Kỷ niệm Ngày Chống nạn nô lệ 2019

rtr1njryTrên thế giới hiện đang có 45 triệu người là nạn nhân của chế độ nô lệ.

Bạn nghĩ gì khi nhắc tới cụm từ “Nô lệ”?

Chắc hẳn bạn đang liên tưởng tới hình ảnh những nô lệ từ thời xa xưa, trước khi chế độ tàn khốc này bị bải bỏ tại Anh khoảng 183 năm về trước.

Thế nhưng, trên thực tế, nạn nô lệ vẫn đang hàng ngày diễn ra ngay trước mắt chúng ta. Chế độ nô lệ hiện hữu từ trong những món hàng được sản xuất bởi những người công nhân bị trả lương thấp hoặc không lương mà bạn mua hàng ngày, đến những ngôi nhà tưởng như rất đỗi bình thường trên phố nhưng thực chất là nhà thổ, cơ sở buôn bán phụ nữ, hay thậm chí đó là người hầu hay au pair trong gia đình bạn.

Ngày 18 tháng 10 là ngày Chống nạn Nô lệ - được khởi xướng từ năm 2010, hướng tới các tổ chức từ thiện, cá nhân, chính quyền địa phương và lực lượng cảnh sát nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về nạn nô lệ ở thời điểm hiện tại và có những hành động phù hợp để ngăn chặn nó.

Chúng ta cần biết những gì về vấn nạn này?

Thực trạng của nạn nô lệ hiện nay

Nạn nô lệ hiện đại diễn ra ở nhiều nơi và thường xuyên hơn là bạn nghĩ và hiện là vấn nạn có tốc độ phát triển nhanh nhất cũng như tạo ra nguồn thu nhập bất hợp pháp lớn thứ 2 thế giới. Năm 2014, theo những tính toán của Văn phòng Lao động quốc tế, mỗi năm, việc sử dụng lao động khổ sai đem lại lợi nhuận lên đến 122.730.000.000 £.

Việc xác định chính xác số người bị bắt làm nô lệ là vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, theo ước tính, hiện nay trên thế giới có khoảng 45.8 triệu người đang bị bắt làm nô lệ.

Thực trạng của "nô lệ hiện đại" tại Anh

Trớ trêu thay, cũng giống như các quốc gia khác, nạn nô lệ hiện đang là một vấn đề vô cùng đáng quan ngại tại Anh.

Các hình thức phổ biến nhất của “nô lệ hiện đại” tại Anh chính là lao động khổ sai, bóc lột tình dục, nô lệ trong gia đình và cưỡng bức.

Tuy nhiên, do hoạt động kinh doanh “nô lệ hiện đại” xuất hiện ở hầu hết mọi nơi trên thế giới nên chúng ta khó có thể định hình được một cách chính xác thực trạng hiện nay của nó ở Anh, hay ở bất kỳ một quốc gia nào khác.

Năm 2015, có khoảng 3.266 nạn nhân tiềm năng từ 102 quốc gia trên khắp thế giới đã được giới thiệu tới Cơ quan Tham chiếu Anh Quốc - nơi xác định, đánh giá và hỗ trợ những nạn nhân tiềm năng của nạn buôn người.

Theo một báo cáo ở Anh, vào năm 2013, số nạn nhân bị bắt làm nô lệ đã tăng 47% so với năm 2012.

Tuy nhiên, trên thực tế, con số này có thể còn cao hơn, thậm chí cao hơn gấp nhiều lần so với con số mà các cơ quan chức năng đã thống kê được.

Trong tài liệu "Chiến lược ngăn chặn nạn nô lệ hiện đại" của mình, Bộ Nội vụ đã đưa ra ước tính rằng, hiện nay có khoảng 13.000 người bị bắt làm nô lệ tại Anh.

“Nô lệ hiện đại" và buôn bán người là gì?

Mặc dù trong từng hoàn cảnh cụ thể, việc buôn bán người là không giống nhau nhưng suy cho cùng thì các hình thức của chế độ nô lệ đều có điểm chung đó là: việc kiểm soát và khai thác những cá nhân dễ bị tổn thương để tạo ra lợi nhuận cho những kẻ buôn người.

Trong Nghị định thư Palermo, Liên Hiệp Quốc đã đưa ra một định nghĩa về buôn bán người. Định nghĩa này có ba ý chính sau:

• Là hành vi trao đổi, mua bán người

• Thực hiện dựa trên các hoạt động lừa đảo hoặc ép buộc

• Nhằm đạt được mục đích bóc lột

“Bóc lột” ở đây bao gồm bóc lột tình dục, lao động khổ sai, nô lệ trong gia đình, cưỡng bức, kết hôn giả, hay thậm chí là cả buôn bán nội tạng.

