6 ngộ nhận của tài xế về mẹo qua mặt máy đo nồng độ cồn

Tài xế cho rằng hút thuốc lá có thể che giấu hơi rượu song thực tế cách này lại phản tác dụng, tố cáo nồng độ cồn nhiều hơn.

Lái xe khi say rượu là hành vi bị phạt rất nặng, bất kể ở quốc gia nào. Để xác định người lái xe có say rượu hay không, cảnh sát thường sử dụng máy thổi di động để đo nồng độ cồn trong máu. Ở Mỹ, chỉ cần nồng độ cồn trong máu bằng hoặc vượt quá 0,08%, người lái xe có nguy cơ bị tước bằng lái, phải ngồi tù, bị phạt tiền, và phải trải qua các khóa học cải tạo.

Do đó các tài xế thường truyền tai nhau cách qua mặt máy đo nồng độ cồn khi chẳng may bị cảnh sát tấp vào lề đường. Nhưng liệu các cách đó có thật sự hiệu quả hay chỉ là ngộ nhận?

Cách 1: Bình xịt thơm miệng, kẹo bạc hà và nước súc miệng có thể giấu được mùi rượu và làm giảm chỉ số đo của máy.

Thực tế: Những thứ làm thơm miệng như kẹo cao su, bạc hà hoặc xịt miệng có thể che được mùi của rượu, nhưng không thể thay đổi được lượng cồn trong hơi thở đẩy lên từ phổi. Một số loại nước súc miệng có cồn thậm chí còn làm tăng chỉ số nồng độ rượu đo được.

Cách 2: Hút thuốc lá có thể che giấu hơi rượu.

Thực tế: Ngược với mong đợi, cách này có thể làm tăng chỉ số đo được vì thuốc lá khi đốt sẽ sinh ra khí acetal dehyde, trong khi đây cũng là chất mà máy thổi đo đạc để xác định nồng độ rượu trong máu.

Nhiều tài xế truyền tai nhau nhiều cách qua mặt máy đo nhưng hầu như đều không hiệu quả.

Cách 3: Ngậm đồng một cent để qua mặt máy thổi.

Thực tế: Người ta cho rằng lượng đồng trong đồng một cent sẽ vô hiệu hóa lượng cồn trong hơi thở. Nhưng như trên đã nói, phân tử rượu tới từ sâu trong phổi nên cách này sẽ không thành công. Ngoài ra, hiện tại ở Mỹ người ta không còn sử dụng đồng làm nguyên liệu chủ yếu đúc xu một cent mà thay bằng kẽm (97,5% kẽm, 2,5% đồng). Dù đồng thật sự có khả năng vô hiệu hóa phân tử rượu nhưng để có hiệu quả phải ngậm rất nhiều đồng xu trong miệng.

Cách 4: Thở gấp hoặc vận động mạnh trước khi thổi.

Thực tế: Một nghiên cứu của đại học Linköping, Thụy Điển chỉ ra rằng vận động cường độ mạnh hoặc thở gấp khoảng 20 giây ngay trước khi đo nồng độ cồn đúng là có thể làm chỉ số đo được giảm đi 10%. Tuy vậy, phương pháp này có thể khiến người thực hiện chóng mặt do thiếu oxi và trượt các bài kiểm tra say rượu khác. Ngoài ra, cảnh sát ắt hẳn sẽ nghi ngờ khi thấy lái xe bỗng nhiên có hành động kỳ quặc trước khi đo nồng độ cồn.

Cách 5: Nín thở trước khi thổi.

Thực tế: Nghiên cứu trên cũng chỉ ra rằng nín thở 30 giây trước khi thổi vào máy có thể làm chỉ số đo tăng lên 15,7%.

Cách 6: Thổi nhẹ, không thổi vào máy, hoặc hít ngược vào phổi.

Thực tế: Cả ba cách đều sẽ không thành công vì loại máy đo cảnh sát dùng được trang bị cảm biến áp suất có thể phát hiện chuyển động của luồng khí. Khi không có đủ mẫu thử, máy sẽ không cho ra kết quả.

Ngoài những cách trên đây, nhiều người từng thử phương thức sáng tạo hơn như ăn giấy vệ sinh hoặc nhai chiếc áo mình mặc để làm giảm chỉ số đo nồng độ rượu trong máu nhưng đáng tiếc đều không hiệu quả.

Nhiều người còn khuyên lái xe nên từ chối không thổi vào máy khi được yêu cầu, cho rằng làm vậy khiến cảnh sát không có bằng chứng chứng minh say xỉn. Tuy nhiên, luật pháp một số bang cho phép cảnh sát có quyền tịch thu bằng lái ngay lập tức bất kể người đó có thật sự say xỉn hay không.

Cách duy nhất để vượt qua máy đo nồng độ rượu là không uống rượu trước khi lái xe, vừa có thể giữ an toàn cho mình và mọi người, vừa có thể tránh gặp rắc rối với pháp luật.

Viethome (theo VnExpress)