Cánh tài xế minicab vây kín London Bridge để phản đối phí tắc nghẽn

Hàng trăm tài xế minicab đã vây kín London Bridge trong giờ cao điểm vào thứ Hai vừa rồi trong cuộc biểu tình phản đối phí tắc nghẽn ở London, loại phí được coi là một hình thức “đánh thuế với người nghèo.” 

Công đoàn Công nhân Độc lập Anh (IWGB) đã tổ chức cho các tài xế minicab biểu tình trên cầu trong khoảng thời gian từ 4 đến 6 giờ chiều. Đây là lần thứ tư họ có động thái mạnh mẽ phản đối loại phí ước tính sẽ làm giảm một phần tư thu nhập của tài xế.

TfL cho biết quy định mới sẽ giúp giảm thiểu số lượng phương tiện thuê cá nhân ở thủ đô và nhờ đó, cắt giảm lượng khí ô nhiễm khiến hàng ngàn người chết yểu mỗi năm.

Nhưng nghiên cứu của chính TfL lại cho rằng giải pháp này sẽ chỉ cắt giảm được khoảng 600 xe mỗi ngày, tương đương với 1% số lượng xe thuê tư nhân ở London. TfL bác bỏ ý kiến cho rằng lượng xe sẽ giảm tới 45%, từ 18,000 xuống còn 10,000 mỗi ngày.

Theo số liệu do IWGB cung cấp, thay đổi này sẽ có ảnh hưởng tới nhóm lao động nghèo và lao động thiểu số bởi lẽ 71% tài xế minicab được đăng ký với TfL đến từ những khu vực khó khăn và 94% được xác định là BAME (người da đen, người châu Á và dân tộc thiểu số).

Lái xe taxi đen, với 80% là người Anh da trắng, tiếp tục được miễn trừ phí tắc nghẽn bởi lẽ phương tiện của họ có thể phục vụ người khuyết tật.

Xe thuê cá nhân cũng được miễn trừ nhưng từ ngày 8 tháng Tư, tài xế sẽ phải trả 11.50 bảng tiền phí nếu xe họ thải ra lượng CO2 trên 75g/km.

Cuộc biểu tình mới nhất cho thấy cánh tài xế minicab ngày càng phẫn nộ và cho rằng thị trưởng London Sadiq Khan không hề quan tâm đến họ.

 

Thay vì tăng phí tắc nghẽn, IWGB muốn chính quyền cắt giảm ô nhiễm không khí bằng cách giới hạn cấp phép cho minicab, áp thuế lên các hãng điều hành xe thuê cá nhân và đảm bảo mức lương tối thiểu.

“Thị trưởng từ chối làm việc với giới tài xế minicab, những người sẽ càng trở nên nghèo hơn bởi loại thuế tàn nhẫn áp lên người nghèo này,” Yaseen Aslam, thư ký IWGB, cho biết.

“London là một trong những thành phố mang lại lợi nhuận lớn nhất cho các hãng điều hành như Uber, nhưng chính tài xế và gia đình của họ, thay vì công ty, lại bị ép phải chịu các khoản phí điều chỉnh tắc nghẽn.

“Trừ khi ngài thị trưởng chịu ngồi xuống và lắng nghe chúng tôi, chúng tôi chẳng còn cách nào khác ngoài cách đẩy mạnh biểu tình.”

Ông Alex Williams, giám đốc quy hoạch thành phố của TfL, bày tỏ “hành động mạnh mẽ” là điều cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng sức khỏe ở London.

“Cùng với tất cả những người tham gia giao thông khác, các hãng cho thuê xe cá nhân cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cắt giảm khí thải trong thành phố,” ông Williams nói.

“Thay đổi đối với Phí Tắc nghẽn và việc áp dụng quy định Khu vực Khí thải Cực thấp ở trung tâm London từ tháng Tư sẽ giúp mang lại lợi ích đáng kể cho sức khỏe của người dân London, bao gồm các tài xế.”

VietHome (Theo Independent)