Các hình thức của “nô lệ hiện đại”

Nô lệ hiện đại có rất nhiều hình thức khác nhau nhưng phổ biến nhất là:

Lao động khổ sai

Lao động khổ sai là hình thức phổ biến nhất của nạn chiếm hữu nô lệ. Trên thế giới có khoảng 20 triệu người đang là nạn nhân của hình thức này.

Kevin Bales, người đồng sáng lập và cũng là cựu chủ tịch của tổ chức Free The Slaves, phát biểu rằng lao động khổ sai là hình thức phổ biến nhất ở Ấn Độ - với đa số nạn nhân là những người thuộc tầng lớp Dalit – tầng lớp thấp nhất trong xã hội Ấn Độ.

Ông cho rằng, trên thực tế, số lượng nô lệ tại Ấn Độ có thể còn nhiều hơn số nô lệ của tất cả các nước trên thế giới cộng lại.

Tầng lớp Dalit chiếm khoảng một phần tư dân số Ấn Độ, với khoảng 250 triệu người. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng người Dalit chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số các nạn nhân của nạn nô lệ hiện đại.

Buôn bán trẻ em

Trẻ em bị đem ra trao đổi, buôn bán nhằm phục vụ cho rất nhiều mục đích khác nhau như lao động khổ sai, hôn nhân ép buộc và bóc lột tình dục.

Ngoài ra, trẻ em cũng có thể trở thành nạn nhân của những hoạt động nhận con nuôi bất hợp pháp, trồng cần sa, và bị ép phải tham gia vào các hoạt động phi pháp như móc túi, trộm cắp và các hình thức lừa đảo khác.

Khi những kẻ buôn người không cần đến trẻ nữa, chúng thường để mặc các em trong tình trạng không tiền, không giấy tờ tùy thân và cũng không có nơi nào để đi.

rtr201kyMột bé gái khóc sau khi được cứu thoát khỏi một nhà máy ở Đông Quan, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc

Nô lệ trong gia đình

Những người làm trong gia đình như gia nhân, người hầu là những cá nhân đặc biệt dễ bị lạm dụng và khai thác. Lý do đó là vì họ phải làm việc một mình trong một không gian giới hạn, tuân thủ những quy định ngặt nghèo và phải sống dựa vào gia chủ của mình để có được công việc, chỗ ở và giấy phép cư trú.

Tất cả những ràng buộc trên đã khiến cho những người lao động trong gia đình dễ dàng bị lợi dụng và mắc kẹt trong một bức tường nô lệ vô hình.

Tại Anh, nạn nhân của nô lệ gia đình thường bao gồm cả người lớn và trẻ em. Họ phần lớn là những người di cư tới Anh.

Khi bị mắc kẹt dưới thân phận của một nô lệ gia đình, trẻ em sẽ bị tước đi quyền được đi học, được tới lớp như bao bạn bè cùng trang lứa khác.

Bóc lột tình dục

Bóc lột tình dục là hành vi sử dụng, lợi dụng khả năng tình dục của người khác để thu lợi tiền bạc về cho mình.

Các ngành công nghiệp tình dục phần lớn hoạt động dựa trên việc khai thác khả năng tình dục của người phụ nữ tại nhiều địa điểm khác nhau và tại các thời điểm khác nhau. Phần lớn nạn nhân tham gia vào đường dây này do bị mắc nợ hoặc bị cưỡng bức, ép buộc.

Tuy nhiên, do hoạt động buôn bán, bóc lột tình dục thường diễn ra một cách bí mật nên việc đưa ra được những số liệu thống kê chính xác là một công việc vô cùng khó khăn. Cho tới thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn chưa thể xác định một cách chính xác quy mô của vấn nạn này trên thế giới.

Cách nhận biết các nạn nhân của “nô lệ hiện đại”

Dưới đây là một số dấu hiệu giúp bạn có thể nhận biết nạn nhân của chế độ “nô lệ hiện đại”:

Ngoại hình

Nạn nhân có dấu hiệu bị lạm dụng về thể chất hoặc tâm lý, ăn mặc thiếu chải chuốt hơn người bình thường, suy dinh dưỡng hoặc có biểu hiện sợ hãi, rụt rè.

Bị cô lập

Nạn nhân hiếm khi được phép đi ra ngoài một mình. Họ có vẻ luôn bị kiểm soát bởi một ai đó và rất ít khi tiếp xúc với mọi người. Họ có biểu hiện xa lánh hàng xóm hay những người xuất hiện quanh khu vực mà họ làm việc.

