm để đón con ốm đã chiến thắng tại tòa án việc làm.

Sếp cũ của Catherine Henderson phải đền bù cho nhân viên cũ hơn 13,000 bảng sau khi cáo buộc Henderson có “hành vi sai trái nghiêm trọng”.

Khi đang đi làm, Henderson nhận được tin nhắn cho biết con mình - vốn có bệnh lý ẩn, đang bị ốm và cần được đón. Vào thời điểm đó, tất cả các quản lý tại công ty AccountsNet đều đang họp nên nguyên đơn không thể xin phép rời đi.

Thay vào đó, Henderson nói với các đồng nghiệp mình phải xử lý “tình huống khẩn cấp” và sẽ giải thích tất cả sau. Charissa Gracie - sếp của cô đã gọi điện yêu cầu Henderson giải thích việc vắng mặt nhưng chỉ nhận được một tin nhắn.

Ban điều hành coi việc đột ngột ra về và thiếu lời giải thích là hành vi vi phạm có thể bị sa thải và gửi cho Henderson lá thư sa thải chỉ 4 ngày sau đó.

Trước đó, một nữ nhân viên bất động sản đã thắng kiện khi cáo buộc chủ cũ phân biệt giới tính vì không để cô tan làm lúc 5 giờ chiều để đón con.

10scotChị Henderson thực tập tại công ty từ tháng 10 năm 2019 

Henderson mới chỉ làm việc cho công ty kế toán AccountsNet  - có trụ sở tại Livingston, Tây Lothian (Scotland), trong 5 tháng, sau khi bắt đầu vị trí kế toán tập sự vào tháng 10 năm 2019.

Theo đó, một đứa con của cô cần được chăm sóc y tế cũng như “hỗ trợ và chăm sóc bổ sung” do có bệnh lý ẩn. Henderson đã thông báo cho các sếp về tình hình này vào tháng 1 năm 2020 khi chị phải nghỉ ba ngày để chăm con.

Ngày vắng mặt đầu tiên của cô được ghi là "nghỉ vì hoàn cảnh bắt buộc" trong khi hai ngày sau được coi là nghỉ không lương.

Henderson sau đó đã đồng ý đổi giờ làm linh hoạt với người quản lý trực tiếp của mình. Cô sẽ làm từ 9h sáng đến 3h chiều mà không nghỉ trưa để có thể về sớm đón con.

Tuy nhiên, hai tháng sau, vào ngày đầu tiên Henderson trở lại văn phòng sau một tuần nghỉ phép năm, một cuộc họp “trang trọng hơn” đã được tổ chức để thảo luận về giờ làm việc của cô.

Trong cuộc họp ngày 2 tháng 3, các sếp nói rằng giờ làm việc của cô có “ảnh hưởng bất lợi cho công việc kinh doanh”. Tuy nhiên, cô cho biết mình không thể quay lại làm việc toàn thời gian vì con cái cần được chăm sóc đặc biệt.

Sau khi quay trở lại bàn làm việc, Henderson nhận được tin nhắn từ trường học của con. Khi nghỉ hết ngày hôm đó, cô đã nhắn tin lại cho bà Gracie vào ngày hôm sau, nói rằng vì “không khỏe do căng thẳng”, bác sỹ gia đình đề nghị cô nghỉ việc trong hai tuần.

Ba ngày sau, công ty đã sa thải Henderson với lý do liên tục “vắng mặt” và đã “gửi tin nhắn văn bản thay vì gọi điện” cho ban quản lý để giải thích lý do về sớm.

Lá thư sa thải cũng nêu rõ lo ngại Henderson đã "hành động không có thiện chí" khi báo cáo bản thân bị ốm dù thực ra là "con cô ấy không khỏe" và đánh giá việc cô đột ngột ra ngoài để đón con mà không được phép là "hành vi sai trái nghiêm trọng".

Henderson đã viết thư cho công ty để giải thích lý do cô cho rằng quyết định này là không công bằng, nhưng các sếp cũ không cho cô cơ hội phản đối.

Thẩm phán việc làm Eleanor Mannion cho biết công ty kế toán đã nói rõ họ không có vấn đề gì với việc Henderson cần thời gian nghỉ để chăm sóc con mình. Thay vào đó, họ phản đối cách cô rời khỏi văn phòng và thực tế là cô đã không nói chuyện trước với người quản lý.

Tuy nhiên, thẩm phán đồng ý với nguyên đơn rằng cô đã gửi tin nhắn “sớm nhất có thể” và nghỉ phép một ngày là một "khoảng thời gian hợp lý".

Khiếu nại của Henderson về quyết định tự động sa thải không công bằng được chấp nhận và người sử dụng lao động phải bồi thường 13,080.55 bảng.

Một khiếu nại khác của cô là: ''Khiếu nại bị sa thải không công bằng do yêu cầu được làm việc linh hoạt'' đã bị bác bỏ.

Xem thêm: Sếp phải bồi thường £180,000 vì không cho nhân viên về trước 18h để đón con

Viethome (Theo Metro)