Giao thông London hỗn loạn vì đình công

Người đi làm ở London được dự đoán sẽ có một buổi sáng thứ Ba khốn khổ khi các cuộc đình công trong hệ thống tàu điện ngầm và đường sắt diễn ra.

23tubeCác toa tàu trống dần trước giờ đình công

Đây là cuộc đình công lớn nhất trong hơn 30 năm với một nửa số tuyến xe lửa của Anh ngừng hoạt động. Đến 7 giờ tối ngày thứ Hai 20/6, tàu điện ngầm bắt đầu trống dần trước cuộc đình công 24 giờ khi Bộ Giao thông vận tải Luân Đôn (TfL) cảnh báo hành khách tránh đi lại nếu có thể cho đến giữa sáng thứ Tư 22/6.

Một bức ảnh chụp trên tuyến Victoria cho thấy toa tàu điện ngầm gần như trống rỗng lúc 7 giờ tối khi London chuẩn bị cho các cuộc đình công có thể làm tê liệt mạng lưới giao thông thủ đô.

Các cuộc đàm phán cuối cùng không giải quyết được tranh chấp gay gắt về tiền lương, công việc và điều kiện làm việc. Hàng nghìn thành viên của liên minh Đường sắt, Hàng hải và Vận tải (RMT) tại Network Rail và 13 công ty điều hành tàu hỏa sẽ ngừng làm việc vào thứ Ba 21/6, thứ Năm 23/6 và thứ Bảy 25/6 trong đợt đình công lớn nhất trong những năm gần đây.

Các dịch vụ trên khắp Vương quốc Anh bắt đầu bị ảnh hưởng từ tối thứ Hai 20/6, với chỉ 1/5 chuyến chạy trong những ngày đình công - chủ yếu là các tuyến chính và chỉ trong khoảng 11 giờ.

Cùng lúc đó, nhân viên hệ thống tàu điện ngầm cũng đình công, khiến mạng lưới giao thông thủ đô tê liệt. Các cuộc đàm phán đã được tổ chức vào chiều thứ Hai 20/6 nhưng các bên vẫn không đạt được thỏa thuận. RMT cho biết các nhà điều hành tàu đã đưa ra lời đề nghị nhưng không nhận được phản hồi từ Network Rail từ thứ Sáu tuần trước.

Tổng thư ký Mick Lynch nói: "Ủy ban điều hành quốc gia RMT hiện đã nhận thấy cả hai nhóm đề xuất là không thể chấp nhận được và đã xác nhận đợt đình công trong tuần này sẽ được tiến hành. Rõ ràng là Chính phủ Đảng Bảo Thủ sau khi cắt giảm 4 tỷ bảng tài trợ đã không thể giải quyết tranh chấp. Các công ty đường sắt hiện đã đề xuất tỷ lệ trả lương chung theo tỷ lệ lạm phát, cao hơn mức lương bị đóng băng trong vài năm qua. Theo lệnh của Chính phủ, các công ty cũng đang tìm cách thực hiện cắt giảm hàng nghìn công việc và không đưa ra bất kỳ đảm bảo nào đối với tình trạng này".

Ông Lynch cho biết các công ty đường sắt nói với công đoàn rằng họ có kế hoạch “đóng cửa mọi phòng vé ở Anh bất kể nhu cầu tiếp cận của công chúng và sự đa dạng trong lượng hành khách sử dụng hệ thống đường sắt”: “RMT hỗ trợ chiến dịch để đạt được thỏa thuận hợp lý cho tất cả người lao động phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Điều đó có nghĩa là các dịch vụ công phải được tài trợ hợp lý, và tất cả người lao động được trả lương xứng đáng với điều kiện tốt. Chúng tôi vẫn sẵn sàng thảo luận trong, sau và giữa các ngày đình công ... Nhưng chúng tôi tin chắc rằng cách duy nhất để giải quyết tranh chấp này là Bộ trưởng giao thông vận tải Grant Shapps và chính phủ cho phép các công ty thương lượng và để các bên đạt được thỏa thuận hợp lý, nhằm chấm dứt việc gián đoạn dịch vụ và đảm bảo việc làm và phát triển hệ thống giao thông”.

23tubeHàng đợi xe bus tại bến Victoria vào ngày hôm qua

Trước đó, ông Boris Johnson gửi lời kêu gọi vào thứ Hai 20/6 tới các công đoàn đường sắt.