Không được đáp ứng những điều kiện sống cơ bản

Họ có thể phải sống trong một không gian mất vệ sinh, chật chội và đông đúc. Ngoài ra, họ có thể phải sống và làm việc ở cùng một địa điểm.

Họ có rất ít, hoặc là thậm chí không có đồ đạc cá nhân

Nạn nhân không có giấy tờ tùy thân hoặc bất kì một tài sản cá nhân nào. Họ có thể luôn luôn mặc đúng một bộ quần áo, ngày này qua ngày khác. Những bộ quần áo họ mặc thậm chí còn không phù hợp với công việc mà họ đang làm.

Không được đi lại tự do

Thông thường, các giấy tờ tùy thân phục vụ cho việc di chuyển của nạn nhân (ví dụ như hộ chiếu) sẽ bị người khác cất giữ và kiểm soát.

Thời gian làm việc bất thường

Nạn nhân có thể thường xuyên được đưa đi và đón về từ nơi họ làm việc. Tuy nhiên, thời gian làm việc của họ lại bất thường, ví dụ như vào sáng sớm hoặc đêm muôn.

Sợ hãi khi tìm kiếm sự giúp đỡ

Nạn nhân có thể tránh tiếp xúc bằng mắt, có biểu hiện hoảng sợ hoặc do dự khi nói chuyện với người lạ. Họ cũng có thể sợ hãi khi gặp những người thực thi pháp luật vì nhiều lý do như không biết tin tưởng vào ai, không biết tới đâu để được giúp đỡ hoặc họ có thể lo sợ sẽ bị trục xuất. Họ cũng có thể đang lo lắng cho sự an toàn của gia đình và bản thân.

rtx15pwvCảnh sát tại một căn hộ ở Lambeth, phía nam Luân Đôn vào năm 2013, nơi một phụ nữ bị bắt làm nô lệ trong suốt 30 năm

Làm gì khi xác định được ai đó là nạn nhân của “nô lệ hiện đại”?

Nếu bạn nghi ngờ hành vi chiếm hữu nô lệ đang diễn ra, bạn cần:

• Gọi điện cho cảnh sát vào đường dây nóng 999 (trong trường hợp khẩn cấp) và 101 (nếu đó không phải là khẩn cấp), hoặc gọi điện nạc danh tới đường dây ngăn chặn tội phạm Crimestoppers số 0800 555.111

• Báo cáo về trường hợp mà bạn phát hiện được bằng cách gọi điện đến đường dây trợ giúp “nô lệ hiện đại” số 0800 0121700, hoặc

• Bạn có thể báo cáo trực tuyến bằng cách điền vào form của tổ chức “Nô lệ hiện đại” theo đường link sau: https://modernslavery.co.uk/contact.html

Tuy nhiên, đừng cố gắng nói với nạn nhân rằng bạn đã báo cáo về trường hợp của họ, và quan trọng nhất là đừng ra mặt đối đầu trực tiếp với những kẻ buôn người. 

Bạn nghĩ rằng mình có thể là một nạn nhân của chế độ nô lệ hiện đại?

Nếu bạn nghĩ rằng mình có thể là nạn nhân của chế độ nô lệ hiện đại, hoặc nếu bạn đã từng bị mang ra trao đổi buôn bán, hãy gọi ngay cho cảnh sát vào số 999 và báo cáo trường hợp của bạn với họ.

Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ các tổ chức từ thiện làm việc với nạn nhân của chế độ nô lệ sau:

• Tổ chức Chống Nô lệ Quốc tế (Anti-Slavery International), một tổ chức từ thiện làm việc về nạn nhân nô lệ trên toàn thế giới

• Tổ chức The Children’s Society nơi cung cấp các dịch vụ chuyên biệt dành cho người tị nạn và trẻ em nhập cư, cũng như những nạn nhân của việc khai thác và buôn bán tình dục.

• Tổ chức BCHA, nơi cung cấp nơi ở đặc biệt và hỗ trợ chăm sóc xã hội tại Anh

• Tổ chức Migrant Help- cung cấp các nguồn lực và hỗ trợ cần thiết cho người di cư ở Anh để họ có thể tiếp cận các dịch vụ xã hội truy an toàn và phù hợp.

• Tổ chức Eaves, một tổ chức từ thiện dành riêng cho phụ nữ, cung cấp những hỗ trợ chuyên biệt, vận động và cung cấp nhà ở cho những người phụ nữ bị bán sang Anh

• Tổ chức Unseen- cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho những các nạn nhân của nô lệ hiện đại.

VietHome (Theo Metro News)