Mức lương £35/giờ cũng không thể giải cứu các sân bay Anh

Người dân Vương quốc Anh nhận được cảnh báo tình trạng thất lạc hành lý có thể kéo dài nhiều tháng khi sự hỗn loạn vẫn đang diễn ra ở nhiều sân bay.

Nhiều chiếc vali vô chủ đang xuất hiện ở sân bay bởi nhiều hành khách trở về từ Sussex, sau khi họ phải đợi hành lý đến hơn một giờ đồng hồ. Nhiều gia đình đi nghỉ dưỡng cuối tuần đã chuyển từ hồ hởi sang cảm giác tuyệt vọng, đối mặt với sự hỗn loạn về đi lại khi phải xếp hàng dài ở các sân bay hay bến phà.

Cơn ác mộng thậm chí chỉ vừa mới bắt đầu, trong mùa hè đầu tiên mà hoạt động du lịch không bị cản trở sau nhiều năm - kể từ lúc đại dịch Covid 19 bùng phát. Đây cũng là mùa hè đầu tiên kể từ khi Swissport - công ty cung cấp nhân sự tại bộ phận hành lý cho nhiều sân bay lớn thuộc Vương quốc Anh, tuyên bố rằng họ đã cắt giảm hơn một nửa số nhân sự.

(Ảnh: NNP)

Công ty này đổ lỗi cho các tác động tiêu cực của đại dịch, cho rằng những tác động này còn nặng nề hơn vụ tai nạn máy bay hồi năm 2008, hay vụ phun trào núi lửa hồi năm 2010. Thậm chí mức lương mới 35 bảng/giờ cũng không thể giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân sự, hành lý thì ngày càng chất đống ở sân bay Gatwick cùng nhiều sân bay lớn khác, chẳng hạn như Bristol hay Stansted.

Đầu tháng này nhiều hành khách ở Scotland cũng được cảnh báo tình trạng thất lạc, chậm trễ hành lý sẽ còn kéo dài trong nhiều tháng. Trong khi đó, hàng dài xe ô tô cũng trì trệ ở các cảng biển phía Nam, bởi nhiều gia đình đang muốn tìm đến châu Âu để nghỉ dưỡng giữa mùa hè đầy nắng.

Nhiều bến phà đã báo cáo tình trạng hàng dài chờ đợi lên đến 30 giờ, khi Folkestone luôn được mệnh danh là “địa ngục nghỉ dưỡng" của Vương quốc Anh. Các chuyên gia du lịch tin rằng mọi thứ sẽ còn trở nên tồi tệ hơn, trước khi có những diễn biến tích cực tiếp theo.

(Ảnh: LT1Media).

Phát biểu trong hội nghị về Chiến lược Công nghiệp, Năng lượng và Kinh doanh ở Hạ Viện, một người đại diện công đoàn đã đổ lỗi cho các hãng hàng không. Oliver Richardson - Quan chức quốc gia về vận tải hàng không dân dụng nói rằng: “Có một sự liên quan giữa số lượng chuyến bay bị hủy bỏ và chính sách cắt giảm nhân sự của các hãng hàng không.”

“Ví dụ như Ryanair và British Airways. Ryanair biết cách thương lượng với nhân sự của mình để đảm bảo không có ai phải nghỉ việc. Còn British Airways thì cứ liên tục sa thải nhân viên rồi lại cất công tuyển dụng''.

Cùng với British Airways, EasyJet cũng đứng top đầu trong số những hãng bay có số chuyến bị hủy nhiều nhất, đồng thời cũng là hãng hàng không có số lượng nhân viên bị sa thải nhiều nhất.

Viethome (theo The Sun)