Thủ tướng nói đình công là "hành động tự làm hại bản thân" vì ngành công nghiệp phải hiện đại hóa do ngày càng ít người sử dụng tàu hỏa - hậu quả của đại dịch Covid khiến nhiều người làm việc tại nhà nhiều hơn.

Ông Johnson cũng nhấn mạnh rằng hành động đình công sẽ ngăn cản London "phát huy hết tiềm năng" khi thủ đô tìm cách phục hồi sau đại dịch.

Phát biểu vào sáng thứ Hai 20/6, ông Johnson nói: “Đây là mùa hè trọn vẹn đầu tiên của chúng ta sau hai năm và chúng ta không gặp phải hạn chế nào trong cuộc sống. Ở đây, ở London, tôi muốn thấy công việc kinh doanh phát triển mạnh, các rạp hát đầy khách và các quán rượu cũng như nhà hàng nhộn nhịp. Tôi muốn thành phố phát huy hết tiềm năng của nó. Và chính vì lý do đó, vẫn chưa muộn để các công đoàn tiếp tục đàm phán và ngừng đình công. Đình công là một hành động tự gây hại cho công nhân đường sắt - việc xua đuổi hành khách sẽ chỉ đe dọa việc làm, tăng trưởng và hiện đại hóa của ngành công nghiệp tuyệt vời này".

Các công đoàn giáo viên vào thứ Hai cũng yêu cầu tăng lương ít nhất là theo kịp lạm phát - hiện là chín phần trăm, với các công đoàn đại diện cho y tá, luật sư, bác sĩ, công chức, nhân viên bưu điện và kỹ sư BT cũng đe dọa sẽ đình công.

Bộ trưởng Tài chính Simon Clarke cho biết vào thứ Hai 20/6: “Rõ ràng chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các cuộc đàm phán cho đến khi không còn thời gian để thảo luận, nhưng tôi nghĩ công chúng cần lưu ý tuần này sẽ có gián đoạn lớn và mọi người nên chuẩn bị ngay từ bây giờ.”

Các bộ trưởng khẳng định việc giải quyết tranh chấp là tùy thuộc vào các công đoàn và công ty đường sắt.

Tuy nhiên, ông chủ Network Rail, Sir Peter Hendy, cho biết đã nói chuyện với Thủ tướng “một hoặc hai lần” về đợt đình công liên quan đến khoảng 40,000 công nhân.

Ông nhấn mạnh ngành công nghiệp cần phải hiện đại hóa thay vì phụ thuộc vào một số phương thức làm việc "thời Victoria" và không còn có thể dựa vào vài tỷ bảng để duy trì hoạt động như trong thời kỳ đại dịch.

Ông Peter nói: “Tôi thấy rất khó để đổ lỗi cho Chính phủ khi họ muốn thấy đường sắt hoạt động hiệu quả vì chúng ta đã tiêu tốn quá nhiều tiền trợ cấp trong hai năm rưỡi qua”.

Ông Peter lập luận rằng công nhân đường sắt đang được cung cấp một “gói lương hấp dẫn” và cuộc đình công sẽ “gây xáo trộn rất lớn”.

23tubeHai bên vẫn không đạt được thỏa thuận

Ông Leach trước đó cáo buộc Chính phủ đã "thất bại nặng nề" và kêu gọi Đảng Lao động ủng hộ nhiều hơn cuộc tranh chấp này. Ông cho biết các công nhân sẽ thể hiện "sự gan dạ và quyết tâm" nếu hoạt động đình công diễn ra trong nhiều tháng.

Louise Haigh - bộ trưởng giao thông chờ cầm quyền của đảng Lao động, cho biết không thể đạt được giải pháp nếu Bộ Giao thông vận tải không vào cuộc.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh doanh Paul Scully nhận định ông chủ của RMT - Mick Lynch, nên “tăng cường đàm phán với người sử dụng lao động”.

Scully cho biết ông có thể “hiểu được nhu cầu, kỳ vọng cũng như hy vọng được tăng lương bởi vì rõ ràng mọi người trong các lĩnh vực khác cũng đang bị ảnh hưởng bởi chi phí sinh hoạt gia tăng và lạm phát”.

Ông Scully nói thêm: "Thực tế là công nhân đường sắt được trả lương cao hơn hầu hết các lĩnh vực khác, vì vậy đừng kéo dài đình công vì lý do chính trị. Hãy ngồi vào bàn đàm phán, đó mới là cách bảo vệ công nhân đường sắt”.

Viethome (Theo Evening Standard)