Hành khách ở Anh bị trễ chuyến bay quá 60 phút sẽ được bồi thường

Hành khách trên các chuyến bay nội địa ở Vương quốc Anh được cam kết một quy trình bồi thường công bằng và đơn giản hơn với những chuyến bay bị chậm trễ theo các đề xuất được công bố hôm thứ Hai (31/01).

Các quy tắc mới có nghĩa là hành khách có thể đòi bồi thường cho các chuyến bay bị chậm trễ hơn 1 tiếng, trong khi hiện tại họ chỉ được bồi thường khi bị chậm trễ hơn 3 tiếng. Các kế hoạch này sẽ thay cho các quy tắc bồi thường của EU mà Vương quốc Anh vẫn giữ sau khi ra khỏi EU.

tre chuyen bay

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Grant Shapps nói rằng các đề xuất này "nhằm tăng cường quyền lợi và sự bảo vệ hành khách đi máy bay".

Hiện tại, hành khách bay nội địa trên các chuyến bay dưới 1.500 km (932 dặm) có thể yêu cầu bồi thường 220 bảng Anh cho chuyến bay bị chậm trễ hơn 3 tiếng, nhưng nếu dưới 3 tiếng thì sẽ không được bồi thường gì.

Nhưng chính phủ nói rằng, với quyền lực có được sau Brexit, họ có thể thay thế hệ thống này bằng một mô hình tương tự như mô hình được sử dụng trong ngành đường sắt và phà, mà gắn việc bồi thường với chi phí đi lại.

Theo kế hoạch mới, đang được tham vấn, hành khách sẽ có quyền yêu cầu bồi thường:

  • 25% giá vé nếu chậm trễ hơn 1 tiếng nhưng dưới 2 tiếng
  • 50% giá vé nếu chậm trễ hơn 2 tiếng nhưng dưới 3 tiếng
  • 100% giá vé nếu chậm trễ hơn 3 tiếng.

Các đề xuất khác để bảo vệ quyền lợi của hành khách bao gồm việc bắt buộc các hãng hàng không hoạt động tại Vương quốc Anh phải đăng ký một kế hoạch giải quyết tranh chấp thay thế (ADR), mà có thể giúp nhiều người hơn nhận được tiền hoàn lại và tiền bồi thường mà họ được quyền hưởng.

Các chương trình ADR đã giúp hàng nghìn hành khách giải quyết khiếu nại mà không cần ra tòa án, nhưng tư cách thành viên được cấp bởi các hãng vận tải là tự nguyện.

Lợi ích của khách hàng

Chính phủ cũng đang xem xét trao cho Cơ quan Hàng không Dân dụng (CAA), cơ quan quản lý ngành, thêm quyền lực để thực thi luật người tiêu dùng thông qua khả năng phạt trực tiếp các hãng hàng không do vi phạm.

Ông Shapps nói: "Mọi người xứng đáng được hưởng một dịch vụ đặt hành khách lên hàng đầu khi có sự cố, vì vậy hôm nay tôi đưa ra các đề xuất nhằm tăng cường quyền lợi và sự bảo vệ hành khách đi máy bay.

"Chúng tôi đang tận dụng tối đa từ Brexit với sự tự do mới của chúng tôi nằm ngoài khuôn khổ EU, và đánh giá này sẽ giúp xây dựng một lĩnh vực đáng tin cậy, có uy tín."

Ông Shapps cũng đề xuất yêu cầu các hãng hàng không trả toàn bộ chi phí sửa chữa hoặc thay thế xe lăn và xe máy bị mất hoặc hư hỏng trong các chuyến bay nội địa.

Họ hiện chỉ có nghĩa vụ trả cho hành khách tối đa khoảng 1.200 bảng Anh cho việc hỏng hóc hoặc mất đồ đạc của hành khách theo các điều khoản của Công ước Montreal, mặc dù một số xe lăn có giá hơn 25.000 bảng Anh.

Tim Alderslade, giám đốc điều hành Hiệp hội Hàng không Anh Quốc, cho biết tổ chức của ông sẽ hưởng ứng tham vấn, nhưng nói thêm rằng các hãng vận chuyển "làm việc chăm chỉ để đảm bảo rằng hành khách sẽ có trải nghiệm suôn sẻ và thú vị nhất có thể".

Giám đốc điều hành CAA Richard Moriarty nói rằng kế hoạch này là một "dấu hiệu rõ ràng về sự cần thiết phải tăng cường quyền lực thực thi của chúng tôi và giúp chúng tôi phù hợp với các cơ quan quản lý khác".

Ông nói thêm rằng: "Các đề xuất sẽ cải thiện quyền lợi của hành khách và trang bị cho Cơ quan Hàng không Dân dụng các công cụ thích hợp để hành động nhanh chóng và hiệu quả vì lợi ích của người tiêu dùng."

Rocio Concha, giám đốc chính sách và vận động của nhóm người tiêu dùng Which? cho biết niềm tin vào các công ty du lịch "giảm mạnh" khi đại dịch virus corona bắt đầu do một số hãng hàng không "phớt lờ các nghĩa vụ pháp lý của họ và từ chối trả tiền hoàn lại cho các chuyến bay bị hủy".

Bà nói tiếp: "Sự tham vấn này là bước đầu tiên đáng hoan nghênh nhằm cải thiện và tăng cường sự bảo vệ và quyền lợi người tiêu dùng để các khiếu nại được giải quyết công bằng và nhanh chóng, đồng thời hành khách nhận được tiền một cách nhanh chóng và không gặp rắc rối không cần thiết."

Theo BBC Vietnamese