Sếp phải bồi thường £180,000 vì không cho nhân viên về trước 18h để đón con

Một người phụ nữ đã chiến thắng được hơn 180,000 bảng khi kiện sếp của mình vì đã không cho cô về sớm để đón con gái ở nhà trẻ.

Quản lý bán hàng Alice Thompson muốn làm việc bốn ngày một tuần và nghỉ lúc 5 giờ chiều thay vì 6 giờ để chăm sóc con cái. Tuy nhiên, giám đốc công ty Paul Sellar đã từ chối yêu cầu này vì cho rằng công ty không đủ khả năng để cho phép cô làm bán thời gian.

Thompson đã kiện công ty Manors - có trụ sở tại London, ra tòa án và cáo buộc công ty phân biệt giới tính nhằm đảm bảo con gái mình không gặp phải "trải nghiệm tương tự" khi bé lớn hơn. Cô Thompson sẽ được bồi thường 184,961.32 bảng sau khi hội đồng xét xử kết luận yêu cầu làm việc đến 6 giờ tối - khi các nhà trẻ đã đóng cửa - khiến bên nguyên gặp "bất lợi".

boi thuong tien mang thai
Cô Alice Thompson

Alice bắt đầu làm việc cho Manors - một công ty nhỏ có trụ sở tại Marylebone, London, chủ yếu giao dịch với khách hàng nước ngoài, vào tháng 10 năm 2016, ban đầu kiếm được 120,000 bảng một năm. Cô đã "thành công" trong việc xây dựng doanh thu và được "đánh giá tốt".

Tuy nhiên, mối quan hệ của vị quản lý bán hàng với ông Sellar bắt đầu xấu đi khi cô thông báo mình có thai vào mùa xuân năm 2018. Công ty tổ chức ăn mừng vào tháng 6 năm đó và ông Sellar đã đưa các nhân viên đến câu lạc bộ.

Tuy nhiên, Thompson cáo buộc Sellar đã nói với một đồng nghiệp tại bữa tiệc này: "Tôi nghĩ, khỉ thật, tại sao cô ta lại mang thai khi chúng ta đang làm rất tốt? Tôi lẽ ra không nên sử dụng một phụ nữ đã kết hôn ở độ tuổi này”. Sellar phủ nhận cáo buộc trên, cũng như một cuộc trò chuyện sau đó giữa mình và cô Thompson.

Nguyên đơn cũng tuyên bố rằng vào tháng 8, khi các nhân viên đi du lịch New York, cô cảm thấy bị "ra rìa" vì những người khác đi uống rượu trên du thuyền trong khi cô đi mua sắm và trở về khách sạn. Mối quan hệ giữa hai người vẫn "ổn" trước chuyến đi. Tuy nhiên, tay giám đốc cáo buộc cô Thompson "vô ơn" khi phàn nàn cảm thấy bị cô lập.

Vào tháng 10, cô Thompson đã xác nhận chi tiết về khoản lương thai sản của mình và gửi kèm một bảng Excel với 11 giao dịch cô muốn được hưởng hoa hồng. Nhưng ông Sellar quyết định rằng cô sẽ chỉ nhận hoa hồng cho các giao dịch trong bảng tính doanh số cho đến ngày cuối cùng làm việc và những giao dịch sau khi cô trở lại làm việc.

Khi nghỉ sinh, Thompson cảm thấy "như đã nghỉ việc hoàn toàn” vì Sellar yêu cầu cô trả lại điện thoại di động và chìa khóa văn phòng.

Cuối tháng đó, cô Thompson đến văn phòng để "làm rõ mọi chuyện" với Sellar nhưng ông này cho biết cô đang xúc động vì mang thai. Theo ghi chép của tòa án, hợp đồng lao động của Thompson chỉ ra cô phải làm việc từ 9 giờ sáng cho đến 6 giờ tối. Hợp đồng cũng nhắc đến tiền lương khi nghỉ ốm theo luật định nhưng không có chi tiết về thời gian nghỉ thai sản. Trước đây, hai nữ nhân viên hành chính đã nghỉ sinh và trở lại làm việc bán thời gian.

9alice1Công ty Manors

Trong thời gian nghỉ sau sinh vào tháng 11/2018, bị đơn đã tìm cách sắp xếp làm việc tuần bốn ngày với thời gian ngắn hơn để có thể đón con gái từ nhà trẻ.

Tuy nhiên, Sellar đã phủ nhận yêu cầu này vì nhiều lý do bao gồm "chi phí bổ sung", "ảnh hưởng bất lợi đến khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng" và "không có khả năng tổ chức lại công việc giữa các nhân viên hiện có".

Sau đó, Thompson đã gửi lời than phiền về công ty bao gồm việc từ chối yêu cầu được làm việc bán thời gian và cuối cùng đã nghỉ việc vào tháng 12 năm 2019. Tòa án cho biết cô rất khó tìm việc khác kể từ đó.

Hội đồng xét xử được biết Thompson đã cảm thấy rất tệ khi đánh mất các mối quan hệ với khách hàng và công ty vì mang thai. Cô đã kiện công ty vì phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai, quấy rối, sa thải không công bằng và phân biệt đối xử gián tiếp vì giới tính.

Ban xét xử - do Thẩm phán Lao động Sarah Jane Goodman chủ trì, đồng ý rằng cô Thompson đã bị phân biệt đối xử khi ông Sellars từ chối yêu cầu làm việc linh hoạt của bên nguyên.

Tòa án cho biết: “Nguyên đơn tức giận khi nhu cầu làm việc linh hoạt dường như không được coi là đúng đắn (như theo phát hiện của chúng tôi điều này đã xảy ra), và cảm thấy đây là sự bất công vì giới tính. Hầu hết các bà mẹ đều cảm thấy khó khăn khi trở lại làm việc sau khi sinh, ngay cả khi đó là công việc quen thuộc. Tình cảnh hỗn loạn của cô Thompson sẽ còn tồi tệ hơn vì nguyên đơn phải bắt đầu tìm việc lại từ đầu”.

"Cô ấy nói rằng mình đưa vụ việc ra tòa để con gái không gặp phải trải nghiệm tương tự. Nhà trẻ đóng cửa lúc 6 giờ tối, phù hợp với giờ hành chính tiêu chuẩn và yêu cầu làm việc đến 6 giờ tối mỗi ngày khiến cô ấy gặp bất lợi”.

Tòa án phán quyết việc từ chối yêu cầu làm việc bốn ngày trong tuần đã khiến Thompson bị thiệt, nhưng bác bỏ các cáo buộc khác. Cô Thompson sẽ được nhận 184,961.32 bảng vì bị mất thu nhập, không được đóng tiền lương hưu, và tổn thương tinh thần.

Viethome (Theo Sun)