Black Friday vì sao là ngày được dân Mỹ mong đợi nhất?

Chuyện gì xảy ra với người Mỹ trong ngày Black Fiday (tạm dịch: Ngày thứ 6 Đen Tối)?

 
Mua sắm và mua sắm
 
Thoạt nghe nói đến "Black Friday" (Ngày Thứ Sáu Đen), đa số người Việt đều nghĩ ngày này có liên quan đến một thảm họa ghê rợn nào đó trong lịch sử, hoặc chí ít đây cũng không phải là ngày lành. Thực ra Black Friday lại mang ý nghĩa tích cực đối với nhiều người Mỹ.
 
Black Friday là ngày thứ sáu ngay sau Lễ Tạ Ơn (Lễ Tạ Ơn rơi vào thứ năm thứ tư của tháng 11) và được coi là ngày mở hàng cho mùa mua sắm tấp nập nhất ở Mỹ. Năm nay Black Friday rơi vào ngày 26/11.
 
Thật khó tin, ngày đặc biệt này có xuất xứ từ tình trạng... kẹt xe xảy ra vào ngày thứ sáu sau Lễ Tạ Ơn năm 1965 ở Philadelphia, khi hàng trăm nghìn người Mỹ chen chúc đen kịt các con phố, vỉa hè đi mua sắm để sửa soạn cho Lễ Noel sắp đến.
 
Ngay lập tức, giới kinh doanh Hoa Kỳ cho quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng về ngày này và đồng loạt khuyến mãi, giảm giá để thu hút khách hàng.
 
Trong tiếng Anh có thuật ngữ "in the black" chỉ tình trạng doanh nghiệp làm ăn có lợi nhuận. Tương phản với "in the black" là "in the red" chỉ tình trạng kinh doanh thua lỗ, bán buôn thất bát. Ngày xưa, để tiện phân biệt và theo dõi sổ sách, kế toán thường ghi số lợi nhuận bằng mực đen, số lỗ bằng mực đỏ. Từ đó, người ta đặt tên ngày này là Black Friday, ngụ ý rằng đây là ngày "ăn nên làm ra" của các doanh nghiệp .
 
 20111125 best-buy-line 33
Xếp hàng từ sáng sớm để giành quyền mua đồ.
 
Vào ngày này, người Mỹ ùn ùn đổ ra các siêu thị, cửa hàng tìm hàng giá rẻ. Các cửa hàng trên toàn quốc giảm giá đậm đến không ngờ. Hầu như tất cả các mặt hàng đều giảm giá trung bình từ 10% - 30%: máy ảnh Samsung hàng xịn "down" từ 149 đô xuống còn... 69 đô (chỉ khoảng 1 triệu đồng), các tên tuổi lớn khác như Adidas, Nintendo, Vera cũng không chịu thua kém khi nhất loạt hạ giá bán xuống vài chục phần trăm.
 
Tại quầy bán lẻ trong một cửa hàng vào ngày Black Fiday.
 
Người bán hàng chộn rộn đã đành, các "Thượng Đế" đi shopping cũng náo nức không kém. Ở khắp các thành phố lớn của Hoa Kỳ, người ta xếp hàng dài dằng dặc chờ từ... 4 giờ sáng với mong mỏi kiếm được một chiếc Ipod giá hời hay một cái máy chơi game giá rẻ như cho không. Cảnh trùm mền ngủ vạ vật ngay trước siêu thị để "xí" chỗ bỗng dưng tái hiện giữa chốn Hoa Kỳ phồn hoa ; người nào không có chỗ ngủ thì tranh thủ làm một tách cà phê Starbucks để có sức... xếp hàng tiếp. Khung cảnh mua sắm náo nhiệt làm ta dễ liên tưởng cảnh rồng rắn xếp hàng chờ phát "chuẩn" thời bao cấp .
 
Sự ra đời tất yếu của Cyber Monday
 
Cyber Monday (tạm dịch: Ngày Thứ Hai điện tử) là ngày thứ hai đầu tiên ngay sau Black Friday. Ngày này ra đời là nhờ "sáng kiến" của website bán hàng trực tuyến Shop.org, trực thuộc Hiệp hội Các nhà Bán lẻ Hoa Kỳ.
 
Nhận thấy sau Black Friday vẫn còn rất nhiều người Mỹ muốn mua hàng "sôn" mà chưa mua được (cạnh tranh không lại các khách hàng khác, trời quá lạnh, sợ xếp hàng, v.v), các cửa hàng ở Hoa Kỳ cũng tham gia cuộc đua giảm giá để thu hút thêm nhiều đơn hàng.
 
Năm 2007 chỉ trong ngày Cyber Monday giới kinh doanh thương mại điện tử của Hoa Kỳ đã "hốt" được tới 733 triệu đô la.
 
Thành công của Cyber Monday có dấu ấn rất đậm nét của hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại điện tử hoàn thiện của Mỹ.
 
Black Friday và những điểm đen
 
Có một bộ phận không nhỏ người dân Mỹ chán ngán, thậm chí ghét Black Friday. Đa phần họ là những người mua hàng không thích chen chúc, xô đẩy ở nơi công cộng.
 
 539w
Khu mua sắm ở Boston.
 
Vào ngày này, thay vì đội sương đội gió mua hàng giảm giá, họ ngồi ở nhà xem các đài truyền hình đi quay phóng sự trực tiếp. Có nhiều khách bị những món hàng giá siêu rẻ làm mờ mắt, khiến họ có những hành động không đúng mực: chen lấn, xô đẩy, hành hung nhân viên mở cửa, giành giật đồ, thậm chí... choảng nhau để giành một cái Ipod xịn.
 
Tình trạng "lấy thịt đè người" này khiến hình ảnh nước Mỹ có phần xấu đi. Hiện đã có một bộ phận người Mỹ lập ra "No Shopping Day" (Ngày Không Mua Sắm) để kêu gọi tẩy chay Black Friday.
 
Tuy vậy, sau nhiều thập niên, Black Friday vẫn "sống" và thậm chí còn đang có khuynh hướng phát triển khá mạnh. Mùa mua sắm Giáng Sinh vẫn còn trước mắt, và giới doanh nhân Hoa Kỳ đang đặt hết hy vọng vào những "mẻ lưới" lớn cuối năm trước khi khui sâm-banh hát “Happy New Year”.