Những lầm tưởng về hợp đồng khiến bạn bị phạt nặng và còn ra tòa

Không cắt hợp đồng điện thoại, bảo hiểm, internet đúng cách. Bỏ qua thư đòi nợ, thư của Sở Thuế. Lạm dụng tài khoản ngân hàng để chuyển tiền....là những thói quen thường gặp của người Việt sinh sống tại Anh. Viethome.co.uk đã ghi nhận vô số trường hợp liên quan đến việc bỏ mặc, không quan tâm đến thư từ gửi về nhà của các cá nhân sinh sống trên nước Anh, lí do chủ yếu là trình độ tiếng Anh hạn chế và không chịu tìm hiểu.

Bài viết dưới đây sẽ nói về 1 số lầm tưởng, ngộ nhận người Việt hay gặp phải khi liên quan đến thủ tục, hợp đồng ở Anh Quốc.

Cắt hợp đồng không đúng cách

Bạn dùng thuê bao internet, kí hợp đồng điện thoại hàng tháng nhưng bây giờ không muốn dùng nữa. Sai lầm lớn nhất và thường thấy nhất là mọi người ra ngân hàng báo cắt, không trả tiền công ty đó nữa. Thực ra việc bạn vừa làm chẳng qua chỉ là không muốn hoặc trốn trả tiền. Hợp đồng giữa bạn và công ty đó vẫn có hiệu lực. Nếu họ không nhận được tiền, họ sẽ gửi hoá đơn về, giấy đòi nợ hoặc đưa ra toà.

Có rất nhiều người cứ nghĩ là sau hạn hợp đồng 12, 18 tháng là có thể cắt bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, hầu hết các công ty này đều yêu cầu bạn phải liên hệ với họ trước 30 ngày và thông báo trực tiếp cho họ việc bạn muốn dừng hợp đồng chứ không phải là thông qua ngân hàng.

Không ít người đã không quan tâm và cuối cùng nhận được thư đòi nợ hơn £1,000 mà khoản nợ thực ra chỉ có hơn trăm Bảng. Những tiền phát sinh sau đó là tiền lãi, chi phí đòi nợ, chi phí ra toà. Nhưng đáng tiếc hơn hẳn đó là bị ghi vào tiểu sử xấu (Bad Credit). Sau này có muốn đi vay, đi kí hợp đồng cũng gặp khó khăn.

Lời khuyên: Hãy đọc kĩ điều kiện trong hợp đồng. Nếu bạn nhân được thư từ, hoá đơn đòi tiền khả nghi, hãy tìm hiểu cho rõ chứ đừng nên vứt vào xọt rác để rồi 3-4 tháng sau mới vỡ lẽ ra là mình bị sai phạm.

Bạn trốn không trả tiền hợp đồng và chuyển nhà để họ không tìm được

Đất nước Anh Quốc hoạt động chủ yếu thông qua giấy tờ và hệ thống vi tính. Bạn đừng nghĩ họ sẽ không tìm được ra bạn. Thực tế cho thấy dù bạn sống ở bất cứ nơi nào trên nước Anh thì bạn vẫn phải dùng đến thẻ ngân hàng, trả hoá đơn ga điện nước hoặc đăng kí bầu cử. Đó chính là nơi để các công ty đòi nợ tìm kiếm thông tin về bạn. Những công ty ga, điện, nước hay internet đều chuyển cho công ty chuyên đòi nợ các thông tin của bạn. Các công ty này sẽ sử dụng các nguồn thông tin đáng tin cậy nhất để  truy tìm dấu vết, địa chỉ mới của bạn.

Tuy nhiên, cũng có 1 số trường hợp họ nhầm bạn với 1 ai đó. Nếu bạn có nhận được thư đòi nợ kiểu này, xin hãy đọc thật kĩ và liên hệ lại với họ để xác nhận là họ đã nhầm.

