Sự lựa chọn khó khăn của các ngân hàng châu Âu tại Anh

Chủ nhân một số ngân hàng lớn nhất châu Âu ngày 14/6 đã yêu cầu Thủ tướng nước Anh Theresa May cho họ một lý do để ở lại London sau khi Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), trong bối cảnh những hy vọng về một thỏa thuận thương mại hậu hĩ với EU đang ngày càng xa vời.

Phố tài chính tại London

Phố tài chính tại London

 

Bà May đã dùng bữa tối với các giám đốc ngân hàng và hãng/công ty bảo hiểm là thành viên của Hội nghị Bàn tròn về Dịch vụ Tài chính châu Âu để cùng thảo luận để làm sáng tỏ những gì chính phủ mong muốn từ châu Âu liên quan đến dịch vụ tài chính. Nhóm này bao gồm các ngân hàng và công ty bảo hiểm từ khắp châu Âu, như Deutsche Bank, Societe Generale, Barclays và Aviva. 

Chủ tịch John ngân hàng Barclays McFarlane đã chủ trì một bữa tối gần Tòa nhà Quốc hội, nơi các giám đốc điều hành doanh nghiệp hối thúc bà May và Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond cung cấp những thông tin chi tiết về các kế hoạch của họ cho ngành dịch vụ tài chính. 

Brexit đã đặt ra thách thức lớn nhất cho ngành tài chính London kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009 bởi điều này có nghĩa là các ngân hàng và công ty bảo hiểm sẽ mất quyền tiếp cận thị trường EU - khối thương mại lớn nhất thế giới. 

Trong suốt nhiều tháng, chính phủ, các nhà quản lý tài chính và các ngân hàng lớn ở nước Anh đều đồng loạt ủng hộ kế hoạch “thừa nhận lẫn nhau” dành cho sự tiếp cận thị trường hai chiều sau khi London chính thức rời khỏi EU vào tháng 3/2019. 

Điều này đòi hỏi nước Anh và EU phải chấp nhận thúc đẩy rộng rãi các quy tắc của nhau, một cách tiếp cận linh hoạt nhưng đa phần chưa được kiểm chứng trong ngành thương mại nếu xét theo cơ chế thu hẹp và đòi hỏi khắt khe hơn đối với việc đảm bảo sự tiếp cận cho các công ty nước ngoài với thị trường của khối hiện nay. 

Tuy nhiên, khi phải đối mặt với sự hoài nghi của Brussels, các giám đốc điều hành tài chính cấp cao hiện cho biết họ không còn tin tưởng sự thừa nhận lẫn nhau này vẫn thực tế, và điều này đang phủ bóng đen lên ngành kinh tế lớn nhất nước Anh. 

Theo hãng tin Reuters, 12 ngân hàng lớn nhất London, bao gồm năm ngân hàng lớn nhất của nước Anh, cho rằng kế hoạch này sẽ không được EU chấp nhận. Họ cam chịu một thỏa thuận hạn chế quyền tiếp cận nhiều hơn. Một giám đốc điều hành của một trong những ngân hàng lớn nhất ở Anh cho biết: “Chẳng ai cho rằng điều này là một cơ hội thực tế, EU đã thể hiện rõ rằng họ sẽ không chấp nhận kế hoạch này. Giờ là lúc cần thực tế hơn về điều chúng ta có thể thương lượng”. 

Nếu ngành tài chính thực sự từ bỏ sự công nhận lẫn nhau, điều này sẽ đánh dấu bước thụt lùi lớn thứ hai của họ. Các ngân hàng đã từ bỏ những nỗ lực duy trì “sự đảm bảo” đầy đủ trong các dịch vụ tài chính mà họ hiện đang được hưởng với tư cách thành viên EU của nước Anh. 

Để đối phó với tình trạng bấp bênh này, các ngân hàng, công ty bảo hiểm và các nhà quản lý tài sản đã chuyển các hoạt động và hàng trăm nhân viên từ London đến các trung tâm mới của EU để có thể đảm bảo các hoạt động với khách hàng được duy trì liên tục khi nước Anh rời EU, bất chấp những điều khoản giao dịch sẽ được nhất trí với Brussels có thế nào. 

Vương quốc Anh dự kiến ra Sách trắng Brexit, trong đó đề ra các điều khoản thương mại trong tương lai mà họ muốn với châu Âu và điều này sẽ báo hiệu cho các ngân hàng biết liệu sự công nhận lẫn nhau có còn là lựa chọn khả thi hay không. 

Một quan chức ngành ngân hàng cho biết dường như sẽ có một “cuộc tranh cãi nảy lửa” liên quan đến cách dùng từ ngữ liên quan dến lĩnh vực dịch vụ tài chính trong Sách Trắng, cho rằng đề xuất này sẽ “ít tham vọng hơn là sự công nhận lẫn nhau”. Các ngân hàng cũng sẽ hạ giọng khi nhắc đến sự công nhận lẫn nhau, nói rằng đây là kết quả chứ không phải là thuật ngữ quan trọng. 

Một giám đốc điều hành cấp cao cho biết không rõ liệu chính phủ có còn sẵn sàng ủng hộ đề xuất này hay không. Một tài liệu của chính phủ về các đề xuất với EU liên quan đến một thỏa thuận dịch vụ tài chính được công bố hồi tháng trước đã không đề cập đến sự công nhận lẫn nhau này. 

Kế hoạch công nhận lẫn nhau được xây dựng bởi TheCityUK, tổ chức xúc tiến ngành dịch vụ tài chính của nước Anh, và tổ chức vận động ngân hàng UK Finance. Họ đã thuyết phục chính phủ ủng hộ ý tưởng này như một hình mẫu có thể được đưa vào một thỏa thuận thương mại được nước Anh đệ trình với châu Âu. Tuy nhiên, các quan chức ngành tài chính cho rằng các ngân hàng đã tự dồn họ vào chân tường và không thể phá bỏ kế hoạch này cho đến khi có những dấu hiệu cho thấy chính phủ đã loại bỏ nó. 

Nhà tư vấn về dịch vụ tài chính cho EU Graham Bishop cho biết: “TheCityUK và UK Finance đã nảy ra ý tưởng công nhận lẫn nhau và bán nó cho chính phủ như một kế hoạch khả thi, nhưng EU cho rằng ý tưởng đó thật điên rồ. 

TheCityUK cho rằng sự công nhận lẫn nhau hiện vẫn là lựa chọn tốt nhất hiện nay trên bàn đàm phán, trong khi UK Finance nói rằng kế hoạch này có thể thực hiện được dựa trên sự tin tưởng được xây dwng giữa những nhà điều hành của Anh và EU suốt nhiều thập kỷ qua. 

Tuy nhiên, những công ty dịch vụ tài chính không có một nền tảng EU hiện có thể phải chuyển sang một hệ thống tiếp cận thị trường tương đương hiện nay của EU vốn bị các ngân hàng và Chính phủ nước Anh coi là không hiệu quả, mà theo đó, chỉ Brussels mới có quyền cấp phép cho sự tiếp cận thị trường chứ không giống như kế hoạch công nhận lẫn nhau, nơi cả Vương quốc Anh và Brussels đều có một tiếng nói ngang bằng. 

VietHome(Theo Báo Tin Tức)