10 lý do shop nail Việt không nên cạnh tranh về giá

Bạn đã từng nghĩ sẽ hạ giá để cạnh tranh và tăng thu nhập cho shop của mình? Hãy suy nghĩ lại sau khi đọc bài viết sau bởi nó sẽ tạo ra hệ quả không ngờ nếu bạn cố dùng giá cả để cạnh tranh với shop khác.

shop nail viet anh quoc

1. Thu hút nhầm đối tượng khách

Giá rẻ sẽ thu hút khách hàng tầng lớp thấp hơn, những khách chỉ quan tâm đến giá tiền chứ không quan tâm đến chất lượng phục vụ.
Và theo kinh nghiệm của người trong nghề thì đây là những đối tượng khách hàng khó phục vụ nhất, mất cả tiếng để lấy được £8-£10 cho bộ Full Set. ( Trong khi lương tối thiểu ở Anh cũng ở mức £5-£6/giờ)

2. Mất khách cũ

Giá quá rẻ sẽ không chỉ thu hút sai đối tượng khách mà còn làm ảnh hưởng đến khách cũ , những khách rất "chất lượng" của shop.
Những khách họ quan tâm đến chất lượng thì sẽ không vì nề hà gì về giá cả. Và khi họ nhìn thấy giá thấp, đương nhiên họ sẽ nghĩ rằng chất lượng bị giảm đi để có thể có được giá rẻ như vậy. 

Ví dụ hãng Louis Vuitton (LV) đang dần giảm giá trị bởi họ có quá nhiều khách hàng bình dân. Những người nổi tiếng và giàu có đang càng ngày xa lánh LV và không dùng thương hiệu này nữa.

3. Khách mới sẽ bới lông tìm vết

Giá rẻ sẽ thu hút những vị khách chỉ chờ bạn làm sai để chỉ trích, thay vì nhìn vào kết quả công việc. Họ sẽ thường xuyên phàn nàn, không cần biết bạn làm gì, họ sẽ cố gắng để bắt bạn phải cho họ thêm nhiều thứ khác.

4. Khách mới đòi hỏi quá giới hạn

Họ mong muốn bạn sẽ phải tiếp tục phục vụ họ, cho dù khi họ không còn trả thêm tiền nữa. Sau vài tuần, thậm chí vài tháng, họ vẫn có thể quay lại để bắt đền bộ móng mà bạn đã làm và hi vọng bạn sẽ sửa chữa lại miễn phí cho họ.

5. "Quên" trả tiền

Những khách hàng ham rẻ, sẽ thường xuyên mang ít tiền trong người và có khả năng "bỏ trốn" sau khi làm rất cao hoặc là nợ tiền cho lần tiếp theo (1-2 tháng sau). Trong khi những khách hạng cao sẽ cho rằng việc không có tiền để trả là việc đáng xấu hổ và nếu có bị quên tiền, họ sẽ tìm cách để trả lại cho bạn "cả gốc lẫn lãi" .
6. Ảnh hưởng tâm lý người làm

Thu ít tiền đồng nghĩa với việc bạn và người làm khác sẽ không muốn hết lòng. Thay vì "làm hết tất cả" thì giờ bạn sẽ chỉ có làm " một nửa" bởi lẽ khách chỉ trả từng đó tiền và bạn cũng chỉ được như vậy mà thôi, không hơn được nữa.

Và khi bạn không làm nhiệt tình, không làm "hết tất cả" thì sản phẩm sẽ không được đẹp. Lúc này người khách ham rẻ đó sẽ quay ra dò xét và phàn nàn về chất lượng phục vụ của bạn, bắt bạn phải làm thêm XYZ.

7. Làm việc nhiều hơn, mệt hơn

Việc hạ giá sẽ khiến bạn phải thu hút thật nhiều khách hơn, vì mỗi người khách bạn được lãi rất ít.  Bình thường nếu bạn giữ giá thì sẽ phải làm 7 khách/ngày, nhưng khi hạ giá, bạn sẽ phải làm thêm 10-12 khách/ngày để đảm bảo thu nhập.

Hoặc bạn sẽ phải làm đến 7-8h tối để người ở nhà phải chờ đợi cơm tối và bạn sẽ có ít thời gian để chăm sóc gia đình.

8. Khả năng được giới thiệu cho khách mới thấp đi

Khách "rẻ tiền" sẽ chỉ chú trọng đến so sánh giá cả, chứ họ hiếm khi giới thiệu cho bạn bè một nơi phục vụ tốt, chất lượng cao. Trong khi đó, khách hạng cao sẽ chú trọng đến những điều này và họ hay kể lại kinh nghiệm của họ khi vào shop bạn để giới thiệu cho những người khác.

9. Tự đóng cửa shop của mình

Trong khi giá cả đang tăng: các nail supply ( nơi bán đồ nail) vẫn luôn tăng giá, lương thợ càng ngày càng cao, thì đáng lẽ ra bạn phải tăng giá để đảm bảo shop có thu nhập để trả các chi phí đó. Nhưng bạn lại làm ngược lại, điều này có nghĩa chỉ sau vài năm nữa, shop bạn có thể sẽ phải đóng cửa vĩnh viễn bởi bạn sẽ không có cơ hội tăng thêm giá.

10. Thợ bỏ đi shop khác

Nếu thợ của bạn phải làm việc mệt nhọc, nhưng lương không tăng lên, điều kiện làm việc không được cải thiện, họ cũng sẽ đi tìm shop khác - những shop làm ít mà lương cao và khách dễ dàng, không soi mói.

Vậy tại sao bạn lại muốn chọn con đường lãi ít đi, nhiều vấn đề nhức đầu, trong khi bạn hoàn toàn có thể làm điều ngược lại: Tăng giá để thu hút khách "xịn" hơn, nâng cao chất lượng phục vụ, tăng giá để làm ít khách hơn và dành thời gian tận hưởng cuộc sống, dành thời gian cho gia đình?

 

 

VietHome