Lời khuyên: Hãy liên hệ lại với công ty nếu bạn muốn chấm dứt hợp đồng sớm. 1 khoản tiền phạt nho nhỏ có lẽ sẽ tiết kiệm hơn là bạn trốn chạy và bị truy tìm sau này.

Cho quá nhiều tiền mặt vào ngân hàng

Gần đây trên mạng Viethome có nhiều tin cầu cứu của các bạn sinh viên liên quan đến việc bị đóng tài khoản ngân hàng, khổ hơn là có trường hợp đang gia hạn visa thì sự việc xảy ra. Các bạn sinh viên mới sang Anh thường nghĩ rằng bỏ tiền mặt vào ngân hàng sẽ không việc gì. Nếu nhân viên ngân hàng nhận tiền rồi thì sau này không việc gì nữa. Tuy nhiên, các ngân hàng ở Anh thường xuyên kiểm tra các giao dịch bất thường. Nếu họ nghi ngờ ai đó dùng tiền không có nguồn gốc, họ có thể yêu cầu chủ tài khoản chứng minh.

Với người dân Anh, £1,000 tiền mặt là rất lớn đối với họ. Trong khi đó, sinh viên Việt Nam ở Anh thường cho vào £5,000 - £10,000 tiền mặt, có người tham gia vào đường dây chuyển tiền còn gửi hơn £20,000 tiền mặt vào tài khoản trong vòng 1 tháng.

Nếu ngân hàng động đến và yêu cầu chứng minh nguồn tiền thì sẽ chẳng có ai dám đứng ra nhận số tiền lớn như vậy. Bởi lẽ, ai cũng biết việc chứng minh là gần như rất khó. Các ngân hàng HSBC, Lloyds gần đây đã quản lý rất chặt các tài khoản của sinh viên nước ngoài. Ngoài ra, các giao dịch này đều được ngân hàng giữ lại trong vòng 6 năm. Sau đó là bảo lưu thêm 2-3 năm nữa rồi mới xoá hẳn. Nếu sau này chủ tài khoản gặp vấn đề với cảnh sát, họ vẫn có thể tìm ra được tình hình tài chính của những người này trong vòng 6-10 năm, thậm chí là 20 năm đối với 1 số ngân hàng có chính sách riêng.

Lời Khuyên: Hãy đọc kĩ các điều lệ và luật pháp. Nhiều bạn sinh viên vì thấy lợi trước mắt mà gặp phải nhiều trở ngại với cảnh sát, luật pháp sau này.

Nhận lời đăng kí dịch vụ mà không hiểu rõ

Bạn đã từng kí hợp đồng điện thoại với công ty ABC. Bỗng dưng 1 ngày có người gọi điện đến mời bạn đăng kí thêm 1 cái phone nữa với giá rẻ. Bạn không thành thạo tiếng Anh và chỉ nghe loáng thoáng, hiểu nửa chừng và trả lời liên tiếp bằng các câu "yes, yeah,ok ..."

Hoặc như bạn đăng kí thẻ ngân hàng Miễn Phí nhưng có kèm điểm thưởng. Nhân viên bán hàng nói luyến thoáng nhưng bạn vẫn trả lời OK, Yes mà không hiểu gì.

Thế rồi 1 tháng sau bạn mới vỡ lẽ ra là mình phải trả thêm £40/tháng cho chiếc phone, £10/tháng tiền bảo hiểm cho chiếc thẻ ngân hàng.

Lời khuyên: Nếu bạn không hiểu họ đang nói gì, hãy bảo họ nói chậm lại, giải thích rõ ràng cho bạn. Các công ty ở Anh thường ghi âm lại cuộc đối thoại, chỉ cần bạn nói Yes, OK...là họ có bằng chứng cho thấy bạn đồng ý sử dụng dịch vụ. Nếu bạn không chắc chắn, hãy nói KHÔNG với những người này và liên hệ lại với họ sau.

Viethome