Lái xe Uber London phối hợp với nhau đẩy giá lên cao

Theo một điều tra mới được thực hiện gần đây bởi tờ Times, người ta phát hiện ra rằng các lái xe trên ứng dụng Uber tại London đã tìm ra cách phối hợp với nhau nhằm đẩy giá cước di chuyển lên cao. 

uber-app.jpg

Kết quả điều tra về thực tế hoạt động của các lái xe Uber tại London và New York vừa được công bố

Theo đó, báo cáo của cuộc điều tra chỉ ra rằng các tài xế lái Uber tại London đã bí mật phối hợp với nhau nhằm đẩy giá cước di chuyển lên cáo hơn so với mức thông thường. Những người thực hiện cuộc điều tra đã phỏng vấn các lái xe Uber ở thủ đô London của Anh và thành phố New York của Mỹ và nhận ra rằng những tài xế này đã thực hiện một thao tác khiến cho hành khách phải trả nhiều hơn số tiền mà họ đáng phải trả. Bí mật này nằm ở việc khi có khách cần đi xe, những người tài xế tại cùng một khu vực thường kêu gọi nhau đăng xuất khỏi ứng dụng Uber trên điện thoại di động, với mục đích giảm số lượng tài xế sẵn có ở khu vực đó. Khi mà số lượng tài xế có mặt ít hơn thì theo thuật toán hoạt động trên hệ thống Uber, giá cước sẽ tự động được đẩy lên và vì thế mà những người lái xe kiếm được nhiều tiền hơn. 
Tờ Times cũng đã thực hiện những cuộc khảo sát trên trang web của cộng đồng những người lái xe Uber có tên Uberpeople.net và phát hiện ra rằng có rất nhiều lời kêu gọi dàn xếp đẩy giá như vậy được đăng công khai trên diễn đàn của trang. 
Trên diễn đàn của trang web này, một tài xế Uber ở London đã đăng bài kêu gọi: "Mọi người ơi, đừng đăng nhập vào Uber cho đến khi giá được đẩy lên cao nhé."

Khi một người tài xế thắc mắc về vấn đề này thì được một người khác giải thích như sau: “Cung ít mà cầu cao đồng nghĩa với việc tăng giá cước." 
Người lái xe này nói thêm: “Việc này xảy ra thường xuyên mà."
Theo đó, trong thời gian mà những tài xế này cố gắng đẩy giá lên cao thì giá cước có thể lên tới một mức cao gấp nhiều lần so với giá bình thường. 
Nhóm nghiên cứu thuộc Trường kinh doanh Warwick thuộc Coventry và Đại học New York cho biết, hành vi này của các lái xe có thể được hiểu như là một cách đối phó lại "thuật toán quản lý" của ứng dụng Uber. 
Tiến sỹ Mareike Möhlmann của trường Warwick chia sẻ: "Các tài xế đã phát triển một cách thức nhằm giành lại quyền kiểm soát trước ứng dụng Uber và thậm chí họ còn "chơi lại" hệ thống quản lý ấy."
"Điều này cho thấy thuật toán mà Uber đang sử dụng có một lỗ hổng lớn và nó có thể làm hại chính công ty này."
Đứng trước kết quả điều tra này Uber cho biết những gì mà báo cáo cho thấy không phải là đúng hoàn toàn với tất cả các tài xế của họ.
Bên cạnh đó, công ty này cũng cho biết thêm họ đã đưa ra một gói trợ cấp mới dành cho các tài xế của mình vào tháng Tư vừa qua nhằm trở lương cho tài xế ngay cả trong những ngày họ bị ốm không đi làm được. Mỗi tuần, các tài xế phải bỏ ra 2 bảng để đóng góp vào quỹ trợ cấp này. 
Đề án có trả lương khi ốm cũng bao gồm khoản thanh toán lên đến £2,000 trong trường hợp tài xế không thể lái xe trong vòng hai tuần hoặc hơn vì lý do bệnh tật, chấn thương.
Được biết, chiến lược này được đưa ra sau khi mối quan tâm về quyền lợi của các nhân viên Uber và Deliveroo trong nền kinh tế được gọi là GIG (gig economy - là một môi trường trong đó các công việc tạm thời là phổ biến, doanh nghiệp sẽ thỏa thuận với những người lao động tự do bằng một sự cam kết ngắn hạn giữa đôi bên) ngày càng được nâng cao. 
Một phát ngôn viên của hãng Uber cho hay: "Hành vi này không được lan rộng cũng như không được cho phép trên ứng dụng Uber. Chúng tôi sẽ có các biện pháp đảm bảo an toàn kỹ thuật nhằm ngăn chặn điều đó xảy ra".

 

VietHome (Theo Evening Standard)